Số lượng lớn thuê bao bùng nổ đã phát sinh các nhu cầu về quản lý và chăm sóc thuê bao… Hơn nữa, nhu cầu của khách hàng về dịch vụ ngày càng gia tăng, khách hàng đòi hỏi không chỉ là dịch vụ thoại và dữ liệu thông thường mà còn mong muốn các dịch vụ mới mang tính tương tác cao. Có thể nhận thấy rằng các nhà khai thác di động khó có thể thành công với nhiều ứng dụng và nội dung khác nhau do vậy cần có sự hỗ trợ và chia sẻ từ các nhà khai thác khác. Tuy nhiên những giới hạn về phổ tần sóng điện từ đã làm hạn chế số lượng nhà khai thác di động thực. Để giải quyết vấn đề này mô hình mới về khai thác dịch vụ di động dựa trên các Nhà khai thác mạng di động ảo (MVNO - Mobile Vitual Network Operator) đã ra đời.
1. Lịch sử hình thành và phát triển của MVNO
Điện thoại di động bắt đầu bùng nổ vào những năm 1980 khi truyền dẫn tương tự được sử dụng trong tất cả các hệ thống thông tin. Tại thời điểm đó các máy di động không được sử dụng rộng rãi như bây giờ do vậy chúng được thiết kế theo phương thức mà có thể cố định lắp đặt trên các ô tô. Không lâu sau đó các hệ thống NMT, AMPS, TACS, RTMI, C-Netz, và Radiocom 2000 ra đời được xem như là thế hệ di động đầu tiên (1G- first Generation). Hệ thống này vẫn chỉ là hệ thống tương tự và chỉ đủ phổ tần cho 2 nhà khai thác.
Vào năm 1990 một công nghệ mới được giới thiệu đó là Hệ thống thông tin di động (TTDĐ) toàn cầu (Global System for Mobile communications- GSM), được coi như là công nghệ di động thế hệ thứ 2 (2G- Second Generation). Hệ thống di động 2G là hệ thống TTDĐ số hóa đầu tiên. Điểm tiến bộ của 2G là nó cho phép nhiều hơn hai nhà khai thác. Tuy nhiên 2G vẫn không đủ mang lại sự cạnh tranh thực sự. Vẫn chỉ một vài nhà khai thác tham gia thị trường do giới hạn về phổ tần di động.
Đáp ứng các yêu cầu về hạn chế phổ tần số trong TTDĐ, mô hình Nhà khai thác di động ảo ( Mobile Virtual Network Operator- MVNO) ra đời. Ưu điểm chính là không yêu cầu các nhà khai thác có phổ tần cho mạng của họ, kết quả là cải thiện được tính cạnh tranh trên thị trường khai thác dịch vụ TTDĐ. Khi có nhiều đối thủ cạnh tranh, giá dịch vụ sẽ giảm và người được lợi trực tiếp là các khách hàng. Ý tưởng mới này trong lĩnh vực di động đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà khai thác viễn thông trên toàn thế giới. Virgin Mobile là công ty đầu tiên thành công mô hình thương mại hóa MVNO tại nước Anh vào năm 1999. Virgin Mobile hoạt động cung cấp dịch vụ TTDĐ tại Anh, Úc, Canada, Mỹ ...
Khởi đầu Virgin Mobile không có hạ tầng cho riêng mình mà thay vào đó họ ký kết thỏa thuận để có thể sử dụng hạ tầng của các nhà khai thác khác. Tại Anh, Virgin Mobile ký kết hợp tác với T-Mobile, sau đó vào năm 2004 Virgin Mobile tiếp tục ký kết với một công ty con của BT Group là BT Movie để có thể sử dụng hạ tầng mạng quảng bá của Movie cung cấp dịch vụ truyền hình di động. Cho tới nay họ đã có khoảng hơn 4 triệu khách hàng trên toàn bộ nước Anh.
Tiếp sau sự thành công của Virgin Mobile, MVNO đã được nhiều nhà khai thác di động trên thế giới triển khai và nghiên cứu thử nghiệm. Tính đến tháng 2/2009, trên thế giới có hơn 400 MVNO đang hoạt động dàn trải ở 366 công ty. Ngoài ra cũng có khoảng 100 nhà khai thác cũng đang lập kế hoạch triển khai MVNO.
2. Quan niệm về MVNO
Khái niệm về MVNO được nảy sinh khoảng hơn 10 năm trở lại đây. MVNO là một nhà khai thác di động mà không được cấp phép phân bổ tần số sóng điện từ và cũng không có hạ tầng vô tuyến. MVNO cung cấp dịch vụ thoại và dữ liệu di động tới khách hàng của mình dựa trên thỏa thuận hợp tác sử dụng cơ sở hạ tầng của nhà khai thác di động (MNO – Mobile Network Operator) khác. Một MVNO có thể hợp tác với nhiều MNO khác nhau. Trong đó Nhà khai thác di động (MNO) là nhà khai thác di động truyền thống được đặc trưng bởi giấy phép sử dụng phổ tần sóng điện từ, có hạ tầng mạng di động của chính họ và có mối quan hệ trực tiếp tới khách hàng. MNO có khả năng quản lý định tuyến mạng và có kết nối chuyển vùng với các MNO khác.
Hiện nay có khá nhiều định nghĩa về MVNO tuy nhiên có một điểm thống nhất chung rằng MVNO có sản phẩm dịch vụ riêng biệt hoàn chỉnh. Chính vì điều này MVNO yêu cầu có một thương hiệu riêng biệt để khách hàng khi sử dụng dịch vụ cảm thấy rằng họ đang sử dụng một mạng di động của chính MVNO đó. MVNO có các đặc tính chính sau:
- Không có phổ tần sóng điện từ và hạ tầng mạng truy nhập (Trạm thu phát sóng BTS- Base Transceiver Station, Bộ điều khiển trạm gốc BSC- Base Station Controller) mà phải thuê lại từ các MNO khác dựa trên thỏa thuận kết nối.
- Có thương hiệu riêng, số hiệu nhà khai thác di động quốc tế, có SIM riêng và có khách hàng riêng.
- MVNO mua lưu lượng từ ít nhất một MNO cung cấp (bán lại) tới khách hàng của mình và xây dựng các dịch vụ giá trị gia tăng.
3. Các loại mô hình triển khai MVNO
Có nhiều cách phân loại các loại mô hình triển khai MVNO khác nhau. Tuy nhiên có hai cách phân loại chính thường được sử dụng là dựa trên chuỗi giá trị tham gia cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà nhà khai thác di động phải thực hiện và dựa trên mối quan hệ với MNO.
Theo cách thứ nhất MVNO được phân chia thành 3 loại như Hình 1: Nhà phân phối (Reseller); Nhà khai thác dịch vụ (Service Operator); MVNO đầy đủ (Full MVNO). Ngoài ra sự phát triển của MVNO cũng tạo ra một mô hình mới MVNE ((Mobile Virtual Network Enabler) hoạt động như là cầu nối giữa các MNO và Nhà phân phối hay Nhà khai thác dịch vụ.
Hình 1: Phân loại các mô hình MVNO
Nhà phân phối (Reseller)
Một nhà phân phối dịch vụ hoạt động bán lại dịch vụ cho các MNO, họ có thương hiệu mạnh, có các kênh bán lẻ hoặc phân phối và có mối quan hệ gần gũi với khách hàng. Các Reseller không tham gia hoạt động khai thác hạ tầng viễn thông mà phải mua dịch vụ cần thiết từ các đối tác khác như là MNO, MVNE hay các Nhà khai thác dịch vụ.
Sản phẩm và dịch vụ của Reseller gắn chặt với đối tác của họ và dựa trên thỏa thuận thương mại hoặc giá cả bán buôn lưu lượng. Ưu điểm chính của mô hình này là dễ thực hiện vì nó là ứng dụng đơn giản và thu hút các nhà khai thác mạng khác.
Nhà khai thác dịch vụ (Service Operator)
Nhà khai thác dịch vụ là mô hình trung gian giữa Reseller và Full MVNO, đảm chịu trách nhiệm cung cấp hệ thống tính cước, quản lý khách hàng, và cung cấp dịch vụ. Service Operator sử dụng Module nhận dạng thuê bao (Subscriber identity module- SIM) có dải số của chính họ. Việc sử dụng các thẻ SIM có dán nhãn thương hiệu cùng với các số gán trước riêng có thể giúp nhà khai thác dịch vụ tạo ra quan điểm là nó độc lập với các nhà cung cấp dịch vụ di động khác. Tuy nhiên thực tế Service Operator vẫn bị lệ thuộc vào MNO vì phần lớn những thay đổi sẽ đòi hỏi chuyển đổi SIM của khách hàng.
Nhà khai thác dịch vụ có thể chia thành hai loại chính là: Nhà cung cấp dịch vụ truyền thống (Ordinary Service Providers - SP) và nhà cung cấp dịch vụ cải tiến (Providers of Enhanced Services - ESP)
- Nhà cung cấp dịch vụ truyền thống (SP): là các nhà cung cấp dịch vụ bán lại các sản phẩm của MNO với thương hiệu hoặc của chính MNO hoặc là trên thương hiệu của họ. Điểm khác biệt của SP so với các Reseller là họ có thể tham gia vào một số hoạt động đặc biệt như là đóng, mở thuê bao, tính cước khách hàng và có dải số cho riêng mình.
- Nhà cung cấp dịch vụ cải tiến (ESP): Các ESP có thể sử dụng SIM của MNO với thương hiệu của mình và có dải số độc lập. ESP có thể cung cấp các dịch vụ tiên tiến khác và tự quản lý thiết bị để phục vụ cho việc giám sát và cung cấp dịch vụ đó. Tuy nhiên họ phải mua lại dịch vụ mạng và kết nối tới các mạng khác thông qua MNO.
MVNO đầy đủ (Full MVNO)
Không giống như mô hình Reseller và Service Operator, điểm khác biệt duy nhất của Full MVNO so với các MNO truyền thống là họ không có giấy phép phổ tần và hạ tầng mạng truy nhập. Một Full MVNO sở hữu mạng lõi và hạ tầng cung cấp dịch vụ, họ có mã nhận dạng thuê bao di động quốc tế - IMSI (International Mobile Subscriber Identity), mã mạng di động (Mobile Network Code- MNC), SIM, kho số, hệ thống tính cước, quản lý khách hàng … và thương hiệu độc lập với các MNO.
So với Service Operator, Full MVNO có 3 ưu điểm chính: khả năng kết thúc cuộc gọi, linh hoạt lựa chọn MNO phù hợp và có khả năng đổi mới dịch vụ phù hợp với các đối tượng khách hàng. Nhờ các tính năng này MVNO có thể sử dụng năng lực mạng để giảm thiểu giá bán buôn lưu lượng từ các MNO và gia tăng doanh thu.
Theo cách thứ hai MVNO được phân chia thành hai loại chính: MVNO đầy đủ: (Plump/Full MVNO) và MVNO phụ thuộc (Skinny/Service Provider). MVNO đầy đủ hoàn toàn giống như cách phân loại trên. MVNO phụ thuộc là các nhà khai thác mà hầu như lệ thuộc toàn bộ vào năng lực mạng của MNO. Thường thì MVNO chỉ là người bán lại lưu lượng cho các MNO và không có thương hiệu độc lập. Các cuộc gọi đi và đến mạng MVNO được xử lý ngay tại chính MNO mà họ là đối tác. Họ không có số hiệu mã mạng, phát hành SIM mà thay vào đó sử dụng chính của các MNO.
4. Phương thức kết nối lưu lượng MVNO
a. Cuộc gọi MVNO với các mạng khác.
Ø Khởi tạo cuộc gọi từ thuê bao MVNO:
Đối với cuộc gọi chuyển qua điểm tham chiếu của MVNO, lưu lượng từ thuê bao của MVNO thông qua BTS và BSC chuyển tới MSC của MNO. Tại đây căn cứ vào thông tin từ Bộ định vị tạm trú-VLR (Visitor Location Register), MSC của MNO thực hiện định tuyến cuộc gọi tới MSC và Bộ định vị thường trú (Home location register-HLR) của MVNO. Dựa trên thông tin của HLR, MVNO sẽ thực hiện cuộc gọi đến nhà khai thác khác. Quá trình được mô tả như Hình 2.
Hình 2: MVNO có kết nối tới mạng thuê bao bị gọi
Cũng như trong trường hợp trên tuy nhiên khi MVNO không có kết nối trực tiếp tới mạng khai thác thuê bao bị gọi thì cuộc gọi sẽ được định tuyến qua Gateway MSC của MNO kết nối tới mạng thuê bao bị gọi như mô tả trong Hình 3. Tùy thuộc vào thỏa thuận giữa MVNO và MNO và cuộc gọi có thể được định tuyến qua MSC của MVNO hay được định tuyến trực tiếp từ MSC của MNO. Trường hợp cuộc gọi được định tuyến trực tiếp từ MSC của MNO thì MVNO chỉ đóng vai trò trao đổi các bản tin báo hiệu phục vụ cho quá trình định tuyến và ghi cước. Trường hợp này thường được sử dụng khi hạ tầng mạng thông minh của MVNO bị hạn chế.
Hình 3: MVNO không có kết nối tới mạng thuê bao bị gọi
Ø Thuê bao bị gọi thuộc MVNO
Cũng tương tự như trường hợp khởi tạo cuộc gọi từ MVNO. Đối với trường hợp này lưu lượng cũng chia thành 2 loại mạng thuê bao chủ gọi có kết nối trực tiếp và không có kết nối với MVNO. Trường hợp có kết nối trực tiếp cuộc gọi được định tuyến tới MSC của MVNO. Dựa trên thông tin của HLR cuộc gọi sẽ được MSC định tuyến tới thuê bao bị gọi trên cơ sở sử dụng hạ tầng vô tuyến của MNO, như trong Hình 4.
Hình 4: MVNO có kết nối tới mạng thuê bao chủ gọi.
Trường hợp thứ 2 khi không có kết nối trực tiếp tới mạng của thuê bao bị gọi, thì lưu lượng sẽ được chuyển tiếp thông qua Gateway MSC của MNO. Cuộc gọi có thể được định tuyến trực tiếp qua MSC của MNO hoặc qua MSC của MVNO như trong Hình 5. Trong trường hợp này MVNO đóng vai trò nhà cung cấp dịch vụ và hoàn toàn lệ thuộc vào MNO.
Hình 5: MVNO không có kết nối tới mạng thuê bao chủ gọi.
b. Cuộc gọi nội mạng MVNO
Với các cuộc gọi mà có thuê bao chủ gọi và bị gọi đều của MVNO, có 2 phương thức định tuyến có thể thực hiện, đó là thực hiện chuyển mạch cuộc gọi tại MSC của MVNO hoặc tại chính MSC của MNO. Lưu đồ định tuyến cuộc gọi như mô tả trong Hình 6.
Hình 6: Cuộc gọi nội mạng MVNO
Trong trường hợp đầu tiên cuộc gọi từ thuê bao chủ được định tuyến qua BTS, BTS và MSC của MNO. Căn cứ vào thông tin trên VLR cuộc gọi sẽ được định tuyến tới MSC của MVNO và định tuyến ngược trở lại thuê bao bị gọi trên hạ tầng của MNO. Trong trường hợp thứ hai, cuộc gọi có thể được định tuyến ngay trên MSC của MNO, khi đó MVNO chỉ trao đổi các bản tin báo hiệu phục vụ cho công tác tính cước. Trường hợp này MVNO thực chất chỉ đóng vai trò nhà cung cấp dịch vụ và rất khó để triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng.
5. Tác động của MVNO tới các MNO
Sự ra đời của MVNO mang lại nhiều yếu tố tích cực trong phát triển của MNO. Bằng cách bán lại lưu lượng cho một hoặc vài MVNO, có thể mang đến các thuê bao mới và lưu lượng cho các mạng MNO, theo đó có thể mở rộng cơ sở khách hàng của nhà khai thác hiện nay với chi phí mua lại bằng 0.
Việc bán lại lưu lượng cũng là phương thức hiệu quả để chia sẻ chi phí vận hành mạng và nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Hơn nữa, MVNO có thể đem đến những mạng lưới phân phối bán lẻ và các kênh bán hàng trực tuyến mà có khả năng thúc đẩy khách hàng qua các phương thức kinh doanh khách nhau. Khi các MVNO đưa ra các dịch vụ di động giá trị gia tăng, các đối tác cũng được hưởng lợi từ chia sẻ nguồn tài nguyên này.
Bên cạnh các yếu tố tích cực, sự xuất hiện của MVNO cũng mang lại nguy cơ tiềm tàng cho các MNO. Có thể dễ nhận ra rằng khi đó vị trí của MNO trên thị trường di động sẽ bị đe dọa, tính cạnh tranh sẽ trở lên mạnh mẽ hơn và các MNO có khả năng mất quyền điều khiển thị trường. Chính vì điều này cho tới nay rất nhiều MNO vẫn quan niệm về toàn bộ khái niệm MVNO như sự đe dọa lớn.
6. Thách thức và cơ hội triển khai MVNO tại Việt Nam
Mô hình MVNO đã xuất hiện cách đây hơn 10 năm với sự khởi đầu là Vigin Mobile ở Anh. Sau sự thành công đó mô hình đã lan rộng ra trong phạm vi toàn thế giới. Theo thống kê mới nhất hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 400 nhà khai thác dịch vụ di động theo mô hình MVNO của 366 công ty khác nhau và có xu hướng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên bên cạnh những thành công đó thì cũng có không ít những thất bại do nhiều lý do khác nhau. Ví dụ như Vigin Mobile đã khá thành công ở Anh và Mỹ tuy nhiên họ không thành công lắm tại Úc và thậm chí thất bại ở Singapore.
Việt Nam có thị trường di động tương đối trưởng thành với 7 nhà khai thác MNO và ngày 19/8/2009 Bộ CNTT&TT đã cấp giấy phép cho Đông Dương Telecom (Indochina Telecom) cung cấp dịch vụ di động và Indochina đã trở thành nhà khai thác dịch vụ MVNO đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay hai công ty nữa đang trình Bộ CNTT&TT để xin cấp giấy phép thiết lập mạng di động ảo đó là Công ty cổ phần Viễn thông FPT và Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC. Mỗi nhà khai thác đều đã xây dựng thương hiệu riêng cho mình và chiếm những thị phần nhất định. Công nghệ di động Việt Nam đang chuyển mình hướng tới cung cấp dịch vụ trên nền tảng 3G. Các dịch vụ mới ra đời sẽ làm cho tính cạnh tranh trên thị trường di động khốc liệt hơn.
Chính những điều trên mà khi triển khai dịch vụ TTDĐ dựa trên mô hình MVNO gặp nhiều thách thức. Các thách thức chủ yếu bao gồm:
- Triển khai ngay để giữ một vị trí quan trọng trong các phân đoạn thị trường mới sắp bùng nổ khi dịch vụ 3G bắt đầu xuất hiện.
- Cung cấp các dịch vụ tiên tiến và đảm bảo nguồn vốn đầu tư.
- Xây dựng một biểu đồ triển khai hợp lý.
- Tạo sự khác biệt với các dịch vụ mới
- Theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin di động trong nước và quốc tế.
7. Kết luận
16 năm qua TTDĐ ở Việt Nam đã có những bước tiến chuyển vượt bậc, từ chỉ có một nhà khai thác di động đầu tiên là MobiFone (năm 1993) tới nay tại Việt Nam đã có 8 nhà khai thác di động với số lượng thuê bao di động đạt hơn 80 triệu và có xu hướng ngày càng gia tăng. Một thực tế nữa ở Việt Nam là song song với sự bùng nổ về số lượng thuê bao thì số lượng thuê bao ảo và thuê bao rời mạng cũng ngày càng tăng. Việc liên doanh với các nhà khai thác mới sẽ giúp các nhà khai thác hiện tại phân đoạn thị trường, chăm sóc khách hàng tốt hơn từ đó cải thiện chỉ số ARPU và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, các doanh nghiệp triển khai đề án cung cấp dịch vụ di động ảo sẽ góp phần hữu hiệu vào việc nâng cao khả năng phục vụ và chất lượng dịch vụ của toàn ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam, chia sẻ gánh nặng về chi phí đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác cho các doanh nghiệp, đưa ra các dịch vụ gia tăng mới nhằm cải thiện chỉ số ARPU, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội theo định hướng hiện đại hóa trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông của Đảng và Nhà nước.
Hơn nữa, triển khai cung cấp dịch vụ TTDĐ theo mô hình MVNO có một tầm quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi mà Việt Nam đang bằng nội lực của chính mình tăng tốc hội nhập với thế giới vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Đặc biệt trong điều kiện mô hình MVNO đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới thì Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị cho mình nhưng bước đầu tư công nghệ là hết sức cần thiết.
Thu Thủy
Nguồn: Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Tài liệu tham khảo
[1] www.telecomnunnications.comarch.com
[2] Comarch Information Technology, Solution for MVNO
[3] Annukka Kiiski, Heikki Hämmäinen, Networking Laboratogy Helsinki University of Technology, Mobile Virtual Network Operators CaseFinland.
[4] Sitronics Telecom Solution , Solution for MVNO.
[5] Piran Partners LLP, May 2009, Mobile Virtual Network Operators Building Sustainable Model.
[6] Motricity, Driving Mobile Content Business Revenues for MVNO.