Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Trung tâm Tần số VTĐ khu vực VI; lãnh đạo các Sở TTTT và đại diện một số đơn vị thuộc Cục, Trung tâm VI cùng 04 Sở TTTT. Báo cáo tại Hội nghị, ông Đỗ Đình Roanh - Phó Giám đốc Trung tâm VI cho biết: Trên địa bàn 04 tỉnh Bắc Trung bộ hiện có 5.318 giấy phép tần số các loại và hơn 34.500 thiết bị vô tuyến điện đang hoạt động. Năm 2019, Trung tâm VI cùng các Sở TTTT trong khu vực đã phối hợp tổ chức 08 Hội nghị phổ biến pháp luật về tần số VTĐ và thực hiện nhiều đợt tuyên truyền trên phương tiện truyền thông của địa phương về hiện tượng can nhiễu do thiết bị kích sóng điện thoại di động (repeater) gây ra cho các mạng thông tin di động; cấp phép cho 137 đài truyền thanh không dây và 173 giấy phép đài tàu cá; tiến hành đo, kiểm tra 18 thiết bị PTTH và truyền thanh không dây; tổ chức thanh, kiểm tra 12 đợt với 56 đơn vị; xử lý 42 vụ vi phạm; xử lý kịp thời 03 vụ can nhiễu về tần số vô tuyến điện; tiến hành thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn bức xạ vô tuyến điện 05 đơn vị.
Đặc biệt, trong năm 2019, Trung tâm VI đã phối hợp với các Sở TTTT triển khai Đề án số hóa truyền hình tại 04 tỉnh trên địa bàn và nhận được sự đánh giá cao của các Sở TTTT. Đến nay, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã thực tiện tắt sóng truyền hình tương tự và chuyển sang phát truyền hình số mặt đất đúng theo lộ trình đề ra.
Cũng tại Hội nghị này, Trung tâm VI đã trình bày Chuyên đề về xử lý can nhiễu mạng thông tin di động do thiết bị repeater gây ra. Đây là một trong những can nhiễu mới xuất hiện trên địa bàn Trung tâm VI.
Đánh giá về sự phối hợp giữa Cục Tần số VTĐ, trực tiếp là Trung tâm VI, với các Sở TTTT trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Tước – Phó Giám đốc Sở TTTT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong những năm qua, chúng tôi đánh giá cao sự chỉ đạo khoa học, cụ thể của Cục Tần số VTĐ, đặc biệt là sự nỗ lực và luôn chủ động trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số VTĐ của Trung tâm VI.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm VI và Sở TTTT nên công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được thực hiện từng bước có nề nếp, các cơ quan, đơn vị đã chấp hành, thực hiện tốt các quy định về sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện; xử lý kịp thời các hiện tượng can nhiễu VTĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh - Ông Nguyễn Văn Tước nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, các Sở TTTT đề nghị Cục xem xét đề xuất với các đơn vị liên quan về việc hỗ trợ sớm đầu thu giai đoạn 2 cho các tỉnh; đề xuất với Bộ TTTT chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp lắp thêm các trạm BTS cho các vùng sâu, vùng xa; cần xây dựng nội dung và phát trên sóng truyền hình quốc gia về vấn đề ảnh hưởng của sóng điện từ đến sức khỏe con người và đưa ra các sở cứ cụ thể để Sở tuyên truyền cho người dân hiểu; kiến nghị Bộ TTTT xem xét đưa nội dung thẩm định về tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với đầu tư mua sắm thiết bị phát thanh, phát hình tương tự mặt đất theo văn bản hướng dẫn hiện hành của Cục Tần số VTĐ thành quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Trần Mạnh Tuấn đã đánh giá cao kết quả phối hợp giữa Trung tâm VI và các Sở TTTT trong thời gian qua; đồng thời chia sẻ một số giải pháp liên quan đến quản lý Đài TTKD, đài tàu cá, thiết bị giám sát hành trình đặt trên tàu cá, xử lý can nhiễu, số hóa truyền hình và ảnh hưởng của trạm BTS đến sức khỏe. Phó Cục trưởng cũng đã trả lời các kiến nghị, đề xuất của các Sở nêu ra tại Hội nghị.
Phần cuối Hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến Giám đốc Trung tâm VI Nguyễn Thế Cường lần lượt ký kết Kế hoạch phối hợp quản lý tần số VTĐ năm 2020 với lãnh đạo các Sở TTTT trong khu vực.