Báo cáo đã chỉ ra rằng, số người dân ở châu Âu được phủ sóng mạng 5G tính đến cuối tháng 9 năm 2020 đạt 24,4%. Mặc dù, tỷ lệ người dân được phủ sóng mạng 5G đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2019 (12,9%) nhưng tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia như Mỹ (76%) và Hàn Quốc (93%).
Châu Âu đã nhanh chóng bị tụt lại phía sau Mỹ và châu Á trong cuộc đua triển khai mạng 5G mặc dù đã có sự gia tăng đầu tư của các nhà khai thác viễn thông lớn nhất trong khu vực.
Hoạt động kém hiệu quả của châu Âu sẽ làm tăng thêm lo ngại về tác động đối với nền kinh tế trong việc chậm nâng cấp mạng lưới so với các khu vực khác. Mạng 5G được hầu hết các chính phủ coi là cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng và là chìa khóa quan trọng trong việc hiện đại hoạt động sản xuất, hệ thống giao thông và chăm sóc sức khỏe.
Trong thập kỷ qua, Ủy ban châu Âu đã nhiều lần đề cập đến việc châu lục này sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong kỷ nguyên 5G, đồng thời đưa ra nhiều kế hoạch hành động nhằm kích thích đầu tư, tuy nhiên tiến độ đã bị đình trệ.
Các tập đoàn viễn thông lớn của châu Âu như Deutsche Telekom, Vodafone, BT, Telefónica và Telecom Italia đều đã ra mắt mạng 5G và nâng cấp các tuyến truyền dẫn bằng cáp quang cho nhiều mạng cố định hơn để hỗ trợ triển khai 5G. Báo cáo của ETNO cho thấy, tốc độ đầu tư vào lĩnh vực viễn thông của châu Âu đang tăng lên, từ 48,6 tỷ euro trong năm 2018 lên gần 52 tỷ euro trong năm 2019. Ngoài ra, lĩnh vực viễn thông cũng đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế châu Âu. Năm 2019, đã đóng góp vào GDP của châu Âu 141,5 tỷ euro, tăng lên từ 136,9 tỷ euro vào năm 2018.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy nguồn lực đầu tư của khu vực châu Âu đang bị giàn trải. Cường độ sử dụng vốn của các công ty thuộc ETNO ở mức 18,7% - cao hơn so với Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, hiện tất cả đều dưới 16%. Điều này có nghĩa là các công ty viễn thông EU dành một mức doanh thu tương đối cao hơn cho đầu tư. Song mức đầu tư trung bình trên đầu người vào các mạng lưới mới vẫn thấp hơn ở các khu vực khác, chỉ ở mức 94,8 euro so với 214 euro ở Mỹ và 229,8 euro ở Nhật Bản. Những quy định chặt chẽ và thiếu nhất quán đã cản trở sự tiến bộ trên thị trường châu Âu, tạo ra sự phân mảnh và khiến lợi nhuận đầu tư thấp hơn, gây khó khăn cho việc đầu tư hàng tỷ euro cần thiết để nâng cấp mạng lên 5G.
“Các công ty viễn thông châu Âu đang đầu tư nhiều hơn trước đây nhưng điều này không đủ để thu hẹp khoảng cách. Chúng tôi cần động thái chính sách mạnh mẽ để triển khai mạng lưới và thu hút nguồn lực lớn” - Lise Fuhr, Tổng Giám đốc của ETNO cho biết.
Mặc dù, các công ty châu Âu đang chi một phần doanh thu lớn hơn cho việc nâng cấp mạng lưới so với các khu vực khác nhưng doanh thu trung bình hàng tháng trên thiết bị di động trên mỗi người dùng trong khu vực chỉ đạt 14,9 euro, thấp hơn so với 23,7 euro ở Hàn Quốc, 28,1 euro ở Nhật Bản và 36,9 euro ở Mỹ. Điều này đã ảnh hưởng bất lợi đến quá trình đầu tư vào châu Âu.
Với nỗ lực thu hẹp khoảng cách số ở châu Âu, các công ty viễn thông châu Âu tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực vượt ra ngoài kết nối cơ bản, bao gồm các mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu, đám mây và bảo mật. Báo cáo cho thấy doanh thu viễn thông châu Âu từ các dịch vụ kỹ thuật số (ví dụ: Giải pháp doanh nghiệp, bảo mật,...) dự kiến sẽ tăng từ 65 tỷ euro năm 2017 lên 100,4 tỷ euro vào năm 2021. Tương tự, các dấu hiệu tích cực đến từ kết nối internet vạn vật (IoT), với số lượng kết nối IoT ở châu Âu dự kiến đạt 838 triệu vào năm 2027.
Trong khi đó, 5G vẫn chưa nổi lên như một công nghệ tiêu dùng buộc phải có dù được coi là động lực kinh tế cho nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu. Các nhà tư bản công nghiệp hàng đầu của châu Âu đã cảnh báo cần thu hẹp khoảng cách, vốn đang ngày càng gia tăng giữa 5G ở châu Âu với Mỹ và châu Á. Việc không phối hợp triển khai đồng bộ toàn khu vực có thể khiến các chuỗi cung ứng kém cạnh tranh, dẫn đến giảm đầu tư.
Giải phóng phổ tần số để mở đường cho việc triển khai 5G là chìa khóa của quá trình phát triển mạng 5G ở châu Âu. Hiện tại, nhiều quốc gia đã hoàn thành đấu giá phổ tần số cho 5G ở một hoặc nhiều băng tần, chẳng hạn như Phần Lan, Ý, Đức, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch,… nhưng chỉ có Phần Lan là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Âu đã hoàn thành đấu giá tất cả các băng tần cần thiết cho 5G (cả băng tần thấp, băng tần trung và băng tần cao), trong khi hàng chục quốc gia khác, bao gồm Bỉ, Ba Lan và Bồ Đào Nha,… vẫn chưa hoàn thành bất kỳ cuộc đấu giá phổ tần nào cho 5G. Số liệu báo cáo cho thấy, số tiền thu về từ các cuộc đấu giá 5G ở châu Âu cho đến nay chỉ đạt 21,6 tỷ euro.
Tính đến cuối tháng 12 năm 2020, các dịch vụ thương mại 5G đã được triển khai tại 24 quốc gia châu Âu, bao gồm có: Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Ý, Latvia, Luxembourg, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.ft.com/content/d2fd9b8a-fddc-4c90-ad11-2d05c542d10b
-https://5gobservatory.eu/market-developments/5g-services/#:~:text=At%20the%20end%20of%20December%202020%2C%205G%20commercial%20services%20had,Slovakia%2C%20Slovenia%2C%20Spain%2C%20Sweden
- https://etno.eu/news/all-news/694:state-of-digi-2021-pr.html