Báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA) về nền kinh tế di động của khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, khu vực này là một trong những khu vực có tốc độ phát triển thuê bao di động nhanh nhất trên thế giới và là ngôi nhà chung của hơn một nửa tổng số thuê bao di động toàn cầu.
Ngoài ra, các công nghệ và dịch vụ di động ở Châu Á Thái Bình Dương cũng đã tạo ra 1,6 nghìn tỷ USD giá trị kinh tế (chiếm 5,3% GDP của khu vực) trong năm 2019, cùng với đó các quốc gia ngày càng được hưởng lợi từ những cải thiện về năng suất và hiệu quả nhờ vào sự phát triển của các dịch vụ di động. Hệ sinh thái di động cũng đã hỗ trợ 18 triệu việc làm (trực tiếp và gián tiếp) và đóng góp đáng kể cho nguồn tài chính của khu vực công, với 180 tỷ USD được huy động thông qua việc thu các nguồn thuế.
Ông Julian Gorman, Giám đốc GSMA của khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Các nhà khai thác di động trong khu vực cũng đang có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD để tiếp tục triển khai mạng di động 5G nhằm tạo ra nhiều dịch vụ mới hấp dẫn cho người dùng. Điều này cũng giúp chuyển đổi ngành công nghiệp và sản xuất, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đây được xem là vấn đề hết sức quan trọng tại thời điểm này. Kết nối di động tạo ra một tác động tích cực đến năng suất lao động và sự tăng trưởng GDP; xét trên toàn khu vực, tất cả các quốc gia cần có một cách tiếp cận với các chiến lược kỹ thuật số rõ ràng để chuyển đổi nền kinh tế. Khi 5G trở thành hiện thực, chúng tôi kêu gọi chính phủ và các cơ quan quản lý tích cực hỗ trợ môi trường kinh doanh thuận lợi để khuyến khích đầu tư và cho phép các nhà khai thác mở rộng dịch vụ kỹ thuật số thế hệ tiếp theo tới mọi công dân châu Á và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế”.
Báo cáo của GSMA đã công bố một số kết quả chính:
Về đầu tư cho triển khai mạng 5G:
+ Các nhà khai thác di động trong khu vực sẽ đầu tư hơn 400 tỷ USD vào các mạng của họ từ năm 2020 đến năm 2025, trong đó gần 2/3 (khoảng 331 tỷ USD) sẽ được chi cho việc triển khai mạng di động 5G;
+ Châu Á Thái Bình Dương là cái nôi của một số thị trường 5G tiên tiến nhất trên thế giới, với 09 thị trường đã triển khai dịch vụ di động 5G thương mại kể cả thị trường Nhật Bản vừa ra mắt vào cuối tháng 3 vừa qua và 12 thị trường khác đã chính thức công bố kế hoạch triển khai;
+ 4G vẫn là công nghệ thống trị trên toàn khu vực tại các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Pakistan, nơi tập trung vào các lĩnh vực như thương mại kỹ thuật số và thanh toán và hợp tác xuyên hệ sinh thái để giúp tạo ra xã hội kỹ thuật số trong tương lai.
Về sự tăng trưởng thuê bao di động trong khu vực:
+ Tính đến cuối năm 2019, đã có 2,8 tỷ người ở Châu Á Thái Bình Dương đăng ký dịch vụ di động, chiếm 66% dân số của khu vực. Trong đó, đã phát triển thêm gần 500 triệu thuê bao mới từ năm 2014 và đây là một khu vực có tốc độ phát triển thuê bao di động nhanh nhất trên thế giới và là ngôi nhà của hơn một nửa tổng số thuê bao di động toàn cầu;
+ Châu Á Thái Bình Dương sẽ chiếm khoảng một nửa số thuê bao mới trên toàn cầu vào năm 2025 và đến thời điểm này, chúng tôi dự báo 266 triệu thuê bao mới sẽ được kết nối trên toàn khu vực, nâng tổng số thuê bao di động vượt quá 3 tỷ (chiếm 70% dân số).
Về phát triển kinh tế - xã hội:
+ Trong 6 năm tới, sẽ có 663 triệu người dân khu vực Châu Á Thái Bình Dương được tiếp cận với internet di động lần đầu tiên, nâng tổng số người dùng internet di động trong khu vực lên khoảng 2,7 tỷ người vào năm 2025 (chiếm 61% dân số);
+ Sự tăng trưởng về kết nối di động đang giúp ngành công nghiệp di động gia tăng tác động lên tất cả các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và thúc đẩy việc áp dụng các công cụ và giải pháp dựa trên thiết bị di động vào các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục và y tế,... nhằm cải thiện sinh kế giúp các quốc gia có mức thu nhập thấp tiến lên mức thu nhập trung bình đồng thời thu hẹp khoảng cách giới.
Nhận định về tác động của Covid-19 đối với ngành công nghiệp di động tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông Julian Gorman cho rằng: “Tác động của Covid-19 đối với tăng trưởng 5G sẽ lớn hơn ở châu Á Thái Bình Dương do khu vực này là nơi có một số mạng 5G đầu tiên, so với các khu vực khác mà nhiều thị trường chưa ra mắt 5G. Do đó, các dự báo sửa đổi của chúng tôi cho thấy tổng số kết nối 5G sẽ thấp hơn gần 20% vào năm 2020 tại Châu Á Thái Bình Dương so với dự báo trước đây”.
“Các nền kinh tế mới nổi cần phải làm nhiều hơn để kích thích và phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số, bao gồm tăng tốc sự thâm nhập điện thoại thông minh và áp dụng băng rộng di động để chuẩn bị nền tảng cho một tương lai 5G. Số hóa, vốn đã là một mục tiêu quan trọng, do đó, cần phải đẩy mạnh chương trình nghị sự cho các doanh nghiệp và chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, ông Julian Gorman cho biết thêm.
5G đang ở giai đoạn đầu rất quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Covid-19 sẽ tác động đến việc triển khai và thu hút nguồn đầu tư, ảnh hưởng đến cả nguồn cung và cầu; hiện tại tác động của nó đối với kinh tế di động vẫn đang được xem xét, đánh giá. Mặc dù vậy, hy vọng tác động của Covid-19 đối với ngành công nghiệp di động sẽ là tạm thời.
Chính phủ các nước đã nhận ra sự đóng góp đáng kể mà các nhà khai thác di động đã thực hiện nhằm giúp phản ứng với đại dịch Covid-19 và tìm cách khuyến khích đầu tư bổ sung nhằm tạo ra một tương lai kỹ thuật số mạnh mẽ hơn. Các chỉ số cho thấy 5G sẽ trải qua một đợt suy giảm trong ngắn hạn thay vì suy giảm trong dài hạn. Khi thế giới phục hồi sau cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, vùng phủ sóng được mở rộng hơn và chất lượng mạng tốt hơn sẽ mang lại lợi ích cho người dùng, doanh nghiệp và chính phủ.