Sau đây là 4 dịch vụ y tế đã ứng dụng công nghệ 5G để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân tại một số quốc gia trên thế giới.
Phân tích bệnh lý và chẩn đoán
Mới đây, Trung tâm Y tế Samsung (SMC) và Tập đoàn viễn thông KT của Hàn Quốc đã tuyên bố hợp tác phát triển dịch vụ y tế 5G để hỗ trợ phát triển bệnh viện thông minh, nhằm nâng cao chất lượng các khoa nghiên cứu bệnh tật hoặc nghiên cứu về nguyên nhân và ảnh hưởng của bệnh đối với con người.
KT đã xây dựng một mạng 5G dành riêng cho doanh nghiệp tại SMC, bao gồm phân tích bệnh lý kỹ thuật số được hỗ trợ bởi 5G. Theo các công ty, phân tích bệnh lý kỹ thuật số là một ví dụ đầu tiên trên thế giới về việc sử dụng công nghệ 5G cho các vấn đề y tế tại chỗ.
Trước đây, khi thực hiện chẩn đoán bệnh lý cho bệnh nhân tại bệnh viện Hàn Quốc, trong trường hợp cần gửi các mô lấy từ bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật cho các nhà giải phẫu bệnh ở phòng bên cạnh thì mất khoảng 20 phút cho quá trình di chuyển, thực hiện phân tích và đánh giá.
Giờ đây, các bác sĩ sẽ có thể sử dụng mạng 5G tốc độ cao và độ trễ thấp để truy cập nhanh chóng và hiệu quả dữ liệu bệnh lý thu được trong quá trình phẫu thuật cũng như truy cập các tài liệu và hồ sơ có liên quan từ bất cứ nơi nào trên thế giới, điều đó giúp cho các dịch vụ y tế được tốt hơn. Có được thông tin này một cách nhanh chóng là rất quan trọng trong việc xác định các tình trạng của bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
Tại Trung Quốc, Công ty công nghệ ZTE và nhà khai thác mạng di động China Telecom tuyên bố đã thực hiện chẩn đoán từ xa qua mạng 5G đầu tiên của Trung Quốc về bệnh viêm phổi do virus corona gây ra. Virus corona được báo cáo lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 31 tháng 12 năm 2019 và sau đó đã lan sang nhiều quốc gia khác, gây ra những lo ngại trên toàn thế giới.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ZTE và China Telecom đã có những bước đi nhanh chóng. Đầu tiên, hai trạm gốc 5G indoor được kết nối từ phòng hội chẩn từ xa tại Bệnh viện Miền Tây Trung Quốc với hệ thống chẩn đoán và điều trị từ xa, sau đó hoàn thành việc xây dựng, tối ưu hóa, kiểm tra tốc độ và vận hành hệ thống phân phối 5G tại một điểm quan trọng khác của hệ thống chẩn đoán và điều trị từ xa.Theo sự sắp xếp của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Tứ Xuyên, hệ thống tư vấn từ xa 5G sẽ tiếp cận 27 bệnh viện đã chấp nhận và điều trị cho bệnh nhân. ZTE sau đó sẽ xây dựng hệ thống chẩn đoán nhiễm virus corona từ xa qua mạng 5G đầu tiên của Trung Quốc tại các thành phố và quận của tỉnh Tứ Xuyên để cung cấp một mạng riêng để chẩn đoán từ xa tại các bệnh viện tuyến đầu.
Phẫu thuật từ xa và chăm sóc bệnh nhân
Nhiều người tin rằng 5G sẽ cách mạng hóa cách nhân viên y tế thực hiện phẫu thuật và quản lý các phương pháp điều trị y tế. Những đổi mới này bao gồm hai ứng dụng đó là chẩn đoán từ xa (tele-presence) và phẩu thuật từ xa. Đối với ứng dụng chẩn đoán từ xa sẽ cho phép một bác sĩ phẫu thuật theo dõi tình trạng theo thời gian thực của bệnh nhân để đưa ra những kết luận còn đối với ứng dụng phẫu thuật từ xa, ở đó các bác sĩ sẽ vận hành thiết bị phẫu thuật từ xa.
Các ứng dụng này không phù hợp với mạng 4G vì thời gian trễ giữa đầu vào và đầu ra đôi khi có thể dài tới 2s, trong khi đó mạng 5G cho thời gian trễ chỉ khoảng 2ms, với thời gian trễ này việc giao tiếp giữa các thiết bị gần như tức thời.
Hơn nữa, khi các dịch vụ 5G mở rộng cho lĩnh vực y tế, bệnh nhân có thể không còn cần thiết phải đến một phòng khám hoặc chuyên gia cụ thể nào đó. Thay vào đó, họ có thể thông qua một cuộc tư vấn từ xa, tiết kiệm cả thời gian của bác sĩ và bệnh nhân đồng thời giúp các bệnh nhân chọn được cách điều trị thích hợp hơn.
Mới đây, tại Trung tâm đổi mới Skolkovo ở Moscow, một cuộc phẫu thuật nội soi ổ bụng đầu tiên đã được thực hiện bằng cách đưa dụng cụ sợi quang qua thành bụng bằng 5G. Cuộc phẫu thuật này sử dụng máy nội soi và camera 4K được kết nối với mạng 5G để cắt bỏ thành công khối u ung thư.
Trao đổi thông tin giữa nhân viên và bệnh nhân
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ nhà mạng AT&T đang hợp tác với Viện y học biến đổi Lawrence J. Ellison của Đại học Nam California (USC) để mở một khoa thông minh để tiếp tục phát triển hệ sinh thái nghiên cứu ung thư đa ngành. Một trong những mục tiêu hợp tác là sử dụng mạng 5G của viễn thông để cách mạng hóa giao tiếp giữa các nhà nghiên cứu và bệnh nhân.
Theo thông cáo báo chí, để thực hiện được điều này họ sẽ trang bị cho tòa nhà công nghệ điện toán biên đa truy cập (MEC), trí tuệ nhân tạo (AI) và nhiều công nghệ khác từ AT&T để cung cấp cho cơ sở nghiên cứu ung thư, điều trị và giáo dục sức khỏe. Giải pháp sẽ bao gồm hệ thống ăng ten phân tán (DAS), mạng 5G sử dụng phổ tần sóng milimet, điện toán biên đa truy cập và nền tảng IoT.
Để cụ thể hóa các ứng dụng của 5G trong việc cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân là việc triển khai các cảm biến được kết nối để theo dõi các tương tác giữa nhân viên y tế và bệnh nhân nhằm phân tích, đưa ra những điều chỉnh phù hợp trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.
Dữ liệu y tế
Cuối cùng, 5G hứa hẹn sẽ chuyển đổi lĩnh vực y tế bằng cách tăng mạnh số lượng và chất lượng dữ liệu y tế có giá trị thông qua việc thu thập và xử lý ở tốc độ cao. Từ hồ sơ y tế đến các tệp hình ảnh lớn hơn từ chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CAT), một bệnh nhân có thể tạo ra hàng trăm gigabyte dữ liệu mỗi ngày. Việc chuyển dữ liệu này có thể được hỗ trợ rất nhiều bằng cách thực hiện qua mạng 5G giúp giảm được thời gian của nhân viên y tế từ đó đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc, chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân.
Ngoài ra, các bác sĩ phẫu thuật có thể nhận dữ liệu thời gian thực từ bệnh nhân của họ trong quá trình phẫu thuật và tất cả các chuyên gia y tế sẽ có thể làm việc cùng nhau từ khắp nơi trên thế giới.
Phan Văn Hòa (dịch theo rcrwireless.com)