Một số xu hướng phát triển thông tin di động băng thông rộng qua góc nhìn từ diễn đàn 4G thế giới

28/10/2009

(rfd.gov.vn)- Trong thời gian từ ngày 15-18/9/2009, Diễn đàn 4G Thế giới đã được tổ chức tại Chicago (Hoa Kỳ). Tham dự diễn đàn có các chuyên gia, một số cơ quan quản lý tần số, viễn thông, đại diện các công ty nghiên cứu thị trường, các hãng sản xuất thiết bị, các nhà khai thác di động, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung.

 

       Diễn đàn 4G thế giới năm nay đã tập trung vào thảo luận các chủ đề: tình hình phát triển thị trường, công nghệ băng thông rộng di động, kinh nghiệm triển khai và kinh doanh băng thông rộng di động, vấn đề mạng truyền dẫn cho các mạng băng thông rộng di động.

 

      Qua các bài tham luận cũng như trao đổi tại diễn đàn, có thể thấy xu hướng và các vấn đề nổi lên trong quá trình tiến tới xây dựng các hệ thống di động băng  thông rộng như sau:

          1.     Thông tin di động băng thông rộng tiếp tục phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới:

   Theo công ty nghiên cứu thị trường Yankee Group, lưu lượng dữ liệu của mạng 3G WCDMA/HSPA đã tăng 18 lần tại thời điểm tháng 5/2009 so với tháng 1/2007, trong khi lưu lượng thoại chỉ tăng khoảng 2 lần. Theo dự báo của công ty này, so với năm 2009, lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng 2,7 lần vào năm 2010, 6.3 lần vào 2011 và 29,4 lần vào năm 2015.

   Theo báo cáo của AT&T trong vòng 3 năm (quý 2/2006 so với quý 2/2009) lưu lượng dữ liệu đã tăng trưởng 49, 32 lần. Các thuê bao trả sau sử dụng điện thoại băng rộng đã chiếm 36% (quý 2/2009) so với 15,7% tại thời điểm quý 1/2008.

   Tuy nhiên, theo dự báo doanh thu từ dữ liệu lại tăng không đáng kể. Một trong những lý do là chi phí giá thành/Mb ngày càng giảm,  dự báo công nghệ HSPA+ và LTE, giá thành/Mb chỉ bằng vài % so với giá thành của GPRS hiện nay.

2.     Nội dung và thiết bị cầm tay đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng ứng dụng băng thông rộng di động

  Theo Yankee Group, các ứng dụng băng thông rộng phổ biến nhất là: kiểm tra email, lướt web, chơi game online, chia sẻ các bức ảnh, tải nhạc, nghe nhạc trực tuyến, tải và chia sẻ các đoạn video, xem TV và phim.

 

  Thăm dò thị trường Mỹ của Yankee group cho thấy có tới 34% khách hàng cho biết sẵn sàng trả tiền để sử dụng dịch vụ truy nhập internet và dữ liệu di động; 31% cho dịch vụ email, 24% cho dịch vụ dẫn đường; 16% đối với truy nhập mạng cộng đồng trên internet.

 

  Về thiết bị đầu cuối hỗ trợ băng thông rộng, theo AT& T, yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng dữ liệu của mạng này là việc sử dụng các thiết bị kết nối băng rộng như điện thoại smartphone (iPhone, Blackberry), máy tính xách tay.

 

  Thăm dò của Yankee group cho thấy có tới 43% khách hàng được hỏi cho biết có ý định mua điện thoại smartphone;

 

  Theo số liệu thống kê của GSMA, số lượng thiết bị hỗ trợ di động băng thông rộng tăng trưởng nhanh, hiện có 1605 thiết bị hỗ trợ HSPA, tương đươn mức tăng 121%/năm, trong đó có 595 thiết bị hỗ trợ HSPA 7.2.

3.     Các dự báo cho thấy lợi thế đang nghiêng về LTE so với  WiMAX

  Theo dự báo của Yankee, đến năm 2015 cả thế giới sẽ có khoảng 340 triệu thuê bao LTE, trong khi đó chỉ có khoảng 90 triệu thuê bao WIMAX di động. Số lượng thiết bị LTE bán ra thị trường sẽ tăng từ con số 19 triệu năm 2011 lên 1 tỷ 431 triệu năm 2020.

  Hiện nay, các nhà khai thác di động lớn như AT&T (Mỹ), Verizon Wireless (Mỹ), KDDI (Nhật), NTT DoCoMo (Nhật) đã có kế hoạch triển khai công nghệ LTE vào năm 2010.

  Trong khi đó UQ (Nhật), Clearwire đang triển khai WiMAX. Korea Telecom thì triển khai thử nghiệm cả WiMAX lẫn LTE.

   Nhìn chung tại hội nghị, quan điểm là LTE sẽ được nhiều nhà khai thác di động hiện nay lựa chọn nên sẽ trở thành công nghệ chủ đạo trong tương lai.

4.     Truyền dẫn cho mạng di động băng rộng đang là điểm yếu và trở nên vấn đề nóng cần quan tâm

     Nếu như đối với mạng di động 2G, do dung lượng từ mỗi BTS đòi hỏi băng thông ít, nên vấn đề truyền dẫn không có khó khăn gì trong triển khai.

    Tuy nhiên, khi chuyển từ mạng di động sang mạng di động băng rộng, dung lượng truyền dẫn từ mỗi BTS đòi hỏi băng thông lớn, mạng truyền dẫn trở nên vấn đề cần phải xử lý đồng bộ, nếu không sẽ trở thành điểm nghẽn về băng thông cho toàn hệ thống.

    Mạng truyền dẫn đang được đánh giá là gót chân Asin của các mạng di động băng rộng hiện nay. Các đường truyền (backhaul) kết nối BTS của Mỹ hiện mới chỉ có tốc độ nhỏ hơn 10 Mbps, nhưng tới năm 2012 cần tăng tốc độ lên 50-100 Mbps.

    Vì vậy, ý kiến các diễn giả tại diễn đàn là các nhà khai thác cần có đầu tư thích đáng cho mạng truyền dẫn. Trong vòng 5 năm tới, các nhà khai thác sẽ phải dịch chuyển từ mạng truyền dẫn dựa trên nền tảng TDM sang truyền dẫn dựa trên ethernet băng rộng bằng viba hay cáp quang.

    Hiện nay, 50% BTS của các mạng di động trên thế giới hiện được kết nối bằng viba. Số lượng viba PDS/SDH ngày càng giảm, viba IP băng rộng ngày càng tăng, dự báo sẽ chiếm tới 65% doanh thu vào năm 2013.

    Clearwire cho biết 90% BTS của họ được kết nối bằng viba, có thể đáp ứng được 50-100 Mbps với mỗi điểm và có thể linh hoạt tạo ra kết nối từ 50Mbps-1Gbps. Verizon sẽ đạt mức hơn 80% BTS được kết nối cáp quang vào 2012. AT&T kéo cáp quang tới tất cả các site dung lượng cao. Teltra có mạng truyền dẫn tốc độ cao tới các BTS phục vụ cho hơn 84% dân số.

5.     Nhu cầu về phổ tần với mỗi nhà khai thác ngày càng tăng

    Để có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng các dịch vụ dữ liệu, nhu cầu về phổ tần sẽ lớn hơn và nóng hơn đối với mỗi nhà khai thác.

    Nếu như chỉ dành 50-60 MHz cho một nhà khai thác băng rộng, để đáp ứng nhu cầu băng thông của khách hành thì số lượng điểm BTS cần thiết vào năm 2013 sẽ tăng gấp 2 lần so với năm 2009, trong khi đó nếu dành từ 80-85 MHz cho dữ liệu thì số lượng cell site chỉ tăng lên 1,1 lần.

    Như vậy, qua Diễn đàn 4G Thế giới có thể thấy, để chuẩn bị cho việc phát triển các hệ thống di động băng thông rộng trong tương lai, cần có bước chuẩn bị để có thể cung cấp thêm băng tần cho các hệ thống này. Việc cấp thêm băng tần sẽ giúp nhà khai thác giảm được giảm số lượng BTS cần triển khai qua đó giúp giảm chi phí đầu tư mạng lưới, giảm giá thành dịch vụ, đồng thời giảm bớt các phức tạp về xã hội phát sinh đi kèm việc gia tăng số lượng BTS. Để có thể có thêm băng tần cho sự phát triển đó,  các công nghệ sử dụng hiệu quả phổ tần số cao  nên được khuyến khích áp dụng cho các hệ thống vô tuyến hiện có, đặc biệt là việc thúc đẩy số hóa truyền hình mặt đất.


Uyên Nhi