Thiết bị gây nhiễu thông tin di động tế bào

01/07/2009

(rfd.gov.vn)- Ngày 02/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 60/2008/QĐ-TTg về việc quản lý, sử dụng thiết bị gây nhiễu thông tin di động (TTDĐ) tế bào (gọi tắt là thiết bị gây nhiễu); Trong đó nghiêm cấm các đối tượng sản xuất, kinh doanh và sử dụng thiết bị gây nhiễu, ngoại trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được sử dụng thiết bị gây nhiễu đúng mục đích phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã phát hiện một số trường hợp có dấu hiệu sử dụng hoặc kinh doanh trái phép thiết bị gây nhiễu viễn thông. Vậy thiết bị gây nhiễu là gì? Cơ chế hoạt động như thế nào? Các qui định về quản lý, sử dụng thiết bị gây nhiễu? Bài viết sẽ đề cập một số thông tin liên quan đến loại thiết bị này.

             Ngày 02/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 60/2008/QĐ-TTg về việc quản lý, sử dụng thiết bị gây nhiễu thông tin di động (TTDĐ) tế bào (gọi tắt là thiết bị gây nhiễu); Trong đó nghiêm cấm các đối tượng sản xuất, kinh doanh và sử dụng thiết bị gây nhiễu, ngoại trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được sử dụng thiết bị gây nhiễu đúng mục đích phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã phát hiện một số trường hợp có dấu hiệu sử dụng hoặc kinh doanh trái phép thiết bị gây nhiễu viễn thông. Vậy thiết bị gây nhiễu là gì? Cơ chế hoạt động như thế nào? Các qui định về quản lý, sử dụng thiết bị gây nhiễu? Bài viết sẽ đề cập một số thông tin liên quan đến loại thiết bị này.

 

1. THIẾT BỊ GÂY NHIỄU.

 

a. Cơ chế hoạt động.

 

Thiết bị gây nhiễu là thiết bị ngăn chặn tín hiệu liên lạc từ điện thoại di động (MS) đến trạm gốc (BTS) trong phạm vi xác định (Hình 1).

 

                                                

                                                               Hình 1: Minh họa cơ chế gây nhiễu

 

Thiết bị gây nhiễu phát tín hiệu nhiễu trên cùng một tần số với công suất đủ lớn, gây xung đột tín hiệu hoặc khử lẫn nhau; làm gián đoạn thông tin giữa MS và BTS. Điều này cũng được xem là một tiến trình tấn công từ chối dịch vụ (DOS). Thiết bị gây nhiễu từ chối dịch vụ phổ tần số vô tuyến điện (VTĐ) từ phía MS trong dải tần và phạm vi hoạt động của thiết bị gây nhiễu.

 

MS được thiết kế “thông minh” để bù công suất nếu bị can nhiễu ở mức độ thấp hoặc fading. Vì vậy, để đạt hiệu quả tối đa, thiết bị gây nhiễu phải nhận ra các biến động công suất từ MS và thay đổi công suất một cách phù hợp với biến động đó.

 

MS là thiết bị hoạt động song công, nghĩa là khai thác ở hai dải tần số khác nhau. Một tần số được sử dụng để truyền tải thông tin (Uplink: hướng lên), tần số còn lại được sử dụng để nhận được thông tin (Downlink: hướng xuống). Tín hiệu của một quá trình thông tin đầu tiên bắt nguồn từ MS, sau đó được gửi đến các BTS. Từ các BTS, thông tin được chuyển tiếp đến điện thoại bên nhận. Để làm gián đoạn thông tin, việc cần thực hiện của một thiết bị gây nhiễu là phát đúng vào các tần số làm việc của hệ thống TTDĐ. Thường thì thiết bị gây nhiễu được thiết kế chỉ tác động vào tần số phát của MS (tần số Uplink), dẫn đến MS rơi vào trạng thái mất dịch vụ.

 

Mặc dù, các hệ thống di động tế bào khác nhau có thể xử lý tín hiệu theo cách khác nhau, tuy nhiên trong thực tế về mặt kỹ thuật, hầu hết mọi hệ thống thông tin vô tuyến đều có thể bị tấn công và gây nhiễu. Thiết bị gây nhiễu có thể phát quảng bá ở mọi băng tần và có thể gây nhiễu cho các hệ thống CDMA, TDMA, GSM, PCS, DCS, AMPS,… thậm chí hiện nay còn xuất hiện thiết bị gây nhiễu cho mạng 3G.

 

b. Các thành phần cơ bản của thiết bị gây nhiễu.

 

            Các thành phần cơ bản của một thiết bị gây nhiễu bao gồm:

 

            - Anten phát: Thông thường thiết bị gây nhiễu có một anten để phát tín hiệu nhiễu. Các thiết bị phức tạp hơn có nhiều anten phát để mở rộng dải tần hoạt động, với tính năng có thể điều chỉnh theo từng băng tần riêng lẻ.

 

            Các thành phần mạch điện chính của thiết bị gây nhiễu:

 

             - Bộ dao động khống chế bằng điện áp: Phát tín hiệu vô tuyến gây nhiễu.

 

             - Mạch cộng hưởng: Điều khiển tần số mà thiết bị gây nhiễu phát ra bằng cách gửi điện áp riêng đến bộ dao động.

 

            - Bộ phát tạp nhiễu: Tạo ngẫu nhiên các tạp nhiễu ở đầu ra trong một dải tần xác định.

 

            - Bộ khuếch đại công suất: Khuếch đại công suất đầu ra cao tần với mức đủ lớn để có thể gây nhiễu tín hiệu.

 

                                                                           

 

                                                                          Hình 2: Thiết bị gây nhiễu loại nhỏ                                                         

                                                                                    

            - Nguồn cung cấp: Thiết bị phá sóng loại nhỏ sử dụng pin, một số loại có kích thước như MS có thể sử dụng chung kiểu pin của điện thoại. Một số loại khác lớn hơn có thể sử dụng điện lưới hoặc điện trên xe ôtô.

 

c. Phân loại thiết bị gây nhiễu.

 

Về mặt kỹ thuật, thiết bị gây nhiễu có cấu tạo đơn giản. Đơn giản nhất là loại chỉ có một công tắc và một đèn hiển thị. Thiết bị phức tạp hơn có nhiều chuyển mạch để kích hoạt các trạng thái gây nhiễu ở nhiều tần số khác nhau.

Hình 3: Thiết bị gây nhiễu xách tay sử dụng trong quân đội.

 

 

 

Phạm vi ảnh hưởng của thiết bị gây nhiễu phụ thuộc vào công suất và vị trí lắp đặt. Thiết bị gây nhiễu công suất thấp chặn các cuộc gọi trong một phạm vi khoảng 10 m. Các thiết bị có công suất cao hơn gây nhiễu cho một khu vực lớn hơn. Thiết bị gây nhiễu sử dụng cho an ninh, quốc phòng có thể dập tắt các dịch vụ di động trong cự ly xấp xỉ khoảng 2 km; loại chuyên dụng có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng lên đến vài cây số.

 

Thiết bị gây nhiễu đơn giản chỉ chặn được ở một băng tần số, trong khi loại phức tạp hơn có thể chặn nhiều kiểu mạng ở các chế độ hoạt động khác nhau: hai hoặc ba băng tần và tự động chuyển đổi giữa các mạng. Các loại thiết bị gây nhiễu cao cấp có thể chặn tất cả các  tần số cùng một lúc, một số khác có thể được điều chỉnh đến từng tần số cụ thể.

 

Thông thường các thiết bị gây nhiễu chỉ can thiệp vào tần số phát của MS, nhưng vẫn có loại có khả năng gây nhiễu cho BTS hoặc thậm chí tác động lên cả hai hướng dữ liệu. Ngoài thiết bị gây nhiễu dạng nghiệp dư còn có các thiết bị gây nhiễu chuyên dụng, phục vụ cho quân đội hay cảnh sát.

 

 

2. CÁC QUI ĐỊNH VỀ THIẾT BỊ GÂY NHIỄU.

 

a. Qui định về thiết bị gây nhiễu ở một số nước trên thế giới.

 

Thiết bị gây nhiễu tác động trực tiếp đến tín hiệu vô tuyến, gây ảnh hưởng cho các nghiệp vụ thông tin liên lạc và một số hệ thống thiết bị điện tử khác. Vì vậy, việc qui định sử dụng, mua bán, sở hữu thiết bị gây nhiễu hợp pháp hoặc phi pháp tuỳ thuộc vào luật pháp của mỗi quốc gia. Hầu hết các nước nghiêm cấm việc sử dụng, mua bán, tàng trữ thiết bị gây nhiễu, trừ một số trường hợp đặc biệt phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc một số qui định khác. Dưới đây là những ví dụ cụ thể các trường hợp qui định về thiết bị gây nhiễu ở một số nước trên thế giới.

 

Bỉ, Cộng hoà Séc, Phần Lan: nghiêm cấm hoàn toàn việc mua bán, sở hữu và sử dụng thiết bị gây nhiễu.

 

 

Mỹ: việc sử dụng, sản xuất, nhập khẩu, hoặc cung cấp, mua bán, thậm chí bao gồm cả quảng cáo thiết bị gây nhiễu đều bị xem là không hợp pháp (theo Luật truyền thông 1934), với mức xử phạt tiền lên đến 11 ngàn đô la Mỹ và hình phạt phạt tù lên đến một năm.

 

Nhật Bản: Nghiêm cấm việc sử dụng nhưng được sở hữu. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền rất nặng có thể lên đến 250.000 đô la Mỹ, hình phạt tù lên đến 5 năm.

 

Pháp: Trước năm 2004 được sử dụng ở những rạp chiếu phim và một số nơi khác. Về sau bị bãi bỏ do có các khiếu nại liên  quan đến các cuộc gọi khẩn cấp. Hiện nay Pháp cho phép sử dụng thiết bị gây nhiễu bên trong các nhà tù. Một số nước khác cũng xem việc sử dụng thiết bị gây nhiễu là bất hợp pháp, ngoại trừ quân đội và cảnh sát có thể sử dụng trong các tình huống cần thiết hoặc sử dụng bên trong các nhà tù. Chẳng hạn như: Đức, Canada, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand.

 

Anh nghiêm cấm sử dụng nhưng được sở hữu. Mexico cho phép sử dụng trong các nhà tù, nhà thờ và bệnh viện. Pakistan được sử dụng bên trong các ngân hàng và thư viện.

 

Ý: Luật pháp nước Ý đặc biệt nghiêm cấm gây nhiễu cho thông tin vô tuyến và điện thoại. Tuy nhiên, thiết bị gây nhiễu cho mạng GSM có thể sử dụng một cách hợp pháp ở những nơi như bệnh viện, nhà thờ, nhà hát, rạp chiếu phim và những nơi biểu diễn khác; hoặc trong các toà nhà, nơi mà việc sử dụng MS có thể dẫn đến rò rỉ các thông tin nhạy cảm, miễn là không can nhiễu cho các thiết bị y tế hay các cuộc gọi khẩn cấp. Thiết bị gây nhiễu nhiều băng tần được lực lượng cảnh sát sử dụng và đang được thử nghiệm trong nhà tù.

 

Ấn Độ và Trung Quốc cho phép sử dụng trong các cơ sở đào tạo công lập, như một giải pháp để ngăn chặn gian lận trong trường học. Ở Trung Quốc, trong suốt thời gian tổ chức kỳ thi cuối năm, thiết bị gây nhiễu được dùng xung quanh các trường trung học để ngăn ngừa thí sinh nhận cuộc gọi hoặc tin nhắn từ bên ngoài. Một số trường hợp, thay vì sử dụng thiết bị gây nhiễu, các BTS di động gần trường học tạm thời ngưng hoạt động trong thời gian diễn ra kỳ thi.

 

Armenia: Thiết bị gây nhiễu được sử dụng hợp pháp.

                                                          

                                                                  

                                                           Hình 4: Một kiểu thiết bị gây nhiễu 4 băng tần

 

b. Qui định của Việt Nam.

 

- Việc quản lý, sử dụng thiết bị gây nhiễu TTDĐ tế bào được qui định tại Quyết định số 60/2008/QĐ-TTg ngày 02/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó bao gồm một số nội dung cơ bản như sau:

 

1) Đối tượng và mục đích sử dụng: Chỉ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được sử dụng thiết bị gây nhiễu đúng mục đích phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Các trường hợp đặc biệt khác phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép.

 

2) Điều kiện sử dụng: Chỉ được phát sóng gây nhiễu MS trong phạm vi xác định cần chế áp. Không được gây nhiễu băng tần thu của BTS (trừ trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định), các MS ngoài phạm vi đã xác định cần chế áp và các băng tần dành cho các nghiệp vụ thông tin khác. Không sử dụng sai quy định gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

 

3) Hành vi bị nghiêm cấm: Nghiêm cấm các đối tượng (ngoại trừ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) sản xuất, kinh doanh và sử dụng thiết bị gây nhiễu.

 

- Các hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng thiết bị gây nhiễu sẽ bị xử lý theo các qui định tại Nghị định 142/2004/NĐ-CP; Cụ thể:

 

1) Sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép sẽ bị xử phạt theo Điều 17, mức phạt cao nhất là 15 triệu đồng.

 

2) Sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép, gây can nhiễu có hại sẽ bị xử phạt theo Điều 18, mức phạt cao nhất lên đến 70 triệu đồng.

 

3) Nhập khẩu, sản xuất phát sóng vô tuyến điện không có giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, không có giấy phép sẽ bị xử phạt theo Điều 24, mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng, tịch thu tang vật.

 

3. KẾT LUẬN.

 

Thiết bị gây nhiễu được xem là loại thiết bị làm nguy hại, cản trở, gián đoạn đến hoạt động của các nghiệp vụ vô tuyến điện đang được phép khai thác. Việc sử dụng thiết bị gây nhiễu ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ, tổn hại về mặt kinh tế, kỹ thuật cho các nhà cung cấp cũng như người tiêu dùng. Vì vậy, cần có những biện phát cụ thể để ngăn chặn nguy cơ sử dụng thiết bị gây nhiễu TTDĐ không hợp pháp một cách hiệu quả.

 

- Về phía các cơ quan quản lý: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người biết, hiểu và không sử dụng, tàng trữ, kinh doanh một cách phi pháp thiết bị gây nhiễu; đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra từ khâu nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường.

 

- Về phía người sử dụng: Tuân thủ nghiêm các qui định của pháp luật về quản lý, sử dụng thiết bị gây nhiễu TTDĐ tế bào. Không sử dụng, sản xuất, kinh doanh thiết bị gây nhiễu.

 

Tài liệu tham khảo.

 

1. Peter Stavroulakis, Interference Analysis and Reduction for Wireless Systems, Artech House, 2003

 

2. Quyết định số 60/2008/QĐ-TTg ngày 02/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ Về việc quản lý, sử dụng thiết bị gây nhiễu thông tin di động tế bào

 

3. Nghị định 142/2004/NĐ-CP ngày 08/7/2004 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện

 

4. Luật truyền thông 1934 (COMMUNICATIONS ACT OF 1934); 47 U.S.C. Điều 301, 302a, 333 và các Điều từ 501 đến 510.

 

5. http://www.rfd.gov.vn/

 

6. http://en.wikipedia.org/

 

7. http://electronics.howstuffworks.com

 

8. Thông tin trên internet về thiết bị gây nhiễu của một số hãng sản suất thiết bị gây nhiễu nước ngoài.

 

(Theo Tạp chí Công nghệ TT&TT, Kỳ 1 tháng 6/2009)