Sự phản đối quyết liệt đối với việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G đã xuất hiện trên toàn thế giới, từ California, Nam Phi đến Thụy Điển. Các trạm thu - phát sóng di động nhỏ thường xuyên phải được lắp đặt để phục vụ cho việc triển khai mạng 5G, nhưng các nhà mạng đang gặp phải sự do dự của người dân và các nhóm cộng đồng dân cư vì một số vấn đề liên quan đến môi trường và sức khỏe của con người. Tuy nhiên, mới đây vấn đề đó đã được giải tỏa bởi một nhóm bao gồm các chuyên gia quốc tế, sau khi nghiên cứu sâu rộng, đã tuyên bố rằng: 5G đã được chứng minh là an toàn cho công chúng.
Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ bức xạ không ion hóa (The International Commission on Non-Ionizing Radiation Protection - ICNIRP), cơ quan khoa học có trụ sở tại Đức phụ trách thiết lập giới hạn tiếp xúc với bức xạ, đã đưa ra hướng dẫn mới cho băng tần sóng milimet dành cho mạng 5G, đây cũng là bản cập nhật hướng dẫn đầu tiên trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, những hướng dẫn đưa ra lần này chỉ cập nhật một số vấn đề nhỏ nhằm phù hợp với mạng 5G.
Bộ hướng dẫn ban đầu của ICNIRP về phơi nhiễm bức xạ điện từ (EMF) đã được phát triển vào năm 1998 cho điện thoại di động và theo ICNIRP thì tần số sử dụng cho mạng di động 5G hiện nay ở Anh cũng tương tự như các tần số được sử dụng từ những năm 90.
Tuy nhiên, như Tiến sĩ Jack Rowley, Giám đốc cao cấp về Nghiên cứu và Phát triển bền vững tại Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA) đã chỉ ra rằng: Băng tần sóng milimet dành cho mạng di động 5G và các kết nối khác hoạt động trên băng tần 6 GHz đã không được đưa ra trong bộ hướng dẫn vào năm 1998.
Mặc dù vậy, Rowley tuyên bố rằng, các giới hạn bức xạ đưa ra từ năm 1998 về tần số dùng cho điện thoại di động vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay và trên thực tế, trong quá trình hoạt động thông thường của mạng di động, cả hai giới hạn về bức xạ cũ và mới đều khó có thể vượt qua.
Và do đó, trong khi ICNIRP đã quy định một số biện pháp phòng ngừa nên được thực hiện đối với tần số dành cho 5G ở băng tần 6 GHz trở lên thì cũng xác nhận rằng, tần số cao dành cho mạng 5G được sử dụng ở Mỹ và ở châu Âu vẫn có mức phát xạ đầu ra thấp hơn mức tối đa mới được đưa ra trong bộ hướng dẫn cập nhật lần này.
Tiến sĩ Eric van Rongen, Chủ tịch ICNIRP nhận xét: “Chúng tôi biết một số bộ phận cộng đồng quan tâm đến sự an toàn của mạng 5G và chúng tôi hy vọng các hướng dẫn cập nhật lần này sẽ giúp mọi người yên tâm”.
Ông nói thêm rằng, ICNIRP đã xem xét kỹ lưỡng tất cả các tài liệu khoa học có liên quan, các hội thảo khoa học và một quy trình tham vấn cộng đồng rộng rãi đã được thực hiện trước khi đưa ra các hướng dẫn mới. Tất cả những bằng chứng này cung cấp luận cứ bảo vệ, chống lại tất cả các ảnh hưởng bất lợi, đã được chứng minh một cách khoa học, do phơi nhiễm EMF trong phạm vi tần số từ 100 kHz đến 300 GHz.
Duy Kiên (dịch theo rcrwireless.com)