Việt Nam - Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong chuyển đổi số

14/10/2022

(rfd.gov.vn)- Trong khuôn khổ Tuần lễ Số quốc tế (VIDW) 2022, chiều ngày 12/10/2022 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc đồng tổ chức.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - chiến lược đột phá của Chính phủ Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT Việt Nam nhận định: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là một trong những giải pháp chiến lược đột phá của Chính phủ Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số Việt Nam là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên các nền tảng số, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, nền tảng số để cải thiện năng suất, hiệu quả hoạt động của mình. Đối với chính quyền số, chuyển đổi số giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ công dễ dàng, thuận tiện hơn, chính quyền gần gũi với người dân hơn. Đó là mục tiêu cơ bản của quá trình chuyển đổi số Việt Nam.

Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện: "Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - một trong những giải pháp chiến lược đột phá của chính phủ Việt Nam"

Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam là một cộng đồng lớn, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc là những doanh nghiệp có khả năng, có kinh nghiệm về chuyển đối số. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ là những cánh chim đầu đàn chia sẻ, truyền lửa, truyền cảm hứng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, ông Lê Văn Tuấn bày tỏ. 

 Ông Park Yun Kyu, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và ICT Hàn Quốc tham dự diễn đàn (theo hình thức trực tuyến)

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Park Yun Kyu, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và ICT Hàn Quốc (MIST) cho biết,  đại dịch COVID-19 đã cho thấy kỹ thuật số phát huy sức mạnh và trở thành ánh sáng giúp chúng ta bước tiếp đoạn đường khó khăn đó. Kỹ thuật số là yếu tố then chốt trong đổi mới sáng tạo mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đến xã hội, văn hóa, không chỉ dừng lại ở việc thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày hay là sự phát triển của lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp nói chung.

Cuối tháng 9/2022, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã công bố chiến lược số hóa Hàn Quốc. Đây là một kế hoạch tổng thể cấp quốc gia nhằm hiện thực hóa các giá trị nhân văn cơ bản bằng kỹ thuật số, đưa Hàn Quốc trở thành nhà lãnh đạo kỹ thuật số toàn cầu.

Hàn Quốc đã đưa ra những kế hoạch mạnh mẽ nhằm đảm bảo khả năng kỹ thuật số tốt nhất thế giới trong các ngành kỹ thuật số quan trọng như: dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), đám mây, phần mềm, cơ sở hạ tầng mạng như 6G, lượng tử, metaverse…

Các đại biểu tham dự diễn đàn chụp ảnh lưu niệm

Tại sự kiện, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông - Bộ TT&TT Việt Nam đã giới thiệu về sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp ICT Việt Nam trong thời gian qua. Ngành Công nghiệp ICT Việt Nam đã đạt được sự phát triển tích cực với tổng doanh thu năm 2021 đạt 124,7 tỷ USD.

Chiến lược phát triển ICT của Việt Nam đặt ra các mục tiêu cụ thể: Năm 2025, đạt tốc độ tăng trưởng lớn hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia, có 80.000 doanh nghiệp ICT, đóng góp 6 - 6,5% GDP, lọt top 5 quốc gia hàng đầu về doanh thu từ dịch vụ phần mềm, sản xuất và phân phối trò chơi di động, 07 tỉnh có doanh thu 1 tỷ USD, 1,5 triệu người làm việc trong ngành ICT, có 10 doanh nghiệp CNTT có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên. Vào năm 2030, lĩnh vực ICT đặt mục tiêu có tốc độ tăng trưởng lớn hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia, có 100.000 doanh nghiệp ICT, đóng góp 7 - 8% GDP, 07 tỉnh có doanh thu hơn 1 tỷ USD,15 doanh nghiệp CNTT có doanh thu hơn 1 tỷ USD trở lên. Lĩnh vực có 1,8 triệu người làm việc.

Hàn Quốc: Hoàn thiện hành lang pháp lý, thực hiện chính sách sandbox 

Chia sẻ về việc xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ mới tại Hàn Quốc, ông Lee Byung Moog, Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc cho biết: Nhằm đảm bảo sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là việc phát triển và áp dụng công nghệ mới, cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, cải cách các bộ luật, chính sách, trong đó có chính sách sandbox (thí điểm thực thi đối với công nghệ mới) là yêu cầu cấp thiết đối với chính phủ Hàn Quốc. Chỉ liên quan đến luật về phát triển phần mềm, Hàn Quốc hiện có khoảng 50 bộ luật điều chỉnh các vấn đề từ mạng lưới, dữ liệu, an ninh mạng, chuyển đổi số… 

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc áp dụng công nghệ mới, Chính phủ Hàn Quốc liên tục xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm thúc đẩy hoạt động này. 

Về đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ mới như AI, metaverse, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng các chiến lược, chính sách đào tạo từ trường cấp một đến hết bậc đại học dựa trên CNTT, tăng cường đào tạo trực tuyến tại các trường đại học. Hàn Quốc đã đào tạo hơn 30 ngàn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật số mức độ từ trung cấp trở lên. Từ 2019 - 2020, thực hiện các khóa đào tạo nâng cao năng lực về IT đối với nhân lực tại các địa phương. Nền công nghiệp ICT đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế - xã hội Hàn Quốc, chiếm 12,9% GDP, ông Lee Byung Moog cho hay. 

Tại sự kiện, các doanh nghiệp ICT Việt Nam và Hàn Quốc đã cùng chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp sản xuất. Cụ thể: Viettel VHT giới thiệu về giải pháp chuyển đổi số cho các ngành sản xuất; Tập đoàn LG trình bày về chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất điện tử của Tập đoàn. Ngoài ra còn có những bài tham luận về vật liệu bán dẫn AI, về nội thất số./.

 

Giang Phạm

(Mic.gov.vn; 12/10/2022 23:03 CH)