Tham dự Hội nghị có và ông Nguyễn Tiến Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; lãnh đạo Trung tâm Tần số VTĐ khu vực VI, lãnh đạo các Sở TTTT và đại diện một số đơn vị thuộc Cục, Trung tâm VI và 04 Sở TTTT.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Cường - Giám đốc Trung tâm VI cho biết, hiện nay tại 04 tỉnh có 5.148 giấy phép tần số các loại và hơn 30.000 thiết bị vô tuyến điện đang hoạt động.
Năm 2017, Trung tâm VI và các Sở TTTT trong khu vực đã phối hợp tổ chức 04 Hội nghị phổ biến pháp luật về tần số VTĐ và thực hiện nhiều đợt tuyên truyền trên phương tiện truyền thông của đại phương; cấp phép cho 112 đài truyền thanh không dây và 160 giấy phép đài tàu cá; tiến hành đo, kiểm tra 82 thiết bị PTTH và truyền thanh không dây; tổ chức kiểm tra định kỳ 05 đợt với 74 đơn vị, xử lý 48 vụ vi phạm; xử lý kịp thời 05 vụ can nhiễu về tần số vô tuyến điện, trong đó có các vụ can nhiễu đáng chú ý: Nhiễu tần số hàng không của Mỹ do thiết bị liên lạc đặt trên tàu cá của ngư dân tại Quảng Bình, nhiễu tần số điều hành bay tại Thanh Hóa, Nghệ An do đài truyền thanh không dây cấp xã và đài FM cấp huyện và nhiễu mạng thông tin di động do thiết bị chế áp sóng gây ra.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Sở TT&TT đều đã đánh giá sự phối hợp quản lý tần số VTĐ tại địa phương giữa Cục Tần số VTĐ, trực tiếp là Trung tâm VI với các Sở TTTT tiếp tục có hiệu quả cao và thiết thực.
“Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, nhiệt tình của Trung tâm VI trong phối hợp công tác với Sở TTTT, nhờ đó giúp cho hoạt động quản lý tần số VTĐ của địa phương ngày càng bài bản và hiệu quả”, ông Trần Duy Bình - Giám đốc Sở TTTT Thanh Hóa nhấn mạnh.
Các Sở TTTT đề nghị trong thời gian tới, Cục, Trung tâm VI và các Sở cần chú trọng phối hợp triển khai các nội dung: Tuyên truyền các quy định về sử dụng, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện, đặc biệt là thiết bị bộ đàm; hướng dẫn, hỗ trợ 04 tỉnh triển khai số hóa truyền hình mặt đất đảm bảo tắt sóng truyền hình tương tự trước 31/12/2018 theo kế hoạch; hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra về an toàn bức xạ của các trạm BTS đối với sức khỏe con người.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan đã đánh giá cao kết quả phối hợp giữa Trung tâm VI và các Sở TTTT; và đồng tình với các đề xuất của các Sở TTTT về các nội dung trọng tâm cần tăng cường phối hợp trong năm tới.
Về công tác tuyên truyền, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan đề nghị bên cạnh tăng cường thực hiện trên các phương tiện truyền thông, cần tổ chức các Hội nghị để tuyên truyền trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thiết bị VTĐ. Đối với thiết bị bộ đàm cần tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân đang kinh doanh, sử dụng và cả các đối tượng có tiềm năng sử dụng bộ đàm cao như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, taxi,..
Trao đổi về vấn đề an toàn bức xạ, ông Đoàn Quang Hoan chia sẻ, hiện nay Bộ KHCN, Bộ TTTT, Bộ Y tế đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến an toàn bức xạ sóng điện từ. Các tiêu chuẩn này có yêu cầu cao hơn hoặc bằng các tiêu chuẩn của quốc tế. Như vậy, có thể hiểu nếu các trạm BTS đáp ứng các tiêu chuẩn nói trên, thì không gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe người dân. Đối với trường hợp nằm trong phạm vi gần trạm, cần phải được đo kiểm thực tế để đánh giá cụ thể.
Ông Hoan cho biết thêm, hiện nay Cục Tần số VTĐ đang rà soát, nghiên cứu để triển khai nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về an toàn bức xạ mới được Bộ TTTT phân công; trước mắt, đề nghị các Sở TTTT tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các tiêu chuẩn của các trạm BTS trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Về triển khai số hóa truyền hình, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan cho biết: Với vai trò là Văn phòng của Ban chỉ đạo, Cục Tần số VTĐ đã và đang tích cực hoàn thiện báo cáo của Ban Chỉ đạo để đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi một số nội dung của Đề án; sau khi được phê duyệt, Ban chỉ đạo sẽ hướng dẫn cụ thể triển khai các nội dung thay đổi. Theo ông Hoan, một số vấn đề các địa phương cần phải hết sức quan tâm đó là: Nắm rõ quy định về đối tượng, phạm vi được hỗ trợ đầu thu truyền hình số từ kinh phí của Trung ương; phương án thuê, hợp tác về hạ tầng truyền dẫn truyền hình số; quyết định việc đầu tư hay không đầu tư xây dựng trạm phát lại truyền hình số thay thế trạm phát lại truyền hình tương tự; phương án giám sát việc hỗ trợ đầu thu truyền hình đối với hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo đúng đối tượng;…
Ngoài các nội dung trên, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan đề nghị UBND các tỉnh yêu cầu Bộ đội biên phòng của địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra thiết bị và giấy phép tần số nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển; đề nghị các cơ quan của địa phương chủ động, tích cực phối hợp giải quyết các can nhiễu tần số giữa dân sự, quốc phòng và an ninh.
Trước khi kết thúc Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Tần số VTĐ khu vực VI đã lần lượt ký kết Kế hoạch phối hợp quản lý tần số VTĐ năm 2018 với các lãnh đạo Sở TTTT tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.