Theo đó, quá trình nghiên cứu hiệu quả năng lượng mạng 4G và 5G của nhà cung cấp thiết bị viễn thông Nokia và nhà khai thác di động Telefónica được thực hiện trong vòng 3 tháng, tập trung vào việc đánh giá mức tiêu thụ điện năng của Mạng truy cập vô tuyến (RAN) trong mạng di động của Telefónica.
Để đánh giá hiệu quả năng lượng của mạng lưới, Nokia và Telefónica đã đưa ra 11 kịch bản lưu lượng được xác định trước khác nhau để đo năng lượng tiêu thụ trên mỗi Mbps. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, công nghệ mạng truy cập vô tuyến 5G (5G RAN) có mức tiêu thụ năng lượng giảm đáng kể trên mỗi Mbps dữ liệu so với các công nghệ cũ.
Nghiên cứu đã sử dụng các giải pháp từ danh mục thiết bị AirScale của Nokia, bao gồm các trạm gốc AirScale và Ăng-ten thích ứng MIMO cỡ lớn AirScale. Ngoài ra, việc giám sát từ xa mức tiêu thụ điện năng thực tế thông qua hệ thống quản lý mạng cũng đã được thực hiện.
Nokia cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù lưu lượng truy cập mạng 5G sẽ tăng đáng kể nhưng điều quan trọng là năng lượng tiêu thụ không tăng với tốc độ tương tự.
Theo Báo cáo di động toàn cầu mới nhất của Ericsson thì lưu lượng dữ liệu chỉ dành cho thiết bị di động được ước tính sẽ tăng lên 226 Exabyte (1 Exabyte (EB) = 1 tỷ Gigabyte) mỗi tháng vào năm 2026, tăng từ 51EB mỗi tháng vào cuối năm 2020, trong đó mạng 5G dự kiến sẽ chiếm 54% lưu lượng đó.
Mặc dù 5G được coi là công nghệ “xanh” hơn, với nhiều bit dữ liệu trên mỗi kilowatt năng lượng hơn bất kỳ thế hệ công nghệ vô tuyến nào trước đây, nhưng các nhà mạng cần phải có hành động bổ sung để giảm lượng khí thải CO2 do lưu lượng dữ liệu tăng cao.
Cùng với nghiên cứu này, Nokia và Telefónica đang phát triển cơ sở hạ tầng mạng năng lượng thông minh và các tính năng tiết kiệm điện dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML), cũng như hợp tác xây dựng mạng 5G “xanh”.
Vào tháng 6 vừa qua, Nokia đã hợp tác với nhà mạng di động Elisa của Phần Lan để triển khai giải pháp trạm gốc 5G AirScale làm mát bằng chất lỏng. Với công nghệ làm mát bằng chất lỏng này đã giúp giảm 30% chi phí năng lượng của trạm gốc và 80% lượng khí thải CO2.
Nhiều nhà khai thác và nhà cung cấp lớn trên toàn cầu cũng đã cam kết tuân thủ mục tiêu môi trường là hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Cụ thể, Nokia cam kết giảm 41% lượng khí thải carbon từ các hoạt động của mình vào năm 2030.
Ở Mỹ, các nhà mạng di động lớn như AT&T và Verizon cũng đã công bố cam kết trung hòa carbon trong toàn bộ hoạt động toàn cầu của mình vào năm 2035. Trong khi nhà mạng T-Mobile vào đầu năm 2018 đã cam kết chuyển sang sử dụng 100% điện tái tạo vào năm 2021.
Trong một tuyến bố của mình, ông Tommi Uitto - Chủ tịch Mobile Networks của Nokia, cho biết: “Công nghệ của Nokia được thiết kế để tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng nhưng cũng cần ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất. Nghiên cứu quan trọng này nhấn mạnh cách các nhà khai thác di động có thể bù đắp năng lượng thu được trong quá trình triển khai, giúp họ có trách nhiệm hơn với môi trường đồng thời cho phép họ tiết kiệm chi phí đáng kể”.