Bất chấp những bất ổn do đại dịch COVID-19 gây ra, các nhà khai thác mạng di động trên toàn cầu vẫn tiếp tục thúc đẩy triển khai mạng 5G thương mại nhằm hỗ trợ nhu cầu dữ liệu di động của người dùng. Bên cạnh đó, thị trường điện thoại thông minh hỗ trợ 5G đang phát triển mạnh cũng đã tạo thêm động lực cho việc áp dụng 5G một cách nhanh chóng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Việc ra đời công nghệ 5G cũng đã thúc đẩy thị trường mạng di động toàn cầu phát triển một cách nhanh chóng. Một cuộc cạnh tranh khốc liệt để dẫn đầu cuộc đua 5G trên toàn cầu cũng đã xảy ra ở một số khu vực trên thế giới. Việc dành được vị trí dẫn đầu toàn cầu có thể đảm bảo lợi thế cạnh tranh khi các nhà khai thác và công ty công nghệ tìm cách sử dụng mạng 5G như một công nghệ chuyển đổi trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Báo cáo của Opensignal đã đề cập đến sự tiến bộ của công nghệ 5G trên toàn thế giới, đặc biệt xem xét các chỉ số như tốc độ tải xuống, tốc độ tải lên của mạng 5G, tính khả dụng của mạng 5G và trải nghiệm người dùng với các ứng dụng như video và chơi trò chơi. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã phân tích tác động của mạng 5G, tức là khả năng cải thiện trải nghiệm của người dùng khi kết nối với 5G so với công nghệ 4G.
Tốc độ tải xuống của mạng 5G
Số liệu của Opensignal cho thấy, tốc độ tải xuống trung bình của tất cả các mạng 5G trên phạm vi toàn cầu đạt 175,3 Mbps. Tuy nhiên, tất cả 22 nhà khai thác di động 5G hàng đầu trên thế giới đều có tốc độ tải xuống trung bình nhanh hơn đáng kể so với tốc độ trung bình toàn cầu. Chẳng hạn nhà mạng Sunrise của Thụy Sỹ là nhà mạng có tốc độ tải xuống 5G trung bình thấp nhất trong số 22 nhà mạng theo đánh giá của Opensigal cũng có tốc độ tải xuống trung bình đạt 217,4 Mbps tức là cao hơn tốc độ trung bình 5G toàn cầu 42,1 Mbps.
Các nhà mạng di động ở khu vực châu Á đang chiếm ưu thế về tốc độ tải xuống 5G với 13 nhà mạng di động lọt vào top 22 nhà mạng có tốc độ tải xuống nhanh nhất thế giới theo đánh giá của Opensignal. Trong đó, nhà mạng di động FarEasTone của Đài Loan là nhà mạng có tốc độ tải xuống trung bình 5G nhanh nhất thế giới với 447,8 Mbps, nhanh hơn 2,5 lần tốc độ trung bình 5G toàn cầu. Tiếp theo là nhà mạng SK Telecom của Hàn Quốc đứng thứ hai với tốc độ tải xuống trung bình 5G đạt 417,6 Mbps và nhà mạng Chunghwa của Đài Loan đứng thứ ba với tốc độ 391,3 Mbps.
Công nghệ 5G đã có tác động đáng kinh ngạc đến tốc độ tải xuống trung bình của người dùng di động. Trong đó, người dùng di động của nhà mạng AIS của Thái Lan đã có sự cải thiện đáng kể nhất, khi tốc độ tải xuống trung bình của mạng 5G nhanh hơn 1775,2% so với mạng 4G, tiếp theo là Rakuten của Nhật Bản (1560,5%) và Zain của Ả Rập Xê Út (1560,2%). Người dùng di động 5G của các nhà mạng FarEasTone (Đài Loan), TIM (Ý) và Vodafone (Tây Ban Nha) cũng có sự cải thiện tốc độ hơn 1000% so với mạng 4G.
Tốc độ tải lên của mạng 5G
Trong nhiều thập kỷ qua, trải nghiệm người dùng trên Internet di động chủ yếu được xác định bằng tốc độ tải xuống. Tuy nhiên, với việc thay đổi cách sử dụng và thói quen của khách hàng, tốc độ tải lên đang ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng của trải nghiệm mạng di động. Tốc độ tải lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của người dùng di động khi chia sẻ các tệp đính kèm có dung lượng lớn, như hình ảnh hoặc video, thông qua các dịch vụ truyền thông xã hội hoặc thư điện tử.
Theo báo cáo, nhà mạng di động FarEasTone của Đài Loan tiếp tục dành vị trí dẫn đầu thế giới với tốc độ tải lên 5G trung bình đạt 66 Mbps, nhanh hơn ba lần so với tốc độ tải lên 5G trung bình toàn cầu là 21,8 Mbps mà người dùng đã được trải nghiệm trên tất cả các thị trường 5G. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng tốc độ tải lên 5G cũng là một nhà mạng đến từ Đài Loan Chunghwa với tốc độ 58,6 Mbps, tiếp theo là nhà mạng Sunrise của Thụy Sỹ đứng thứ ba với tốc độ 43 Mbps.
Theo báo cáo, trong số 27 nhà mạng di động 5G có tốc độ tải lên trung bình cao nhất thế giới thì khu vực châu Âu chiếm 14/27 mạng, châu Á chiếm 13/27 mạng. Các quốc gia có nhiều mạng 5G đạt tốc độ tải lên trung bình cao bao gồm Hàn Quốc (03 mạng), Đài Loan (03 mạng), Thụy Sỹ (03 mạng), Hà Lan (03 mạng) và Ả Rập Xê Út (02 mạng).
Tính khả dụng của mạng 5G
Theo Opensignal, tính khả dụng của mạng 5G là thời gian người dùng dành để kết nối đến mạng 5G đang hoạt động, tỷ lệ phần trăm càng cao thì thời gian người dùng được kết nối đến mạng 5G đang hoạt động càng lớn.
Báo cáo của Opensignal cho thấy, nhà mạng T-Mobile của Mỹ và STC của Kuwait là những nhà mạng có tính khả dụng 5G lớn nhất trên toàn cầu tương ứng với 35,7% và 33,6% thời gian người dùng kết nối với mạng 5G, cao hơn khoảng ba lần so với mức khả dụng trung bình của 5G trên toàn cầu (11,2%).
Danh sách các nhà mạng có tính khả dụng 5G cao chủ yếu tập trung vào thị trường Đông Á và Trung Đông, với một nửa trong số các nhà mạng đến từ Đông Á và 1/3 đến từ Trung Đông. Trong khi đó, T-Mobile của Hà Lan là nhà mạng duy nhất đến từ Châu Âu nằm trong top 20 nhà mạng có tính khả dụng 5G cao nhất theo đánh giá của Opensignal.
Trải nghiệm video trên 5G
Bên cạnh các đánh giá về tốc độ tải xuống, tốc độ tải lên và tính khả dụng của các mạng 5G trên toàn cầu, Opensignal cũng đã đưa ra các đánh giá về trải nghiệm các dịch vụ giải trí trên mạng 5G như trải nghiệm video và trải nghiệm trò chơi.
Đối với trải nghiệm video, các nhà mạng Chunghwa, FarEasTone của Đài Loan và T-Mobile ở Hà Lan là những nhà mạng dẫn đầu trên toàn cầu về trải nghiệm video 5G với số điểm lần lượt là 85; 84,8 và 84,4 điểm.
Báo cáo cũng cho thấy, các thị trường châu Á chiếm phần lớn trong số các nhà mạng 5G toàn cầu đạt được điểm số cao về trải nghiệm video với 12/21 nhà mạng, bao gồm 4 nhà mạng của Đài Loan (Chunghwa, FarEasTone, T Star và Taiwan Mobile); 3 nhà mạng của Hàn Quốc (SK Telecom, KT Telecom và LG Uplus) cùng với nhà mạng Smart của Philippines, AIS của Thái Lan và các nhà khai thác khác từ Hồng Kông. Trong khi đó, thị trường châu Âu chỉ có 9/21 nhà mạng nằm trong danh sách của Opensignal. Không có nhà mạng di động nào ở khu vực Bắc Mỹ hoặc Trung Đông lọt vào danh sách của Opensignal về trải nghiệm video 5G.
Khi so sánh với trải nghiệm video trên mạng 4G thì mạng 5G của nhà mạng AIS ở Thái Lan đã mang lại cho khách hàng trải nghiệm ấn tượng nhất, với điểm số trải nghiệm tăng 36,6% so với mạng 4G, tiếp theo là nhà mạng Global của Philippine tăng 32,8%. Tất cả 21 nhà mạng di động hàng đầu trên toàn cầu về trải nghiệm video theo đánh giá của Opensignal đều đã chứng kiến mức tăng hơn 10% về trải nghiệm video trên mạng 5G so với mạng 4G.
Hiện tại, lưu lượng video chiếm một tỷ lệ đáng kể (66%) trong tất cả lưu lượng dữ liệu di động trên toàn cầu và nó tiếp tục phát triển khi người dùng di động tiếp tục chuyển sang các độ phân giải phát trực tuyến tốt hơn, sử dụng nhiều dữ liệu hơn, được kích hoạt bởi việc triển khai mạng 5G.
Bằng cách tận hưởng trải nghiệm di động tốt hơn người dùng 4G, người dùng 5G tiêu thụ nhiều nội dung hơn trên điện thoại thông minh của họ với chất lượng cao hơn, gấp đến 2,7 lần dữ liệu di động so với người dùng 4G. Với việc người dùng sử dụng một phần lớn dữ liệu di động của họ để phát trực tuyến video, trải nghiệm video 5G rất quan trọng đối với trải nghiệm di động 5G tổng thể của người dùng.
Trải nghiệm trò chơi trên 5G
Đối với trải nghiệm trò chơi trên mạng 5G, số liệu của Opensignal đã chỉ ra rằng, 7 trong số 30 mạng di động 5G có trải nghiệm trò chơi tốt nhất trên toàn cầu đã chứng kiến mức tăng trên 20% so với mạng 4G. Trong đó có 03 nhà mạng của Hàn Quốc (KT Telecom, SK Telecom và LG Uplus), 02 nhà mạng của Hà Lan (T-Mobile và KPN), 01 nhà mạng của Singapore (Singtel) và 01 nhà mạng của Ireland (Vodafone).
Các nhà mạng di động tại các thị trường châu Á - Thái Bình Dương cũng được đánh giá cao về trải nghiệm trò chơi 5G, với 15/30 nhà mạng có trải nghiệm trò chơi tốt theo đánh giá của Opensignal.
Thị trường châu Âu cũng đóng góp 12/30 nhà mạng trong danh sách của Opensignal, trong khi châu Mỹ chỉ có duy nhất 3 nhà mạng của Canada là Rogers, Bell và Telus.
Tài liệu tham khảo
Opensignal: 5G Global Mobile Network Experience Awards 2021 – September 2021.