Theo thông cáo do Arcep đưa ra thì 4 nhà khai thác di động của Pháp bao gồm Orange, SFR, Bouygues Telecom và Iliad đã cam kết trả tổng cộng 2,8 tỷ euro (3,28 tỷ USD) cho cuộc đấu giá này. Trong đó, Orange đã bỏ ra 854 triệu euro để dành lấy 90 MHz; SFR bỏ ra 728 triệu euro cho 80 MHz, còn Bouygues Telecom và Iliad mỗi nhà khai thác bỏ ra 602 triệu euro để dành lấy 70 MHz.
Theo kế hoạch thì sau vòng đấu giá để xác định lượng phổ tần mà mỗi nhà khai thác nhận được thì Arcep sẽ tổ chức một cuộc đấu giá thứ hai để xác định vị trí phổ tần mà mỗi nhà khai thác sẽ nhận được trong băng tần 3,4 -3,8 GHz. Arcep cho rằng, cuộc đấu giá này sẽ tạo cơ hội cho những người trúng thầu thể hiện sở thích của họ về vị trí phổ tần trong băng tần. Dự kiến, cuộc đấu giá lần hai sẽ được tổ chức trong tháng 10 này.
Và giấy phép 5G cũng sẽ được chính phủ Pháp cấp cho các nhà khai thác sau khi kết thúc cuộc đấu giá để xác định vị trí phổ tần.
Stéphane Richard, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của nhà mạng Orange cho biết: “Thông qua cuộc đấu giá này, chúng tôi đã đạt được một bước tiến quan trọng trong việc biến các mạng di động 5G trở thành hiện thực. Chúng tôi rất hài lòng với cách thức diễn ra quá trình đấu giá này và kết quả của cuộc đấu giá đã khuyến khích các nhà khai thác đầu tư vào việc triển khai mạng lưới của mình. Với 90 MHz phổ tần 5G có được, Orange sẽ có thể củng cố vị trí dẫn đầu của mình trong các mạng di động và sẽ phát triển một mạng 5G hiệu quả, đảm bảo cho sự hấp dẫn và khả năng cạnh tranh ở Pháp”.
Quy định đối với các nhà khai thác trong việc triển khai 5G cũng được Arcep đưa ra, cụ thể mỗi nhà khai thác phải triển khai dịch vụ 5G tại ít nhất hai thành phố trước cuối năm 2020. Mỗi nhà khai thác phải triển khai 3.000 trạm gốc 5G vào năm 2022, 8.000 trạm gốc 5G vào năm 2024 và 10.500 trạm gốc 5G vào năm 2025.
Bên cạnh đó, Arcep cũng yêu cầu tất cả các trạm gốc di động phải cung cấp dịch vụ 5G sử dụng các tần số trong băng tần 3,4-3,8 GHz hoặc các băng tần khác.
Arcep nhấn mạnh rằng, họ đang đề xuất đưa ra quy định 25% các trạm gốc băng tần 3,4-3,8 GHz triển khai trong giai đoạn 2024 và 2025 phải được đặt ở các khu vực dân cư thưa thớt để thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất, ngoại trừ các khu vực đô thị lớn.
Đến năm 2022, ít nhất 75% các trạm gốc di động phải có khả năng cung cấp tốc độ ít nhất 240 Mbps tại mỗi trạm, theo quy định ban đầu của Arcep.
Các điều kiện của Arcep cũng quy định nghĩa vụ đối với nhà mạng phải triển khai 5G để phủ sóng trên các tuyến đường trên khắp nước Pháp.
Pháp là một trong năm quốc gia đông dân nhất của Liên minh châu Âu nơi 5G chưa được thương mại hóa. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ di động ở Đức, Anh, Tây Ban Nha và Ý đã triển khai dịch vụ 5G thương mại ở một số thành phố vào năm ngoái.
Trước đó, vào cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ cũng đã thu về cho ngân sách Chính phủ hơn 4,58 tỷ USD từ cuộc đấu giá băng tần 3,5 GHz (3,55-3,65 GHz). Phiên đấu giá phổ tần trong băng tần 3,5 GHz được bắt đầu vào ngày 23 tháng 7, là phiên đấu giá lớn nhất tính theo số lượng giấy phép mà Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) từng thực hiện. Phiên đấu giá này cung cấp 7 giấy phép tiếp cận ưu tiên (PAL: Priority Access License) cho mỗi quận ở Mỹ và các vùng lãnh thổ của nó với tổng cộng 22.631 giấy phép.