Hội nghị triển khai công tác phối hợp quản lý tần số khu vực Đông Nam bộ

04/12/2019

(rfd.gov.vn)- Ngày 29/11/2019, tại Thành phố Thủ Dầu Một, Cục Tần số vô tuyến điện và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban triển khai công tác quản lý tần số vô tuyến điện trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn hoạt động của Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An và Tp. Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn, lãnh đạo Trung tâm II, lãnh đạo 09 Sở TTTT; đại diện một số đơn vị thuộc Cục Tần số VTĐ, Trung tâm II và các Sở TTTT; đại diện Cục Viễn thông và lãnh đạo Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận II tại Tp. Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại  Hội nghị, ông Nguyễn Cảnh Thế - Phó Giám đốc Trung tâm II cho biết: Năm 2019, Trung tâm II và các Sở TTTT trên địa bàn tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tần số VTĐ trên địa bàn, nổi bật như: Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai tốt Kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất; cấp hơn 4.700 giấy phép cho các mạng thông tin và hơn 300 giấy phép đài truyền thanh không dây, đài tàu cá; cấp phép cho trạm bờ của các Chi cục Thủy sản sử dụng 09 tần số HF để thu nhận tín hiệu tàu cá, đảm bảo tiếp nhận vị trí tàu tự động theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; chủ động kiểm soát phát hiện các nguồn phát xạ gây nhiễu có hại, đặc biệt là đối với các mạng thông tin quan trọng như lưu động Hàng không (các tần số khẩn nguy, tần số chính của Đài chỉ huy, Đài tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất và các sân bay dân sự), lưu động Hàng hải (tần số trực canh VHF và HF), các mạng di động, mạng Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn,… giải quyết 30 vụ can nhiễu, trong đó có 21 vụ nhiễu cho mạng thông tin di động 3G từ các thiết bị kích sóng di động và 06 nhiễu lưu động hàng không; thực hiện 04 cuộc thanh tra, 32 cuộc kiểm tra định kỳ và 21 cuộc kiểm tra đột xuất; tổ chức nhiều đợt phối hợp tuyên truyền pháp luật về tần số cho các cơ quan và cán bộ làm công tác quản lý, các khu chế xuất, khu công nghiệp, và các tổ chức, cá nhân; thực hiện nhiều đợt tuyên truyền với quy mô sâu rộng về chuyên đề về quản lý, sử dụng thiết bị repeater, điện thoại không dây DECT 6.0, Wifi diện rộng, bộ đàm, trong đó chú trọng các khu vực cao ốc văn phòng, khách sạn, cơ sở lưu trú lớn trên địa bàn.

Tại Hội nghị, các Sở TTTT đều nhất trí cao với báo cáo tổng kết công tác phối hợp năm 2019 và các định hướng phối hợp năm 2020 giữa Trung tâm II và các Sở. Cùng với đó, các Sở đã kiến nghị Bộ TTTT, Cục Tần số VTĐ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các Sở để đẩy nhanh tiến độ cung cấp đầu thu truyền hình cho các hộ nghèo và cận nghèo theo Đề án Số hóa truyền hình mặt đất; chú trọng công tác quản lý chất lượng các đài TTKD và thiết bị không hợp chuẩn, không có chứng nhận hợp quy và các thiết bị công nghệ mới có sử dụng tần số; hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong việc cấp phép tần số cho thiết bị giám sát hành trình đặt trên tàu cá;…

Phó Cục trưởng Cục Tần số Lê Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Lê Văn Tuấn đánh giá rất cao sự phối hợp của các Sở TTTT với Cục và Trung tâm II trong năm qua. Phó Cục trưởng cũng đã trao đổi, chia sẻ về các vấn đề mà các Sở đang quan tâm: Cấp phép đối với các thiết bị giám sát hành trình đặt trên tàu cá; hỗ trợ đầu thu truyền hình cho hộ nghèo, cận nghèo; quản lý thiết bị wifi diện rộng, thiết bị bay không người lái (UAV); ngăn chặn thiết bị kích sóng di động gây nhiễu mạng 3G; vần đề đầu tư Hệ thống phát thanh số;…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề thực tiễn được các Sở TTTT nêu lên, cũng như chia sẻ một số nội dung liên quan mật thiết đến các Sở TTTT mà Bộ TTTT đang quan tâm, nghiên cứu như: Xây dựng các Quy chuẩn cho thiết bị giám sát hành trình tàu cá; lựa chọn tiêu chuẩn – công nghệ cho phát thanh số; lộ trình tắt sóng di động 2G và qui hoạch, đấu giá các băng tần cho 4G và 5G; tổng kết việc thực hiện, nghiên cứu sửa đổi Luật Tần số VTĐ, Luật Viễn thông và các kế hoạch phát triển BCVT và CNTT trong giai đoạn tiếp theo,…

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đánh giá công tác phối hợp quản lý tần số giữa Cục Tần số và các Sở TTTT năm qua đạt được nhiều kết quả tốt. Trong thời gian tới, Thứ trưởng cho rằng công tác quản lý tần số nói riêng và ICT nói chung sẽ có nhiều thách thức. Thứ trưởng chỉ đạo bên cạnh việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên trong lĩnh vực quản lý tần số, Trung tâm II và các Sở TTTT cần chủ động phát huy vai trò của mình trong các lĩnh vực như: Quản lý về công suất, đặc tính kỹ thuật của thiết bị wifi diện rộng theo qui định, quản lý thiết kích sóng, sim rác và sim kích hoạt sẵn nhằm lành mạnh hóa thị trường viễn thông,… Đặc biệt là với vai trò, vị thế của cơ quan quản lý ngành tại địa phương, các Sở TTTT cần vừa chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để tham mưu cho chính quyền các cấp đánh giá đúng nhu cầu và xây dựng được các kịch bản nhằm phát triển hạ tầng ICT phù hợp, vừa tích cực trao đổi để “đặt hàng” các doanh nghiệp lớn, có uy tín trong nghành, nhằm định hình và xây dựng, vận hành các hệ thống hạ tầng ICT hướng đến đáp ứng nhu cầu vận hành của chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh một cách hiệu quả, tránh lãnh phí và đầu tư dàn trải. 

Thứ trưởng đặc biệt lưu ý và yêu cầu các Sở TTTT cần nghiên cứu cẩn trọng, tham mưu chính xác và từ đó, thu hút, huy động được sự tham gia tích cực của các ban, ngành tại địa phương, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo đứng đầu, nhằm mang lại hiệu quả công việc tốt nhất, đảm bảo được thế chủ động, sẵn sàng của ngành thông tin và truyền thông trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và đảm bảo thực hiện thành công chiến lược Chuyển đổi số quốc gia.

Lê Tùng-TT2