Trong những năm gần đây, hoạt động PTTH đã có những bước phát triển nhanh, mạnh cả về lượng và chất. Với ưu thế đặc biệt về công nghệ, ngành PTTH đã và đang giữ vai trò xung kích trên mặt trận văn hoá tư tưởng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu thông tin giải trí ngày càng đa dạng của nhân dân. Không còn đơn thuần là công cụ thông tin, tuyên truyền, ngành PTTH đang dần phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ, phục vụ phát triển sự nghiệp PTTH và đóng góp ngày càng cao vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay, cả nước có 3 đài PTTH phủ sóng toàn quốc (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC); 64 đài PTTH địa phương của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hàng trăm đài truyền thanh, tiếp hình cấp huyện và hàng nghìn đài truyền thanh không dây xã, phường. Truyền hình mặt đất công nghệ tương tự phủ sóng đến gần 90% hộ dân, phát thanh đã đến được với 95% hộ dân.
So với các nước trên thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng đài PTTH quảng bá tính trên tỉ lệ dân số vào loại cao nhất thế giới.
Hoạt động truyền dẫn, phát sóng trong xu thế hội tụ giữa công nghệ PTTH và công nghệ viễn thông, Việt Nam hiện đang ứng dụng hầu hết các công nghệ truyền dẫn, phát sóng PTTH hiện có của thế giới. Các chương trình PTTH được truyền dẫn, phát sóng qua nhiều công nghệ và phương tiện truyền thông khác nhau, như: truyền dẫn, phát sóng mặt đất bằng công nghệ tương tự và số; truyền dẫn, phát sóng qua cáp (CATV), qua vệ tinh, qua Internet và truyền hình di động.
Hoạt động sản xuất các chương trình PTTH đã có những bước phát triển nhanh chóng. Các đài PTTH đã liên tục cho ra đời nhiều kênh chương trình mới, đưa số lượng các kênh chương trình PTTH tại Việt Nam lên gần 200 kênh. Chất lượng chương trình từng bước được nâng cao. Thời lượng phát sóng PTTH đã tăng lên đáng kể. Hầu hết các Đài PTTH của các tỉnh, thành phố đều đã nâng thời lượng phát sóng các chương trình PTTH lên 16 giờ đến 18 giờ/ngày. Một số đài truyền hình đã khẳng định được vị thế của phim Việt trong lòng người xem, khi phim Việt đã bắt đầu chiếm được “giờ vàng”.
Mô hình quản lý nhà nước tập trung, thống nhất về PTTH tạo ra một môi trường pháp lý với các chính sách quản lý đồng bộ, công bằng và khả thi hơn; giúp ngành PTTH phát triển ngày càng bền vững.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Hội nghị cũng đã chỉ ra những tồn tại và các vấn đề đặt ra đối với hoạt động PTTH, cụ thể: Việc đầu tư hệ thống PTTH còn phân tán, nhỏ giọt khó tạo ra sự phát triển mang tính đột phá và liên thông. Vùng phủ sóng của nhiều đài địa phương đã vươn ra cả các tỉnh lân cận; cộng với chất lượng của thiết bị chưa đảm bảo, đã dẫn đến việc gây can nhiễu lẫn nhau hoặc gây nhiễu có hại cho một số nghiệp vụ khác. Hầu hết các đài địa phương có thời lượng chương trình tự sản xuất khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 2 đến 3 giờ/ngày do năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, biên tập, phóng viên vừa thiếu, vừa yếu và kinh phí đầu tư còn hạn chế. Việc nâng cao thời lượng và số lượng các chương trình truyền hình không tương xứng với việc đầu tư cho công tác quản lý nội dung. Yếu tố thương mại quảng cáo có dấu hiệu lấn át nội dung chương trình, thậm chí ảnh hưởng đến tính định hướng của chương trình. Chính sách quản lý về hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật chưa thực sự đồng bộ với chính sách về nội dung thông tin.
Hội nghị đã triển khai, phổ biến Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg, ngày 16/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng PTTH đến năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Một số chỉ tiêu phát triển PTTH đáng chú ý là:
- Đến năm 2010, phủ sóng truyền hình mặt đất tới 95% dân cư; phủ sóng phát thanh AM-FM tới 100% dân cư, đảm bảo hầu hết các hộ dân có thể thu, nghe được các chương trình truyền hình quảng bá.
- Đến năm 2015, phủ sóng truyền hình mặt đất tới 100% dân cư, bảo đảm hầu hết các hộ dân có thể thu, xem được các chương trình truyền hình quảng bá; mạng truyền hình cáp được triển khai tại 100% trung tâm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Đến năm 2020, về cơ bản sẽ ngừng phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự để chuyển sang phát sóng công nghệ mặt đất công nghệ số khi 95% số hộ gia đình có máy thu hình có khả năng thu được các kênh chương trình truyền hình quảng bá bằng những phương thức truyền dẫn, phát sóng số khác nhau; ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình cáp tương tự trước năm 2020 để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số với 100% các mạng cáp dọc các tuyến đường, phố chính tại trung tâm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được ngầm hoá.
Theo tạp chí Công nghệ TT & TT