Lĩnh vực tần số vô tuyến điện đã có hành lang pháp lý đầy đủ

08/01/2010

(rfd.gov.vn)- ND - Ở nước ta, tần số vô tuyến điện (TSVTÐ) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi và có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự phát triển bùng nổ của thông tin vô tuyến điện trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh làm cho nhu cầu sử dụng phổ TSVTÐ ngày càng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như thông tin di động, phát thanh, truyền hình, dẫn đường hàng không, hàng hải, v.v.

             Ðặc biệt, sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, sự hội tụ công nghệ, dịch vụ; sự thay đổi của thị trường thông tin vô tuyến điện từ độc quyền sang cạnh tranh đòi hỏi phải có các cơ chế quản lý tài nguyên tần số phù hợp như cơ chế cấp phép cạnh tranh đối với các băng tần có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn; cơ chế chuyển nhượng giấy phép, cơ chế đền bù trong trường hợp bị thu hồi giấy phép trước thời hạn, cho thuê cho mượn thiết bị và giấy phép, v.v.

             Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa quy định hoặc quy định chưa rõ trách nhiệm của bộ, ngành, của người sử dụng trong quản lý và sử dụng TSVTÐ như trách nhiệm bảo đảm an toàn bức xạ điện; trách nhiệm trong quản lý các thiết bị điện, điện tử có bức xạ sóng vô tuyến điện; trách nhiệm trong việc bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia về TSVTÐ, quỹ đạo vệ tinh; trách nhiệm trong việc bảo đảm hành lang kỹ thuật cho hoạt động của các đài vô tuyến điện quan trọng, v.v. Việc gia tăng nhu cầu sử dụng TSVTÐ và quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh trên thế giới đòi hỏi tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế để bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia về TSVTÐ và quỹ đạo vệ tinh.

             Từ những lý do nêu trên, việc Chủ tịch nước công bố ban hành Luật TSVTÐ là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý lĩnh vực nói trên, nâng cao hiệu quả về quản lý và sử dụng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Luật TSVTÐ gồm tám chương, 49 điều đã bổ sung nhiều nội dung mới nhằm khắc phục các bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trong công tác quản lý để phù hợp cơ chế kinh tế thị trường và tốc độ phát triển công nghệ, dịch vụ vô tuyến điện. Thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số.

              Theo Cục trưởng Cục Tần số-Vô tuyến điện Ðoàn Quang Hoan, Luật TSVTÐ ra đời sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý hoạt động và phát triển ngành vô tuyến điện: "Các quy định mới về quy hoạch tần số về nguyên tắc cấp phép sử dụng tần số sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các công nghệ vô tuyến mới có hiệu quả, sử dụng tần số cao hơn, dành băng tần cho các công nghệ và dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội nhiều hơn cho cộng đồng, đồng thời cũng sẽ hạn chế việc sử dụng băng tần quý hiếm cho các công nghệ lạc hậu kéo dài gây lãng phí nguồn tài nguyên tần số.

                Luật TSVTÐ ra đời sẽ thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến, bởi luật bổ sung hình thức cấp phép theo cơ chế thị trường thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng trong trường hợp cấp phép bằng phương thức đấu giá. Những quy định mới này sẽ cho phép lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thật sự, cung cấp dịch vụ tốt nhất, sử dụng hiệu quả tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện. Tính minh bạch trong cấp phép các băng tần quý hiếm sẽ cao hơn. Thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến điện sẽ trở nên lành mạnh và có tính cạnh tranh thật sự. Các quy định về đăng ký, phối hợp quốc tế, trách nhiệm của các doanh nghiệp, của cơ quan quản lý tần số chuyên ngành trong việc đăng ký và phối hợp quốc tế về tần số và quỹ đạo vệ tinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền lợi của Việt Nam về tần số và quỹ đạo vệ tinh. Luật TSVTÐ đưa ra các quy định về việc tuân thủ các quy chuẩn an toàn bức xạ vô tuyến điện và yêu cầu phải kiểm định các công trình phát sóng vô tuyến điện trước khi đưa vào sử dụng nhằm bảo đảm mức độ an toàn về bức xạ điện từ cần đạt được. Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, trách nhiệm của người sử dụng trong vấn đề bảo đảm an toàn bức xạ điện từ. "Luật TSVTÐ ra đời đẩy mạnh cải cách hành chính và đơn giản thủ tục. Luật quy định rõ phương thức cấp phép, đối tượng được cấp phép, điều kiện được cấp phép, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng TSVTÐ, các trường hợp bị thu hồi giấy phép do vi phạm pháp luật về TSVTÐ... đồng thời cho phép một số trường hợp được sử dụng mà không cần giấy phép tần số hoặc cho phép cho thuê, cho mượn thiết bị trong một số trường hợp".

                Luật TSVTÐ được ban hành là một bước tiến đối với lĩnh vực hoạt động TSVTÐ, đánh dấu một dấu mốc quan trọng về sự nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho một lĩnh vực mới hết sức quan trọng.

 
Trần Anh Tuấn
(Bộ Thông tin và Truyền thông)
 
Trích nguồn từ báo Nhân dân