Cục Thương mại điện tử và CNTT (nay là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) thuộc Bộ Công Thương vừa cho biết, cơ quan này đã nhận được phản ánh của Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ TT&TT về việc một số website thương mại điện tử rao bán các thiết bị kích sóng điện thoại di động không được cấp Giấy chứng nhận và công bố hợp quy.
Cục Thương mại điện tử và CNTT - Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân, tổ chức, cá nhân rà soát và gỡ bỏ khỏi website, ứng dụng thương mại điện tử của đơn vị mình các thiết bị vi phạm có tên/ký hiệu gồm có: Booster YX520-I; Bộ khuếch đại sóng điện thoại GSM-950; Bộ khuếch đại sóng Repeater C10; Bộ khuếch đại sóng điện thoại GSM-960; Thiết bị tăng sóng điện thoại GSM980; Thiết bị kích sóng SHOHO REPEATER950; Thiết bị kích sóng SHOHO REPEATER900; Thiết bị kích sóng SHOHO REPEATER900i; Thiết bị kích sóng 2 băng tần10C-GD-(10DB); Thiết bị kích sóng 2 băng tần15C-GD-(10-20DB).
Các loại thiết bị kích sóng di động vi phạm được Cục Thương mại điện tử và CNTT - Bộ Công Thương nêu tên còn có: Thiết bị kích sóng 2 băng tần20C-GD-(15-20DB); Thiết bị kích sóng 2 băng tần33C-GD-(33DB); Thiết bị kích sóng Shoho Repeater DualBand GSM 90; Thiết bị khuếch đại GSM 3G; Bộ kích sóng di động 3G ATNJ-GM-80-27cho tòa nhà; Bộ kích sóng di động 3G GSM/3G KW20L-GW; Bộ kích sóng di động 2G GSM/2G 980; Khuếch đại tín hiệu GSM AMPLITEC10C-GD/20C-GD/24C-GD/27C-GD/33C-GD; Khuếch đại tín hiệu GSM và 3G AMPLITEC10T-GD/20T-GD/27T-GD; Khuếch đại tín hiệu SHOHO PLUSC10B/SHOHO REPEATER 900/SHOHO 900 PLUS/ SHOHO PLUS C10H/ SHOHO PLUS C10/SHOHOPLUS C20C/SHOHO DUAL BAND 23D PLUS/SHOHO REPEATER 970/SHOHO REPEATER 900.
Tình trạng các thiết bị kích sóng di động được rao bán tràn lan, công khai trên mạng đã được ICTnews phản ánh nhiều lần trong những năm gần đây.
Thiết bị kích sóng di động được biết đến là loại thiết bị vô tuyến điện hoạt động theo nguyên lý thu sóng GSM các loại băng tần tại nơi có cường độ sóng tốt rồi chuyển tiếp, khuếch đại và phát lại ở nơi có sóng yếu. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các loại thiết bị này nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho mạng thông tin di động.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ TT&TT, chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động, có giấy phép sử dụng băng tần, được sử dụng thiết bị phát lặp (còn gọi là thiết bị kích sóng điện thoại di động, repeater) trong hệ thống thông tin di động, để lắp đặt tại các khu vực bị hạn chế vùng phủ sóng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin di động và không gây can nhiễu cho các mạng thông tin di động.
Các cá nhân, tổ chức khác sử dụng thiết bị phát lặp là vi phạm các quy định của Pháp luật về tần số vô tuyến điện và có thể bị xử phạt đến 30 triệu đồng và bị tịch thu tang vật, theo quy định tại khoản 3, khoản 7, Điều 90 của Nghị định 174/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
Cũng theo Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ TT&TT, trong nửa đầu năm nay, Cục đã tiếp tục xử lý 35 vụ can nhiễu của năm 2016, đồng thời tiếp nhận, xử lý 93 vụ can nhiễu phát sinh mới. Trong đó, giải quyết số lượng lớn can nhiễu thông tin di động do việc sử dụng các thiết bị vô tuyến không đúng quy hoạch phổ tần và quy chuẩn kỹ thuật gây ra. Với 406 trạm gốc phát sóng di động có cảnh báo nhiễu (374 trạm gốc mạng 3G), Cục đã phát hiện và xử lý 359 điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 và 53 thiết bị kích sóng di động gây can nhiễu. Các vụ can nhiễu mạng di động chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ.