Hàn Quốc có gần 10 triệu kết nối 5G tính đến cuối tháng 10/2020
Tuy nhiên, để chính thức ra mắt mạng di động 5G thương mại phục vụ cho các đối tượng người dùng khác nhau thì trước đó 4 tháng, tức là vào ngày 01/12/2018, Hàn Quốc đã triển khai dịch vụ 5G cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B: Business To Business). Điều này đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử viễn thông của Hàn Quốc - Ngày quốc gia này trở thành quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ 5G cho khách hàng B2B.
Sở dĩ các nhà khai thác di động đã tung ra mô hình kinh doanh B2B trước khi cung cấp các mô hình kinh doanh khác vì họ cho rằng doanh nghiệp chính là trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của họ.
Tại Hàn Quốc, các nhà mạng di động cũng đã hợp tác với các doanh nghiệp để triển khai B2B, chẳng hạn như nhà mạng SK Telecom đã hợp tác với Samsung Heavy Industries để xây dựng hệ thống định vị tự động dựa trên 5G, cho phép các con tàu tự di chuyển tới một điểm đến đã định. Nhà mạng KT Telecom cũng tuyên bố 150 trường hợp sử dụng B2B với 53 thỏa thuận kinh doanh được bảo đảm đến cuối năm 2019.
Về mặt kết nối 5G, tính đến cuối tháng 10 năm 2020, Hàn Quốc có 9,98 triệu kết nối, chiếm khoảng 14,2% tổng số kết nối di động trong cả nước (khoảng 70,4 triệu). Theo ước tính đến năm 2025, Hàn Quốc sẽ có hơn 40 triệu kết nối 5G, chiếm khoảng 66% tổng số kết nối di động tại Hàn Quốc.
Đến năm 2022, các nhà mạng di động sẽ đầu tư khoảng 22 tỷ USD vào 5G
Tính tới nay, có khoảng 30% tổng lưu lượng dữ liệu đã được chuyển qua mạng 5G tại Hàn Quốc, tăng gần gấp đôi trong vòng một năm. Trong đó, nhà mạng LG Uplus đã báo cáo mức sử dụng dữ liệu trung bình của mỗi khách hàng trên mạng 5G của họ cao hơn gấp đôi mạng 4G, ở mức 26,8 GB mỗi tháng vào cuối quý 1. Việc ra mắt mạng 5G cũng giúp thị trường ổn định về doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao (ARPU), đang giảm ở mức khoảng 25 USD, bắt đầu từ năm 2019.
Người Hàn Quốc được biết đến là những người tiếp nhận công nghệ sớm. Cùng với chính sách hỗ trợ điện thoại thông minh 5G cho khách hàng và nhận thức của người tiêu dùng cao, dự báo việc áp dụng 5G tại đất nước này sẽ tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Hàn Quốc đưa ra các chính sách hỗ trợ thuế cho các nhà khai thác trong nước, nếu họ mở rộng phạm vi phủ sóng 5G trên toàn quốc lên 70% vào năm 2025, được coi là một đóng góp lớn cho việc phát triển mạng 5G tại đất nước này.
Trước đó, các nhà khai thác di động Hàn Quốc bao gồm SK Telecom, KT Telecom và LG Uplus đã đồng ý đầu tư tổng cộng khoảng 22 tỷ USD cho đến năm 2022 để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng 5G trên khắp đất nước. Theo đó, nguồn vốn đầu tư vào việc phát triển mạng 5G cũng đã tăng đáng kể trong các năm qua, từ dưới 3 tỷ USD trong giai đoạn từ 2015 đến 2018 lên hơn 4,8 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đầu tư hơn 4 tỷ USD trong năm 2020.
Nhờ vào các khoản đầu tư lớn cho mạng 5G trong thời gian qua nên tính đến tháng 7/2020, các nhà mạng của Hàn Quốc đã triển khai hơn 115.000 trạm gốc 5G trên toàn quốc.
Các nhà mạng Hàn Quốc dẫn đầu cuộc đua 5G trên toàn thế giới
Theo một báo cáo mới nhất có tên: “Tương lai của 5G trong thực tế: Các nhà mạng Hàn Quốc dẫn đầu cuộc đua 5G trên toàn thế giới” được công ty nghiên cứu thị trường RootMetrics thuộc Tập đoàn IHS Markit đưa ra thì hiệu suất của 3 nhà mạng di động 5G tại Hàn Quốc bao gồm SK Telecom, KT Telecom và LG Uplus vượt trội so với các nhà mạng khác trên thế giới.
Để thực hiện trải nghiệm thực tế hiệu suất 5G của các nhà mạng di động tại Hàn Quốc, RootMetrics đã sử dụng điện thoại thông minh 5G Samsung Galaxy S20 +, qua đó cho thấy những cải tiến lớn về tính khả dụng, tốc độ trung bình cũng như độ trễ của mạng 5G so với các thử nghiệm trước đó được thực hiện vào tháng 6 năm 2019.
Tại thủ đô Seoul, kết quả các thử nghiệm mới nhất được thực hiện từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 12 tháng 10 cho thấy, nhà mạng LG Uplus đã đạt được mức khả dụng 5G ấn tượng là 90,9% (tăng từ 44,6% vào tháng 6 năm 2019). Tại thành phố Incheon, LG Uplus đã đạt mức khả dụng 5G là 94,5%.
Trong khi đó, cũng tại Seoul, các nhà mạng KT Telecom và SK Telecom cũng đạt mức độ khả dụng mạng 5G khá cao, tương ứng là 78,8% và 71,3%.
Theo RootMetrics, mức độ khả dụng mạng 5G tại các thành phố lớn của Hàn Quốc đã vượt xa mức độ khả dụng 5G tại các thành phố lớn khác mà công ty đã tiến hành thử nghiệm trên khắp thế giới (dưới 55%). Cụ thể, mức độ khả dụng 5G của nhà mạng Swisscom ở thành phố Zurich của Đức là 45,6%; mức độ khả dụng 5G của nhà mạng AT&T ở thành phố New York của Mỹ là 54,6%; trong khi mức độ khả dụng 5G của nhà mạng EE ở thủ đô London của Anh chỉ đạt 28,9%.
Xét về tốc độ, các mạng 5G của Hàn Quốc có tốc độ tải xuống trung bình được cải thiện đáng kể so với năm 2019, trong đó LG Uplus dẫn đầu ở Seoul với tốc độ tải xuống trung bình 5G là 476,5 Mbps (tăng 50 Mbps kể từ tháng 6 năm 2019).
Các nhà mạng KT Telecom và SK Telecom cũng gây ấn tượng mạnh tại thủ đô Seoul với tốc độ tải xuống trung bình 5G của KT Telecom là 425,8 Mbps tăng gần gấp 3 lần so với năm 2019 (163 Mbps); trong khi tốc độ 5G của SK Telecom đạt 436,2 Mbps.
Trong khi đó, tốc độ tải xuống trung bình 5G của nhà mạng Swisscom ở thành phố Zurich của Đức là 324,6 Mbps; tốc độ tải xuống trung bình 5G của nhà mạng AT&T tại thành phố New York của Mỹ chỉ đạt 53,1 Mbps. Tại London, tốc độ tải xuống trung bình 5G của nhà mạng Vodafone là 181,8 Mbps.
Xét về độ trễ, KT Telecom nổi bật với độ trễ thấp hơn 30ms ở tất cả 7 thành phố mà RootMetrics đã thực hiện khảo sát, trong khi SK Telecom có độ trễ dưới 45,5ms ở mọi thành phố và LG Uplus có độ trễ thấp nhất là 22ms tại Seoul.
Những giải pháp giúp Hàn Quốc hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của 5G
Thương mại hóa băng tần mmWave để sử dụng cho doanh nghiệp: Nhu cầu về khả năng 5G từ các ngành dọc có thể thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn các công nghệ trong băng tần mmWave. Phổ tần trong băng tần mmWave (băng 28 GHz) đã được các nhà khai thác di động mua vào năm 2018 vẫn chưa được đưa vào sử dụng thương mại mặc dù tất cả các nhà khai thác Hàn Quốc đều đã đặt hàng các trạm gốc 5G trên băng tần này từ Samsung. Tuy nhiên, KT Telecom cũng đã bắt đầu thử nghiệm với công nghệ truyền thông độ trễ thấp với độ tin cậy cực cao (URLLC) cho các ứng dụng cần độ trễ thấp như: Tự động hóa nhà máy, lái xe tự động và phẫu thuật từ xa. Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai mạng 5G trên băng tần 28 GHz sẽ giúp các nhà mạng Hàn Quốc đáp ứng yêu cầu theo nhiều ngành dọc khác nhau, đồng thời hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của 5G.
Triển khai mạng độc lập: Hiện tại, các dịch vụ 5G đang cung cấp cho khách hàng đều dựa trên kiến trúc mạng 5G không độc lập (5G Non-standalone). Việc triển khai mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập (5G Standalone) sẽ cho phép các nhà khai thác làm việc với một loạt các doanh nghiệp theo ngành dọc. Về phía người tiêu dùng, khi sử dụng các ứng dụng cần độ trễ thấp như ứng dụng trò chơi, ứng dụng thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR) thì mạng 5G độc lập sẽ tạo ra các trải nghiệm tốt hơn.
Cải thiện phạm vi phủ sóng trong nhà: Phạm vi phủ sóng là một trong những vấn đề đối với khách hàng, do đó việc cải thiện vùng phủ sóng trong nhà sẽ giúp giữ chân khách hàng hiện tại và thu hút khách hàng mới. Vì vậy, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch triển khai khoảng 2.000 trạm gốc 5G để phủ sóng trong nhà, hy vọng sẽ giúp cải thiện mức độ hài lòng của khách hàng.
Cung cấp nhiều loại điện thoại thông minh hỗ trợ 5G: Do hạn chế về các mẫu điện thoại thông minh hỗ trợ 5G và giá thành còn cao nên việc người tiêu dùng lựa chọn mạng 5G vẫn còn ít. Các nhà khai thác nên tìm cách hợp tác với nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh để cung cấp nhiều mẫu điện thoại thông minh hỗ trợ 5G khác nhau, từ giá cả phải chăng đến cao cấp. Các thiết bị này, cùng với mức thuế hấp dẫn, sẽ giúp duy trì sự hấp thụ 5G mạnh mẽ và tạo nền tảng phát triển cho tương lai.
Có thể thấy, mặc dù 5G đã có một khởi đầu đáng ấn tượng ở Hàn Quốc nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực cần được khám phá. Việc thương mại hóa các mạng 5G sử dụng băng tần 28 GHz và các mạng 5G độc lập sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn trong lĩnh vực doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc cải thiện vùng phủ sóng và cung cấp nhiều mẫu điện thoại thông minh 5G sẽ giúp giữ chân và thu hút khách hàng đến với 5G.