Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới 2012

28/02/2012

(rfd.gov.vn)- Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới (WRC-12) diễn ra tại thành phố Geneva-Thụy sỹ từ ngày 23/01 đến ngày 17/02/2012. Hội nghị xem xét, bàn thảo hơn 30 chương trình nghị sự để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung Thể lệ tần số vô tuyến điện quốc tế (the Radio Regulations) có phạm vi áp dụng toàn cầu với mục tiêu đảm bảo sử dụng hiệu quả và công bằng tài nguyên phổ tần và quỹ đạo vệ tinh.

             

Với con số kỷ lục hơn 3500 đại biểu đại đăng ký diện cho hơn 150 quốc gia hội tụ về Geneva, Hội nghị đã bầu ngài Tariq Al Awadhi - giám đốc điều hành của Vụ quốc tế và phổ tần Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất làm Chủ tịch Hội nghị cùng với 06 phó Chủ tịch gồm các ông: Decker Anstrom (Hoa Kỳ), Eric Fournier (Pháp), Albert Nalbandian (Armenia), Mahiddine Ouhadj (Algeria), Habeeb Al-Shankiti (Saudi Arabia) và Alan Jamieson (New Zealand).

Hội nghị thiết lập 07 ủy ban (COM1-COM7) để xử lý từng nhóm vấn đề. Trong đó có COM 4, COM 5 và COM6 xử lý các vấn đề cụ thể liên quan đến các qui định của Thể lệ như các vấn đề về phân bổ băng tần, thủ tục đăng ký quĩ đạo vệ tinh, chương trình nghị sự WRC-2015, …

Tương lai của băng thông rộng

Nhấn mạnh vấn đề rất quan trọng nhận được mối quan tâm toàn cầu hiện nay, Tổng thư ký ITU -tiến sĩ Hamadoun I. Touré cho biết: Tầm quan trọng của băng thông rộng và đặc biệt là băng rộng không dây đã được nhấn mạnh qua việc ra đời Ủy ban băng rộng cho phát triển kỹ thuật số. Nhiều mục tiêu phát triển băng rộng được quyết định tại hội nghị WRC-12.

Biến đổi khí hậu bao gồm cả an toàn trong trường hợp thiên tai có quy mô lớn, an toàn vận tải hàng không, vận tải biển cũng là mối quan tâm lớn của hội nghị lần này. Thông tin liên lạc đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi, giám sát và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Tại hội nghị WRC-12 có nhiều chương trình nghị sự giải quyết vấn đề quan trọng này.

WRC-12 cũng xem xét, giải quyết ảnh hưởng của hội tụ số và những khó khăn gặp phải trong việc áp dụng các quy định của Thể lệ đối với thông tin không gian, liên quan đến việc giới thiệu các công nghệ không dây mới, tiên tiến như hệ thống vô tuyến nhận thức, các thiết bị tầm ngắn, hệ thống ENG, ….“WRC-12 sẽ xác định những cách thức mới và tốt hơn để điều chỉnh các dịch vụ vô tuyến và các ứng dụng của nó, và tôi tin chắc rằng WRC-12 sẽ đóng góp lớn trong việc làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người", Tiến sĩ Touré cho biết.

Trong tuần đầu tiên (23-27 tháng Giêng), WRC-12 đã có các quyết định đem lại lợi ích cho hệ thống thông tin an toàn hàng không hiện đại, mở rộng việc phân bổ nghiệp vụ chính cho nghiệp vụ vệ tinh khí tượng (MetSat) trong dải tần 7 GHz, và phân bổ các băng tần cho vệ tinh cảm biến thụ động từ xa giữa băng tần 275 GHz và 3 000 GHz.

Phổ tần cho IMT

Ngoài việc sử dụng băng tần 790-862 MHz ở khu vực 1 và khu vực 3, WRC-12 đã xem xét phân bổ thêm băng tần cho nghiệp vụ di động bao gồm cả IMT để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ứng dụng băng rộng di động mặt đất trong băng tần số 694 - 790 MHz. Vấn đề này đã được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị vô tuyến thế giới lần sau (WRC-15) cùng với sự cần thiết phải xem xét phân bổ thêm băng tần cho nghiệp vụ di động.

Tăng cường hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên phổ tần/quỹ đạo vệ tinh

Ngoài việc làm rõ các khái niệm thế nào là vệ tinh được đưa vào sử dụng (vệ tinh triển khai và duy trì ở vị trí quỹ đạo trong một thời gian liên tục 90 ngày), WRC-12 cũng đã ủy thác cho Cục Thông tin vô tuyến ITU bắt đầu yêu cầu cơ quan quản lý các nước cung cấp thông tin về hoạt động của vệ tinh thật tránh trường hợp vệ tinh giấy (có đăng ký vị trí quỹ đạo nhưng không có vệ tinh thật hoạt động). Tăng cường các thông tin về vệ tinh được đăng ký với ITU để quản lý tốt hơn đồng thời cũng quyết định sử dụng lâu dài và phát triển truyền hình quảng bá qua vệ tinh (BSS) trong băng tần 21.4-22GHz trong khu vực 1 và 3. WRC-12 cũng quyết định giảm cung phối hợp quỹ đạo tạo điều kiện giảm quá tải yêu cầu phối hợp cho các nhà khai thác vệ tinh mới đăng ký vị trí quỹ đạo.

Việt Nam đã đệ trình đề xuất thay đổi Thể lệ vô tuyến điện cho phép gia hạn hồ sơ vệ tinh trong trường hợp phóng hỏng thêm 03 năm lên Hội nghị trù bị lần 2 cho Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (CPM11-2) và đã được Hội nghị CPM11-2 đồng ý đưa vào bản báo cáo cuối của hội nghị để các nước tiếp tục nghiên cứu, thảo luận tại Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới năm 2012 (WRC-12). Tại hội nghị WRC-12 đề xuất này đã được thông qua.

Hội nghị WRC-12 đã quyết định nghiệp vụ BSS (nghiệp vụ truyền hình quảng bá qua vệ tinh) và FS (nghiệp vụ cố định) trong băng tần 21.4-22GHz trong khu vực 1 và 3 cùng là nghiệp vụ chính. Các mạng vệ tinh và các mạng mặt đất phải điều chỉnh tham số kỹ thuật đảm bảo thỏa mãn các mức giới hạn được thiết lập tại hội nghị WRC-12 để không gây can nhiễu cho nhau. Việt nam đã bảo vệ thành công việc kéo dài thời gian các mạng mặt đất phải điều chỉnh đáp ứng giới hạn của ITU tới tận ngày 31/12/2015 trước sức ép vô cùng lớn của các nước khác, tránh được khó khăn phải điều chỉnh ngay viba trong băng tần này. Nếu điều này xẩy ra sẽ gây khó khăn rất lớn cho Việt Nam, vì Việt Nam triển khai nhiều viba trong băng tần này.

Với vai trò phát ngôn của khu vực châu Á liên quan tới chương trình 1.20 (sử dụng băng tần 5-7GHz cho nghiệp vụ HAPS), Cục Tần số đã hạn chế được tối đa việc các nước sử dụng băng tần này cho nghiệp vụ HAPS, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng cung cấp dịnh vụ băng tần C của vệ tinh Vinasat-1.

Vệ tinh cảm biến thụ động từ xa

Tương lai của các ứng dụng quan sát trái đất là hướng tới sự phát triển của bộ cảm biến thụ động đặt trên các vệ tinh khí tượng và môi trường hoạt động trong dải tần 275GHz -3 000 GHz.

Hội nghị đã quyết định sử dụng dải tần 275-1000GHz cho các nghiệp vụ thụ động và không loại trừ việc sử dụng dải tần này cho các nghiệp vụ  chủ động. Các nước muốn sử dụng băng tần 275-1 000 GHz cho các nghiệp vụ chủ động cần phải thực hiện tất cả các bước để tránh can nhiễu cho các nghiệp vụ thụ động. Dải tần từ 1000-3000GHz có thể được sử dụng cho cả hai nghiệp vụ chủ động và thụ động.

Nghiệp vụ vệ tinh khí tượng có được nhiều băng thông hơn

Việc mở rộng băng tần cho nghiệp vụ vệ tinh khí tượng trong băng tần 7 750–7 850 MHz tới băng 7 850–7 900 MHz được thảo luận tại chương trình nghị sự 1.24. Xem xét chương trình nghị sự này, Ủy ban COM 5 đã đồng ý băng tần 7 850-7 900 MHz được phân bổ cho các nghiệp vụ vệ tinh khí tượng giới hạn cho vệ tinh phi địa tĩnh theo hướng xuống là nghiệp vụ chính.

Không phân bổ thêm băng tần cho nghiệp vụ di động qua vệ tinh (MSS)

Dưới chương trình nghị sự 1.25, Hội nghị đã quyết định không phân bổ thêm băng tần cho nghiệp vụ MSS trong bằng tần 4-16GHz. Hội nghị đã bãi bỏ Nghị quyết 231 (WRC-07) về "phân bổ bổ sung cho các nghiệp vụ di động qua vệ tinh trong băng tần từ 4 GHz -16 GHz". . Để có thể thông qua việc không phân bổ băng tần cho nghiệp vụ này, Cục Tần số vô tuyến điện đã tham gia tích cực các nhóm nghiên cứu của ITU, hội nghị chuẩn bị cho WRC-12 khu vực Châu á để bảo vệ quan điểm không phân bổ thêm băng tần cho nghiệp vụ MSS trong băng tần 4-16GHz.

Radar Hải dương học nhận được hỗ trợ

Ngày càng có nhiều quan tâm trong hoạt động Radar hải dương học để đo lường điều kiện mặt nước biển, ven biển để hỗ trợ môi trường, hải dương học, khí tượng, khí hậu, hàng hải và các hoạt động giảm nhẹ thiên tai. Những phép đo này giúp hiểu biết tốt hơn về các vấn đề rất quan trọng như ô nhiễm ven biển, quản lý thủy sản tìm kiếm, cứu nạn, xói mòn bãi biển, và giao thông hàng hải.

Dưới chương trình nghị sự 1.15, Hội nghị đã xem xét phân bổ dải tần 3-50MHz cho nghiệp vụ định vị vô tuyến cho các ứng dụng Radar hải dương học.

Việt nam đã bảo vệ thành công băng tần Radar hải dương học của Việt nam đang hoạt động, đạt được hài hòa băng tần ở mức độ toàn cầu. Việt nam cũng thúc đẩy hài hòa các băng tần ở cấp độ khu vực.  

Nghiệp vụ hàng hải

Yêu cầu thông tin liên lạc hàng hải để hỗ trợ các hệ thống an toàn cho tàu và cảng biển
WRC-12 giải quyết các yêu cầu thông tin liên lạc hàng hải để hỗ trợ các hệ thống an toàn cho tàu và các hoạt động cảng. Hội nghị đã thiết lập các quy định mới trong Thể lệ vô tuyến điện thế giới để cải tiến hệ thống thông tin tự động  phát hiện vệ tinh bằng cách sử dụng các kênh VHF.

Tần số phát trong băng tần di động hàng hải VHF

Hội nghị cũng đã xem xét việc sử dụng các công nghệ mới trong ngành hàng hải cần thiết đối với "Bảng tần số phát trong băng tần di động hàng hải VHF" trong đó xác định các số kênh thông tin liên lạc hàng hải VHF dựa trên khoảng cách kênh 25 kHz cũng như ở những nơi mà công nghệ kỹ thuật số có thể được triển khai.

Nghiệp vụ hàng không

Thỏa thuận đạt được hỗ trợ tăng trưởng và an toàn hàng không 

Hội nghị đã quyết định đảm bảo có đủ phổ tần cần thiết cho phép triển khai các ứng dụng trong quản lý không lưu, có thể hỗ trợ các kết nối dữ liệu mang thông tin an toàn hàng không rất quan trọng. Những hệ thống này sẽ nâng cao khả năng thông tin liên lạc hàng không và kết hợp với khả năng định vị chính xác hơn - cho phép các chuyến bay được định tuyến hiệu quả hơn, dẫn đến chậm trễ ít hơn, thời gian bay ngắn hơn, chi phí nhiên liệu thấp hơn và giảm lượng khí thải CO2. ITU-R sẽ tiếp tục nghiên cứu sự tương thích giữa các nghiệp vụ phát thanh truyền hình và nghiệp vụ di động hàng không trong băng tần 108-117,975 MHz do việc triển khai hệ thống phát thanh kỹ thuật số.

An toàn hàng không

Tốc độ tăng trưởng trong ngành hàng không đặt ra yêu cầu mở rộng các tuyến thông tin di động có thể hoạt động qua đường chân trời. WRC-12 đã quyết định cơ quan quản lý các nước sử dụng các mạng vệ tinh-di động phải phân bổ phổ tần cần thiết cho thông tin an toàn, cứu nạn, khẩn cấp của hệ thống an toàn cứu nạn hàng hải toàn cầu (GMDSS) và hệ thống thông tin di động hàng không.

Nghiệp vụ di động hàng không

Các hệ thống nghiệp vụ di động hàng không là rất quan trọng đối với điều khiển không lưu và an toàn cho các chuyến bay. Một số các hệ thống thông tin liên lạc ( chẳng hạn như thông tin về không lưu, quảng bá giám sát tự động phụ thuộc, và thông tin các chuyến bay) cho phép cung cấp thông tin không lưu được truy cập dễ dàng cho các nhà quản lý không lưu truy cập tại cùng một thời điểm. Điều đó cho phép sử dụng hiệu quả không phận. Việc phân bổ băng tần 960-1164 MHz cho nghiệp vụ di động hàng không sẽ hỗ trợ việc triển khai các ứng dụng trong quản lý không lưu.

Di động hàng không bảo vệ các nghiệp vụ chính khác trong băng 37 - 38 GHz

Một số quốc gia đã triển khai các bộ thu trạm mặt đất nghiệp vụ nghiên cứu không gian ở băng 37−38 GHz để hỗ trợ các công tác gần trái đất và sâu trong không gian. WRC-12 quyết định loại trừ thành phần hàng không của phân bổ nghiệp vụ di động này để đảm bảo bảo vệ thích hợp cho các nghiệp vụ di động và nghiên cứu không gian hiện nay hoặc đang có kế hoạch triển khai.

Giám sát không gian vũ trụ

WRC đã giải quyết việc khan hiếm phổ tần cho giám sát không gian vũ trụ, giám sát việc phóng, di chuyển tầu vũ trụ và phân bổ bổ sung băng tần 154-156 MHz cho nghiệp vụ định vị vô tuyến ở một số quốc gia.

                    

Tinh thần hợp tác quốc tế

Truyền thống thiện chí và hợp tác quốc tế luôn luôn được thể hiện tại các Hội nghị vô tuyến thế giới trước đây để giải quyết các khó khăn, bất đồng đi tới sự đồng thuận chung cho tất cả các nước. Và lần này cũng vậy, WRC-12 đã thành công tốt đẹp với những cải tiến kịp thời trước các yêu cầu về kỹ thuật và điều chỉnh Thể lệ tần số vô tuyến điện quốc tế để đáp ứng yêu cầu của các nước thành viên đối với việc phân bổ, sử dụng phổ tần và các nguồn tài nguyên quỹ đạo. WRC-12 sẽ là một mốc quan trọng đánh dấu sự thành công của mình trong lịch sử phát triển của Liên minh viễn thông quốc tế ITU.

Nguyễn Huy Cương