Tiêu chuẩn WiGig cho mạng không dây tốc độ cao

11/05/2009

(rfd.gov.vn)- Một liên minh công nghiệp mới - WiGig (viết tắt của Wireless Gigabit Alliance) đã được thành lập nhằm thúc đẩy một tiêu chuẩn mới có tốc độc rất cao cho các kết nối không dây trong nhà.

          Wireless Gigabit Alliance được hình dung như một hệ thống không dây với các thiết bị có khả năng thích ứng, hiệu suất cao, làm việc cùng nhau nhằm kết nối mọi người trong thời đại kỹ thuật số. Chuẩn mới sẽ khai thác trên băng tần 60 GHz với tốc độ từ 1 Gbit/s đến 6 Gbit/s và đang nhận được sự ủng hộ từ các công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, bán dẫn, điện tử tiêu dùng, như: Dell, Intel, Microsoft, NEC, Nokia, Panasonic và Samsung,...

          Nhu cầu về việc chuyển dữ liệu không dây nhanh hơn xuất phát từ hai xu hướng lớn: một là sự gia tăng của các ứng dụng đa phương tiện, hai là người sử dụng phải đối mặt với sự hỗn loạn và tắc nghẽn ngày càng phức tạp của truyền dẫn bằng cáp.

 

                                                     

         

          Tiêu chuẩn Wi-Fi hiện đang có chiều hướng khó đáp ứng việc truyền dữ liệu với các tập tin có kích thước lớn trong các mạng văn phòng và gia đình. Do đó, WiGig được xem như một thế hệ tiếp theo của mạng không dây, có khả năng “đối phó” với các tập tin có kích thước lớn từ nhiều thiết bị tham gia mạng. Chuẩn WiGig sẽ được đề xuất tốc độ nhanh gấp 10 lần so với chuẩn Wi-Fi hiện có và ý tưởng là thực hiện việc đó ngay trong tầm hoạt động của thiết bị, cùng với phát triển một hệ thống thích ứng (interoperable ecosystem).

          Ông Mark Grodzinsky, Chủ tịch nhóm công tác tiếp thị thuộc Wireless Gigabit Alliance, phát biểu: “Những gì chúng tôi đang đề cập ở đây là khả năng tải về toàn bộ dữ liệu chứa trong một đĩa Blu-ray 25 GB với thời gian dưới một phút. Và điều đó không thể thực hiện được với Wi-Fi hoặc bất cứ tiêu chuẩn không dây nào hiện có”.

          Với một bộ chuyển đổi đặt tại nhà, người dùng có thể xem truyền hình qua cáp giao diện đa phương tiện chất lượng cao HDMI (High-Definition Multimedia Interface). “Đây là một trong những công nghệ mà gần như 100% sử dụng cáp, vì tốc độ cần thiết cho chuỗi dữ liệu video độ nét cực cao (HDTV-1080p) ít nhất phải là 3 Gbit/s, và hiện nay không có một công nghệ không dây nào có thể đáp ứng được”, Grodzinsky nói.

          WiGig hoạt động ở băng tần 60 GHz nên sẽ không có các đặc tính của WiFi như: khả năng xuyên qua tường, phạm vi phủ sóng rộng. Thay vào đó, hầu hết các trường hợp kết nối sẽ được giới hạn trong cùng một căn phòng. Điều này rất hữu ích vì giảm bớt can nhiễu và sự tranh chấp thiết bị; nhưng không thuận lợi cho việc thu nhận tín hiệu trong các phòng lớn hoặc phòng có nhiều vật cản.

          Craig Mathias, Giám đốc hãng nghiên cứu Farpoint Group, cho biết: “Các mạng không dây ngày nay có thể đáp ứng với tốc độ vài trăm Mb/s, nhưng những gì chúng ta đang muốn nói ở đây là tốc độ truyền dữ liệu lên đến hàng Gbit. Điều đó giải quyết được nhu cầu luôn tăng về lưu lượng thông tin”.

          WiGig tham gia cạnh tranh với các tiêu chuẩn không dây khác để hỗ trợ người dùng khỏi bị bó buộc bởi các thiết bị của họ. Hiện nay, trong hầu hết các gia đình hay văn phòng, Wi-Fi gần như là một tiêu chuẩn công nghệ quen thuộc cho truy cập mạng không dây. Tuy nhiên, tốc độ của Wi-Fi quá chậm trong việc xử lý các chuỗi dữ liệu video độ nét cực cao hoặc truyền hình ảnh từ camera vào máy tính xách tay.

          Trong khi đó, các tiêu chuẩn khác như HD không dây và Zigbee (là một tiêu chuẩn thông tin liên lạc cự ly ngắn, sử dụng tần số và các lớp dữ liệu theo hệ tiêu chuẩn IEEE 802.15.4 PHY, được một tổ chức có tên Liên minh ZigBee nghiên cứu, phát triển) đã xuất hiện để giải quyết những vấn đề này. Nhưng các tiêu chuẩn này không đủ để đáp ứng các ứng dụng đa phương tiện. Mặc dù chúng cũng đã hứa hẹn về một chuẩn kết nối tốc độ cao, nhưng chủ yếu được xem là phương tiện để chuyển tải dữ liệu video độ nét cao.

 

                                                 

         

           WiGig gần như là một chuẩn tương phản với những nỗ lực của IEEE (Institute of Electrical and Electronic Engineers - một tổ chức phi lợi nhuận) nhằm giới thiệu các tiêu chuẩn tiếp theo của 802.11g và 802.11n cho Wi-Fi. IEEE đã và đang làm việc với những đề xuất để giới thiệu các chuẩn 802.11ac và 802.11ad có lưu lượng rất cao. Tiêu chuẩn 802.11ad cũng sẽ được khai thác trên phổ tần  60 GHz, nhưng tiêu chuẩn này không hy vọng được đưa ra sử dụng trước năm 2012.

          “Cuối cùng, câu hỏi là liệu có bao nhiêu chuẩn vô tuyến khác nhau thật sự cần thiết? WiGig hiện không chỉ cạnh tranh với Wi-Fi và HD không dây, mà còn với các công nghệ di động 3G, WiMax hay LTE”, Mathias nói.

          Tuy nhiên, WiGig cũng có lợi thế từ việc sử dụng phổ tần không cần phải cấp phép 60 GHz; khả năng khai thác băng thông rất lớn của dải tần này cho phép truyền dữ liệu nhanh hơn. Do đó, các công ty tham gia liên minh nói trên cho rằng công việc của họ sẽ bổ sung vào kỹ thuật vô tuyến sóng ngắn băng tần 60 GHz, hiện đang được thực hiện bởi IEEE.

          Dự kiến tiêu chuẩn WiGig sẽ được thiết lập để phục vụ các công ty thành viên trong quý IV năm 2009.

          Tóm lược các tiêu chuẩn không dây và tốc độ tương ứng:

·        802.11g Wi-Fi: Tiêu chuẩn cơ bản và được sử dụng rộng rãi cho hầu hết các kết nối Wi-Fi với tốc độ 54 Mb/s;

·        802.11n Wi-Fi: Nhanh hơn chuẩn W-Fi với tốc độ truyền dữ liệu được đề xuất lên 300 Mb/s;

·        Chuẩn Bluetooth: Hầu hết được sử dụng rộng rãi cho kết nối giữa điện thoại di động và tai nghe, có tốc độ dữ liệu 3 Mb/s;

·        Chuẩn Bluetooth 3.0: Là “kế nghiệp” tốc độ cao của chuẩn Bluetooth, tốc độ truyền dữ liệu đạt khoảng 24 Mb/s;

·        Chuẩn USB không dây: Được đề xuất với tốc độ đạt 110 Mb/s trong phạm vi 10m và 480 Mb/s trong phạm vi 3m.

·        Chuẩn HD không dây: Cho mục đích chuyển tải dữ liệu video độ nét cao với tốc độ được đề xuất lên đến 4 Gb/s trong phạm vi 10m (tốc độ lý thuyết đạt 25 Gb/s);

·        Chuẩn WiGig: Một kiểu tiêu chuẩn mới với triển vọng tốc độ dữ liệu từ 1 Gb/s đến 6 Gb/s;

·        Zigbee: Chuẩn không dây công suất thấp (tiêu hao ít năng lượng) cho các ứng dụng đó có yêu cầu truyền dữ liệu thấp, nhưng thời gian đáp ứng nhanh hơn (như các ứng dụng điều khiển từ xa).

Đặng Phan (Theo TelecomTVWired)