Anh hoãn phiên đấu giá băng tần 700 MHz và 3,6 GHz-3,8 GHz dành cho 5G do đại dịch Covid-19

30/01/2021

(rfd.gov.vn)- Ngày 25/01 vừa qua, Cơ quan quản lý viễn thông Vương quốc Anh (Ofcom) đưa ra thông báo cho biết, phiên đấu giá băng tần 700 MHz và 3,6 GHz-3,8 GHz dành cho 5G sẽ được hoãn lại do tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Theo kế hoạch được đưa ra trước đó, hai băng tần này sẽ được Ofcom đưa ra đấu giá trong tháng Một năm nay nhằm giúp cải thiện vùng phủ sóng cũng như tốc độ của mạng 5G tại Vương quốc Anh.

Trong một tuyên bố của mình, Ofcom cho biết: “Trong suốt quá trình chuẩn bị cho phiên đấu giá, chúng tôi đã theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của đại dịch Covid-19. Sau khi quyết định tạm dừng quá trình đấu giá, chúng tôi hiện đang lên kế hoạch cho giai đoạn chính của phiên đấu giá và dự kiến sẽ được bắt đầu vào tháng 3 năm 2021”.

Cuộc đấu giá lần này sẽ bao gồm việc bán 80 MHz ở băng tần 700 MHz và 120 MHz ở băng tần 3,6 GHz - 3,8 GHz. Như vậy, cuộc đấu giá này sẽ tăng tổng lượng phổ tần có sẵn cho các nhà khai thác di động ở Vương quốc Anh lên gần 18%. Hiện bốn nhà mạng di động lớn của Vương quốc Anh là Vodafone, EE, O2 và Three đã nộp hồ sơ để tham gia phiên đấu giá sắp tới.

Theo kế hoạch, phiên đấu giá sắp tới sẽ cung cấp 6 khối, sử dụng phương thức song công phân chia theo tần số (FDD), mỗi khối có độ rộng 2 x 5 MHz ở băng tần 700 MHz với giá khởi điểm là 100 triệu bảng Anh cho mỗi khối; 4 khối, mỗi khối 5 MHz của phổ tần 700 MHz chỉ dành bổ sung cho đường xuống, với giá khởi điểm là 1 triệu bảng Anh cho mỗi khối. Ở băng tần 3,6 GHz – 3,8 GHz sẽ có 24 khối, mỗi khối có độ rộng 5 MHz, với giá khởi điểm là 20 triệu bảng Anh mỗi khối.

Nhằm duy trì sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường di động, Ofcom đã đưa ra quy định, áp mức trần 37% (tương ứng với 416 MHz) trên phổ tần có sẵn cho bất kỳ một công ty nào. Giới hạn 37% đối với việc nắm giữ phổ tần tổng thể có tác dụng hạn chế các công ty di động hiện tại chiếm một lượng phổ tần quá lớn.

Với quy định đưa ra như trên thì mỗi nhà mạng như EE, Three, Vodafone sẽ có thể giành được lần lượt là 120 MHz, 185 MHz, 190 MHz. Riêng nhà mạng O2 sẽ không bị giới hạn bởi quy định đưa ra do việc nắm giữ phổ hiện tại của nó ít hơn nhiều so với các nhà mạng khác.

Liên quan đến việc hoãn phiên đấu giá phổ tần lần này của Ofcom, người phát ngôn của BT Group - Tập đoàn sở hữu nhà mạng EE cho rằng: “Chúng tôi rất thất vọng vì phiên đấu giá bị hoãn lại mặc dù chúng tôi hiểu là do hoàn cảnh đặc biệt. Việc đấu giá và phát hành phổ tần lần này là trọng tâm của việc triển khai các mạng di động 5G trong tương lai. Sự phục hồi của nền kinh tế từ đại dịch Covid-19 phụ thuộc vào khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và chúng tôi kêu gọi Ofcom không trì hoãn phiên đấu giá này thêm một lần nào nữa”.

Trước đó, vào năm 2019, các công ty viễn thông của Vương quốc Anh cũng đã dành được phổ tần trong băng tần 3,4 GHz thông qua một phiên đấu giá để cung cấp dịch vụ 5G. Trong đó, nhà mạng Vodafone giành được 50 MHz với mức giá 378 triệu bảng Anh, nhà mạng EE đã giành được 40 MHz với mức giá 303 triệu bảng Anh, nhà mạng O2 dành được 40 MHz với mức giá 318 triệu bảng Anh, nhà mạng Three chỉ dành được 20 MHz với mức giá 151,3 triệu bảng Anh.

Với việc cấp phép phổ tần trong băng tần 3,4 GHz cho các nhà mạng di động, đã đưa Vương quốc Anh trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Âu triển khai mạng di động 5G thương mại vào năm 2019. Đến nay, bốn nhà khai thác di động của nước này bao gồm Vodafone, EE, O2 và Three đã triển khai công nghệ 5G tại các thành phố chính của Vương quốc Anh và ở một số thành phố vừa và nhỏ.

Phan Văn Hòa

(Theo ispreview.co.uk; rcrwireless.com)