Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, để cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua, Bộ TT&TT đang đẩy mạnh các chính sách mới, phương thức thực thi mới để phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước.
Để hỗ trợ cho việc xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách này, chúng ta cần có nhiều nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ để triển khai cung cấp dịch vụ 5G thương mại ở Việt Nam cũng như nghiên cứu phát triển các thiết bị đầu cuối 5G, thiết bị mạng 5G. Bên cạnh đó phải nghiên cứu các công nghệ hạ tầng ICT băng rộng- công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, IoT, Big data... Bộ TT&TT cũng đang nghiên cứu quy hoạch tần số cho mạng di động thế hệ mới, các sản phẩm và giải pháp IoT", Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện này, ông Trần Đức Lai, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử cho biết, nhằm khẳng định vị thế của Hội nghị cấp cao cấp quốc gia, bên cạnh các báo cáo khoa học tại các Tiểu ban, Hội vô tuyến Điện tử Việt Nam đã phối hợp với Cục Tần số Vô tuyến điện tổ chức phiên toàn thể- diễn đàn cao cấp và các phiên tọa đàm về vấn đề liên quan đến thông tin di động 5G và các ứng dụng với mong muốn đóng góp thiết thực cho phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam. Hội Vô tuyến Điện tử cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức triển lãm trưng bày một số sản phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực có liên quan do các đơn vị trong nước nghiên cứu và phát triển.
Chia sẻ về tần số cho 5G, ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, có một thực tế rất nhiều nước trên thế giới không có tần số cho 5G. Các nhà cung cấp thiết bị có thể nói rất hay về 5G nhưng thực tế những nhà quản lý phải tính đến nhiều yếu tố cho phù hợp. Hội nghị Vô tuyến Thế giới đưa ra rất nhiều khuyến nghị về băng tần cho 5G ví dụ như 700 MHz, 2,3 MHz…
Ông Lê Văn Tuấn đặt câu hỏi việc triển khai 5G hiện nay của Việt Nam hiện nay là sớm hay không? Với quan điểm cá nhân, ông Tuấn cho rằng Việt Nam triển khai sớm khi mà các thiết bị 5G hiện có mới chỉ bắt đầu được cung cấp và Châu Âu chưa triển khai 5G.
Ông Tuấn cho biết, tất cả băng tần đã cấp cho 3G hiện nay đều có thể dùng cho băng tần 5G. Vì vậy, nếu nhà mạng muốn cung cấp 5G hiện nay có thể dùng chính băng tần đã cấp cho 3G trừ băng tần 700 MHz. 2 băng tần thế giới đang dùng cho 5G là 2.8 - 2.6 GHz. Tuy nhiên đây không phải băng tần sẽ phổ biến nhưng nó đã được các nước triển khai trước và họ muốn tạo ra hệ sinh thái cho băng tần này. Băng tần 2.6 GHz và băng tần C là băng tần chính sẽ được triển khai cho 5G.
Hội nghị Quốc gia lần thứ 22 về Điện tử, truyền thông và CNTT có sự tham gia của 200 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, các hội, hiệp hội trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực điện tử, truyền thông, CNTT và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã huy động được hơn 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và truyền thông mang đến các giải pháp, sản phẩm để giới thiệu với các nhà khoa học cũng như các đơn vị truyền thông để có những trao đổi học thuật hướng đến hoàn thiện cho việc phát triển mạng 5G ở Việt Nam như Vision, MobiFone, VNPT, Huawei…
Bên lề Hội nghị, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam sẽ tổ chức lễ chúc mừng các tân Giáo sư, Phó Giáo sư mới được Hội động Giáo sư Nhà nước công nhận năm 2019 và Nhà Khoa học tiêu biểu do Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam vinh danh./.