Trong số hơn 10.000 chữ ký số đã được cấp, Tổng công ty Viễn thông Viettel đã cấp 3.440 chữ ký số; VNPT Hà Nội cấp được 2.114 chữ ký số; Tập đoàn FPT cấp 2.033 chữ ký số và Công ty Công nghệ Bkav đã cấp được khoảng 2.000 chữ ký số.
Vừa qua, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm cấp được 1.100 chữ ký số tại gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho công dân Thủ đô tổ chức ở không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký hiện nay. Chẳng hạn, chữ ký số chưa được phủ rộng trong các loại hình giao dịch điện tử; đối tượng sử dụng chủ yếu là tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt là chữ ký số cá nhân chưa được sử dụng rộng rãi; người dân chưa được tiếp cận và chưa hiểu hết lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc biết nhưng vẫn còn ngại khi sử dụng.
Để thúc đẩy phát triển chữ ký số trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị kiến nghị thành phố tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng chữ ký số; các sở chuyên ngành như y tế, giáo dục, du lịch… xem xét có những quy định phù hợp đối với các đối tượng cần sử dụng chữ ký số nhằm mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ…
Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, Sở sẽ tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND thành phố, Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Sở sẽ có văn bản gửi 30 quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp hướng dẫn, cấp chữ ký số miễn phí cho công dân. Đồng thời, đề nghị các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của chữ ký số và tăng cường sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch điện tử.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, việc ứng dụng chữ ký số trong quá trình chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Trong năm nay, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm 100% người dân có tài khoản trên cổng dịch vụ công, tối thiểu 50% hồ sơ phát sinh được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến. Đặc biệt, 100% công dân của Thủ đô được cấp chữ ký số miễn phí để phục vụ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch trên môi trường điện tử.