Tổng quan về tình hình sử dụng phổ tần số trong băng tần cao cho 5G trên toàn cầu

09/02/2022

(rfd.gov.vn)- Phổ tần số trong băng tần cao (high-band) hay còn gọi là sóng milimet (mmWave) dùng để chỉ các tần số nằm trong khoảng từ 24 GHz đến 300 GHz, nằm giữa sóng vi ba và tia hồng ngoại. Khoảng băng tần này hiện đang được sử dụng trong nghiên cứu khoa học, hệ thống vũ khí và thậm chí cả súng bắn tốc độ của cảnh sát. Trong đó, đoạn băng tần từ 24 GHz đến 100 GHz mang lại cơ hội lớn nhất cho các mạng thông tin di động.

Phổ tần số trong băng tần cao có thể cung cấp cho các nhà khai thác di động một lợi thế cạnh tranh quan trọng để giải quyết sự gia tăng về nhu cầu dữ liệu di động và mở rộng mạng 5G sang các ứng dụng vô tuyến cố định, doanh nghiệp và công nghiệp.

Mặc dù các băng tần thấp chẳng hạn như băng 700 MHz có thể rất hữu ích trong việc phủ sóng 5G đến các khu vực nông thôn, nhưng nó không phù hợp để cung cấp kết nối đáng tin cậy ở các khu vực đô thị, nơi có mật độ kết nối cao. 

Các băng tần cao chỉ phủ sóng 5G trên một khu vực địa lý hạn chế. Vì vậy, nó chính là chìa khóa để triển khai 5G ở các khu vực thành phố đông đúc như khuôn viên trường học, các địa điểm giải trí và thể thao…, nơi cần dung lượng cao hay nói cách khác là những khu vực có rất nhiều thiết bị đầu cuối được sử dụng. 

Tuy nhiên, băng tần cao không phải là không có những thách thức của nó. Bên cạnh việc bị hạn chế về vùng phủ sóng thì nó còn dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết như mưa, tuyết,... 

Việc sử dụng 5G trong băng tần cao sẽ cho phép truyền tải dữ liệu tốc độ cao và độ trễ thấp hơn cho người dùng di động. Ước tính cho thấy, việc kết hợp phổ tần số trong băng tần cao và băng tần 3.5 GHz sẽ góp phần tiết kiệm tới 35% tổng chi phí sở hữu so với việc sử dụng duy nhất các băng tần dưới 6 GHz. 

Tình hình triển khai 5G trong băng tần cao trên toàn cầu

Theo số liệu của GSA cho thấy:

• 192 nhà khai thác di động tại 48 quốc gia / vùng lãnh thổ đang đầu tư vào băng tần cao thông qua các cuộc thử nghiệm, mua lại giấy phép hay lên kế hoạch hoặc đã triển khai trong thực tế.

• 140 nhà khai thác di động tại 24 quốc gia / vùng lãnh thổ đã được ấn định phổ tần số trong băng tần cao để triển khai mạng 5G.

• 28 nhà khai thác di động tại 16 quốc gia / vùng lãnh thổ đã triển khai mạng 5G sử dụng phổ tần số băng tần cao.

• 14 quốc gia / vùng lãnh thổ đã công bố kế hoạch chính thức để ấn định phổ tần số trong băng tần cao cho các nhà khai thác di động đến cuối năm 2023.

• 142 thiết bị 5G được công bố hỗ trợ một hoặc nhiều băng tần 5G trong băng tần cao, trong đó có 92 thiết bị đã được thương mại hóa trên thị trường.

Các phổ tần số trong băng tần cao được xem xét đưa ra đấu giá hoặc ấn định cho các nhà khai thác di động mà 3GPP đưa ra trong Bản phát hành 15 (Release 15) dành cho 5G (Bảng 1).

Bảng 1

Tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới tổ chức vào tháng 11 năm 2019 (WRC-2019), một số băng tần số mới đã được xác định cho IMT và sẽ được sử dụng cho  IMT-2020 (5G) như sau: 24,25–27,5 GHz; 37–43,5 GHz; 45,5–47 GHz; 47,2–48,2 GHz; 66–71 GHz.

Số nhà khai thác di động đang đầu tư vào băng tần cao (Nguồn: GSA)

Như vậy, băng tần cao đã được mở ra cho các nhà khai thác di động để cung cấp các dịch vụ 5G. Trong đó, băng tần 24,25–27,5 GHz và 27,5–28,35 GHz đã được cấp phép / triển khai 5G nhiều nhất cho đến nay, với 173 nhà khai thác di động tại 48 quốc gia / vùng lãnh thổ đang đầu tư vào 5G trong băng tần 24,25–29,5 GHz, trong đó 120 nhà khai thác đã được cấp giấy phép triển khai; 27 nhà khai thác đã triển khai mạng 5G tuân thủ tiêu chuẩn của 3GPP.

Băng tần 37–40 GHz cũng đã được đưa vào sử dụng, với 28 công ty ở 5 quốc gia / vùng lãnh thổ đang đầu tư vào giấy phép hoặc đã triển mạng 5G trong băng tần này. Riêng Hoa Kỳ đã có 3 nhà khai thác di động ra mắt mạng 5G trong băng tần 37 – 40 GHz và 15 nhà khai thác đang sở hữu giấy phép phổ tần trong băng tần 47,2 – 48,2 GHz.

Số lượng thiết bị 5G được hỗ trợ băng tần cao

Theo GSA, số lượng thiết bị 5G được hỗ trợ băng tần cao đang phát triển ổn định. Đến tháng 12/2021, đã có 142 thiết bị 5G của 57 nhà cung cấp được công bố đã hỗ trợ hoặc sẽ hỗ trợ băng tần cao, trong đó 92 thiết bị đã được thương mại hóa (tăng 70% vào năm 2021).

Số lượng thiết bị 5G được công bố và thương mại hóa hỗ trợ băng tần cao và các băng tần cụ thể (Nguồn: GSA)

Trong số thiết bị 5G được công bố hỗ trợ băng tần cao thì điện thoại và thiết bị đầu cuối trong nhà và ngoài trời sử dụng cho truy cập vô tuyến cố định (FWA) chiếm thị phần lớn nhất tương ứng là 31% và 30%.

Xét về từng băng tần cụ thể, có 65 thiết bị 5G hỗ trợ băng tần n261 (27,5–28,35 GHz), trong đó 57 thiết bị có sẵn trên thị trường; 63 thiết bị 5G được hỗ trợ băng tần n260 (37 – 40 GHz), trong đó 56 thiết bị có sẵn trên thị trường; 36 thiết bị 5G được hỗ trợ băng tần n257 (26,5-29,5 GHz), trong đó 27 thiết bị có sẵn trên thị trường và 26 thiết bị 5G được hỗ trợ băng tần n258 (24,25-27,5 GHz), trong đó 20 thiết bị có sẵn trên thị trường.

Chi tiết kế hoạch ấn định phổ tần trong băng tần cao của một số quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Khu vực Châu Mỹ

Brazil

Cơ quan quản lý Viễn thông quốc gia Brazil (ANATEL) đã ấn định phổ tần số trong băng tần cao cho các dịch vụ 5G vào tháng 11 năm 2021. Có 3 nhà khai thác di động được cấp giấy phép khai thác toàn quốc bao gồm: Telefonica / Vivo (600 MHz trong băng tần 24,3 GHz - 24,9 GHz, thời hạn giấy phép 20 năm); America Moviles /Claro (400 MHz trong băng tần 25,3 GHz - 25,7 GHz, thời hạn giấy phép 20 năm) và TIM (200 MHz trong băng tần 26,1 GHz - 26,3 GHz, thời hạn giấy phép 10 năm).

Ngoài ra, có 4 nhà khai thác di động được cấp giấy phép theo khu vực, trong đó Algar Telecom là nhà mạng duy nhất được phân bổ phổ tần với băng thông lên tới 1 GHz (26,5 GHz - 27,5 GHz).

Anatel dự kiến sẽ xem xét thêm các băng tần 37-43.5 GHz; 45,5-47 GHz; 47,2-48,2 GHz và 66-71 GHz cho hệ thống thông tin di động IMT.

Canada

Bộ Đổi mới, Khoa học và Phát triển kinh tế Canada (ISED) đã quyết định áp dụng mô hình cấp phép linh hoạt cho các dịch vụ cố định và di động trong các băng tần 26.5–27.5 GHz và 27,5–28,35 GHz, cho phép triển khai dịch vụ cố định hoặc dịch vụ di động sử dụng một giấy phép duy nhất và chỉ áp dụng cho phương thức truyền dẫn song công phân chia theo thời gian (phương thức TDD).

Mô hình cấp phép linh hoạt cũng sẽ được áp dụng cho phổ tần trong băng tần 37,6–40 GHz, chỉ sử dụng cho phương thức TDD. ISED cũng ấn định băng tần 64–71 GHz là băng tần miễn giấy phép (khi các tiêu chuẩn kỹ thuật cho thiết bị được miễn giấy phép được ban hành). Phổ tần số trong băng tần 27,5–28,35 GHz dự kiến ​​sẽ được cung cấp trong năm 2022.

Colombia

Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông Colombia (MinTIC) cùng với Cơ quan quản lý phổ tần số quốc gia (ANE) đã thực hiện một cuộc tham vấn về phổ tần số cho 5G vào tháng 9 năm 2020, trong đó các băng tần đang được xem xét bao gồm: 24,25–27,5 GHz; 37–43,5 GHz; 47,2–48,2 GHz; 45,5–47 GHz và 70 GHz.

Costa Rica

Vào tháng 11 năm 2020, Cơ quan quản lý về thị trường viễn thông Costa Rica (Sutel) đã thực hiện một cuộc tham vấn để xác định nhu cầu giữa các nhà khai thác hiện tại và các nhà khai thác mới tiềm năng về việc sử dụng phổ tần số ở nhiều băng tần khác nhau bao gồm băng 26 GHz và 28 GHz.

Vào tháng 4 năm 2021, Bộ Khoa học, Công nghệ và Viễn thông Costa Rica cho biết họ có kế hoạch hướng dẫn Sutel thực hiện các cuộc đấu giá phổ tần theo từng giai đoạn, theo đó cuộc đấu giá phần dưới của băng 26 GHz và toàn bộ băng 28 GHz sẽ thực hiện trong năm 2021; phần trên của băng 26 GHz và băng 40 GHz (6500 MHz) sẽ thực hiện trong thời gian 2 đến 5 năm tới; băng 47 GHz (1.000 MHz) sẽ thực hiện trong 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11 năm 2021, phiên đấu giá băng tần 26/28 GHz vẫn chưa được thực hiện như kế hoạch đề ra.

Mexico

Vào tháng 4 năm 2019, Viện Viễn thông liên bang Mexico (IFT) đã công bố kết quả nghiên cứu các băng tần sử dụng cho 5G, trong đó đã xác định một loạt các băng tần có khả năng được sử dụng cho 5G ở Mexico bao gồm 26 GHz, 38 GHz, 42 GHz, 48 GHz và 51 GHz. Vào tháng 5 năm 2021, IFT thông báo rằng các băng tần 26 GHz (24,25–27,5 GHz) và 40 GHz (37–43,5 GHz) có thể được đưa ra đấu giá từ năm 2023.

Peru

Vào tháng 11 năm 2020, Bộ Giao thông và Truyền thông Peru (MTC) đã tiến hành một cuộc tham vấn về tiềm năng của băng tần 24,25–27,5 GHz cho IMT cũng như các điều kiện đấu giá dự kiến ​​cho băng tần này.

Vào tháng 3 năm 2021, giai đoạn lập kế hoạch cho một đấu giá băng tần 26 GHz đã được hoàn thành, với kỳ vọng sẽ bán đấu giá lượng phổ tần 600 MHz. Đến tháng 4 năm 2021, MTC đã xuất bản một quy hoạch tần số bao gồm việc giải phóng 1.200 MHz phổ tần trong băng tần 26 GHz cho các hệ thống viễn thông tiên tiến.

Vào tháng 5 năm 2021, MTC đã công bố các sửa đổi đối với Quy hoạch phân bổ phổ tần số quốc gia, trong đó đã xác định băng tần 24,25–27,5 GHz dành cho IMT. Ngoài ra, các băng tần 27,5–28,35 GHz, 29,10–29,25 GHz, 31,00–31,30 GHz, 37,35–37,55 GHz, 38,05–38,25 GHz, 38,6–40 GHz, 40,5–42,5 GHz và 42,5–43,5 GHz phân bổ chủ yếu cho các dịch vụ viễn thông công cộng sử dụng hệ thống truy cập vô tuyến cố định.

Hoa Kỳ

Trong năm 2019 và 2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã ấn định nhiều phổ tần số trong băng tần cao cho các dịch vụ 5G bao gồm băng 24 GHz, 28 GHz, 37 GHz, 39 GHz và 47 GHz. FCC dự kiến ​​sẽ xem xét phổ tần trên 95 GHz cho các ứng dụng 5G và 6G trong tương lai.

Uruguay

Tháng 5 năm 2019, Cơ quan quản lý viễn thông Uruguay (Ursec) đã ấn định băng tần 27,5-28,35 GHz cho các dịch vụ di động 5G. Vào tháng 4 năm 2021, cơ quan này đã cho phép các nhà khai thác di động thực hiện các thử nghiệm kỹ thuật của 5G trong băng tần 26 GHz, như một bước khởi đầu cho một cuộc đấu giá phổ tần trong tương lai ở băng tần này

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Úc

Tháng 12 năm 2020, Cơ quan Quản lý Thông tin và Truyền thông của Úc (ACMA) đã phân bổ các băng tần 24,7-25,1 GHz và 27,5-29,5 GHz cho mạng 5G nội bộ. Đến tháng 4 năm 2021, ACMA tiếp tục phân bổ băng tần 25,1-27,5 GHz cho các dịch vụ băng rộng di động.

Bhutan

Tháng 11 năm 2019, Cơ quan quản lý truyền thông Bhutan (IMA) đã công bố kế hoạch triển khai 5G, trong đó cam kết tạo ra lượng phổ tần 400 MHz ở băng tần 26 GHz cho 5G. Trước mắt, IMA cho phép các nhà mạng di động thử nghiệm 5G trong băng tần 24,3–26,7 GHz.

Hồng Kông

Vào tháng 3 năm 2019, Cơ quan quản lý viễn thông Hồng Kông (OFCA) đã phân bổ phổ tần số trong băng tần 26,55-27,75 GHz để sử dụng cho các dịch vụ di động và vô tuyến cố định. Đến tháng 7 năm 2019, OFCA tiếp tục phân bổ phổ tần số trong băng tần 27,95-28,35 GHz để sử dụng cho các mạng 5G nội bộ.

Ấn Độ

Vào tháng 5 năm 2021, Cục Viễn thông Ấn Độ (DoT) đã công bố thử nghiệm công nghệ 5G và phổ tần số cho 5G trong một số băng tần, bao gồm cả băng tần 24,25–28,5 GHz cho các trường hợp sử dụng và kịch bản triển khai khác nhau. Ấn Độ đang chuẩn bị kế hoạch cho một cuộc đấu giá phổ tần số cho 5G, bao gồm cả phổ tần số ở băng tần 24,25–28,5 GHz vào năm 2022.

Vào tháng 11 năm 2021, Cơ quan quản lý viễn thông Ấn Độ (TRAI) đã thực hiện một cuộc tham vấn về giá khởi điểm, quy hoạch băng tần và băng thông các khối phổ cũng như các điều kiện cấp phép cho các băng tần dành cho 5G. Các tham vấn được mở đến ngày 11 tháng 1 năm 2022.

Indonesia

Bộ Truyền thông và Tin học Indonesia (BRTI) đã chọn 7 băng tần ứng cử viên cho việc triển khai công nghệ 5G ở Indonesia bao gồm cả băng tần 26 GHz và 28 GHz.

Nhật Bản

Vào tháng 4 năm 2019, Bộ Truyền thông Nhật Bản đã ấn định phổ tần số trong các băng tần 27,0-28,2 GHz và 29,1-29,5 GHz cho các dịch vụ 5G. Đến tháng 12 năm 2020, Nhật Bản tiếp tục phân bổ băng tần 28,2-29,1 GHz để sử dụng cho mạng 5G nội bộ.

Hiện các băng tần 25,25-27,0 GHz và 37-43,5 GHz cũng đang được Nhật Bản nghiên cứu để phân bổ cho các nhà mạng sử dụng triển khai các dịch vụ 5G trong tương lai.

Ma Cao

Vào tháng 12 năm 2018, Cơ quan quản lý Bưu chính và Viễn thông Macao (CTT) đã công bố quy hoạch các băng tần khả dụng cho viễn thông di động mặt đất công cộng nhằm chuẩn bị cho việc ra mắt các dịch vụ 5G, bao gồm các băng tần 24,25–27,5 GHz và 27,5–28,35 GHz.

Malaysia

Vào tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Malaysia đã quyết định giao cho một công ty phục vụ mục đích đặc biệt (Special Purpose Vehicle – SPV) sở hữu và quản lý cơ sở hạ tầng 5G cũng như phổ tần số dành cho 5G, hoạt động như một nhà khai thác bán buôn trung lập. Thông cáo báo chí cho biết, băng tần 28 GHz đã được xác định phân bổ cho công ty SPV này.

Nepal

Vào tháng 2 năm 2021, Cơ quan quản lý Viễn thông Nepal (NTA) thông báo cho biết họ đang xem xét phân bổ phổ tần số trong băng tần 26 GHz cho 5G.

New Zealand

Theo lộ trình quản lý phổ tần số cho 5G ở New Zealand, phổ tần số trong băng tần 24,25–28,35 GHz sẽ được xem xét để sử dụng cho 5G. Vào tháng 5 năm 2021, Cơ quan quản lý phổ tần đã công bố một cuộc tham vấn về việc sử dụng băng tần 24–30 GHz ở New Zealand.

Theo đó, cơ quan này đề xuất băng tần 26 GHz chủ yếu sử dụng cho hệ thống IMT, bao gồm băng rộng di động nâng cao (eMBB), truy cập vô tuyến cố định và ngành dọc. Đối với băng tần 28 GHz, New Zealand đề xuất chia sẻ giữa hệ thống IMT và các dịch vụ khác như các dịch vụ cố định qua vệ tinh và các đài Trái đất di động (Earth stations in motion).

Pakistan

Vào tháng 11 năm 2020, Bộ Công nghệ Thông tin và Viễn thông Pakistan (MoITT) đã xác định các băng tần cao dùng để thử nghiệm cho 5G, bao gồm các băng tần 24,25–27,5 GHz, 37–43,5 GHz, 45,5–47 GHz, 47,2–48,2 và 66–71 GHz. Việc thử nghiệm các băng tần này sẽ được thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026.

Hàn Quốc

Vào tháng 6 năm 2018, Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc (MSIT) đã ấn định phổ tần số trong băng tần 26,5-28,9 GHz cho các nhà mạng di động triển khai các dịch vụ 5G. Đến tháng 10 năm 2021, MSIT tiếp tục phân bổ thêm phổ tần số trong băng tần 28,9-29,5 GHz để sử dụng cho các mạng 5G nội bộ.

Singapore

Vào tháng 6 năm 2020, Cơ quan Phát triển truyền thông Infocomm của Singapore (IMDA) đã ấn định phổ tần số trong băng tần 26,3-29,5 GHz cho các nhà mạng di động triển khai các dịch vụ 5G.

Đài Loan

Vào tháng 3 năm 2020, Ủy ban Truyền thông Quốc gia Đài Loan (NCC) đã ấn định phổ tần số trong băng tần 27,9-29,5 GHz cho các nhà mạng di động triển khai các dịch vụ 5G.

Thái Lan

Vào tháng 2 năm 2020, Ủy ban Phát thanh và Viễn thông quốc gia Thái Lan (NBTC) đã ấn định phổ tần số trong băng tần 24,3-27,0 GHz cho các nhà mạng di động để triển khai các dịch vụ di động trên nguyên tắc trung lập về công nghệ.

Việt Nam

Vào tháng 8 năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) đã ban hành quy hoạch băng tần 24,25–27,5 GHz để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo. Và MIC cũng đã cấp giấy phép thử nghiệm 5G thương mại cho các nhà mạng di động để sử dụng băng tần này tại một số địa điểm nhất định.

Khu vực Châu Âu

Gần đây, Liên minh Châu Âu đã đưa ra một số quyết định nhằm thúc đẩy sự sẵn sàng của các băng tần mới dành cho 5G. Vào tháng 5 năm 2019, Ủy ban Châu Âu đã thông qua quyết định nhằm thúc đẩy sự hài hòa phổ tần số trong băng tần 26 GHz (24,25–27,5 GHz), cho phép các quốc gia thành viên thiết lập điều kiện kỹ thuật chung để sử dụng băng tần trên nguyên tắc trung lập về công nghệ và dịch vụ

Áo

Vào tháng 6 năm 2019, Cơ quan quản lý về Phát thanh truyền hình và Viễn thông Áo (RTR) đã thực hiện một cuộc tham vấn về khả năng quy hoạch băng tần 26 GHz (24,25–27,5 GHz) và đã hoàn thành vào tháng 8 năm 2019.

Đến tháng 6 năm 2021, RTR đã thực hiện một cuộc tham vấn tiếp theo về quy hoạch phổ tần số cho giai đoạn 2021–2026, bao gồm băng 26 GHz và các băng tần bổ sung như băng 42 GHz và 60 GHz.

Bỉ

Vào năm 2018, Viện Bưu chính và Viễn thông Bỉ (BIPT) đã công bố kế hoạch đấu giá phổ tần số cho 5G, theo đó từ năm 2021 sẽ đấu giá băng tần 26 GHz; từ năm 2022 đến 2027 sẽ đấu giá các băng tần 31,8–33,4 GHz và 40,5–43,5 GHz.

Sau đó vào tháng 5 năm 2019, BIPT đã thực hiện một cuộc tham vấn cộng đồng về việc sử dụng phổ tần số trong băng 26 GHz cho 5G, kết quả cho thấy, không có nhu cầu thị trường đối với phổ tần số này và hiện chưa quy hoạch băng tần này để sử dụng cho 5G.

Bulgaria

Ủy ban Điều hành Truyền thông Bulgaria (CRC) đã tiến hành một cuộc tham vấn cộng đồng về dự thảo quyết định thông qua chính sách quản lý phổ tần số mới. Các yếu tố chính bao gồm xác định điều kiện để giải phóng ít nhất 1 GHz phổ tần trong băng tần 24,25 - 27,5 GHz để hỗ trợ sự ra đời của mạng 5G.

Một cuộc tham vấn cộng đồng khác cũng đã được CRC đưa ra và hoàn thành vào tháng 3 năm 2021, trong đó đã phê duyệt các triển vọng và điều kiện sử dụng băng tần 26 GHz. CRC cũng đang lên kế hoạch thực hiện các cuộc tham vấn cộng đồng mới để xem xét mối quan tâm của các nhà khai thác viễn thông trong việc sở hữu phổ tần trong băng tần 26 GHz vào cuối năm 2022.

Croatia

Vào tháng 8 năm 2021, Cơ quan điều hành về các dịch vụ mạng Croatia (HAKOM) đã ấn định băng tần 26,5-27,5 GHz cho các dịch vụ 5G.

Đến tháng 11 năm 2021, HAKOM đã công bố một cuộc tham vấn về tương lai của việc sử dụng và phân bổ 8 băng tần bao gồm một phần bổ sung của băng tần 26 GHz ( băng 25,05–26,5 GHz). Cuộc tham vấn sẽ kết thúc vào ngày 6 tháng 12 năm 2021, dự kiến quá trình phân bổ các băng tần này ​​sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm 2023.

Cộng hòa Séc

Văn phòng Truyền thông Cộng hòa Séc (CTU) đã tuyên bố ý định trong tương lai của mình là phát hành phổ tần 26 GHz cho 5G. Vào tháng 8 năm 2020, CTU đã tiến hành tham vấn cộng đồng về kế hoạch giải phóng 1 GHz phổ tần trong băng tần từ 24,25–27,5 GHz cho các dịch vụ di động tốc độ cực cao.

Đan Mạch

Vào tháng 4 năm 2021, Đan Mạch đã ấn định phổ tần số trong băng tần từ 24,65-27,5 GHz cho các dịch vụ 5G.

Estonia

Vào tháng 3 năm 2019, Bộ Kinh tế và Truyền thông Estonia đã công bố lộ trình phân bổ phổ tần số cho 5G, trong đó đề ra các kế hoạch tham vấn cộng đồng về việc sử dụng phổ tần trong băng tần từ 24,25–27,5 GHz và đã ghi nhận tiềm năng sử dụng các băng tần 40,5–43,5 GHz và 66–71 GHz cho 5G.

Vào tháng 10 năm 2019, Estonia cũng đã thực hiện một cuộc tham vấn về các quy hoạch phổ tần số trong băng tần 26 GHz (24,25–27,5 GHz) cho các dịch vụ băng rộng di động.

Phần Lan

Vào tháng 6 năm 2020, Bộ Giao thông và Truyền thông Phần Lan (Traficom) đã ấn định phổ tần trong băng tần từ 25,1-27,5 GHz cho 5G.

Đến tháng 4 năm 2021, Chính phủ Phần Lan đã ban hành quyết định phân bổ phổ tần số trong băng tần từ 24,25–25,1 GHz cho các mục đích sử dụng nội bộ / dùng riêng.

Pháp

Vào tháng 10 năm 2018, Cơ quan quản lý Viễn thông Pháp (ARCEP) đã thực hiện một cuộc tham vấn về các thủ tục để ấn định phổ tần số trong băng tần 26 GHz thông qua đấu giá hoặc bằng các phương thức khác.

Đến cuối tháng 3 năm 2019, sau khi kết thúc thời gian tham vấn, ARCEP đã nhận được 15 đề xuất thử nghiệm 5G ở băng tần 26 GHz. Qua đó, ARCEP đã phê duyệt các quyết định cho phép các nhà khai thác di động được sử dụng băng tần 26 GHz tại các khu vực nhất định để thử nghiệm 5G.

Đức

Vào tháng 3 năm 2021, Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức đã ấn định băng tần từ 24,25-27,5 GHz cho mạng 5G nội bộ.

Hy Lạp

Năm 2017, Ủy ban Bưu chính và Viễn thông Hy Lạp đã ấn định băng tần từ 24,5-26,5 GHz cho truy cập vô tuyến cố định. Đến tháng 11 năm 2020, cơ quan này tiếp tục ấn định băng tần từ 26,5-27,5 GHz cho các nhà khai thác trên nguyên tắc trung lập về công nghệ.

Hungary

Cơ quan quản lý Truyền thông quốc gia Hungary đã xem xét phát hành phổ tần ở băng tần 26 GHz cho 5G. Tuy nhiên, kết quả một cuộc tham vấn vào tháng 7 năm 2019 cho thấy nhu cầu thị trường còn hạn chế nên kế hoạch đấu giá băng tần này đã tạm dừng lại.

Ireland

Vào tháng 1 năm 2021, Ủy ban Điều hành Truyền thông Ireland (ComReg) đã công bố kết quả của một nghiên cứu về tiềm năng sử dụng phổ tần 26 GHz (24,25–27,5 GHz) cho 5G và tham vấn các tổ chức liên quan. Đến tháng 9 năm 2021, ComReg cho biết họ đang xem xét các ý kiến phản hồi và sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của băng tần 26 GHz để cung cấp phổ tần trong băng tần này cho các nhà khai thác di động.

Ý

Vào tháng 10/2018, Ý đã ấn định phổ tần số trong băng tần 26 GHz cho việc triển khai các dịch vụ 5G.

Kosovo

Vào tháng 5 năm 2019, Cơ quan quản lý về Truyền thông điện tử Kosovo (ARKEP) đã công bố kế hoạch cấp phép và mở ra các băng tần mới, theo đó họ đang lên kế hoạch giải phóng phổ tần ở băng 26 GHz thông qua một cuộc đấu giá dự kiến diễn ra sau năm 2022.

Lithuania

Vào tháng 12 năm 2019, Cơ quan quản lý thông tin liên lạc Lithuania (RRT) đã thực hiện một cuộc khảo sát công khai về các kế hoạch sử dụng trong tương lai của băng tần 24,25–29,5 GHz ở Lithuania.

Băng tần 24,25–29,5 GHz hiện đang được quốc gia này sử dụng một phần cho kết nối băng rộng điểm – đa điểm và hệ thống vệ tinh. RRT dự kiến sẽ giải phóng lượng phổ tần 1.200 MHz trong băng tần 26,3–27,5 GHz.

Đến tháng 11 năm 2020, Lithuania cho rằng họ sẽ thực hiện cuộc đấu giá phổ tần số trong băng tần 26 GHz khi thị trường có nhu cầu.

Luxembourg

Ban đầu, Cơ quan quản lý Viễn thông Luxembourg (ILR) dự định phân bổ phổ tần số trong băng tần 24,25–27,5 GHz vào nửa sau của năm 2020. Tuy nhiên, sau đó cơ quan này đã thực hiện một cuộc tham vấn vào tháng 10 năm 2020 để đánh giá mức độ quan tâm đến việc sử dụng phổ tần số trong băng tần 26,5–27,5 GHz.

Macedonia

Vào tháng 12 năm 2020, Cơ quan Truyền thông Điện tử Macedonia (AEK) đã công bố kế hoạch đấu giá nhiều băng tần khác nhau bao gồm các băng tần 24,3–25,1 GHz; 25,5–26,1 GHz và 26,5–26,9 GHz.

Malta

Vào tháng 2 năm 2021, Cơ quan truyền thông Malta (MCA) đã đưa ra một cuộc tư vấn về kế hoạch đấu giá các băng tần khác nhau trên cơ sở trung lập về công nghệ và dịch vụ, bao gồm băng 26 GHz (24,25–27,5 GHz, TDD). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có lịch cụ thể cho cuộc đấu giá này.

Montenegro

Vào tháng 8 năm 2020, Cơ quan Bưu chính và Truyền thông Điện tử Montenegro (EKIP) đã tổ chức một cuộc tham vấn cộng đồng về phổ tần số cho 5G, bao gồm cả băng tần 26 GHz. Dự kiến băng tần 26,5–27,5 GHz sẽ được cung cấp cho các nhà khai thác di động vào giữa năm 2022.

Hà Lan

Hà Lan đang tham vấn các bên liên quan và dự kiến sẽ cung cấp phổ tần trong băng tần 26 GHz cho các mạng nội bộ hoặc dùng chung.

Na Uy

Vào tháng 6 năm 2020, Cơ quan Truyền thông Na Uy (Nkom) đã tiến hành một cuộc tham vấn về kế hoạch đấu giá băng tần 24,25–27,5 GHz và đang xem xét sử dụng băng tần 42 GHz và băng tần 66-71 GHz cho 5G.

Ba Lan

Cơ quan quản lý viễn thông Ba Lan đã tổ chức một cuộc tham vấn về việc phân bổ băng tần 24,25–27,5 GHz cho 5G vào năm 2018 và năm 2020. Kết quả cho thấy, nhu cầu trong ngắn hạn đối với băng tần này rất ít.

Bồ Đào Nha

Cơ quan Truyền thông Quốc gia Bồ Đào Nha (ANACOM) đã thực hiện tham vấn về việc phân bổ phổ tần trong băng tần 26 GHz cho 5G.

Nga

Tháng 7 năm 2020, Nga đã cấp phép băng tần 24,25-24,65 GHz      trên 86 khu vực để sử dụng cho các dịch vụ 5G/IMT-2020.

Cơ quan quản lý phổ tần Nga cũng đã phân bổ 400 MHz trong băng tần 27,1–27,5 GHz cho nhà mạng ER-Telecom để thử nghiệm các dịch vụ 5G. Vào tháng 3 năm 2021, nhà mạng này đã hợp tác với Nokia để bắt đầu thử nghiệm 5G.

Slovakia

Cơ quan quản lý Truyền thông điện tử và Dịch vụ bưu chính Slovakia (RU) đã tổ chức một cuộc tham vấn về băng tần 26 GHz và 29 GHz cho 5G.

Vào tháng 10 năm 2021, RU đã cung cấp băng tần thử nghiệm trong thời gian 6 tháng cho các nhà mạng và đã công bố kế hoạch phân bổ phổ tần số trong băng tần 26 GHz vào nửa đầu năm 2022.

Slovenia

Vào tháng 4 năm 2021, Cơ quan quản lý Mạng và Dịch vụ truyền thông Slovenia đã ấn định băng tần 26,5-27,5 GHz (TDD) dựa trên nguyên tắc trung lập về công nghệ.

Tây Ban Nha

 Vào tháng 9 năm 2021, Tây Ban Nha cho biết một cuộc đấu giá phổ tần trong băng tần 26 GHz sẽ được thực hiện vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Thụy Điển 

Vào tháng 11 năm 2021, Cơ quan quản lý Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS) đã ấn định băng tần 24,25-25,1 GHz để sử dụng cho các mạng dịch vụ 5G nội bộ.

Bên cạnh đó, PTS cũng dự kiến sẽ tạo ra 2.400 MHz trong băng tần 25,1–27,5 GHz để sử dụng cho 5G bắt đầu vào năm 2025. Băng tần 27,5 – 29,5 GHz cũng sẽ được phân bổ để sử dụng cho các mạng 5G dùng riêng.

Vương quốc Anh

 

Vào tháng 7 năm 2019, Văn phòng Truyền thông Vương quốc Anh (Ofcom) đã ấn định băng tần 24,25-26,5 GHz cho mục đích sử dụng cho môi trường trong nhà dựa trên nguyên tắc trung lập về công nghệ.

Ofcom cũng đã cung cấp phổ tần miễn giấy phép theo nguyên tắc trung lập về công nghệ ở băng tần 57–71 GHz để có thể được sử dụng cho các dịch vụ 5G trong tương lai.

Khu vực Trung Đông và Châu Phi

Síp

Vào tháng 8 năm 2019, Síp đã tiến hành một cuộc tham vấn công khai về cuộc đấu giá phổ tần cho 5G ở các băng tần khác nhau, bao gồm băng tần 24,25–27,5 GHz. Kết quả cuộc tham vấn cho thấy, không có nhu cầu về băng tần 24,25–27,5 GHz.

Israel

Vào tháng 3 năm 2021, người đứng đầu dự án 5G của quốc gia này đã thông báo rằng họ đang lên kế hoạch cung cấp tần số trên 24 GHz vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Nigeria

Ủy ban Truyền thông Nigeria (NCC) đã công bố dự thảo kế hoạch triển khai 5G vào tháng 8 năm 2020. Theo đó, trong giai đoạn đầu NCC dự kiến sẽ phân bổ phổ tần số trong băng tần 24,25–27,5 GHz và 37–43,5 GHz cho 5G vào đầu năm 2022. Trong giai đoạn hai, NCC sẽ tiếp tục phân bổ các băng tần 45,4–47 GHz; 47,2–48,2 GHz và 66–71 GHz.

Qatar

Cơ quan quản lý truyền thông Qatar (CRA) đang xem xét đấu giá băng tần 26 GHz (26,5–27,5 GHz) để triển khai các dịch vụ di động 5G.

Ả Rập Xê Út

Vào tháng 3 năm 2021, Ủy ban Truyền thông và Công nghệ thông tin Ả Rập Xê Út (CITC) đã công bố quy hoạch phổ tần quốc gia cho giai đoạn 2021–2023, trong đó dự kiến sẽ thực hiện đấu giá phổ tần ở băng tần 26 GHz vào nửa cuối năm 2022.

Tunisia

Vào tháng 8 năm 2020, Tunisia đã tham vấn cộng đồng về các băng tần thích hợp cho hệ thống IMT, bao gồm phổ tần số trong các băng tần cao như băng 24,25–27,5 GHz; 37–43,5 GHz, 45,5–47 GHz, 47,2–48,2 GHz và 66–71 GHz.

UAE 

Vào tháng 9 năm 2020, UAE đã ấn định băng tần 26,5-27,5 GHz cho các dịch vụ 5G. Hiện quốc gia này đang trong quá trình xem xét để phân bổ toàn bộ băng tần 25,5–27,5 GHz cho 5G. Ngoài ra, băng tần 40 GHz cũng sẽ được xem xét cho 5G trong tương lai.

Zambia

Vào tháng 7 năm 2021, Zambia đã thực hiện một cuộc tham vấn về việc quy hoạch 4 băng tần cho 5G, bao gồm cả băng tần 26 GHz.

Tóm lại, phổ tần số trong băng tần cao đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các mạng thông tin di động. Báo cáo của GSA cho thấy, nhiều cuộc đấu giá phổ tần số trong băng tần cao sẽ diễn ra trong những năm tới, điều đó kéo theo số nhà mạng sử dụng băng tần cao để triển khai các dịch vụ 5G sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều mẫu thiết bị hỗ trợ băng tần cao cũng sẽ được các nhà cung cấp thiết bị cam kết tung ra trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

GSA: High-band Spectrum – Global Licensing and Usage for 5G - Executive Summary - December 2021

 

                                                                                               

Phan Văn Hòa