Tại Hoa Kỳ, một Bản ghi nhớ của Tổng thống gần đây kêu gọi một chiến lược quốc gia toàn diện để quản lý tài nguyên phổ tần và tuyên bố rằng: “…quyền truy cập phổ tần là một thành phần quan trọng của khả năng công nghệ cho phép phục vụ hoạt động kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia. Thông tin vô tuyến và các ứng dụng dữ liệu liên quan thiết lập một nền tảng cho những việc làm với mức tiền công cao và sự thịnh vượng quốc gia. Trong khi ngành công nghiệp Mỹ tiếp tục khai thác giá trị ngày càng lớn hơn từ phổ tần, mỗi bước tiến về công nghệ cũng làm tăng nhu cầu sử dụng phổ tần”.
Gần đây, Hoa Kỳ đã thúc đẩy một số hoạt động pháp lý, như: Hoàn thiện các thay đổi quy tắc Dịch vụ vô tuyến băng rộng dân dụng (CBRS – Citizen’s Broadband Radio Service); giải phóng các băng tần 3,7 – 4,2 GHz và 6 GHz; đấu giá băng tần 28 GHz và đấu giá theo kế hoạch hoặc dự kiến đấu giá các băng tần 24 GHz, 37 GHz, 39 GHz và 47 GHz. Các hoạt động này rõ ràng sẽ nâng cao vị trí phổ tần 5G của Hoa Kỳ bằng cách cung cấp các nguồn tài nguyên phổ tần được cấp phép, miễn cấp phép và dùng chung lớn hơn cho 5G. Các quy định cho các băng tần tiềm năng khác bao gồm băng 26 GHz, 32 GHz, 42 GHz, 45 GHz và 50 GHz cũng cần thiết để duy trì động lực sau khi đấu giá phổ tần và đảm bảo rằng tính sẵn có của phổ tần sẽ theo kịp nhu cầu lớn hơn về khả năng lưu lượng khi các dịch vụ và các ứng dụng tiên tiến 5G được triển khai.
Tại những quốc gia khác ở Châu Mỹ, các cơ quan quản lý cũng đang trong quá trình chuẩn bị phổ tần cho các dịch vụ 5G. Ví dụ, ở Ca-na-đa, công nghệ 5G dự kiến sẽ được triển khai ban đầu trong băng tần 600 MHz. Và ngày 04/4/2019 vừa qua, chính phủ Ca-na-đa đã thông báo kết quả đấu giá trong băng tần 600 MHz với 149 giấy phép cho 07 nhà khai thác, tổng số tiền thu được là 3,47 tỷ Đô la Ca-na-đa. Các cuộc tham vấn công khai gần đây ở Ca-na-đa cũng đã xác định được các băng tần tiềm năng cho 5G, đó là: 3,45-3,65 GHz; 3,65-4,2 GHz; 26,5-28,35 GHz; 37-40 GHz và 64-71 GHz. Các cuộc đấu giá và tham vấn công khai cho 5G cũng đang được tiến hành và / hoặc lên kế hoạch ở một số nước Mỹ Latinh, bao gồm: Argentina, Brazil, Colombia, Mexico và Peru.
Phổ tần dành cho 5G ở một số quốc gia trên thế giới
1. Hoa Kỳ:
Hoa Kỳ đã thúc đẩy mạnh mẽ đối với việc phân chia phổ tần cho các dịch vụ băng rộng 5G, bao gồm cả phổ tần dưới 24 GHz và trên 24 GHz. Ban đầu chỉ tập trung vào phổ tần trên 24 GHz nhưng kể từ năm 2017, Ủy ban Thông tin liên bang (FCC) đã tăng cường nỗ lực xác định phổ tần trong băng tần giữa phù hợp cho các ứng dụng 5G.
1.1. Phổ tần dưới 24 GHz
Ngày 03/8/2017, FCC đã phát hành Thông báo điều tra (NOI-Notice of Inquiry) để tìm kiếm đầu vào về các cơ hội tiềm năng để truy cập linh hoạt cho các dịch vụ băng rộng vô tuyến, trong các dải tần từ 3,7 - 24 GHz (phổ tần giữa). Cụ thể, Ủy ban đã tìm kiếm tham vấn công khai về việc mở rộng quyền truy cập trong ba dải tần giữa, cụ thể là các băng tần: 3,70-4,20 GHz để sử dụng cho di động và 5,925-6,425 GHz và 6,425-7,125 GHz để sử dụng linh hoạt cho cả di động và cố định đồng thời cũng tham vấn liệu có các băng tần nào khác phù hợp để sử dụng thương mại trong khoảng từ 3,7 GHz - 24 GHz hay không?
Ngày 13/7/2018, FCC đã ban hành Thông báo đề xuất băng tần 3,7- 4,2 GHz để phân chia bổ sung cho di động và xin ý kiến về các đề xuất khác trong việc sử dụng linh hoạt băng tần này, bao gồm cả việc chuyển đổi tất cả hoặc một phần của băng tần thông qua cơ chế thị trường, cơ chế đấu giá hoặc các cơ chế thay thế khác. Thông báo đề xuất băng tần 3,7-4,2 GHz cũng yêu cầu: Người nắm giữ băng tần này trong tương lai phải có biện pháp bảo vệ thích hợp cho các nhà khai thác vệ tinh hiện tại, có khả năng cho phép sử dụng điểm-đa điểm trên cơ sở chia sẻ trong một phần của băng tần và những quy tắc dịch vụ và kỹ thuật nào cần được thay đổi hoặc thông qua nếu Ủy ban quyết định mở rộng sử dụng linh hoạt hoặc cho phép sử dụng điểm - đa điểm trong băng tần.
Cơ quan Quản lý Thông tin và Truyền thông liên bang (NTIA) thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định phổ tần 100 MHz trong băng tần 3,45-3,55 GHz dùng để nghiên cứu như là phổ tần tiềm năng cho vô tuyến băng rộng.
Ngày 23/3/ 2018, FCC đã ban hành Thông báo thứ sáu về băng tần 4,9 GHz (4,94-4,99 GHz). Phổ tần 50 MHz này đã được phân chia cho mục đích an toàn công cộng vào năm 2002 và đã được sử dụng ít. Trong thông báo này, FCC đã tìm kiếm ý kiến về các lựa chọn thay thế để kích thích sử dụng mở rộng và đầu tư vào băng tần 4,9 GHz. Mục tiêu của FCC là để đảm bảo rằng an toàn công cộng tiếp tục được ưu tiên trong băng tần này trong khi có thể dùng băng tần này cho các mục đích sử dụng bổ sung, bao gồm cả việc sử dụng cho di động.
Ngày 24/10/2018, FCC đã phát hành Thông báo đề xuất băng tần 6 GHz, trong đó đề xuất cung cấp phổ tần từ 5,925-6,425 GHz và 6,525-6,875 GHz sử dụng không cần giấy phép.
1.2. Phổ tần trên 24 GHz
Đã có những tiến bộ đáng kể ở Hoa Kỳ đối với việc cung cấp phổ tần trên 24 GHz cho 5G. Các băng tần này theo truyền thống đã được sử dụng cho các dịch vụ cố định và vệ tinh.
FCC đã thúc đẩy quá trình này từ năm 2014 thông qua nhiều thông báo, đề xuất, do đó nhiều băng tần bao gồm: 24 GHz (24,25-24,45/24,75-25,25 GHz), 37 GHz (37,6-38,6 GHz), 39 GHz (38,6-40 GHz) và 47 GHz (47,2-48,2 GHz) đã được chỉ định cho Dịch vụ sử dụng linh hoạt vi ba băng tần cao (UMFUS: Upper Microwave Flexible Use Service) và băng tần 64-71 GHz sử dụng không cần giấy phép.
Hiện tại, Hoa Kỳ đã hoàn thành 02 phiên đấu giá cho băng tần 24 GHz (24.25-24.45 GHz/24.75-25.25 GHz), thu về 02 tỷ Đô la Mỹ và băng tần 28 GHz (27,5-28,35 GHz), thu về khoảng 700 triệu Đô la Mỹ và dự kiến sẽ tổ chức các phiên đấu giá cho các băng tần 37/39/47 GHz vào tháng 12/2019 – Đây sẽ được xem như là cuộc đấu giá phổ tần lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
FCC cũng đã đề xuất một số băng tần bao gồm 26 GHz (25,25-27,5 GHz), 32 GHz (31,8-33,4 GHz), 42 GHz (42-42,5 GHz), 50 GHz (50,4-51,4 GHz) cho dịch vụ sử dụng linh hoạt và băng tần 70 GHz (71-76 GHz) và 80 GHz (81-86 GHz) cho các dịch vụ cố định. Bên cạnh đó, băng tần trên 95 GHz cũng được đề xuất cho các công nghệ và dịch vụ cải tiến mới.
2. Ca-na-đa:
Ca-na-đa cũng đã tích cực trong việc xác định và chỉ định phổ tần mới cho các dịch vụ băng rộng 5G. Vào tháng 6/2018, Bộ Đổi mới, Khoa học và Phát triển Kinh tế Canada (ISED) đã phát hành một tài liệu có tên Triển vọng phổ tần năm 2018 đến năm 2022, trong đó phác thảo kế hoạch cung cấp thêm tài nguyên phổ tần để hỗ trợ các dịch vụ di động thương mại, bao gồm cả dịch vụ 5G trong một số băng tần đến năm 2022. Các băng tần ưu tiên hàng đầu được xác định trong tài liệu bao gồm các băng tần 600 MHz, 3500 MHz, 26 GHz, 28 GHz, 37-40 GHz và 64-71 GHz.
2.1 Phổ tần dưới 24 GHz
Vào tháng 3/2018, ISED đã phát hành SLPB-003-18, Khung kỹ thuật, chính sách và cấp phép cho phổ tần trong băng tần 600 MHz, trong đó đưa ra quyết định của mình cho bản tham vấn vào tháng 8/2017 đối với dải tần số 614-698 MHz. Tổng cộng, 70 MHz phổ tần đã được cung cấp để sử dụng linh hoạt, trong đó 30 MHz được dành cho những người mới tham gia. Mặc dù, ban đầu không được xác định là băng tần 5G trong quá trình tham vấn, nhưng rất có khả năng 5G sẽ được triển khai với sự sẵn có của thiết bị 5G và các thiết bị đầu cuối trong băng tần này. Đến nay, cuộc đấu giá cho băng tần 600 MHz tại Ca-na-đa, bắt đầu từ ngày 12/3 và đã kết thúc vào ngày 4/4/2019, thu về cho chính phủ Ca-na-đa 2,3 tỷ Euro.
Cuộc tham vấn về các phiên bản cho băng tần 3,5 GHz cũng đã được phát hành vào tháng 6/2018 để phù hợp với việc sử dụng linh hoạt cho các dịch vụ 5G cố định và di động. Cuộc tham vấn đề xuất phân bổ lại phổ tần 25 MHz trong băng tần 3,45-3,475 GHz từ dịch vụ định vị sang dịch vụ di động. Cùng với quyết định năm 2014 phân bổ băng tần 3.475-3.650 GHz để sử dụng linh hoạt, đề xuất này sẽ cho phép phổ tần 200 MHz dành các dịch vụ 5G trên toàn bộ băng tần 3,45-3,65 GHz.
Cuộc tham vấn cũng đã tìm kiếm những ý kiến sơ bộ về những thay đổi tiềm năng đối với băng tần 3,40-3,45 GHz và băng tần 3,65-4,20 GHz (gọi là băng tần 3800 MHz) để hỗ trợ các công nghệ 5G. Cụ thể, ISED đã yêu cầu cho ý kiến về mối quan tâm tiềm năng trong việc chia sẻ phổ tần giữa dịch vụ định vị và các dịch vụ khác trong băng tần 3,40-3,45 GHz. Họ cũng yêu cầu cho ý kiến về cách tối ưu hóa việc sử dụng băng tần 3,80 GHz trong tương lai, do nhiều quốc gia trên thế giới đang thay đổi các quy tắc pháp lý của họ để tạo điều kiện cho việc sử dụng di động thương mại hoặc sử dụng linh hoạt trong băng tần này. Trong khi các quyết định của ISED về việc tham vấn vẫn đang chờ xử lý, họ đã tuyên bố rằng phiên đấu giá 3,5 GHz dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2020.
2.2. Phổ tần trên 24 GHz
Vào tháng 6/2017, ISED đã ban hành SLPB-001-17, Tham vấn về việc phát hành phổ tần sóng milimet để hỗ trợ 5G, tìm kiếm ý kiến về việc tạo ra phổ tần sóng milimet (mmW) để hỗ trợ triển khai 5G trong băng tần 28 GHz (27,50-28,35 GHz) và các dải tần số 37-40 GHz để sử dụng linh hoạt cho cố định và di động và dải tần 64-71 GHz để sử dụng miễn cấp phép. Sau đó, ISED đã phát hành một phụ lục cho SLPB-001-17 vào tháng 6/2018, bắt đầu một cuộc tham vấn về việc phát hành phổ tần mmW trong băng tần 26,5-27,5 GHz (băng tần 26 GHz) ngoài các băng tần được xác định trong bản Tham vấn phổ tần mmW ban đầu. Do các băng tần 26 GHz và 28 GHz liền kề nhau, điều này sẽ cung cấp tổng cộng 1,85 GHz phổ tần mmW liền kề có sẵn để hỗ trợ triển khai các hệ thống thông tin tiên tiến, như hệ thống thông tin vô tuyến 5G. ISED cũng đã tìm kiếm ý kiến về tầm quan trọng của việc hài hòa trong quy hoạch cho băng tần 26,5-28,35 GHz với Hoa Kỳ. Trong khi quyết định về tham vấn này chưa được đưa ra, cuộc đấu giá các băng tần 26,5-28,35 GHz và 37-40 GHz dự kiến diễn ra vào năm 2021.
3.Các nước khu vực Mỹ Latin
Tháng 7/2018, tổ chức 5G Americas công bố đánh giá toàn diện thường xuyên về phân bổ và sử dụng phổ tần ở khu vực Châu Mỹ Latin, trong đó tập trung vào phân tích tiến trình của khu vực trong cả phân bổ và cấp phép trong một loạt các băng tần thường được sử dụng trên toàn cầu cho các dịch vụ di động. Một bản tóm tắt đã được đưa vào phần phụ lục và được lấy trực tiếp từ báo cáo để xem xét việc phân bổ phổ tần khác nhau và hoạt động của các phiên đấu giá sắp tới trong khu vực. Điều này cung cấp một cái nhìn về việc phân bổ phổ tần dưới 3 GHz trong khu vực.
Tương tự như vậy, liên quan đến phổ tần giữa, khu vực Mỹ Latinh đã xác định công việc quan trọng trước mắt để mở đường cho việc sử dụng đầy đủ nhất các công nghệ 5G. Trong số các nền kinh tế lớn trong khu vực, Chile có một phần của phổ tần 3,5 GHz được ấn định cho các dịch vụ vô tuyến cố định và đang trong quá trình xác định các điều kiện để bán đấu giá phổ tần trong băng tần này cho các dịch vụ 5G trong tương lai. Colombia đã phân chia nghiệp vụ chính cho di động ở băng tần 3,5-4,2 GHz, trong khi đó Argentina đã phân chia nghiệp vụ phụ cho di động ở băng tần 3,3-3,4 GHz. Brazil đang xem xét trong thời hạn gần xác định và phân chia phổ tần 3,5 GHz và 28 GHz cho băng rộng di động. Costa Rica đã kết hợp với Colombia, Canada và Hoa Kỳ tại WRC-15 để xác định phổ tần giữa của băng 3,6 -3,7 GHz cho băng rộng di động.
Cho đến nay, ngoài Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica và Mexico, không có quốc gia Mỹ Latin nào khác khởi xướng kế hoạch sử dụng các dải tần số từ 25 -86 GHz cho các dịch vụ di động. Brazil đang xem xét đấu giá phổ tần 26 GHz vào năm 2020 và cho phép sử dụng miễn giấy phép ở băng tần 60 GHz mở rộng (54 - 71 GHz). Liên quan đến Chương trình nghị sự WRC-19 về 5G (IMT 2020), Mexico đang ủng hộ dải tần 24,65 - 27 GHz cho băng rộng di động. Colombia và Uruguay đã tham gia Đề xuất dự thảo các nước Bắc-Nam Mỹ của Brazil để xác định băng tần 26 GHz cho băng rộng di động tại WRC. Brazil cũng đã đề xuất xác định băng tần 39 GHz (37 - 43 GHz) cho băng rộng di động như Mexico. Ngoài ra, Mexico ủng hộ việc xác định các băng tần 42 - 43,5 GHz, 47,2 - 48,2 GHz và băng tần 50,4-52,6 GHz cho băng rộng di động trong khu vực tại WRC.
4. Liên minh Châu Âu:
Nhóm chính sách phổ tần vô tuyến (The Radio Spectrum Policy Group - RSPG) là nhóm tư vấn cấp cao giúp cho Ủy ban Liên minh Châu Âu (EU) trong việc phát triển chính sách phổ tần. RSPG đã đưa ra một đề xuất về các dải phổ tần cho các hệ thống thông tin vô tuyến thế hệ tiếp theo (5G) như đã thỏa thuận trong Chương trình làm việc RSPG vào năm 2016. Đề xuất đã được hoàn thiện vào tháng 11/2016 và xác định một lộ trình chiến lược cho 5G ở châu Âu. Cụ thể, lộ trình đã xác định các khối phổ tần chính cho 5G như sau:
+ Phổ tần giữa ở băng tần 3,4-3,8 GHz là băng tần chính, sẽ cung cấp dung lượng cho các dịch vụ 5G mới
+ Phổ tần với băng thông cao trong băng tần 24,25-27,50 GHz là băng tần sóng milimet tiên phong để cung cấp dung lượng cực cao cho các dịch vụ mới tiên tiến, cho phép các mô hình kinh doanh và lĩnh vực kinh tế mới được hưởng lợi từ 5G.
+ Hội nghị các nhà quản lý viễn thông của EU (The EU’s Conference of telecom regulators - CEPT) cũng đề xuất băng tần 40,5-43,5 GHz cho băng rộng di động. Đây là một băng tần ưu tiên đối với CEPT và đã được xác định cho sự hài hòa trong tương lai ở châu Âu. Theo dự thảo chuẩn bị cho WRC-19, CEPT cho rằng băng tần 40,5-43,5 GHz có tiềm năng tốt cho sự hài hòa trong tương lai ở châu Âu.
4.1. Pháp
Theo lộ trình 5G của Pháp, cơ quan quản lý viễn thông (ARCEP) đã cho phép thử nghiệm trong băng tần 3,4-3,8 GHz, tại một số thành phố của Pháp, trong suốt năm 2018. Lộ trình này sẽ cho phép quy hoạch hơn 300 MHz phổ tần liền kề vào năm 2020 và lên kế hoạch để mở rộng lên tới 340 MHz vào năm 2026. Vào tháng 5/2018, ARCEP đã phát hành một tham vấn công khai về băng tần 26 GHz và cũng đang xem xét phổ tần 1,5 GHz (một phần của băng L) cho 5G.
4.2 Đức
Cơ quan quản lý mạng liên bang Đức (Germany’s federal network regulator Bundesnetzagentur - BNetzA) đã hoàn thành việc đấu giá cho phổ tần di động băng tần 2 GHz và 3,6 GHz vào tháng 4/2019, thu về cho Chính phủ tổng cộng 6,6 tỷ Euro (tương đương 7,4 tỷ Đô la Mỹ) cho 420 MHz của phổ tần 5G. Băng tần 3,7-3,8 GHz cũng được lên kế hoạch đấu giá trong năm 2019 tùy thuộc vào nhu cầu về giấy phép địa phương/khu vực. BNetzA cũng đã công bố kế hoạch để triển khai thủ tục đăng ký đấu giá vào năm 2019 cho các băng tần 26 GHz (24,25 - 27,5 GHz) cho 5G.
4.3 Ai-len
Ai-len đã hoàn thành phiên đấu giá 5G vào năm 2017 cho phổ tần 3,6 GHz, bao gồm 350 MHz, trong đó 25MHz trong băng tần 3,410-3,435 GHz và 325 MHz trong băng tần 3.475-3.8 GHz với tổng số tiền thu được là 78 triệu Euro.
4.4 Vương quốc Anh
Cơ quan quản lý truyền thông Anh (Ofcom) đang đóng vai trò hàng đầu quốc tế trong việc xác định các phổ tần cho 5G và đã bán đấu giá 150 MHz phổ trong băng tần 3,4-3,6 GHz cũng như phổ tần trong băng tần 2,3 GHz. Ofcom đã bắt đầu quá trình chuẩn bị cho các cuộc đấu giá trong băng tần 3,6 - 3,8 GHz.
Trong dải sóng milimet, Ofcom cho biết hoàn toàn ủng hộ việc xác định băng tần 26 GHz của Nhóm Chính sách phổ tần vô tuyến của EU và đã bắt đầu nỗ lực quyết định những hoạt động cần thiết để cung cấp phổ tần này cho 5G.
5. Trung Quốc
Vào tháng 7/2017, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (China’s Ministry of Industry and Information Technology - MIIT) đã phê duyệt các băng tần 4,8-5.0 GHz, 24,75-27,5 GHz và 37-42,5 GHz cho thử nghiệm nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G của Trung Quốc. Trước đó vào tháng 1/2016, MIIT đã phê duyệt băng tần 3,4-3,6 GHz cho các cuộc thử nghiệm 5G ở cả Bắc Kinh và Thâm Quyến. Các thử nghiệm này nhằm xác minh các khía cạnh khác nhau của các công nghệ 5G và cung cấp nền tảng để tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái 5G. Vào tháng 6/2017, Cơ quan Quản lý vô tuyến thuộc MIIT đã mở rộng băng tần lên 3,3-3,6 GHz, trong đó băng tần 3,3-3,4 GHz được giới hạn cho việc sử dụng trong nhà và đưa ra một cuộc tham vấn cộng đồng để tìm kiếm ý kiến về việc sử dụng phổ tần cho 5G. Vào tháng 3/2018, một quan chức MIIT tuyên bố với báo chí địa phương rằng Chính phủ dự kiến sẽ cấp giấy phép 5G thương mại vào nửa cuối năm 2019.
Tháng 12/2018, MIIT đã cho phép China Unicom sử dụng băng tần 3,5-3,6 GHz để triển khai thử nghiệm 5G trên toàn quốc cho đến tháng 6/2020. Đổi lại việc sử dụng phổ tần này, China Unicom sẽ bỏ trống phổ tần trong băng tần 2.555-2.575 GHz mà họ đã sử dụng cho các thử nghiệm 5G. China Telecom sẽ được cung cấp phổ tần 3,4-3,5 GHz cho các thử nghiệm 5G ở Trung Quốc đại lục. Để đổi lấy việc sử dụng phổ tần này, China Telecom sẽ bỏ trống phổ tần trong băng tần 2.635-2.655 GHz mà họ đang sử dụng cho các thử nghiệm 5G. China Mobile, nhà khai thác lớn nhất của Trung Quốc, đã được chấp thuận sử dụng phổ tần trong băng tần 2.515-2.675 GHz và băng tần 4,8-4,9 GHz cho các thử nghiệm 5G trên toàn quốc. Phổ tần 2,5 GHz bao gồm các tần số được phân bổ lại từ phổ tần TD-LTE hiện có của China Mobile.
6. Nhật Bản
Nhật Bản hy vọng sẽ thương mại hóa dịch vụ 5G kịp cho Thế vận hội 2020. Các băng tần hiện được ưu tiên ở Nhật Bản cho 5G trong các dải sóng milimet là 24,25-29,5 GHz, 37,0-40 GHz và 40,5-43,5 GHz, trong đó băng tần 27,5-29,5 GHz nhận được sự quan tâm nhất. Các nhà khai thác hàng đầu Nhật Bản đã thử nghiệm 5G; đặc biệt ở các băng tần 28 GHz và 39 GHz. Ở phổ tần giữa, Nhật Bản hiện đang xem xét băng tần 3,6-4,2 GHz và 4,4-4,9 GHz cho 5G. Nhật Bản đã phân bổ phổ tần trong băng tần 3,5 GHz.
7. Hàn Quốc
Ngày 18/6/2018, Hàn Quốc đã hoàn thành phiên đấu giá phổ tần 5G với băng thông 280 MHz trong phổ tần 3,5 GHz và băng thông 2400 MHz trong phổ tần 28 GHz, 3 nhà khai thác đã dành được phổ tần này. Vào ngày 01/12/2018, cả ba nhà mạng quốc gia đã ra mắt dịch vụ 5G tại Hàn Quốc (SK Telecom, Korea Telecom (KT) và LG U Plus). Một kế hoạch băng rộng quốc gia đã được công bố vào đầu năm 2017 và cho thấy khả năng mở rộng băng tần 28 GHz với băng thông tổng cộng lên tới 3 GHz (tức là từ 26,5-29,5 GHz).
8. Úc
Tháng 12/2018, Úc đã kết thúc phiên đấu giá phổ tần 3,6 GHz và việc thương mại hóa dịch vụ 5G tại Úc dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2019. Úc có kế hoạch cho phép sử dụng cả hai băng tần 3,6 GHz và 26 GHz cho 5G. Cơ quan quản lý Thông tin và Truyền thông Úc (The Australian Communications and Media Authority- ACMA) cũng đã đưa ra một trang thảo luận tìm kiếm ý kiến về việc có nên dành băng tần 3575-3700 MHz (ACMA cũng quan tâm đến việc thử nghiệm băng tần 3400-3700 MHz) cho các dịch vụ băng rộng di động hay không.
9. Đài Loan
5G có thể được dự kiến sẽ được thương mại hóa tại Đài Loan vào năm 2020. Vào tháng 5/2018, Cơ quan quản lý viễn thông Đài Loan (NCC) đã tiết lộ kế hoạch bán đấu giá giấy phép 5G không muộn hơn cuối năm 2019, mặc dù tần số cụ thể vẫn đang được thảo luận, với phổ tần giữa trong các băng tần 3,4-3,6 GHz do Chunghwa Telecom và quân đội Đài Loan nắm giữ.
NCC được cho là đang xem xét phổ tần băng thấp cho 5G, bao gồm băng tần 700 MHz và băng tần 800 MHz, trong khi băng tần 28 GHz cũng dự kiến sẽ được xem xét thêm.
10. Hồng Kông
Cơ quan quản lý truyền thông Hồng Kông (Hong Kong’s Communications Authority - CA) đã tuyên bố ý định bán đấu giá băng tần 3,5 GHz (3,4-3,6 GHz) vào năm 2020 để hỗ trợ công nghệ 5G, các nhà khai thác Hồng Kông đã yêu cầu cung cấp thêm phổ tần trong băng tần thấp và băng tần cao.
Tháng 8/2018, Cơ quan quản lý truyền thông Hồng Kông và Ủy ban Phát triển Kinh tế và Thương mại Hồng Kông (Hong Kong’s Commerce and Economic Development Bureau) đã khởi xướng một cuộc tham vấn chung về việc ấn định phổ tần phù hợp cho 5G trong các băng tần 3,3 GHz và 4,9 GHz với băng thông 100 MHz cho mỗi băng tần. Một nhà khai thác lớn của Hồng Kông đã được cấp giấy phép tạm thời vào tháng 5/2018 để thử nghiệm 5G trong băng tần 26-28 GHz.
Và tháng 3/2019, Cơ quan quản lý truyền thông Hồng Kông đã cấp phép 1200 MHz trong băng tần 26-28 GHz cho 3 nhà khai thác thông tin di động của Hồng Kông, bao gồm: China Mobile Hong Kong Company Limited (CMHK), Hong Kong Telecommunications (HKT) Limited (HKT) và SmarTone Mobile Communications Limited (SmarTone). Mỗi nhà khai thác sẽ nhận được 400 MHz băng thông để triển khai các dịch vụ 5G.
Tài liệu tham khảo:
http://www.5gamericas.org/files/4015/4958/3330/5G_Americas_5G_Spectrum_Vision_Whitepaper.pdf
https://5gobservatory.eu/canada-concluded-600-mhz-spectrum-auction-raising-2-30-billion-euros/
https://5gobservatory.eu/us-5g-auction-in-the-24-ghz-band/
https://www.fiercewireless.com/regulatory/germany-ends-5g-spectrum-auction-eu6-6-billion-revenue
https://www.info.gov.hk/gia/general/201903/27/P2019032700308.htm