Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Nguyễn Phương Anh nhấn mạnh: Bảo vệ bí mật Nhà nước là một trong những nội dung quan trọng bậc nhất của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chính trị nội bộ. Chính vì vậy, đây là một nhiệm vụ rất quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Cục Tần số VTĐ. Thời gian qua, Cục Tần số VTĐ luôn chú trọng đến công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, coi đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, với mỗi CCVC và người lao động của Cục.
Việc tổ chức tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước lần này nhằm nâng cao hơn về kiến thức và ý thức trách nhiệm của CCVC trong việc bảo vệ bí mật Nhà nước, nhất là khi Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10.
Tại hội nghị, Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng Quản lý NN về bảo vệ bí mật nhà nước - Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an đã giới thiệu các nội dung mới của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, như: Quy định cụ thể trách nhiệm nhằm nâng cao trách nhiệm của người soạn thảo văn bản, hạn chế lộ, mất bí mật nhà nước; thống nhất và mở rộng thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước; bổ sung đối tượng được phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước nhằm khắc phục hạn chế về thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tiếp cận bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu công tác.
Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung cho biết, trong tình hình mới, nếu chúng ta cấm sử dụng văn bản điện tử thì sẽ đi ngược lại xu hướng xây dựng Chính phủ điện tử. Vì vậy, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước phải vừa đảm bảo sử dụng văn bản điện tử, vừa phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, không được lộ, lọt. Việc sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản bí mật phải là máy tính “sạch”, tách rời hệ thống mạng (kể cả mạng nội bộ), đồng thời thiết bị sao chép, lưu giữ cũng phải “sạch”, nhưng tốt nhất là sử dụng máy in tài liệu tại chỗ và sau đó phải mã hóa dữ liệu theo quy định về cơ yếu để đảm bảo thông tin được bí mật.
Tại Hội nghị, các khó khăn, vướng mắc thực tế tại Cục Tần số VTĐ đã được nhiều CCVC nêu ra và đề nghị đại diện Cục ANCTNB hướng dẫn khắc phục, như: Việc xác định độ mật của văn bản và giải mật tài liệu; một số lúng túng trong xử lý, quản lý và bảo quản tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước.
Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung đã giải đáp, hướng dẫn và định hướng cách thức xử lý, qua đó góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói trên, giúp CCVC chủ động áp dụng các biện pháp khắc phục sơ hở, thiếu sót, loại trừ các yếu tố là nguyên nhân dẫn đến lộ, lọt bí mật nhà nước.