Anh hoàn thành việc giải phóng băng tần 700 MHz cho di động

25/08/2020

(rfd.gov.vn)- Cơ quan quản lý viễn thông Anh (Ofcom) cho biết họ đã mất 3 năm để giải phóng băng tần 700 MHz nhằm chuẩn bị cho cuộc đấu giá phổ tần số vào năm tới.

Dự án giải phóng băng tần 700 MHz đã được Ofcom đưa ra vào năm 2012 và yêu cầu sự hợp tác với một loạt các bên liên quan đã sử dụng các tần số này, bao gồm các nhà cung cấp truyền hình kỹ thuật số và người dùng micrô không dây.

Ofcom cho biết, phổ tần 700 MHz sẽ sẵn sàng cho các nhà khai thác di động sử dụng ngay sau khi cuộc đấu giá hoàn tất và giấy phép được cấp. Điều này có nghĩa là các công ty khai thác di động sẽ có thể sử dụng nó để cung cấp dịch vụ di động cho khách hàng.

“Việc giải phóng băng tần 700 MHz cho di động có nghĩa là nhiều thiết bị phát sóng truyền hình phải thay đổi tần số mà chúng đã sử dụng. Ofcom đã lên kế hoạch để phân bổ tần số mới cho các máy phát truyền hình. Đây là một công việc rất phức tạp vì phải đảm bảo tất cả các tần số mới hoạt động mà không gây ra can nhiễu lẫn nhau. Chúng tôi cũng phải đàm phán để đạt được các thỏa thuận với các quốc gia khác để đảm bảo việc sử dụng phổ tần của chúng tôi không gây trở ngại cho họ”, Ofcom cho biết thêm.

Theo kế hoạch mà Ofcom đưa ra vào đầu tháng 8 này thì cuộc đấu giá phổ tần dành cho 5G dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 1 năm 2021.Trước đó, một số nhà mạng di động của Anh đã đề xuất với Ofcom phân bổ trực tiếp phổ tần thay vì đưa ra đấu giá nhưng Ofcom đã từ chối đề xuất này.

Trong một tuyên bố, Ofcom cho biết cuộc đấu giá sẽ bao gồm việc bán 80 MHz ở băng tần 700 MHz và 120 MHz ở băng tần 3,6 GHz-3,8 GHz.Như vậy, cuộc đấu giá này sẽ tăng tổng số lượng phổ tần có sẵn cho các nhà khai thác di động ở Anh lên 18%.

Một số nhà khai thác di động đã tranh luận về việc phân bổ phổ tần thông qua một quy trình hành chính, thay vì đấu giá mở. Vào tháng 6, tập đoàn viễn thông Vodafone của Anh đã  kêu gọi chính phủ loại bỏ phổ tần 5G sắp ra mắt này, sau quyết định của chính phủ về việc cấm sử dụng thiết bị Huawei trong các mạng 5G.

Tuy nhiên, sau khi xem xét và đánh giá các đề xuất của các nhà mạng, Ofcom cho rằng một quyết định như vậy sẽ không đáp ứng được nhiệm vụ của nó trong việc đảm bảo sử dụng tối ưu phổ tần số của Vương quốc Anh.

Trong cuộc đấu giá phổ tần sắp tới, Ofcom sẽ cung cấp 6 khối,sử dụng phương thức song công phân chia theo tần số (FDD), mỗi khối có độ rộng 2 x 5MHz ở băng tần 700 MHz với giá khởi điểm là 100 triệu bảng Anh (130,4 triệu USD) cho mỗi khối và 4 khối, mỗi khối 5 MHz của phổ 700 MHz chỉ dành bổ sung cho đường xuống, với giá khởi điểm là 1 triệu bảng Anh cho mỗi khối. Ở băng tần 3,6 GHz – 3,8 GHz sẽ có 24 khối, mỗi khối có độ rộng 5 MHz, với giá khởi điểm là 20 triệu bảng mỗi khối.

Ofcom tuyên bố họ  đang tìm cách duy trì sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bằng cách áp mức trần 37% trên phổ tần có sẵn cho bất kỳ một công ty nào. Giới hạn 37% đối với việc nắm giữ phổ tần tổng thể có tác dụng hạn chế các công ty di động hiện tại chiếm một lượng phổ tần quá lớn.

Với quy định đưa ra như trên thì mỗi nhà mạng như BT và EE sẽ có thể giành được 120 MHz, trong khi nhà mạng Three và Vodafone sẽ có thể giành được tương ứng là 185 MHz và 190 MHz. Còn nhà mạng O2 sẽ không bị giới hạn bởi quy định đưa ra do việc nắm giữ phổ hiện tại của nó ít hơn nhiều so với các nhà mạng khác.

Tại Việt Nam, băng tần 700 MHz (694 MHz – 806 MHz) đã được Bộ Thông tin và Truyền thông quy hoạch cho hệ thống thông tin di động IMT tại Thông tư số 19/2019/TT-BTTTT ngày 25/12/2019 và có hiệu lực kể từ ngày 16/02/2020.

Theo đó, băng tần 700 MHz sẽ áp dụng để triển khai các hệ thống thông tin di động IMT theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo. Băng tần 700 MHz được quy hoạch 3 khối, sử dụng phương thức song công phân chia theo tần số (FDD), mỗi khối có độ rộng 2 x 10 MHz.

Phan Văn Hòa (theo rcrwireless.com)