Châu Á – Thái Bình Dương tăng tốc phát triển mạng 5G

22/06/2021

(rfd.gov.vn)- Kể từ khi được hòa mạng thương mại lần đầu tiên tại Hàn Quốc năm 2018 đến nay, mạng 5G đã được nhiều quốc gia, nhà mạng lớn trên thế giới quan tâm, đầu tư nghiên cứu và phát triển. Theo thống kê của GSMA, trên thế giới hiện nay có 69 quốc gia với 166 nhà mạng đã triển khai ít nhất một thành phần chuẩn của 3GPP của mạng 5G[1]. Với lợi thế đi đầu về công nghệ 5G và quy mô dân số lớn, Châu Á – Thái Bình Dương đang dẫn đầu thế giới về sự phát triển và tăng trưởng thuê bao qua mạng 5G.

Theo kết quả khảo sát được công bố tại website OpenSignal[2] vào tháng 6/2021, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là các nước có chỉ số về tốc độ tải dữ liệu qua mạng 5G cao nhất khu vực, đạt trên 350 Mbps. Đây cũng là hai nước đứng đầu thế giới về chỉ tiêu này. Báo cáo của OpenSignal cũng cho thấy tốc độ tải dữ liệu và trải nghiệm của người dùng đã được cải thiện  trông thấy tại các quốc gia đã triển khai mạng 5G. Chỉ tiêu này ghi nhận đáng kể tại các nước khu vực ASEAN là Thái Lan và Phi-lip-pin, với mức gia tăng xấp xỉ 30%. OpenSignal cũng lưu ý rằng khảo sát này mới chỉ là đối với 5G ở giai đoạn đầu phát triển, trong khi 4G đã ở giai đoạn đỉnh cao. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia có số lượng thuê bao 5G tăng trưởng nhanh nhất và lớn nhất khu vực, 285 triệu thuê bao 5G, vượt xa số thuê bao 5G của các nước còn lại.

Tốc độ dữ liệu qua mạng 5G tại một số quốc gia/vùng lãnh thổ   khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Nguồn OpenSignal)

Sự cải thiện tốc độ dữ liệu và trải nghiệm Video qua mạng 5G so với mạng 4G tại một số quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực Châu Á  – Thái Bình Dương (Nguồn OpenSignal)

Về mặt băng tần, đa số các nước đã triển khai 5G đều sử dụng tập trung vào các băng tần tầm trung 2,6 GHz, 3,5 GHz, 3,7 GHz và 4,9 GHz. Đa số các quốc gia có từ 3 đến 4 nhà mạng được cấp phép sử dụng băng tần, với lượng phổ tần từ 60 đến 100 MHz/mạng, trừ China Mobile – Trung Quốc (260 MHz), KDDI và Docomo – Nhật Bản (200 MHz).

Cấp phép băng tần 2-6 GHz cho 5G tại một số quốc gia/vùng lãnh thổ   khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

GSMA dự báo rằng[3], trước 2025 là giai đoạn đầu của phát triển 5G, đa số các nước mới bắt đầu triển khai mạng 5G. Tỉ lệ thuê bao 5G dự báo tại Châu Á thời điểm 2025 chiếm khoảng 23% tổng thuê bao, bằng 35% số thuê bao 4G. Sau giai đoạn này, 5G bắt đầu vào giai đoạn phát triển khi đó, người dùng sẽ được trải nghiệm tốc độ, các dịch vụ vượt trội hơn nhiều so với 4G. Tuy nhiên, khi 5G được phát triển mạnh mẽ hơn sẽ kéo theo nhu cầu cung cấp thêm các băng tần. Về định hướng hiện nay, WRC-19 đã quy hoạch các băng tần 24,25-27,5 GHz, 37-43,5 GHz, 45,5-47 GHz, 47,2-48,2 và 66-71 GHz. Trong tổng lượng băng thông 17,25 GHz này, có 14,75 GHz đã hài hòa ở mức độ toàn cầu, chiếm 85%. Hiện nay, các phần của băng tần 3,3-4,2 MHz đang được một số các quốc gia xem xét. Một số quốc gia đã khởi xướng việc nghiên cứu quy hoạch băng tần lân cận 6 GHz cho 5G. Ngoài ra, trong thời gian tới, các băng tần trước đây được sử dụng cho 2G, 3G cũng được xem xét để quy hoạch lại nhằm phù hợp cho triển khai các công nghệ 4G, 5G. Đồng thời, một số nước xem xét thúc đẩy chính sách sử dụng chia sẻ hạ tầng giữa các nhà khai thác để đưa 5G nhanh chóng đến với người dân hơn và giảm chi phí đầu tư.

Hàn Quốc

Tháng 11 năm 2018, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới hòa mạng mạng 5G thương mại. Đến nay, Hàn Quốc có khoảng 14,5 triệu thuê bao 5G, chiểm tỷ lệ 20% tổng số thuê bao di động. Trong đó, khoảng một nửa là thuê bao 5G của nhà mạng SKT. Tiêu dùng dữ liệu người dùng trung bình đạt 27 GB/người/tháng. Theo kết quả khảo sát của Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc năm 2020, đã có 2792/4516 các địa điểm công cộng tại 85 thành phố đã được phủ sóng 5G[4].

Hàn Quốc đã cấp phép sử dụng các băng tần 3,5 GHz và 28 GHz cho doanh nghiệp để triển khai mạng 5G thông qua đấu giá. Ba nhà mạng là SKT, KT và LG Uplus đã dành được các băng tần này với lượng phổ tương đối đồng đều nhau, 80-100 MHz/nhà mạng ở băng tần 3,5 GHz và 800 MHz/nhà mạng ở băng tần 28 GHz.

Để tăng tốc việc phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc, ba nhà mạng lớn SK Telecom, KT và LG Uplus đã ký thoả thuận về chia sẻ hạ tầng mạng tại các khu vực ngoại ô, nông thôn. Kế hoạch sẽ được thử nghiệm vào cuối năm nay và có thể hoàn tất các bước thương mại hoá vào năm 2024. Theo đó, người dùng mạng 5G của ba nhà mạng này có thể sử dụng chung hạ tầng mạng ở 131  khu  vực ven biển và nông trại. Mạng 5G chia sẻ được dựa trên tiêu chuẩn MOCN (Multi-Operator Core Networks) của 3GPP.

Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia phát triển 5G với tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay. Tuy mới cấp phép triển khai mạng 5G từ cuối năm 2019, triển khai thương mại chính thức trong năm 2020 nhưng đến nay, Trung Quốc hiện có khoảng 818 nghìn trạm 5G với 285 triệu thuê bao 5G, chiếm 17,8% tổng số thuê bao di động. Tiêu dùng dữ liệu của người dùng khoảng 12,74 GB/người/tháng. Tính riêng trong năm 2021, Trung Quốc đã có thêm 48 nghìn trạm 5G và gần 87 triệu thuê bao 5G[4].

Trung Quốc đã cấp phép sử dụng băng tần cho bốn doanh nghiệp để triển khai mạng 5G từ năm 2019. Nhà mạng lớn nhất Trung Quốc, China Mobile, được cấp phép trong băng tần 2,6 GHz và 4,9 GHz, trong khi hai nhà mạng nhỏ hơn là China Unicom và China Telecom được cấp phép mỗi nhà mạng 100 MHz trong băng tần 3,4-3,6 GHz. Nhà mạng mới thành lập, China Broadcasting Network, được cấp phép trong băng tần 700 MHz và 4,9 GHz. Riêng băng tần 3,3-3,4 GHz được cấp phép cho 3 nhà mạng (trừ China Mobile) để sử dụng chung với điều kiện chỉ triển khai trong môi trường indoor. Tổng số lượng phổ tần số hiện nay Trung Quốc đã cấp cho triển khai 5G trong băng tần dưới 6 GHz là 680 MHz. Tháng 3/2021, China Broadcasting Network đã hợp tác với Ericsson thử nghiệm về công nghệ MIMO trên thiết bị CPE (Customer Premise Equipment) sử dụng 4 ăng-ten thu cho 5G ở băng tần 700 MHz đạt tốc độ đường xuống 600 Mbps[5]. Trung Quốc chưa cấp phép sử dụng băng tần mmWave cho 5G.

Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia đi tiên phong trong các công nghệ thông tin di động trước đây, nhưng đối với 5G, Nhật Bản dường như chậm hơn so với các quốc gia phát triển khác trong khu vực. Dịch vụ thương mại 5G tại Nhật Bản được triển khai từ tháng 3/2020, với sự kết hợp giữa băng tần C và mmWave. Nhật Bản dự kiến đến tháng 3/2022 có thể triển khai được 20 nghìn trạm gốc để phủ sóng 5G đến 55% dân số.

Nhật Bản cấp phép sử dụng băng tần 3600-4100 MHz và 4500-4600 MHz cho bốn doanh nghiệp để triển khai mạng 5G theo hình thức thi tuyển. Theo đó, Rakuten và Softbank mỗi nhà mạng được cấp 100 MHz, Docomo và KDDI mỗi nhà mạng được cấp 200 MHz. Trong khi đó, ở băng tần mmWave cả bốn nhà mạng này đều được cấp 400 MHz/nhà mạng. Theo Qualcomm, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên mà cả bốn nhà mạng được cấp phép đều đã triển khai 5G thương mại ở băng tần mmWave.

Nhật Bản cũng chú trọng việc quy hoạch băng tần cho các mạng 5G sử dụng nội bộ. Các băng tần đang được xem xét để sử dụng cho mạng 5G cục bộ tại Nhật Bản là 4,5-4,9 GHz và 28,2-29,1 GHz. Tuy nhiên, việc sử dụng băng tần 28,2-29,1 GHz cho 5G cần phải giải quyết bài toán dùng chung với với hệ thống thông vệ tinh[4].

Úc

Úc đã cấp phép sử dụng băng tần 3,575-3,70 GHz và 25,1-27,5 GHz cho doanh nghiệp để triển khai mạng 5G. Khác với nhiều nước trong khu vực, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thường được Úc đấu giá theo khu vực địa lý. Có bốn nhà mạng đã trúng đấu giá sử dụng các băng tần cho 5G. Hiện nay, 99% dân số nước này được phủ sóng 4G và 40% dân số đã được phủ sóng 5G.

Đối với việc cấp phép sử dụng băng tần mmWave. Chính sách tiếp cận của Úc là cấp phép phù hợp với mục đích sử dụng, tính trong tổng thể nhu cầu sử dụng phổ tần của các nghiệp vụ, bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng. Vì thế, Úc phân chia băng tần mmWave thành các khối băng tần để cấp phép sử dụng theo các hình thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu của cả di động 5G và vệ tinh. Ba hình thức cấp phép sử dụng tần số được áp dụng là: Cấp phép sử dụng băng tần (cho việc sử dụng trên các khu vực lớn, đại đô thị và dài hạn); cấp giấy phép sử dụng tần số (theo khu vực nhỏ) và cấp phép dùng chung (class licensing)[1].

·     Khối C1, C2: Cấp phép sử dụng chia sẻ cho vô tuyến băng rộng.

·     Khối S1, S2: Cấp giấy phép băng tần sử dụng trong các khu vực được quy định trước, chẳng hạn các siêu đô thị.

·     Các khối Ai: Cấp giấy phép sử dụng tần số cho các vô tuyến băng rộng cố định và vệ tinh.

Khu vực ASEAN

Hiện có ba quốc gia đã triển khai mạng 5G là Phi-lip-pin, Thái Lan và Xinh-ga-po.

Tại Thái Lan, năm 2020, nước này đã đấu giá các băng tần 700 MHz, 2600 MHz và 26 GHz để cấp phép cho doanh nghiệp triển khai 5G. Hiện tại, Thái Lan đã triển khai mạng 5G trên băng tần 2600 MHz. Tất cả 77 tỉnh, thành phố  của Thái Lan đã có mạng 5G với mô hình NSA kết hợp 4G-LTE và 5G (dành 30-40 MHz cho 4G-LTE), tổng số trạm 5G đã có trên 11 nghìn. Tại thủ đô Băng-cốc và các tỉnh hành lang kinh tế phía Đông, mạng 5G đã phủ sóng khoảng 50% diện tích. Mục tiêu của Thái Lan là trong vòng 4 năm sẽ phủ sóng 50% diện tích của các thành phố thông minh[1]. Thái Lan xây dựng các chương trình mục tiêu nhằm hướng đến công nghiệp số như các dự án về phát triển 5G kết hợp điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo cho các hệ thống bệnh viện thông minh; thành phố thông minh, nhà máy thông minh. Thái Lan đang trong quá trình nghiên cứu, quy hoạch lại một phần băng tần 3400-4200 MHz hiện đang dùng cho vệ tinh để phát triển các hệ thống IMT. Tuy nhiên, việc cấp phép để triển khai IMT trên băng tần này sẽ khó có thể sớm hơn năm 2023.

Tại Phi-lip-pin, khác với nhiều quốc gia khác trong khu vực ASEAN, Phi-lip-pin không còn sử dụng băng tần 3,5 GHz cho vệ tinh nên nước này đã sớm cấp phép cho 5G thông qua thi tuyển. Ba nhà mạng có được băng tần 3,5 GHz là Globe, Smart và nhà mạng mới, Dito. Tuy sớm có băng tần nhưng các nhà mạng này mới đang trong giai đoạn đầu tư và triển khai 5G ở phạm vi nhỏ.

Tại Singapore, năm 2020, nước này đã cấp phép sử dụng băng tần cho nhà mạng để triển khai 5G theo hình thức thi tuyển thay vì đấu giá như với các băng tần trước đây. Theo đó,  Singtel và một Liên doanh giữa Starhub và M1 được cấp phép lượng phổ tần 100 MHz ở băng tần 3,5 GHz. Các nhà mạng này phải chia sẻ hạ tầng 5G với các nhà khai thác khác theo thỏa thuận. Singtel, Starhub và M1 cũng được cấp phép lượng phổ tần 800 MHz/nhà mạng  ở dải tần mmWave. Trong năm 2020, Singtel đã thử nghiệm mạng 5G NSA đạt tốc độ 1,2 Gbps[6], tuy nhiên, tháng 5/2021, nhà mạng này thông báo đã chuyển đổi sang mạng 5G SA với hàng ngàn trạm tập trung tại các khu vực trọng điểm và trung tâm.

Tác động của đại dịch Covid-19

Mặc dù nhiều quốc gia đã tích cực trong việc phát triển mạng 5G. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020-2021, do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên các nền kinh tế trên toàn cầu, sự phát triển của thông tin di động nói chung và 5G nói riêng cũng bị tác động đáng kể. Tại nhiều nước đang phát triển, dư địa phát triển cho mạng 4G còn nhiều, vì vậy, tương lai của các mạng 5G chưa thực sự rõ ràng. Một yếu tố khác đó là “sức hấp dẫn” của các dịch vụ mới trên nền tảng 5G. Người dùng lúc này cũng sẽ cân nhắc hơn để quyết định chi trả cho các dịch vụ của 5G, khi mà đối với đa số, mạng 4G vẫn đang đáp ứng được các nhu cầu kết nối cơ bản của họ, chưa kể ảnh hưởng bởi sự phát triển mạnh mẽ của wi-fi. Những khó khăn này đặt ra cho các nhà quản lý, doanh nghiệp những yêu cầu về chính sách quản lý, tầm nhìn về phát triển 5G trong dài hạn bảo đảm chất lượng, bền vững và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

1.     Báo cáo tại Hội nghị Quản lý tần số khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2021.

2.     Benchmarking-the-5g-experience-asia-pacific-june-2021 – OpenSignal.

3.     The Mobile Economy Asia Pacific 2020 – GSMA xuất bản Q1/2020.

4.     Thông tin tham khảo số liệu báo cáo của các tổ chức, doanh nghiệp trong các cuộc họp của nhóm nghiên cứu WP5D do ITU-R tổ chức.

5.     https://www.rcrwireless.com/20210303/5g/ericsson-china-broadcasting-network-test-700-mhz-capability-5g.

6.     https://www.singtel.com/about-us/media-centre/news-releases/singtel-first-in-singapore-to-launch-5g-standalone-network.

 

Xuân Trường