Thế giới phổ tần phản ứng với đại dịch COVID-19

27/03/2020

(rfd.gov.vn)- Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 là sự trì hoãn không mong đợi đối với mọi hoạt động trên toàn thế giới, từ đấu giá phổ tần 5G tại Pháp cho đến các cuộc họp của ITU, nhiều quốc gia xem rằng phổ tần số vô tuyến điện là một yếu tố then chốt để phản ứng với tình huống chưa từng có này.

Theo Bloomberg, Pháp đã lên kế hoạch đấu giá băng tần 3.5 GHz vào giữa tháng tư nhưng đã hoãn lại vô thời hạn. Quốc gia này đã áp đặt lệnh phong tỏa ít nhất trong 15 ngày kể từ hôm 17/3 vừa qua nhằm nỗ lực tìm kiếm giải pháp kiểm soát vi-rút. Mọi người nên ở nhà ngoại trừ việc ra đường mua sắm các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống và công việc thiết yếu.

Hoàn cảnh tương tự cũng đang diễn ra đối với các cuộc đấu giá phổ tần khác trên toàn thế giới. Cơ quan quản lý truyền thông của Vương quốc Anh - Ofcom thông báo với PolicyTracker (trang Web chuyên cung cấp các tin tức, thông tin nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành tần số vô tuyến điện) rằng: Hiện chưa thể quyết định thời điểm chính xác để bắt đầu phiên đấu giá phổ tần 5G. Người phát ngôn của tổ chức này cho hay: “Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thời điểm bắt đầu của cuộc đấu giá, bao gồm cả tình hình lây nhiễm của vi-rút corona”. Trước đó, cơ quan quản lý này đã đề xuất tổ chức phiên đấu giá vào mùa xuân năm 2020.

Trong một động thái khác, Nhóm Cố vấn cao cấp về Phát triển Viễn thông của ITU (TDAG - Telecommunications Development Advisory Group) đã dời cuộc họp TDAG-20 tại Geneva sang tận tháng 6 thay vì cuối tháng 3 như dự kiến. Diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Xã hội thông tin năm 2020 (WSIS Forum 2020 - World Summit on the Information Society 2020) của ITU, một sự kiện lớn đối với cộng đồng ICT, cũng đã phải hoãn lại đến cuối tháng 8 năm 2020. Cơ quan Viễn thông Châu Á Thái Bình Dương (APT – Asia Pacific Telecommunity) cũng đã hoãn các cuộc họp của họ.

Ở một mức độ nào đó, những sáng kiến, chẳng hạn như các cuộc đối thoại sử dụng công nghệ trực truyến của TDAG diễn ra vào cuối tháng 3 này, sẽ phần nào lấp đầy khoảng trống do COVID-19 gây ra. Tương tự, Cơ quan quản lý Truyền thông điện tử Châu Âu (BEREC - The Body of European Regulators for Electronic Communications) tuyên bố rằng, họ sẽ sử dụng “môi trường ảo” để thay thế cho việc tổ chức các sự kiện đã bị hoãn vào tháng 3 và tháng 4.

Ngược lại những diễn biến đó, có một vài quốc gia đã có những bước đi quyết liệt trong việc sử dụng phổ tần làm nền tảng cho phòng chống đại dịch, đặc biệt là Trung Quốc.

Huawei và China Telecom đã cùng nhau thiết lập một cơ sở chẩn đoán từ xa được hỗ trợ bởi mạng 5G cho phép các bác sĩ tiến hành tư vấn trực tuyến với các bệnh nhân có nguy cơ đã nhiễm bệnh. Việc chuẩn đoán trực tuyến là giải pháp công nghệ mang tính bước ngoặt giúp loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm chéo cho các bác sĩ, những người là chìa khóa rất quan trọng cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.

Truyền thông Trung Hoa cũng đã báo cáo về  ứng dụng robot-5G trong việc nhắc nhở mọi người rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang bắt buộc tại thành phố Quảng Châu. Báo chí địa phương cũng cho biết: China Mobile đã tặng robot cho hai bệnh viện ở Vũ Hán, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi vi-rút này. Các robot mang theo thuốc khử trùng và làm sạch các bệnh viện dọc theo tuyến đường định sẵn, giảm nguy cơ lây nhiễm cho đội ngũ nhân viên y tế.

Từ khía cạnh này có thể thấy, thông qua việc ứng phó với đại dịch COVID-19 phần nào lại chính là tác nhân thúc đẩy việc phát triển mạng 5G, các ứng dụng 5G được phát triển để thích nghi với các kịch bản phòng, chống virus chưa từng được bất cứ một chuyên gia nào đề cập đến khi thuyết trình về các “5G use cases” từ trước tới nay.

Tại Hoa Kỳ, COVID-19 đã thôi thúc cơ quan quản lý phải có những hành động quyết liệt, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC - The Federal Communications Commission) quyết định cấp phép tạm thời một số băng tần để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tăng đột biến trong đợt bùng phát dịch. T-Mobile USA đã được đặc cách cấp phép tạm thời trong 60 ngày để sử dụng phổ tần bổ sung trong các dải tần 600 MHz.

Nhà mạng đã đưa ra yêu cầu này nhằm giải quyết các nhu cầu như thăm khám sức khỏe từ xa, học trực tuyến hay làm việc từ xa. Cơ quan quản lý  đã đáp ứng các yêu cầu tương tự từ US Cellular và Verizon liên quan đến băng tần AWS-3 (1755 – 1780 MHz được ghép nối với 2155 – 2180 MHz).

FCC cũng gia hạn giấy phép cho một số nhà mạng sử dụng băng tần 3650 – 3737 MHz để tạo điều kiện cho các nhà mạng này chuyển các hoạt động Part-90 nghiệp vụ vô tuyến di động mặt đất (Land Mobile Radio Service) hiện tại của họ sang nghiệp vụ vô tuyến băng rộng toàn dân (Citizens Broadband Radio Service). Trước đó, các nhà mạng được cấp phép Part-90, bao gồm cả nhà cung cấp dịch vụ Internet không dây (Wireless Internet Service Provider), được yêu cầu chuyển đổi trước ngày 17/10/2020, giờ sẽ có thời gian để thực hiện điều đó đến trước ngày 17/10/2021.

Điều thú vị là ở Tây Ban Nha, nơi quốc gia cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa, các nhà khai thác mạng di động và cố định cùng nhau kêu gọi người dân kiểm soát mức băng thông tiêu thụ của họ để ưu tiên sử dụng cho công việc và học tập trực tuyến thay vì việc livestream hay chơi game online. Phía nhà mạng khuyến khích người dân sử dụng điện thoại cố định cho các cuộc gọi thoại nhằm bảo toàn dung lượng trên các mạng di động. Mạng IP đang có lưu lượng truy cập tăng gần 40%, trong khi cuộc gọi thoại trên thiết bị di động đã tăng vọt khoảng 50% và dữ liệu tăng 25%.

Có nhiều động thái tích cực trong việc phản ứng với đại dịch COVID-19 ở các nền kinh tế lớn, Trung Quốc một lần nữa thể hiện những bước đi đáng kể. Tháng trước, China Mobile thừa nhận việc triển khai 5G đã bị corona virus làm chậm vì chủ sở hữu tài sản không muốn cho phép các kỹ sư cài đặt các trạm gốc. Trong khi đó, Bộ Chính trị kêu gọi tăng tốc triển khai 5G. Đến tháng này, các nhà mạng lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm China Mobile tuyên bố quay trở lại hoạt động và sẽ cung cấp 5G theo kế hoạch. Chủ tịch của China Mobile - Yang Jie - khẳng định, việc triển khai 5G là một nhiệm vụ chính trị có tính cấp thiết.

Tại Hoa Kỳ, 185 nhà cung cấp dịch vụ cùng bắt tay thực hiện cam kết của FCC “duy trì kết nối cho người Mỹ”. Trong 60 ngày tới sẽ không có việc chấm dứt dịch vụ đối với bất kỳ khách hàng, người dân hoặc doanh nghiệp nhỏ nào, nếu như họ không thể thanh toán hóa đơn do sự gián đoạn liên quan đến vi-rút corona, cũng như sẽ miễn tất cả các khoản phí thanh toán muộn. Các nhà cung cấp cũng đã cam kết mở các điểm truy cập Wi-Fi của họ cho những người dùng cần chúng.

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI cũng đang được những công ty Dược phẩm hàng đầu như Deargen, Insilico Medicine, SRI Biosciences and Iktos và Benevolent AI áp dụng để đối phó với vi-rút corona: Các mô hình trên nền tảng công nghệ “deep learning” giúp sàng lọc danh sách trên hàng chục ngàn phân tử, mới được tạo ra để thử nghiệm vô hiệu hoá vi-rút và ngăn chặn khả năng tự sao chép của chúng. Phát triển thuốc thường mất ít nhất một thập kỷ để chuyển từ ý tưởng sang thị trường, với tỷ lệ thất bại trên 90% và mức giá từ 2 đến 3 tỷ đô la. “Về cơ bản, chúng tôi có thể đẩy nhanh quá trình này bằng cách sử dụng AI và làm cho nó rẻ hơn, nhanh hơn và có nhiều khả năng thành công hơn”, Alex Zhavoronkov - CEO của Insilico Medicine, một công ty AI tập trung vào khám phá thuốc cho biết.

Liệu giá trị của phổ tần có giảm đi?

Ở những quốc gia nơi đấu giá phổ tần vẫn tiếp tục diễn ra, các nhà thầu được cho là sẽ cạnh tranh mạnh mẽ để định giá phổ tần. Dự kiến một mô hình kinh doanh trong tương lai trong khi không biết chính xác mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài bao lâu của vi-rút, cũng như sức mua của người tiêu dùng đối với các dịch vụ mà phổ tần mới sẽ mang lại như 5G, 4G, TV, là một vấn đề không đơn giản. Rất có thể đây là căn cứ để những quốc gia này xem xét việc trì hoãn các phiên đấu giá bên cạnh một số trở ngại như lệnh phong toả quốc gia.

Martin Cave - Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh tế Luân Đôn và là chuyên gia đấu giá cho biết, mặc dù lĩnh vực di động không bị ảnh hưởng nhiều bởi vi-rút như các lĩnh vực khác, nhưng rõ ràng nhu cầu kết nối sẽ giảm. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ thể hiện một điểm dừng nhỏ trong xu thế tăng trưởng rõ rệt và không thể khác trong những năm gần đây.

“Đây là cơ sở chính để kỳ vọng vào cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các nhà mạng để có được giấy phép thông qua đấu giá phổ tần mà không cần phải quá lo lắng về dòng tiền đầu tư sẽ bị mắc kẹt. Bên cạnh đó, cũng có những mối lo ngại liên quan đến việc một số bên được cấp phép sẽ làm tốt trong khi một số khác sẽ không đạt được kỳ vọng như mong đợi. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể đưa ra nhiều ràng buộc hơn để đảm bảo việc sử dụng phổ tần là hiệu quả nhất” – Cave nói.

Vì vậy Cave cho rằng, các cơ sở để trì hoãn việc đấu giá tần số như rủi ro đầu tư dài hạn, hay những ảnh hưởng mang tính thời điểm như khó khăn mở rộng mạng lưới trong điều kiện tình thế  để ứng phó với đại dịch là tương đối yếu, mặc dù có thể nhận thấy tăng trưởng sẽ suy giảm ngắn hạn.

TS. Hoàng Lê Trung (tổng hợp theo policytracker.com và spectrum.ieee.org)