Bài học xây dựng và triển khai mạng 5G từ Hàn Quốc - Chiến lược quốc gia về 5G

25/10/2021

(rfd.gov.vn)- Hàn Quốc được xem là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G thương mại vào tháng 4 năm 2019. Tính đến cuối tháng 7 năm 2021, số thuê bao di động 5G của quốc gia này đã đạt 17,08 triệu, chiếm 24% trong tổng số 71,71 triệu thuê bao di động trên cả nước[1].

Tổng quan về tình hình triển khai 5G trên thế giới

Công nghệ 5G sẽ mang lại cho người dùng trải nghiệm tốc độ siêu nhanh, độ trễ gần bằng 0 và cung cấp số lượng kết nối lớn. Thế hệ di động tiếp theo này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng số hóa và chuyển nền kinh tế sang Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Các nước trên thế giới, từ nhóm thu nhập cao đến các nhóm thu nhập thấp, đang đầu tư vào 5G để tạo ra cơ hội cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Số liệu thống kê cho thấy, trong số 27 quốc gia triển khai mạng 5G thương mại trong giai đoạn từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 2 năm 2021, có 11 quốc gia nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có 3 quốc gia có thu nhập thấp.

Theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường viễn thông TeleGeography công bố vào tháng 9/2021 cho thấy, số mạng 5G được triển khai trên toàn cầu là 182 mạng. Theo đó, châu Âu có số lượng mạng 5G được thương mại hóa nhiều nhất với 87 mạng, tiếp đến là khu vực châu Á với 38 mạng. Trong khi đó, các khu vực như châu Phi và Châu Đại Dương là những khu vực có số lượng mạng 5G được thương mại hóa ít nhất tương ứng là 5 mạng và 7 mạng.

TeleGeography cũng đưa ra dự báo rằng, số lượng mạng 5G ​​sẽ đạt 220 mạng vào cuối năm 2021 và 323 mạng vào cuối năm 2023[2].

Theo bản cập nhật mới nhất từ Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) cho biết, tính đến giữa tháng 8/2021 đã có 461 nhà khai thác di động tại 137 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đầu tư vào 5G, thông qua các cuộc thử nghiệm, mua lại giấy phép hay lên kế hoạch hoặc đã triển khai trong thực tế[3].

Tổng quan về tình hình triển khai 5G ở Hàn Quốc

Trên toàn cầu, 5G đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển cả về khía cạnh thị trường và công nghệ. Tuy nhiên, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đã sớm chứng minh được những thành công của mình nhằm mở rộng quy mô và xây dựng một chiến lược quốc gia toàn diện nhằm tối đa hóa sự chuyển đổi tiềm năng của mạng 5G.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy rằng, ngay cả ở các quốc gia có ngành công nghiệp di động phát triển, vai trò của chính phủ vẫn đóng vai trò rất quan trọng với tư cách là nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái 5G. Chính phủ phải đưa ra các chiến lược rõ ràng và áp dụng một quy trình toàn diện trong việc triển khai mạng di động thế hệ mới.

Những thách thức và bài học rút ra từ kinh nghiệm triển khai 5G ở Hàn Quốc có thể cung cấp những cái nhìn đầy đủ cho các các quốc gia có kế hoạch triển khai 5G trong những năm tới.

Ở lần ra mắt đầu tiên vào tháng 4 năm 2019, Hàn Quốc chỉ triển khai dịch vụ 5G thương mại trong phân khúc doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Cho đến nay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các nhà khai thác di động (MNO) của Hàn Quốc đã và đang cung cấp các dịch vụ 5G chuyên dụngtrong phân khúc doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) như các nhà máy thông minh, thiết bị bay không người lái (drone)... Chính phủ Hàn Quốc cũngđang tích cực tài trợ cho các quỹ đầu tư phát triển nhằm vào các dự án 5G trong các ngành chiến lược và dịch vụ cốt lõi của đất nước.

Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, bao gồm miễn thuế cho các khoản đầu tư 5G và khuyến khích chia sẻ mạng lưới ở các khu vực nông thôn, ngoại ô thành thị để tạo điều kiện triển khai nhanh chóng mạng 5G trên phạm vi toàn quốc vào năm 2022.

Các MNO của Hàn Quốc đang tăng tốc đầu tư cho mạng 5G và xây dựng các mối quan hệ đối tác để cùng xây dựng và chia sẻ mạng lưới một cách hiệu quả. Kể từ tháng 12 năm 2020, vùng phủ sóng 5G trên đất liền đã được mở rộng đáng kể, theo đó tại thủ đô Seoul vùng phủ sóng 5G đã đạt 80% và 30% ở 6 khu vực đô thị khác.

Mặc dù 5G đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, cả từ khía cạnh thị trường và công nghệ nhưng Hàn Quốc được xem là một trong những quốc gia đã sớm chứng minh sự thành công của mình trong việc phủ sóng mạng di động 5G trong nước và xây dựng một chiến lược quốc gia toàn diện để tối đa hóa tiềm năng của mạng 5G.

Các dấu ấn quan trọng trong việc triển khai 5G của Hàn Quốc cho đến nay, bao gồm việc thực hiện cuộc đấu giá đồng thời trên cả 2 băng tần 3,5 GHz và 28 GHz cho 5G đầu tiên trên thế giới; cung cấp dịch vụ 5G thương mại trong phân khúc B2C đầu tiên trên thế giới và vượt qua mốc 13 triệu thuê bao 5G chỉ trong hai năm kể từ khi ra mắt dịch vụ. Để đạt được những dấu ấn quan trọng đó, chủ yếu là nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và nhiều bên liên quan.

Ngành công nghiệp di động Hàn Quốc đã được trang bị khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D) mạnh mẽ, lực lượng lao động có tay nghề cao và khả năng tiếp cận tài chính. Tuy nhiên, việc phát triển 5G của Hàn Quốc đã chứng minh rằng vai trò của chính phủ đóng một vai trò rất quan trọng với tư cách là người hỗ trợ chính trong quá trình triển khai mạng 5G ngay cả ở các quốc gia có ngành công nghiệp di động đã trưởng thành và tự chủ.

Bên cạnh đó, để đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về 5G trên toàn cầu, chính phủ đã xác định tầm nhìn quốc gia về 5G, loại bỏ các rào cản về pháp lý và tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, công ty viễn thông, nhà cung cấp, nhà nghiên cứu và xã hội dân sự. Những thách thức và bài học kinh nghiệm trong việc triển khai 5G của Hàn Quốc có thể cung cấp thông tin chi tiết và bổ ích cho các quốc gia khác có kế hoạch triển khai 5G trong những năm tới.

Kế hoạch đầu tư vào 5G ở Hàn Quốc

Kể từ khi Hàn Quốc triển khai các dịch vụ 5G trong phân khúc B2C vào tháng 4/2019, cả 3 MNO lớn nhất của nước này bao gồm SK Telecom, KT Telecom và LG Uplus đều tích cực đầu tư nguồn lực vào mạng 5G nhằm mục tiêu phủ sóng trên phạm vi toàn quốc vào năm 2022.

Vào năm 2019, các MNO đã đầu tư 9,6 nghìn tỷ won (khoảng 7,8 tỷ USD), tăng khoảng 50% so với các năm trước để xây dựng các trạm gốc 5G trong băng tần 3,5 GHz. Vào năm 2020, khoản đầu tư giảm xuống còn 8,28 nghìn tỷ won (khoảng 7,4 tỷ USD), thấp hơn 7-8% so với mục tiêu ban đầu do tác động của đại dịch COVID-19 bùng phát.

Như vậy, Trung bình, các MNO đã đầu tư 7,5 nghìn tỷ won hàng năm trong 10 năm qua, trong đó sự gia tăng mạnh trong đầu tư vào các năm 2012 và 2019, khi các dịch vụ thương mại LTE và 5G bắt đầu đạt được sức hút. Trong trường hợp của LTE, đầu tư đã chậm lại sau năm thứ hai của quá trình thương mại hóa.

Sự đầu tư của các MNO Hàn Quốc giai đoạn 2011-2020 (nghìn tỷ won)  (Nguồn: MSIT)

Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc (MSIT) dự kiến rằng, tối thiểu cần đầu tư 8,3 nghìn tỷ won hàng năm đến năm 2023 để đáp ứng mục tiêu phủ sóng 5G vào năm 2022 và bù đắp cho các khoản đầu tư bị chậm lại do COVID-19 gây ra.

Để khuyến khích đầu tư và tăng tốc triển khai mạng 5G, chính phủ Hàn Quốc đang áp dụng chính sách tín dụng thuế lên tới 3% cho các khoản đầu tư vào 5G (tức là các nhà đầu tư được phép để lại 3% số thuế phải nộp) đồng thời tiến hành kiểm tra dịch vụ nửa năm một lần để đảm bảo chất lượng dịch vụ và phạm vi phủ sóng.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng nhanh số lượng thuê bao 5G, sự cạnh tranh ngày càng tăng và chính sách khuyến khích của chính phủ cũng đã thúc đẩy 3 MNO lớn của Hàn Quốc triển khai mạng 5G của họ một cách nhanh chóng, vượt quá chỉ tiêu mà chính phủ đã đặt ra cho các nhà mạng trong cuộc đấu giá phổ tần 5G.

Số trạm gốc 5G (băng 3,5 GHz) của các nhà mạng Hàn Quốc tính đến tháng 3/2021 (Nguồn: MSIT)

Đến cuối tháng 3 năm 2021, tất cả các MNO đều vượt mức chỉ tiêu mà chính phủ đặt ra cho năm 2023, tức là vượt chỉ tiêu trước 2 năm so với kế hoạch. Theo đó, số trạm gốc 5G trong băng tần 3,5 GHz mà các MNO đã triển khai trung bình khoảng 50.000 trạm cho mỗi nhà mạng. Tổng cộng, 3 MNO đã lắp đặt được 149.038 trạm gốc 5G, hoàn thành 33% tổng số trạm gốc cần triển khai theo quy định. Trong khi đó, việc triển khai trạm gốc trong băng tần 28 GHz đã bị chậm lại, tính đến tháng 3/2021, chỉ có 91 trạm gốc 5G băng tần 28 GHz được triển khai.

Chiến lược quốc gia về 5G của Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc sớm nhận ra rằng, công nghệ 5G sẽ đóng vai trò nòng cốt trong CMCN 4.0. Vào tháng 5/2013, chính phủ đã ra mắt Diễn đàn 5G để bắt đầu các cuộc thảo luận chính thức về Chiến lược quốc gia và sự sẵn sàng cho 5G nhằm thu hút các thành viên từ các tổ chức công và khu vực tư nhân.

Với việc thành lập Ủy ban Tổng thống về CMCN 4.0 (tháng 11/2017), chính phủ Hàn Quốc tuyên bố 5G là một trong ba trụ cột cho CMCN 4.0 bao gồm Dữ liệu, Mạng 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ba trụ cột cho CMCN 4.0 tại Hàn Quốc

Theo đó, Hàn Quốc đã đặt ra 4 mục tiêu về chính sách phát triển 5G: (a) thương mại hóa 5G đầu tiên trên thế giới và phủ sóng 5G trên toàn quốc vào năm 2022; (b) gia tăng kết nối internet vạn vật (IoT); (c) triển khai mạng thông minh và đáng tin cậy dựa trên phần mềm và AI và (d) triển khai truy cập internet tốc độ cao trên toàn quốc.

Việc quy hoạch phổ tần một cách minh bạch, chủ động và mang tính chất dài hạn của chính phủ là một yếu tố quan trọng trong việc áp dụng 5G sớm tại Hàn Quốc. Kể từ đầu những năm 2010, chính phủ Hàn Quốc đã nhận ra rằng việc bổ sung thêm phổ tần số một cách kịp thời là một đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy việc triển khai 5G.

Do chủ động trong việc lập kế hoạch và hành động, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phân bổ đồng thời cả băng tần trung (băng 3,5 GHz) và băng tần cao (băng 28 GHz) cho dịch vụ 5G vào tháng 6 năm 2018.

Chưa đầy một tuần sau khi ra mắt thương mại 5G, chính phủ Hàn Quốc đã công bố Chiến lược 5G +. Với chiến lược này, Hàn Quốc đã đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ 5G và các bước cần thực hiện để thực hiện mục tiêu này. Chiến lược 5G + bao gồm các chính sách và biện pháp cụ thể để hỗ trợ 10 ngành chiến lược liên quan đến 5G (thiết bị mạng; điện thoại thông minh thế hệ tiếp theo; thiết bị VR/AR; thiết bị đeo; camera giám sát thông minh; thiết bị bay không người lái (drone); rô – bốt kết nối; kết nối phương tiện với mọi thứ dựa trên 5G (V2X 5G); bảo mật thông tin và điện toán biên) và 5 ngành dịch vụ cốt lõi (nội dung nhập vai; nhà máy thông minh; xe tự lái; chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số và thành phố thông minh) để chuyển đổi nền kinh tế.

Vào tháng 7/2020, chính phủ Hàn Quốc đã công bố “Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc” (Korean New Deal) là chiến lược phát triển quốc gia nhằm đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế dẫn đầu thế giới sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Mục tiêu chiến lược quốc gia về 5G của Hàn Quốc là thúc đẩy các ngành công nghiệp mới dựa trên 5G tức là tích hợp mạng di động 5G và AI vào tất cả các ngành công nghiệp của đất nước.

Các bước đi của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy triển khai 5G

Mục tiêu chính mà chính phủ Hàn Quốc đặt ra là tạo điều kiện thị trường tốt nhất để nhanh chóng triển khai mạng 5G một cách hiệu quả nhất. Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ đã vạch ra nhiều kế hoạch khác nhau nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho một thị trường năng động, thúc đẩy sự chấp nhận 5G sớm.

Thúc đẩy việc áp dụng 5G vào các các dịch vụ công cộng

Để thúc đẩy và phát triển sớm các dịch vụ 5G, Hàn Quốc đã xây dựng các mô hình kinh doanh và thúc đẩy nhu cầu thị trường bằng cách áp dụng sớm các dịch vụ 5G vào các lĩnh vực công của chính phủ.

Chiến lược 5G + đã đưa ra cách tiếp cận hai giai đoạn để hỗ trợ phát triển và phổ biến các trường hợp sử dụng 5G trong 5 dịch vụ cốt lõi. Trong giai đoạn đầu tiên (2019–2021), chính phủ sẽ tài trợ cho các dự án 5G khác nhau để phát triển các trường hợp sử dụng cho khu vực công của chính phủ.

Các dự án bao gồm phát triển các hệ thống giám sát thông minh thời gian thực dựa trên 5G cho các cơ sở công cộng và nhà máy điện hạt nhân (5G+ Smart Social Overhead Capital project). Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ cho sự phát triển các thiết bị 5G như rô-bốt, máy bay không người lái và camera quan sát thông minh dựa trên công nghệ 5G bằng các nguồn quỹ nghiên cứu và phát triển. Dự án Cuộc sống 5G + tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của công dân về giáo dục, y tế, phúc lợi và môi trường. Ví dụ, các dự án nhằm mở rộng hợp tác điều trị từ xa cho cho 50% bệnh viện đa khoa vào năm 2023.

Nhằm phát triển thành phố thông minh kết nối 5G dựa trên AI, chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch xây dựng nền tảng cho các thành phố thông minh dựa trên 5G. Trong giai đoạn thứ hai của việc phổ biến và mở rộng các trường hợp sử dụng 5G (2021–2025), chính phủ Hàn Quốc sẽ xây dựng “Trung tâm đổi mới 5G +” như một trung tâm công nghiệp hóa. Ngân sách dự kiến ​​cho phát triển dịch vụ hội tụ 5G là 120 tỷ won (khoảng 102,5 triệu USD) cho đến năm 2022.

Khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào 5G

Nhằm khuyến khích lĩnh vực tư nhân đầu tư vào 5G, Hàn Quốc đã áp dụng chính sách tính dụng thuế lên đến 3% cho các khoản đầu tư vào 5G. Bên cạnh đó, chính phủ cũng hỗ trợ các nguồn lực tài chính cho việc thử nghiệm trong một số lĩnh vực quan trọng như thiết bị đầu cuối 5G, các nền tảng V2X 5G, drone 5G, điện toán biên.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng 5G thông qua việc thay đổi các quy định và chính sách

Để có một môi trường pháp lý linh hoạt cho các dịch vụ hội tụ 5G, chính phủ đưa ra các cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) và nới lỏng quy định về dữ liệu vị trí để hỗ trợ các dịch vụ dựa trên vị trí (Đạo luật Thông tin vị trí được sửa đổi vào năm 2019).

Nhằm giải quyết các mối đe dọa đến an ninh mạng 5G khi sự kết nối tăng lên, Hàn Quốc đã ưu tiên phát triển chế độ bảo mật mạnh mẽ và xác định mạng lõi 5G là cơ sở hạ tầng quan trọng đồng thời phát triển hệ thống bảo vệ sự hội tụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) bằng cách sửa đổi Luật Mạng Thông tin và Truyền thông.

Tăng cường hệ sinh thái 5G và nền tảng cho ngành công nghiệp

Chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch phát triển các công nghệ cốt lõi trong lĩnh vực thiết bị thế hệ tiếp theo như thiết bị đeo hỗ trợ công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), rô-bốt ... Ngoài ra, chính phủ cũng cam kết tăng cường đầu tư cho R&D vào các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực như an ninh mạng, thành phố thông minh, nhà máy thông minh. Việc xây dựng nền tảng vững chắc đối với thị trường nội dung 5G cũng là một ưu tiên quan trọng khác của chính phủ Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng có các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển công nghệ phục vụ cho các hoạt động trải nghiệm ở bảo tàng, địa điểm du lịch và sự kiện thể thao, thúc đẩy phát triển các công ty khởi nghiệp về dịch vụ nội dung 5G.

Hỗ trợ việc toàn cầu hóa ngành công nghiệp 5G của Hàn Quốc

Mở rộng khả năng tiếp cận của các công ty Hàn Quốc ra thị trường toàn cầu là mục tiêu chính sách quan trọng của Chiến lược 5G +. Chính phủ đang thúc đẩy toàn cầu hóa các dịch vụ 5G bằng cách xây dựng các doanh nghiệp tại các thị trường mục tiêu đồng thời tích cực tham gia vào quá trình tiêu chuẩn hóa 5G thông qua các cơ quan tiêu chuẩn hóa 5G quốc tế như 3GPP và ITU.

Tài liệu tham khảo

[1]. https://en.yna.co.kr/view/AEN20210901002000320?section=business/it

[2]. https://www.5gamericas.org/global-5g-connections-are-growing-rapidly/

[3]. GSA: 5G Market: SNAPSHOT - August 2021

[4]. Entering the 5G era: Lessons from Korea

Phan Văn Hòa