Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 4/2019 của Bộ TT&TT, nhiều thông tin quan trọng đã được chia sẻ về công tác chuyển mạng giữ số và việc triển khai thử nghiệm mạng 5G.
Xử phạt nặng doanh nghiệp cố tình giữ chân thuê bao chuyển mạng
Trong tháng 4/2019, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã tiếp nhận 2.458 khiếu nại của người dùng về các vướng mắc trong quá trình triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Trong đó, có 2.301 khiếu nại được phản ánh qua đường dây nóng 1800.6099, 77 khiếu nại qua hệ thống thư công vụ và 80 khiếu nại qua email.
Cục Viễn thông đã phối hợp với các doanh nghiệp di động giải quyết 891 khiếu nại trong số này và đang tiếp tục đốc thúc các nhà mạng nhằm tháo gỡ đối với các trường hợp còn lại.
Số liệu mới nhất của Cục Viễn thông cho thấy, trong tháng 4/2019, hiện tượng nhà mạng cố tình giữ chân người dùng chuyển mạng giữ số đã giảm hẳn so với tháng 3. Tỷ lệ chuyển đi thành công của thuê bao MobiFone trong tháng 4 là 69.6%, của VinaPhone là 63.4%, của Viettel là 83,3% và của Vietnamobile là 48.4%.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ TT&TT, hiện mới chỉ có 2 nhà mạng là Viettel (87.7%) và VinaPhone (71.6%) đạt chỉ tiêu đề ra. Hai nhà mạng còn lại là MobiFone (61.8%) và Vietnamobile (51.8%) vẫn chưa đạt được tỷ lệ chuyển mạng thành công tối thiểu 70% theo yêu cầu của Bộ. Tỷ lệ này được tính kể từ khi các doanh nghiệp bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên tắc làm việc của cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp là bao giờ cũng khoan dung. Nhưng sau đó, nếu doanh nghiệp vẫn không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, phải xử phạt thật nặng.
"Bằng nhiều cách khác nhau, phải có biện pháp thắt chặt và xử lý mạnh tay hơn nữa các nhà mạng có dấu hiệu giữ chân người dùng chuyển mạng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Lần đầu thử nghiệm cuộc gọi bằng sóng 5G
Trong tuần này, Viettel sẽ là nhà mạng đầu tiên của Việt Nam tổ chức thử nghiệm việc gọi thoại thông qua sóng 5G. Trước đó, theo chia sẻ với Pv. VietNamNet, đại diện nhà mạng này cho biết, Viettel đã hoàn thành việc tích hợp hạ tầng và phát sóng thử nghiệm 5G thành công trên mọi băng tần được cấp phép.
Viettel muốn sử dụng băng tần C (4GHz - 8GHz) để thử nghiệm 5G tại Hà Nội. Tuy nhiên theo đại diện Cục Tần số VTĐ (Bộ TT&TT), điều này đang gặp phải những vướng mắc nhất định do việc bị trùng về tần số. Cục sẽ làm việc với Viettel và đại diện các bên có liên quan để giải quyết dứt điểm tình trạng này, đại diện Cục Tần số VTĐ cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Tần số VTĐ phải tìm biện pháp xử lý các vướng mắc trong việc cấp tần số 5G, có thể theo cách ban bố trước rồi vừa làm vừa điều chỉnh. Mục tiêu là đẩy nhanh tốc độ triển khai thử nghiệm 5G nhằm sớm triển khai thương mại hoá dịch vụ này tại Việt Nam vào năm 2020.
Trước đó, hồi cuối tháng 4, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép cho MobiFone để triển khai thí điểm mạng và dịch vụ mạng viễn thông 5G, với vùng thử được cấp phép tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM.
Như vậy, người dân Đà Nẵng và Hải Phòng sẽ được dùng thử 5G của MobiFone, trong khi đó người dân Hà Nội và TP.HCM sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn với mạng 5G do cả MobiFone và Viettel cung cấp. Dịch vụ 5G thử nghiệm của cả Viettel và MobiFone đều sẽ được triển khai hoàn toàn miễn phí.