Khẩn trương di dời trạm ra đa dự báo thời tiết Nha Trang ra khỏi trung tâm thành phố

23/06/2010

(rfd.gov.vn)- Đó là kết luận của ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà, tại cuộc họp ngày 14/6/2010 với Sở khoa học và công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Đài khí tượng thuỷ văn Nam Trung Bộ, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 7 thuộc Cục Tần số VTĐ.

          Rađa thời tiết DWRS do hãng EEC của Hoa kỳ chế tạo, được sử dụng phổ biến trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, riêng Thái lan đã có 16 trạm. Tại Việt Nam, được lắp đặt ở Tam kỳ ( Quảng Nam), Nhà bè (TP Hồ Chí Minh), Pha Đin ( Điện Biên),TP Vinh ( nghệ An), Nha trang (Khánh Hoà)....

 

          Rađa thời tiết Nha trang, thuộc chủng loại Doppler EEC-DWSR-2500C, được lắp đặt tại số 22 đường Paster là khu vực trung tâm thành phố có nhiều vật che chắn, nên đã bị hạn chế nhiều về tính năng, tác dụng. Ngoài ra, khi hoạt động nó đã tạo ra các phát xạ ngoài băng, tiềm ẩn nguy cơ và trực tiếp gây can nhiễu cho các tần số đã được cấp phép.

 

Khi antenna quay với góc ngẩng lớn hơn 120 so với phương nằm ngang, thì các phát xạ ngoài băng không xuất hiện (do không bị các vật cản ) nhưng vùng quan sát của Rađa không đảm bảo yêu cầu quan trắc thời tiết cho khu vực Nam Trung Bộ. Khi antenna quay với góc ngẩng nhỏ hơn 120 so với phương nằm ngang, tín hiệu của Rađa bị phản xạ, tán xạ bởi các vật thể nằm sát đài Rađa ( nhà cao tầng, trụ anten  ...). Kết quả là thu được trong không gian, ngoài tần số phát của Rada ( một trong những tần số từ 5,5GHz đến 5,7 GHz), nhiều phát xạ ngoài băng trong cả dải tần từ 4.772GHz đến 7.2 GHz. Đặc biệt, sự xuất hiện các tần số (6460; 6540; 6620; 6500; 6580)MHz với mức công suất lớn đã gây can nhiễu lên những tần số đã được Cục Tần số cấp phép cho 2 tuyến vi ba Nha trang - Núi Thị; Nha trang - Kê gà của Công ty viễn thông liên tỉnh (VTN). Các phát xạ ngoài băng, ngày càng gia tăng cường độ và mật độ, theo tốc độ đô thị hoá của thành phố Nha trang (ngày càng nhiều những vật thể che chắn). Đã nhiều lần Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Trung Bộ với sự giúp đỡ của Đài khí tượng Cao không và Trung tâm 7 tìm cách khắc phục, nhưng không có biện pháp nào giải quyết dứt điểm được tình trạng gây can nhiễu nói trên. Vì vậy, từ nhiều năm nay, trạm này chỉ phát sóng khi có yêu cầu của Văn phòng  Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, khi có thời tiết nguy hiểm.  

 

Thông báo Số 227/TB –UBND  của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà về việc  “Kết luận của Uỷ ban nhân dân tỉnh về địa điểm xây dựng Trạm thu phát sóng tại đảo Hòn Tre của Đài khí tượng thuỷ văn Nam Trung Bộ”, là sự ghi nhận kết quả gần 10 năm thực hiện quản lý tần số của tập thể Trung tâm Tần số VTĐ khu vực 7, đối với Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ. Với phương châm quản lý bằng kỹ thuật chuyên sâu, cán bộ công chức Trung tâm 7 đã thực hiện không ít những phép đo, đưa ra các cơ sở khoa học để chứng minh, chỉ ra nguyên nhân của can nhiễu. Phối hợp với các nhà kỹ thuật của Ngành khí tượng thủy văn để tìm được tần số ít gây can nhiễu nhất cho Rađa hoạt động tạm thời khi có giông bão, thời tiết nguy hiểm. Không kể hết những khó khăn, vất vả của tập thể Trung tâm 7 để phối hợp với VTN xây dựng các phương án dự phòng và kiểm soát bảo vệ các tần số có nguy cơ bị can nhiễu mỗi khi Rađa phát sóng. Với vị trí lắp đặt tại đảo Hòn Tre (Hòn ngọc Việt) có độ cao và không bị che chắn, Rađa thời tiết sẽ phát huy hết tính năng, phục vụ tốt yêu cầu dự báo thời tiết của khu vực và của Quốc gia./.


Nguyễn Tuấn Hùng và các đồng nghiệp trung tâm tần số khu vực VII.

 

 

 

.