Đó là chia sẻ của đại diện Công ty Huawei tại buổi Hội thảo giới thiệu giải pháp mới nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần, do Cục Tần số VTĐ và Công ty Huawei phối hợp tổ chức ngày 11/7/2018 tại Hà Nội.
Với nguồn tài nguyên tần số hữu hạn, để triển khai các công nghệ vô tuyến như UMTS (3G), LTE (4G) trên băng tần của GSM các nhà khai thác phải giảm số lượng sóng mang GSM nhất định, do đó làm giảm dung lượng mạng GSM và trải nghiệm của người dùng.
Tại Hội thảo, đại diện Huawei cho biết: Công ty đang hiện thực hóa khả năng mây hóa mạng bằng các công nghệ tiên tiến như CloudEdge, CloudRAN và CloudAIR.
CloudEdge đưa các tài nguyên mạng lõi vào đám mây, giúp các nhà khai thác có thể điều chỉnh cấu hình mạng một cách linh hoạt, nhằm đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ mới và tối đa hóa hiệu quả mạng.
CloudRAN tập trung vào việc quản lý cấu hình dải tần cơ sở trên đám mây, giảm việc xây dựng mạng lưới và cho phép khách hàng sử dụng các dịch vụ di động một cách trơn tru mọi lúc, mọi nơi.
CloudAIR mây hóa đám mây giao diện không gian để tự động điều chỉnh các định dạng phổ tần và phân bổ các tài nguyên phổ tần dựa trên sự biến động của lưu lượng mạng, nó giúp các nhà khai thác đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về dữ liệu, cải thiện hiệu suất tại các vị trí ở xa trạm gốc nhất (biên tế bào) và sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên phổ tần.
CloudAIR cho phép các công nghệ truy cập vô tuyến khác nhau dùng chung phổ tần trên cùng sóng mang. CloudAIR tự động phân bổ tài nguyên tần số cho các công nghệ truy cập vô tuyến khác nhau theo nhu cầu.
CloudAIR gồm 3 lĩnh vực kỹ thuật mây hóa về phổ tần, công suất và kênh tần số. Qua đó, các nhà khai thác triển khai dịch vụ hiệu quả hơn và nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Mây hóa đám mây phổ tần
Mây hóa đám mây phổ tần được thiết kế cho hầu hết các công nghệ vô tuyến hiện đại, bao gồm việc triển khai GSM và UMTS, GSM và LTE trên cùng một băng tần. Lưu lượng thoại và lưu lượng gói dữ liệu có mẫu khác nhau, dẫn đến thời gian cao điểm của mạng LTE và GSM khác nhau, việc phân bổ tĩnh hai công nghệ trên cùng một băng tần dẫn đến hiệu suất sử dụng băng tần không cao.
Mây hóa đám mây phổ tần cho phép chia sẻ động trên cùng một băng tần giữa các công nghệ truy cập vô tuyến khác nhau tùy theo lưu lượng. Khi lưu lượng truy cập trên mạng GSM cao, nhiều phổ tần sẽ được phân bổ cho công nghệ này; khi lưu lượng truy cập trên mạng GSM thấp, LTE sẽ được phân bổ nhiều phổ tần hơn để cung cấp dịch vụ tốc độ cao và trải nghiệm người dùng tốt hơn. Qua đó, tăng đáng kể hiệu quả sử dụng phổ tần. So với tái sử dụng tần số, mây hóa đám mây phổ tần cho phép các nhà khai thác triển khai các công nghệ mới với chi phí thấp hơn, thời gian ngắn hơn và vùng phủ sóng rộng hơn.
Mây hóa đám mây công suất
Nhiều công nghệ vô tuyến được triển khai trên cùng một phần cứng trạm gốc. Các nhà khai thác di động có thể sử dụng mây hóa công suất để cải thiện việc sử dụng tài nguyên năng lượng và dung lượng mạng. Các sóng mang khác nhau và các công nghệ vô tuyến khác nhau có thể chia sẻ công suất phát trong cùng một đơn vị vô tuyến vật lý, cho phép các công nghệ vô tuyến truyền năng lượng nhiều hơn để cải thiện tốc độ kết nối mạng ở biên tế bào, từ đó thông lượng của tế bào được gia tăng.
Mây hóa đám mây kênh
Đối với các mạng truyền thống, nếu người dùng ở gần trạm gốc (trung tâm tế bào) thì họ nhận được dịch vụ tốt. Nếu người dùng ở biên tế bào, dịch vụ suy giảm do tín hiệu yếu. Hơn nữa, biên tế bào là vùng phủ sóng chồng chéo, nơi đồng thời nhận tín hiệu từ các trạm phát sóng lân cận; các tín hiệu từ trạm phát sóng lân cận can thiệp và làm suy giảm tín hiệu từ trạm phát sóng ban đầu.
Mây hóa đám mây kênh tận dụng nhiều tín hiệu nhận được trong một vùng phủ sóng chồng chéo để cải thiện chất lượng truyền thông cũng như sử dụng công nghệ MIMO đa người dùng để tăng dung lượng mạng, đặc biệt ở các khu vực đông dân cư như sân vận động, trong các tòa nhà,…
Huawei cho biết thêm, Công ty đã hợp tác với các đối tác toàn cầu trong việc quảng bá giải pháp CloudAIR. Ở Ấn Độ và Nigeria, Huawei đã sử dụng CloudAIR để đồng triển khai GSM và UMTS trong cùng một khối phổ tần. Ở Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan, CloudAIR được sử dụng để đồng thời triển khai GSM và LTE. Mây hóa kênh cũng đã được triển khai ở Trung Quốc và Nhật Bản để cải thiện hiệu suất mạng ở các khu vực đông dân cư.
Công nghệ vô tuyến sóng Millimeter
Cũng tại Hội thảo này, Huawei đã trình bày về sóng Millimeter, đặc biệt nhấn mạnh băng tần V (57-66 GHz) và băng tần E (71-86 GHz) là những băng tần được xem xét áp dụng công nghệ vô tuyến Millimeter, mang lại tiềm năng đáp ứng nhu cầu băng thông ngày càng cao để cung cấp tốc độ truyền tốt hơn.
Công nghệ vô tuyến sóng Millimeter được xem như một tiềm năng tương đương cáp quang về mặt cung cấp băng thông, song lại không có những hạn chế về vận chuyển và tài chính khi triển khai như cáp quang. Sóng Millimeter lý tưởng cho việc cung cấp dung lượng rất lớn cho các khoảng cách ngắn trong môi trường đô thị, giảm tải tắc nghẽn dữ liệu và tạo điều kiện cho các dịch vụ yêu cầu băng rộng.
Huawei cũng giới thiệu về bước phát triển băng tần E tại các quốc gia trên thế giới mà ở đó, Huawei là nhà cung cấp tuyến đường trục hàng đầu ở châu Âu và có thị phần cao đối với sóng Milimét hiện nay liên quan đến băng V và băng E.
Ba công nghệ CloudEdge, CloudRAN, CloudAIR sẽ giúp các nhà khai thác mạng tích hợp các mạng lõi, mạng truy cập vô tuyến và phổ tần, cũng như nhanh chóng thiết lập các cấu trúc và thông số mạng mới để đáp ứng được những nhu cầu hiện tại và trong tương lai đối với các dịch vụ truyền thông trong khi vẫn tối đa hoá tính hiệu quả của mạng. Huawei hiện đang áp dụng công nghệ CloudRAN vào mạng truy cập vô tuyến của mình. Việc triển khai công nghệ CloudAIR cũng đang được tiến hành để đảm bảo hệ thống mây hóa hoàn thiện. Huawei cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu về hệ thống mây hóa mạng và công nghệ sóng vô tuyến Millimeter để tạo nền tảng vững chắc cho kỷ nguyên 5G.