Theo kế hoạch thì FCC phải trả cho các công ty vệ tinh từ 3 đến 5 tỷ đô la tiền bồi thường khi các công ty này từ bỏ băng tần C đang sử dụng cho vệ tinh để chuyển sang sử dụng các tần số khác. Ngoài ra, FCC cho biết: Họ sẽ phải trả thêm 9,7 tỷ đô la để khuyến khích các nhà cung cấp vệ tinh đẩy nhanh việc giải phóng băng tần này. Số tiền để trả cho các nhà cung cấp vệ tinh sẽ được lấy từ cuộc đấu giá phổ tần trong băng tần C. Cuộc đấu giá này được Chủ tịch FCC đề xuất bắt đầu thực hiện vào ngày 8 tháng 12 năm nay và giấy phép phổ tần sẽ có hiệu lực vào tháng 9 năm 2021.
Tuy nhiên để nhận được khoản tiền khuyến khích, các nhà cung cấp vệ tinh phải thực hiện theo lộ trình thời gian và các khu vực cần giải phóng băng tần mà FCC đưa ra, cụ thể như sau: Giải phóng 120 MHz trong băng tần (3,7 GHz-3,82 GHz) trước tháng 9 năm 2021 tại 46 trong số 50 khu vực kinh tế hàng đầu của Hoa Kỳ và giải phóng tiếp 180 MHz còn lại (3,82 GHz-4,0 GHz) tại các khu vực đó trước tháng 9 năm 2023.
Các công ty vệ tinh, bao gồm Intelsat và SES đang sử dụng phổ tần số trong băng tần C để phục vụ các đài truyền hình và các nhà khai thác mạng cáp với các nguồn cấp dữ liệu video. FCC đang yêu cầu các công ty này thay đổi việc sử dụng phổ tần trên để tránh sự can nhiễu từ việc sử dụng điện thoại di động.
Nhưng các cuộc đàm phán về việc các công ty này sẽ phải từ bỏ bao nhiêu phổ tần số và cách họ chuyển đổi việc sử dụng phổ tần ấy như thế nào đã diễn ra trong nhiều tháng. Trong khi đó, ngành công nghiệp vô tuyến đang thúc đẩy việc phân bổ lại phổ tần này để họ có thể sử dụng nó cho việc xây dựng mạng 5G của mình.
Phổ tần số trong băng tần C nằm trong dải tần số từ 3,7 GHz-4,2 GHz, được coi là băng tần trung - Băng tần này được cho là rất quan trọng đối với việc triển khai mạng di động 5G. Các nhà khai thác mạng thông tin di động cần kết hợp nhiều phổ tần số trong các băng tần khác nhau, bao gồm băng tần thấp (nhỏ hơn 1 GHz), băng tần trung (1 GHz-6 GHz) và băng tần cao (trên 24 GHz) để cung cấp vùng phủ sóng và tốc độ cần thiết nhằm biến mạng 5G thành hiện thực.
Trong số 500 MHz trong băng tần C thì các nhà khai thác vệ tinh chỉ sử dụng 200 MHz ở đoạn phổ tần trên (từ 4,0 GHz – 4,2 GHz), còn 280 MHz ở đoạn phổ tần dưới (từ 3,7 GHz – 3,98 GHz) sẽ được giải phóng để sử dụng cho các mục đích linh hoạt và 20 MHz còn lại (từ 3,98 GHz – 4,00 GHz) sẽ được làm khoảng bảo vệ để tránh can nhiễu giữa các hoạt động vệ tinh và di động trong tương lai. Với cách tiếp cận này đã tạo ra sự cân bằng giữa việc tạo ra một lượng lớn phổ tần dành cho 5G đồng thời bảo toàn đủ lượng phổ tần cho các dịch vụ vệ tinh đang sử dụng.
Phổ tần số trong băng tần C cũng rất quan trọng vì đây là băng tần khả dụng trên phạm vi toàn cầu và đã được dành riêng cho dịch vụ 5G ở một số quốc gia. Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu cho biết: Trong một báo cáo được đưa ra vào đầu năm nay cho thấy, hiện có 23 quốc gia đã bán đấu giá hoặc phân bổ phổ tần số băng C cho việc sử dụng di động 5G. Các quốc gia đã tổ chức đấu giá băng tần C, bao gồm: Úc, Ý, Đức, Phần Lan, Hàn Quốc và Vương quốc Anh. Pháp đang chuẩn bị để phân bổ giấy phép cho phổ tần này.
Quốc hội Hoa Kỳ cũng đang thúc đẩy FCC phân bổ lại băng tần C cho 5G. Một dự luật cũng đã được hai đảng đưa ra để trình lên Thượng viện về việc hỗ trợ tiền để các nhà cung cấp vệ tinh chuyển sang sử dụng các băng tần khác.
Giám đốc điều hành nhà mạng Verizon, Hoa Kỳ - Hans Verstberg đã gọi đề xuất chuyển đổi băng tần C của Chủ tịch FCC Ajit Pai là "điều vĩ đại". Ông nhấn mạnh: “Thông báo lịch sử của Chủ tịch Pai đặt ra một tầm nhìn táo bạo trong việc đưa phổ tần trong băng tần trung ra bán đấu giá trong năm nay. Quan trọng nhất, kế hoạch của ông Pai đảm bảo rằng phổ tần quan trọng này không chỉ được bán đấu giá nhanh chóng mà còn tạo ra cơ hội rõ ràng trong việc thúc đẩy phát triển. Quá trình chuyển đổi nhanh chóng này chắc chắn sẽ đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ duy trì vị trí dẫn đầu toàn cầu trong 5G và sẽ tạo ra hàng trăm tỷ đô la cho đất nước".