Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề về hợp tác song phương như: Băng tần cho các hệ thống băng rộng, triển khai chuyển đổi truyền hình số, phát triển dịch vụ vệ tinh và kỹ thuật kiểm soát tần số. Việt Nam thông báo về việc đưa vào sử dụng phòng đo EMC 10m tại thành phố Hồ Chí Minh. Campuchia nhấn mạnh vào nhu cầu băng tần cho hệ thống đường sắt. Hai bên cùng thống nhất sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tần số, tổ chức cuộc họp phối hợp tần số vùng biên và truyền hình, trao đổi quan điểm về các chương trình nghị sự Hội nghị Thông tin vô tuyến Thế giới năm 2019 và đẩy mạnh hợp tác giữa các nhà khai thác truyền hình, di động nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần.
Về vấn đề phối hợp sử dụng các kênh tần số di động tại khu vực vùng biên, hai bên đã đánh giá lại việc tuân thủ các thỏa thuận đã ký giữa hai nước của các nhà khai thác di động. Về cơ bản, doanh nghiệp hai bên đã cố gắng triển khai mạng di động 2G và 3G theo thỏa thuận giữa hai nước. Đối với một số kênh phát vượt mức thỏa thuận, các doanh nghiệp di động đồng ý sẽ phối hợp trực tiếp với nhau để điều chỉnh qua các đầu mối của doanh nghiệp.
Cũng tại Cuộc họp, các nhà khai thác di động hai nước đã cập nhật tình hình triển khai thêm các hệ thống di động băng rộng (UMTS, LTE) trên các băng tần 900 MHz, 1800 MHz và 2100 MHz.
Đối với băng tần 900 MHz, hai nhà khai thác VNPT (Việt Nam) và CamGSM (Campuchia) đã đồng ý hoán đổi đoạn băng tần ưu tiên cho nhau. Các mức cường độ trường cho kênh ưu tiên và kênh không ưu tiên được giữ nguyên.
Hai bên cũng cam kết không phát tín hiệu UMTS trên băng tần 900 MHz sang nước láng giềng.
Đối với đoạn băng tần 1845-1865 MHz/ 1750-1770 MHz trong băng tần 1800 MHz, Viettel (Việt Nam) và CamGSM (Campuchia) đã thống nhất việc phân chia mã nhận dạng cell vật lý (PCI) và các mức cường độ trường cụ thể cho mã ưu tiên và mã không ưu tiên. Đối với các đoạn băng tần còn lại trên băng tần 1800 MHz, các nhà khai thác Smart, Viettel Cambodia, VNPT và Mobifone sẽ tiếp tục thảo luận và tìm tiếng nói chung tại các cuộc họp tiếp theo.
Hai bên cũng thống nhất tiếp tục giữ nguyên thỏa thuận đã đạt được đối với băng tần 2100 MHz.
Đối với việc phối hợp tần số vùng biên cho các mạng truyền hình, các đài truyền hình của hai nước đã giới thiệu cấu hình kỹ thuật mạng của mỗi bên. Nhận thấy lợi ích của việc triển khai mạng đơn tần SFN, Campuchia ủng hộ việc ưu tiên triển khai loại mạng này cho truyền hình số mặt đất. Hai bên cũng thảo luận giải pháp xử lý một số tần số phát thanh truyền hình có mức cường độ trường vượt mức tối thiểu theo quy định của ITU, như các tần số FM 93.1 MHz, 102.7 MHz tại Tịnh Biên và 101 MHz tại Mộc Bài.
Việt Nam đã tư vấn cho nhà khai thác PNN (Campuchia) nên chuyển sàn SFN để xử lý tình trạng nhiều điểm phát sóng quá gần nhau và sử dụng chung một tần số.
Về việc phối hợp cho các mạng truyền hình trong dải tần số 470-694 MHz, hai bên đã đạt được thỏa thuận phân chia mỗi bên có 08 kênh truyền hình dùng riêng. Các kênh dùng riêng của Việt Nam đều nằm trong các kênh tần đã được quy hoạch cho truyền hình số mặt đất.
Các kênh truyền hình còn lại (12 kênh) và điều kiện kỹ thuật để sử dụng các kênh truyền hình dùng riêng sẽ được tiếp tục thảo luận tại cuộc họp tiếp theo.
Tại cuộc họp, hai bên đã cung cấp cho nhau đầu mối liên lạc của các đài phát thanh truyền hình để xử lý can nhiễu nếu phát sinh.