ASEAN thảo luận về Băng tần cho thông tin di động 5G và IoT

30/07/2018

(rfd.gov.vn)- Đó là một trong những nội dung chính được bàn luận tại Phiên họp thường niên lần thứ 8 của Nhóm công tác về tần số của ASEAN (SSM) tổ chức ngày 26/6/2018, tại thành phố Kuala Lumpur, Malaysia. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục làm Chủ tịch và điều hành cuộc họp của SSM.

Hội nghị SSM-8 đã thảo luận và thông qua những kết luận nhằm hướng dẫn triển khai và thúc đẩy sử dụng hài hòa tần số vô tuyến điện trong khu vực ASEAN.

  Băng tần cho thông tin di động 5G và IoT

Công nghệ và dịch vụ di động 5G, IoT là một trong số những chủ  đề tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt tại Hội nghị SSM-8. Theo đó, các quốc gia thành viên trong khối ASEAN đã chia sẻ quan điểm về sử dụng băng tần cao (sóng mm hay mmWave, băng tần trên 24 GHz đến 86 GHz) cho hệ thống thông tin di động IMT-2020 (5G), chia sẻ các kết quả thử nghiệm công nghệ và dịch vụ di động 5G trong thời gian qua (nhóm dịch vụ di động băng rộng nâng cao, kết nối độ trễ cực thấp),…

Đối với băng tần cho kết nối Internet vạn vật (IoT), Hội nghị SSM-8 tập trung thảo luận về phương án sử dụng băng tần miễn cấp phép ở dải 920 MHz (đây là băng tần nằm trong đoạn phân cách giữa băng tần phát và băng tần thu của hệ thống thông tin di động GSM/IMT 900 MHz, như minh họa tại Hình 1) cho công nghệ kết nối IoT vùng phủ rộng (sau đây gọi tắt là thiết bị IoT). Thiết bị IoT sử dụng băng tần miễn cấp phép phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện về tần số hoạt động, giới hạn công suất phát tối đa và các điều kiện kỹ thuật, khai thác khác. Hiện nay, một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đang nghiên cứu và xem xét khả năng tăng công suất tối đa cho phép của thiết bị IoT cũng như khoảng cách băng tần bảo vệ cần thiết (GB) thông qua thực hiện đo kiểm, đánh giá can nhiễu có hại với các hệ thống thông tin di động GSM/IMT sử dụng băng tần lân cận (880-915 MHz, 925-960 MHz).

Hình 1. Minh họa việc phân bổ băng tần miễn cấp phép cho ứng dụng IoT và khả năng gây can nhiễu đến hệ thống thông tin di động GSM/IMT 900 MHz

Hội nghị SSM-8 khuyến khích các quốc gia thành viên, trong kỳ họp tới, tích cực chia sẻ kết quả nghiên cứu đo kiểm, đánh giá can nhiễu nêu trên để thảo luận phương án sử dụng tối ưu cho loại hình kết nối IoT dùng băng tần miễn cấp phép dải tần 920 MHz.

Số hóa truyền hình tương tự mặt đất và giải phóng băng tần 700 MHz để sử dụng cho thông tin di động băng rộng

Băng tần 700 MHz là một trong những băng tần có nhiều lợi thế để phục vụ cho phát triển dịch vụ thông tin di động băng rộng IMT, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng núi, góp phần thu hẹp khoảng cách thông tin số cho những khu vực này. Từ năm 2013, Hội nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ASEAN (TELMIN) đã thông qua tuyên bố chung về thúc đẩy số hóa truyền hình tương tự mặt đất và giải phóng băng tần 700 MHz dành cho phát triển dịch vụ thông tin di động băng rộng IMT. Đến nay, về cơ bản các quốc gia trong khu vực ASEAN đã và đang đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình tương tự; chậm nhất vào năm 2020 sẽ hoàn thành để tiến tới triển khai dịch vụ thông tin di động băng rộng IMT sử dụng băng tần 700 MHz. Riêng tại một số quốc gia như Campuchia, Phillipine, quá trình số hóa có thể kéo dài đến năm 2023.

Đối với quy hoạch băng tần 700 MHz cho thông tin di động băng rộng, các quốc gia ASEAN đã đạt được đồng thuận về việc áp dụng phương án quy hoạch APT700 FDD 2x45 MHz do Hiệp hội thông tin vô tuyến châu Á-Thái Bình Dương APT/AWG phát triển. Hiện nay, một số quốc gia đang nghiên cứu xây dựng quy hoạch băng tần chi tiết cho băng tần này.

Hội nghị SSM-8 cũng thảo luận phương án sử dụng phần băng tần trong băng tần bảo vệ, băng tần phân cách thu-phát của quy hoạch APT700 để dùng cho dịch vụ thông tin phục vụ an ninh công cộng và giảm nhẹ thiên tai (PPDR) hay phương án triển khai công nghệ PS-LTE trên băng tần 700 MHz,…

Hình 2. Quy hoạch băng tần 700 MHz theo phương án APT700 (2x45 MHz)

Quy hoạch lại (Re-farming) băng tần 900/1800/2100 MHz nhằm cho phép triển khai công nghệ vô tuyến mới 4G LTE, LTE-Advanced song song với công nghệ vô tuyến hiện có

Các băng tần 900/1800/2100 MHz trước đây được quy hoạch và sử dụng cho các công nghệ 2G, 3G. Tuy nhiên, xu hướng sử dụng hiện nay là tiến tới triển khai thêm công nghệ di động băng rộng 4G LTE. Ngoài ra, tại một số quốc gia ASEAN như Indonesia, các doanh nghiệp di động được cấp phép các đoạn băng tần không liên tục, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai công nghệ di động mới như 4G. Do vậy, yêu cầu tái cấu trúc băng tần 900/1800/2100 MHz được đặt ra, để bảo đảm doanh nghiệp có những đoạn băng tần liên tục với băng thông rộng cần thiết cho phép triển khai loại hình dịch vụ viễn thông theo công nghệ mới.

Hình 3. Quy hoạch băng tần 2100 MHz trước và sau quy hoạch lại tại Indonesia

Bên cạnh đó, Hội nghị SSM-8 cũng ghi nhận báo cáo từ một số quốc gia thành viên như Singapore, Thái Lan về việc nghiên cứu cho phép triển khai dịch vụ kết nối IoT vùng phủ rộng (như công nghệ EC-GSM, NB-IoT,…) trên các băng tần quy hoạch cho thông tin di động. Hội nghị đã thảo luận và nhận định đây là một trong những xu hướng mà nhóm công tác SSM cần lưu ý, tập trung thảo luận trong những phiên họp tiếp theo của Nhóm.

Giải phóng băng tần 1427-1518 MHz để sử dụng cho thông tin di động băng rộng IMT

Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới năm 2015 (WRC-15) đã thông qua nhiều băng tần dành cho hệ thống thông tin di động băng rộng IMT. Trong đó đáng chú ý là sự thống nhất xác định băng tần 1427-1518 MHz (hay còn gọi là băng tần L) để sử dụng cho thông tin di động băng rộng IMT tại cả ba khu vực 1/2/3 theo phân chia của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU-R. Hiện nay, các quốc gia trong khu vực ASEAN đã chính thức nội luật hóa quyết định nêu trên của Hội nghị WRC-15 và đang triển khai nghiên cứu xây dựng lộ trình giải phóng băng tần cũng như xây dựng quy hoạch băng tần chi tiết.

Tại Hội nghị SSM-8 đã thảo luận và thống nhất quan điểm thúc đẩy hợp tác nhằm tiến tới sử dụng hài hòa băng tần 1427-1518 MHz, hạn chế những tình huống can nhiễu tại khu vực vùng biên trong trường hợp các quốc gia có cùng đường biên áp dụng phương án quy hoạch khác nhau. Đồng thời khuyến khích các nước ASEAN phối hợp xây dựng các đóng góp chung gửi lên các Hội nghị vô tuyến ITU-R WP5D và APT/AWG nhằm hướng tới việc hài hòa sử dụng băng tần này.

Hình 4. Minh họa khả năng gây can nhiễu có hại giữa các hệ thống thông tin di động sử dụng băng tần L khi áp dụng các phương án quy hoạch băng tần khác nhau

Hội nghị SSM-8 cũng thông qua đề xuất dự án hợp tác của Việt Nam về xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và phương thức quản lý nhằm thúc đẩy sử dụng hiệu quả băng tần 1427-1518 MHz cho di động băng rộng IMT trong khu vực ASEAN.

Nhiệm vụ trọng tâm của Nhóm công tác trong năm tiếp theo

Hội nghị SSM-8 cũng thảo luận và xác định những chủ đề ưu tiên cho cuộc họp của Nhóm trong năm 2019 sẽ tập trung vào các nhóm chương trình nghị sự (Agenda Item) quan trọng của Hội nghị vô tuyến của khu vực châu Á-Thái Bình Dương chuẩn bị cho WRC-19 (APG-5) và Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-19 năm 2019; cũng như tiếp tục triển khai kết quả đạt được từ Hội nghị SSM-8 năm 2018.

Hội nghị SSM-8 kết thúc với những kết quả đạt được tích cực đã trực tiếp góp phần thúc đẩy sử dụng hiệu quả và hài hòa sử dụng phổ tần số vô tuyến điện trong khu vực ASEAN. Đồng thời cũng thể hiện sự đóng góp quan trọng của Việt Nam trong thời gian qua với vai trò Chủ tịch Nhóm công tác tần số SSM.

 

CSQH