Tại hội thảo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ đã nhấn mạnh lợi thế của công nghệ truyền hình số về chất lượng dịch vụ và hiệu quả sử dụng phổ tần. Số hóa truyền hình mặt đất sẽ tạo khả năng phát sóng nhiều kênh chương trình truyền hình với chất lượng cao, chất lượng phủ sóng đồng đều, có cơ hội phát triển thêm các dịch vụ truyền hình độ phân giải cao (HDTV), truyền hình di động. Sau quá trình số hóa truyền hình mặt đất sẽ giải phóng lượng phổ tần dôi dư, tạo điều kiện để các loại hình thông tin vô tuyến băng rộng khác phát triển.
Các tham luận tại hội thảo đều nhất trí với các nội dung cơ bản của Đề án số hóa truyền hình mặt đất và các nguyên tắc, phương án qui hoạch tần số truyền hình số mặt đất cho khu vực đồng bằng bắc bộ và phụ cận. Ý kiến phát biểu của các đài Truyền hình Việt Nam và các Đài PTTH địa phương đều đồng thuận về phương hướng lâu dài sẽ sử dụng các mạng đơn tần (SFN) nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng phổ tần, tăng số lượng và mở rộng vùng phủ sóng các kênh chương trình truyền hình trong khu vực.
Đài PTTH Hà Nội đề xuất việc sử dụng các mạng đơn tần cục bộ phủ sóng cho cả khu vực đồng bằng bắc bộ và phụ cận. Theo quá trình phát triển phù hợp với đề án số hóa, các mạng đơn tần sẽ tiếp tục được mở rộng sang các địa bàn lân cận. Đài PTTH Hải Phòng đề xuất việc sử dụng mạng đơn tần cho khu vực các tỉnh duyên hải bắc bộ.
Tại hội thảo các ý kiến phát biểu còn đề nghị việc triển khai truyền hình số mặt đất cần kết hợp với việc tăng cường sử dụng chung hạ tầng truyền dẫn, phát sóng như nhà trạm, cột anten và sử dụng dịch vụ truyền dẫn của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn, tránh đầu tư trùng lặp từ nguồn ngân sách nhà nước.
Kết thúc buổi hội thảo, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh, tại Việt Nam thời điểm chấm dứt truyền hình tương tự vào năm 2020 là không sớm so với các nước trong khu vực và thế giới. Quá trình số hóa truyền hình mặt đất ở nước ta, cũng như nhiều nước trên thế giới, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Khu vực đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ là 2 vùng trọng điểm về sử dụng tần số truyền hình mặt đất, qui hoạch tần số truyền hình số mặt đất cho 2 khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của truyền hình số mặt đất, đặc biệt là ở những khu vực sẽ ngừng hoàn toàn phát tương tự trước năm 2015 như Hà Nội, Hải Phòng,TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Cục Tần số VTĐ sẽ tiếp tục xem xét các ý kiến để nghiên cứu, đề xuất phương án phân bổ tần số phù hợp trên cơ sở các nguyên tắc qui hoạch đã đề ra. Việc phân bổ tần số cho các nhà khai thác phù hợp mục đích sử dụng, nhu cầu về dung lượng (số kênh chương trình) truyền dẫn phát sóng, có tính đến việc phát triển hài hòa các dịch vụ trong tương lai.
Nguyễn Hồng Tuấn – Phòng CSQHTS