Thực trạng và giải pháp
Về phương diện lịch sử, các mạng vô tuyến được thiết kế và xây dựng bởi những người có kỹ năng trong cả lĩnh vực khoa học và công nghệ vô tuyến. Các hệ thống vô tuyến được xây dựng với các khối thiết bị vô tuyến, tháp anten, anten, được nối với trung tâm mạng thông qua các kết nối hữu tuyến hoặc viba. Khi xảy ra lỗi, kỹ thuật viên vô tuyến sẽ được cử đến với thiết bị kiểm tra, công cụ và linh kiện thay thế.
Ngày nay, một cuộc chiến mới đang bắt đầu. Chúng ta vẫn đang sử dụng tháp anten, anten, nguồn nuôi và thiết bị vô tuyến vẫn được gắn trên giá đỡ. Tuy nhiên, hệ thống giá đỡ đã nhỏ hơn và các kết nối đến phần còn lại của hệ thống được thực hiện thông qua đường T1, frame relay, sợi quang hay viba. Nhưng khi có lỗi xảy ra, kỹ thuật viên vô tuyến chỉ được cử đến hiện trường sau khi một nhân viên kiểm soát hệ thống từ xa đã chẩn đoán và cách ly vị trí lỗi. Kỹ thuật viên vô tuyến chỉ việc thay thế những card hay module bị lỗi. Mỗi khi thay thế một bộ phận nào đó, sẽ thực hiện các chẩn đoán và kiểm tra để đảm bảo hệ thống đã quay trở lại tình trạng hoạt động bình thường.
Chỉ cách đây vài năm, chúng ta còn phát triển các biểu đồ vùng phủ sóng bằng tay, sử dụng các công thức phức tạp cho ra các kết quả xấp xỉ về vùng phủ sóng từ các vị trí đặc biệt cho một loại dịch vụ vô tuyến đặc biệt. Ngày nay, chúng ta không còn tính toán bằng tay mà sử dụng phần mềm tính toán phức tạp. Chúng ta chỉ cần nhập các giá trị chu vi, phần mềm sẽ vẽ tất cả các loại biểu đồ có thể, và chúng ta nhận được những kết quả gần đúng cho vùng phủ sóng từ các vị trí đặc biệt.
Hôm nay, chúng ta đang hướng về một thế giới mới trong đó công nghệ vô tuyến có sự tranh chấp với công nghệ IP và Internet. Mặc dù điều này đã xuất hiện từ lâu nhưng hiện tại nó đang gia tăng một cách nhanh chóng. Trước đây khi tôi giúp LA County triển khai đường trục viba cho hệ thống 911, điện thoại và mạng vô tuyến, chúng tôi lắp đặt một anten đĩa lớn lên tháp anten, kéo những sợi cáp lớn xuống tòa nhà, gắn vào tủ thiết bị, và nối hệ thống đến đường T1 và các kiểu đường trục hữu tuyến khác.
Hiện nay, một nhân viên sẽ leo lên tháp, gắn một anten đĩa nhỏ ở một bên cột tháp, gắn đầu nối RJ-45 vào một đầu cáp mạng, kéo đến phòng trạm, đầu còn lại của cáp mạng được nối với bộ định tuyến IP và kết nối với mạng hữu tuyến. Có thể nói cả hai kiểu hệ thống đều hoạt động tốt, nhưng kiểu hệ thống mới sẽ ít tốn kém hơn khi triển khai và việc bảo trì, sửa chữa khi xảy ra lỗi dẽ dàng hơn so với hệ thống cũ.
Công nghệ IP đang thay đổi thế giới vô tuyến. Đối với hầu hết các tổ chức vô tuyến hiện nay, có bộ phận vô tuyến và bộ phận IT. Cho đến gần đây, các nhân viên của họ đã không có sự tương tác chặt chẽ với nhau. Các kỹ sư vô tuyến, các nhà quản lý trạm, và các kỹ thuật viên được giao nhiệm vụ tìm kiếm những vị trí mới để nâng cao dung lượng hoặc vùng phủ sóng, xây dựng nhà trạm, và rồi tiến hành đo kiểm tra vùng phủ sóng trong thế giới thực, để tìm ra kết quả gần đúng so với tính toán bằng phần mềm. Họ thường tìm ra số lượng các sai số do vùng tối của tín hiệu, độ hấp thụ tín hiệu bởi cây cối, và các vật cản.
Hiện giờ đang có sự thay đổi về vai trò quản lý hệ thống từ bộ phận truyền thông sang bộ phận IT. Sự dịch chuyển nàylà khả thi bởi vì các công việc đang ngày càng tự động hóa và các hệ thống mới đang được xây dựng như là các mạng hoàn toàn trên nền IP. Trước đây, các trạm vô tuyến bao gồm thiết bị vô tuyến, nguồn cung cấp, pin dự phòng, và chỉ như thế. Ngày nay, cùng một nhà trạm như vậy, nó bao gồm ít nhất một bộ định tuyến IP, nhiều cáp mạng Ethernet và chạy dọc quanh trạm (các sợi cáp này phải được bọc kim để ngăn chặn can nhiễu và nối đất tốt).
Vấn đề nêu trên thể hiện rõ cần có mối liên hệ chặt chẽ giữa các chuyên gia về vô tuyến và IT. Hầu hết các chuyên gia IT được đào tạo không biết gì về các hệ thống vô tuyến. Và trong khi hầu hết các chuyên gia về vô tuyến có thể biết chút ít về mạng cục bộ, thì họ lại không biết nhiều về cách thức hoạt động của hệ thống, và nhiễu được tạo ra từ các hệ thống IT. Hầu hết các phần tử mạng như bộ định tuyến, chuyển mạch, không được thiết kế để làm việc trong môi trường có các mức phát xạ tần số vô tuyến cao, và hầu hết các thiết bị IT có độ gây nhiễu rất lớn. Thành phần nhiễu này có thể tác hại đến các máy thu tại khu vực trạm làm việc, và có khả năng làm giảm vùng phủ sóng.
Khi chúng ta dịch chuyển vào thế giới mạng thế hệ kế tiếp, IP sẽ là công nghệ end-to-end. Dĩ nhiên, các thiết bị vô tuyến, anten và cáp vẫn cần thiết, nhưng hầu hết các kết nối cáp đều dựa trên mạng Ethernet. Có một thông tin tốt ở đây là IP sẽ làm giảm độ phức tạp của mạng back-end. Tuy nhiên, cần chú ý đến vấn đề nhiễu và khả năng xuất hiện can nhiễu mà có thể gây ra những sự cố không lường trước được.
Và khi xảy ra sự cố cũng là lúc phải đề cập đến mối quan hệ giữa các kỹ sư vô tuyến và các chuyên gia về IT. Ngoài ra, còn chú ý đến vấn đề tuổi tác và kinh nghiệm, khi mà những người am hiểu về lĩnh vực vô tuyến ngày càng già đi, trong đó có nhiều người bắt đầu về hưu, trong khi một số người trẻ lại đang bước vào lĩnh vực này. Những người không được đào tạo hoặc không có kiến thức nền tảng để giải quyết vấn đề có thể làm cho hệ thống hư hỏng thêm hoặc có thể ngừng hoạt động. Sẽ không thừa khi nhắc lại: Can nhiễu tại khu vực trạm làm việc là một trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất của các chuyên gia về truyền thông.
Can nhiễu có thể được tạo ra bởi mạng cục bộ, bởi sự kết hợp của hai hay nhiều tín hiệu, từ các mạch bên trong của thiết bị vô tuyến, bởi bộ điều khiển (máy tính), bởi dây nối đất không chặt, … Khi loại can nhiễu này xảy ra, cần có người có đủ kiến thức và kỹ năng để giải quyết vấn đề, xác định nuyên nhân.
Vấn đề chính tôi muốn đặt ra ở đây là khi sự cạnh tranh giữa bộ phận vô tuyến và IP ngày càng tăng, giá trị của các chuyên gia vô tuyến không gia tăng bằng giá trị của các chuyên gia về IT. Các nhà quản trị mà đang điều hành một công ty hay quản lý một thành phố thì lại không rành về bất kỳ công nghệ nào và họ không hiểu lắm về vấn đề. Thay vào đó, họ biết rằng máy tính và mạng là xu hướng tất yếu của tương lai, và bộ phận IT của họ sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn trong các hệ thống tiếp theo của họ. Điều này có thể dẫn đến việc kết thúc cuộc đua giữa hai bộ phận hoặc có thể đưa đến sự kết hợp giữa hai bộ phận nhưng không có hoặc có rất ít sự đào tạo chéo.
Hầu hết các nhà khai thác mạng thương mại đều có một chức danh gọi là giám đốc phụ trách công nghệ (CTO), là người sẽ chịu trách nhiệm về hoạt động của mạng lưới. Đôi khi có một CTO ở bộ phận hữu tuyến và một CTO ở bộ phận vô tuyến, và thỉnh thoảng các công việc lại được kết hợp vào cùng một vị trí. CTO sẽ chịu trách nhiệm cho toàn bộ mạng lưới từ anten đến hệ thống đầu cuối. Anh ta sẽ có cả hai đội ngũ chuyên gia về vô tuyến và IT cấp dưới. Tuy nhiên, đối với các thành phố của Hoa Kỳ, vẫn còn tồn tại hai bộ phận khác nhau - Truyền thông vô tuyến và IT. Có những thảo luận giữa các nhóm và có thể bộ phận IT sẽ đảm nhận luôn những phần việc của bộ phận truyền thông vô tuyến.
Cần có sự đào tạo chéo giữa các nhân sự về vô tuyến và IT, và hai bộ phận này phải có mối quan chặt chẽ với nhau. Nên tránh để xảy ra cuộc chiến xem ai sẽ là người chiến thắng giữa hai bộ phận. Càng làm việc với nhiều tổ chức khác nhau, tôi càng quan tâm hơn về vấn đề này. Không nên xem bộ phận hay người lãnh đạo nào sẽ chiến thắng trong cuộc đua mà tốt hơn hết, họ nên làm việc cùng nhau để đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa vô tuyến và IP diễn ra một cách tốt đẹp. Khi đó, nếu có sự cố xảy ra, sẽ luôn có một nhân viên nào đó với kỹ năng được trang bị sẵn sàng cho việc xử lý.
Đoàn Tuấn Hân_Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực II - CTSVTĐ
(Theo Andrew Seybold Commentaries)