Về vấn đề này, chính phủ Hàn Quốc đã chủ động trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh chóng về phổ tần của thị trường trong thập kỷ qua. Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức thành công cuộc đấu giá phổ tần cho 5G nhờ vào việc quy hoạch sớm phổ tần vào đầu những năm 2010.
Nhận thức được nhu cầu về lâu dài, hướng tới tương lai trong việc hoạch định chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu về phổ tần, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng lộ trình phổ tần quốc gia vào đầu những năm 2010 để chuẩn bị cho quá trình triển khai 5G.
Theo đó, vào tháng 1/2012, Hàn Quốc đã ban hành quy hoạch phổ Mobile Gwanggaeto Plan 1.0 với mục tiêu cung cấp 600 MHz phổ tần cho di động đến năm 2020 để đáp ứng nhu cầu bùng nổ về lưu lượng dữ liệu di động. Đến tháng 12/2013, Hàn Quốc tiếp tục ban hành quy hoạch phổ Mobile Gwanggaeto Plan 2.0 để ấn định thêm 1 GHz phổ tần để chuẩn bị cho sự bùng nổ lưu lượng dữ liệu di động.
Tháng 1/2017, chính phủ Hàn Quốc ban hành quy hoạch phổ K-ICT Spectrum Plan để cung cấp 40 MHz phổ tần cho mục đích công nghiệp, an toàn, công cộng, vệ tinh và thông tin di động. Ngoài ra, một quy hoạch nhằm cung cấp 4.400 MHz phổ tần cho 5G cũng đã được công bố.
Tháng 12/2019, quy hoạch phổ tần 5G + (5G + Spectrum Plan) đã được Hàn Quốc ban hành, trong đó nhằm mục đích cung cấp lượng phổ tần lớn nhất thế giới để sử dụng cho 5G. Nếu mục tiêu đạt được, sẽ có tổng cộng 5.320 MHz phổ tần cho 5G vào năm 2026.
Cuộc đấu giá phổ tần cho 5G (tháng 6/2018)
Giải quyết những thách thức mới
Khi chính phủ Hàn Quốc lần đầu tiên xem xét chính thức việc quy hoạch phổ tần số cho 5G vào năm 2017, đã gặp phải một số khó khăn trong việc tiếp cận các quy định. Không giống như việc phân bổ phổ tần số cho các hệ thống thông tin di động trước đó, phổ tần số dự kiến phân bổ lần này nằm trong các băng tần 3,5 GHz và 28 GHz, đây là các băng tần chưa bao giờ được phân bổ để sử dụng cho thông tin di động.
Đặc biệt, phổ tần trong băng tần sóng milimet (mmWave), là các băng tần số cao nằm trong khoảng 30 GHz đến 300 GHz, cho phép truyền tải tốc độ cực cao lên đến 1 Gbps trên mỗi người dùng. Mặt khác, băng tần số cao cũng có sự khác biệt đáng kể về đặc điểm truyền sóng so với các băng tần số thấp hơn như phạm vi phủ sóng hẹp, suy giảm tín hiệu đáng kể do sự nhiễu xạ và vật cản.
Ngoài ra, lượng phổ tần dự kiến sử dụng cho 5G lớn hơn 7 lần so với lượng phổ tần đang được sử dụng cho tất cả các mạng 2G/3G/4G. Do đó, việc áp dụng các tiêu chí đã sử dụng trong các cuộc đấu giá trước đó để đưa vào trong cuộc đấu giá lần này là không khả thi.
Vì đây là cuộc đấu giá đầu tiên nên việc xây dựng chi tiết các quy tắc đấu giá như đưa ra mức giá khởi điểm, giới hạn lượng phổ tần cần thiết cho mỗi nhà khai thác… là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển của thị trường dịch vụ 5G trong tương lai.
Bên cạnh đó, mục tiêu chính của cuộc đấu giá phổ tần 5G là thúc đẩy sự đổi mới ngành công nghiệp và dịch vụ dựa trên 5G nhằm lan tỏa việc thương mại hóa 5G đầu tiên ra thế giới. Mục tiêu này là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định trong việc thiết kế các điều khoản thích hợp cho cuộc đấu giá.
Với mục tiêu như vậy, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định phân bổ băng tần 3,5 GHz để triển khai 5G trên toàn quốc, trong khi băng tần 28 GHz dành cho các “điểm nóng” (hot spots) với lượng phổ tần liên tục tối đa lên tới 2,68 GHz. Một mục tiêu khác được đưa ra trong việc thiết kế cuộc đấu giá phổ tần 5G là ngăn chặn sự độc quyền về phổ tần, tạo ra sự cạnh tranh công bằng và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên phổ tần bằng cách thiết lập giới hạn băng thông cho mỗi nhà cung cấp dịch vụ di động. Hơn nữa, chính phủ đã quyết định rút ngắn thời gian phân bổ phổ tần 5G hơn một năm so với kế hoạch ban đầu để ra mắt dịch vụ 5G thương mại (B2C) đầu tiên trên thế giới.
Các yếu tố chính trong việc thiết kế cuộc đấu giá 5G
Những yếu tố chính trong việc thiết lập chính sách về phổ tần cho 5G bao gồm phương thức ấn định tần số (đấu giá hay thi tuyển), giới hạn phổ tần cho mỗi nhà khai thác, giá khởi điểm, nghĩa vụ của các nhà khai thác về vùng phủ sóng và các quy tắc đấu giá.
* Đấu giá hay thi tuyển
Hàn Quốc đã sử dụng phương thức đấu giá để phân bổ phổ tần số kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện ra đời vào năm 2010. Theo quy định, phương thức đấu giá được sử dụng khi nhu cầu về phổ tần vượt quá khả năng cung cấp.
Tuy nhiên, việc chọn phương thức đấu giá hay thi tuyển đối với phổ tần cho 5G là một vấn đề gây ra nhiều tranh cải ngay trong nội bộ Cục Chính sách phổ tần của Hàn Quốc do chưa có các đánh giá chính xác về giá trị kinh tế mà các băng tần này mang lại. Cuối cùng, cơ quan này cũng quyết định chọn phương thức đấu giá theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện, sau khi xác định nhu cầu cạnh tranh đối với phổ tần số trong băng tần trung.
* Giới hạn lượng phổ tần cho mỗi nhà khai thác
Giới hạn lượng phổ tần cho mỗi nhà khai thác là một chủ đề cũng gây ra nhiều tranh cãi trong quá trình thiết kế phiên đấu giá phổ tần 5G đầu tiên của Hàn Quốc trong năm 2018. Tuy nhiên, nhằm thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và tạo điều kiện cho các MNO triển khai mạng 5G một cách nhanh chóng, MSIT đã quyết định giới hạn ở băng thông 100 MHz trong băng tần 3,5 GHz và 1.000 MHz trong băng tần 28 GHz cho mỗi nhà khai thác.
* Giá khởi điểm
Trong việc xác định giá khởi điểm cho phổ tần 5G, MSIT đã xem xét một số yếu tố như giá trị phổ tần trong các cuộc đấu giá trước đây, khả năng cạnh tranh của thị trường di động hiện tại, các tính năng kỹ thuật của các băng tần, lượng băng thông được đấu giá và triển vọng thị trường 5G.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã cố gắng cân bằng các mục tiêu tối đa hóa nguồn thu trong ngắn hạn và các lợi ích kinh tế xã hội trong dài hạn từ việc triển khai mạng 5G nhanh chóng. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã xem xét đến yếu tố bất lợi của người dùng khi đưa ra mức giá phổ tần cao đặc biệt là băng tần 28 GHz. Vì giá phổ tần quá cao có thể cản trở sự phát triển của các ứng dụng và thiết bị 5G nên chính phủ Hàn Quốc đã đặt giá khởi điểm cho băng tần 28 GHz ở mức thấp nhất. Cùng với đó, thời hạn cấp phép băng tần 28 GHz chỉ 5 năm, bằng ½ thời hạn cấp phép cho băng tần 3,5 GHz nhằm giảm rủi ro đầu tư.
* Nghĩa vụ của các nhà khai thác về vùng phủ sóng
MSIT đã áp dụng các mức nghĩa vụ khác nhau cho băng tần 3.5 GHz và 28 GHz vì sự khác biệt về vùng phủ sóng và dung lượng của hai băng tần này. Đối với băng tần 3,5 GHz, các MNO có nghĩa vụ triển khai 150.000 trạm gốc (bao gồm bộ lặp quang, bộ lặp RF, và các trạm gốc cỡ nhỏ), 15% trong số đó sẽ được triển khai trong vòng 3 năm và 30% trong vòng 5 năm. Đối với băng tần 28 GHz, các MNO có nghĩa vụ xây dựng 100.000 trạm gốc và hoàn thành 15% số đó trong vòng ba năm.
* Quy tắc đấu giá phổ tần và kết quả đạt được
Hàn Quốc đã thực hiện đấu giá theo hai giai đoạn, bao gồm giai đoạn chính để xác định lượng phổ tần mà mỗi nhà khai thác dành được và sau khi kết thúc giai đoạn chính, phiên đấu giá sẽ chuyển sang giai đoạn ấn định, tại đó các nhà khai thác sẽ đấu thầu các vị trí tần số mà họ mong muốn trong các băng tần và lượng phổ tần dành được ở giai đoạn chính. Tức là trong giai đoạn này, các nhà khai thác di động sẽ có cơ hội thương lượng các vị trí tần số với nhau nhằm có được phổ tần liền kề. Kết quả sau 9 vòng đấu giá chính phủ đã thu về 2,776 tỷ USD từ hai băng tần 3,5 GHz và 28 GHz, cụ thể như sau:
• Băng tần 3,5 GHz
Tổng băng thông được đem ra đấu giá trong băng tần này là 280 MHz, được chia thành 28 khối, mỗi khối 10 MHz. Giá khởi điểm ban đầu đưa ra là 94,8 tỷ won/khối (79 triệu USD/khối), dự kiến sẽ thu về 2,212 tỷ USD. Kết quả đấu giá đã thu về 96,8 tỷ won/khối (80,6 triệu USD/khối) tổng cộng thu về cho ngân sách chính phủ 2,258 tỷ USD, tăng hơn mức giá khởi điểm 46 triệu USD.
• Băng tần 28 GHz
Tổng băng thông được đem ra đấu giá trong băng tần này là 2.400 MHz, được chia thành 24 khối, mỗi khối 100 MHz. Giá khởi điểm ban đầu đưa ra là 25,9 tỷ won/khối (21,58 triệu USD/khối), dự kiến sẽ thu về 518 triệu USD. Kết quả đấu giá đã thu về cho ngân sách chính phủ 518 triệu USD, bằng với mức giá khởi điểm đưa ra.
Phổ tần số dành cho mạng dùng riêng 5G cũng được chính phủ Hàn Quốc quan tâm. Theo đó, vào tháng 1/2021, chính phủ Hàn Quốc đã công bố sẽ bắt đầu ấn định phổ tần 5G cho địa phương và các tổ chức tư nhân đang có nhu cầu xây dựng mạng dùng riêng 5G của riêng họ. Mục tiêu là thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích đầu tư và đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân, đặc biệt là đối với các dịch vụ B2B và ngành dọc. Trước đó, chỉ những MNO đã được ấn định phổ tần 5G mới đủ điều kiện để xây dựng mạng dùng riêng 5G.
Trước mắt, chính phủ sẽ ấn định 600 MHz trên đoạn băng tần 28,9 GHz - 29,5 GHz, liền kề với băng tần 28 GHz hiện được ấn định cho các MNO. Đối với băng tần dưới 6 GHz, chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét các tùy chọn khác nhau như chia sẻ phổ tần để đảm bảo phổ tần bổ sung cho các dịch vụ B2B.
Tóm lại, sự thành công của Hàn Quốc trong việc triển khai nhanh chóng mạng 5G xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố thuận lợi như mật độ dân số cao xung quanh các khu đô thị và một thị trường viễn thông tiên tiến. Bên cạnh đó, việc chính phủ xác định tầm nhìn quốc gia về 5G, phát triển lộ trình phổ tần trong dài hạn và tạo điều kiện cho sự hợp tác công – tư trong triển khai mạng 5G cũng là những yếu tố quan trọng nhằm thiết lập một hệ sinh thái 5G phát triển mạnh mẽ.
Tài liệu tham khảo
[1]. https://en.yna.co.kr/view/AEN20210901002000320?section=business/it
[2]. https://www.5gamericas.org/global-5g-connections-are-growing-rapidly/
[3]. GSA: 5G Market: SNAPSHOT - August 2021
[4]. Entering the 5G era: Lessons from Korea