Theo báo cáo của Cục Tần số VTĐ, nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Cục đã và đang phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, như: Sửa đổi Luật Tần VTĐ; xây dựng Nghị định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp phép thông qua đấu giá; quy hoạch băng tần 2.3 GHz và 2.6 GHz; xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 26/2013/TT-BTTTT quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz đến năm 2020; vấn đề can nhiễu trong băng tần 700 MHz; một số vướng mắc trong hướng dẫn thủ tục cấp phép đối với những thiết bị VTĐ hết thời hạn cấp phép tối đa (10 năm); sửa đổi quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép và phí sử dụng tần số vô tuyến điện; khó khăn về xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường hợp; tiến độ kết thúc Đề án Số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất vào năm 2020;…
Sau khi nghe Cục Tần số VTĐ báo cáo, Thứ trưởng Phan Tâm đã có các ý kiến đánh giá và định hướng chung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Cục. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đã nêu một số giải pháp cụ thể Cục cần nghiên cứu thực hiện, như: Rà soát, xem xét kỹ lưỡng tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện trong giai đoạn hiện nay, làm việc với Cục Viễn thông về những nội dung cần đồng bộ giữa Luật Tần số VTĐ và Luật Viễn thông; trình báo cáo Bộ trưởng về các đầu việc đã triển khai và tiến độ xây dựng Nghị định về đấu giá tần số đến thời điểm này; tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp viễn thông và đề xuất phương án cụ thể về quy hoạch băng tần 2.3 GHz, 2.6 GHz, sớm báo cáo Lãnh đạo Bộ; tổ chức buổi đồng báo cáo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo và Thứ trưởng Phan Tâm về quy hoạch sử dụng kênh tần số cho phát thanh truyền hình; có văn bản gửi các địa phương về hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan đến quy hoạch sử dụng kênh tần số phát thanh FM; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Thông tư về cấp phép tần số theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu nâng cấp dịch vụ công trực tuyến lên cấp độ 4;…