Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, theo nghiên cứu của Viện Chiến lược TT&TT, tỷ lệ đóng góp của 5G vào vào tăng trưởng GDP được dự báo đạt 7,34% vào năm 2025. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng cứ tăng thêm 10% thuê bao băng rộng thì GDP sẽ tăng tương ứng 0,1%.
Chính vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025 đã nhiều lần khẳng định rất rõ vai trò của dịch vụ ICT trong phát triển kinh tế xã hội.
Văn kiện Đại hội 13 của Đảng cũng đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong các quan điểm phát triển cũng như nằm trong đột phá chiến lược của giai đoạn 10 năm tới nhằm đưa Việt Nam bứt phá nằm trong các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045. Bộ TT&TT cũng xác định sẽ đi cùng nhịp với thế giới và chủ động trong triển khai thương mại 5G tại Việt Nam.
Những kinh nghiệm thu được từ “Hội thảo Phát triển 5G và Hạ tầng băng rộng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam” ngày hôm nay sẽ góp phần giúp Việt Nam chúng ta có những hành động cụ thể với quyết tâm mạnh mẽ trong triển khai thắng lợi Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định.
Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020" do Google, Temasek và Bain thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, hơn 2 tỷ USD so với giá trị của cùng kì năm ngoái. Hơn nữa, trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới tại Việt Nam chiếm đến 41%. Điều này biến Việt Nam thành quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong ba quốc gia châu Á có mức tăng trưởng tích cực, quy mô nền kinh tế đạt hơn 343 tỷ USD (Singapore đạt 337,5 tỷ USD và Malaysia đạt 336,3 tỷ USD).
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam xác định một trong những trụ cột của nền kinh tế số là hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng băng rộng di động lẫn băng rộng cố định. Thực tế chứng minh, chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông rộng đã mở đường cho tất cả các ngành kinh tế khác phát triển. Tính đến hết tháng 2/2021, tại Việt Nam tổng số thuê bao băng rộng cố định vượt 17,2 triệu thuê bao, tổng thuê bao băng rộng di động đạt gần 69,5 triệu thuê bao (số liệu của Cục Viễn thông). Tuy nhiên, để góp phần hiện thực hóa đề án chuyển đổi số quốc gia vào năm 2030 và thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số thì các hoạt động đầu tư, khai thác viễn thông tại Việt Nam cần nhiều đổi mới, tạo bước phát triển nhảy vọt.
Ngoài ra, Báo cáo kết quả khảo sát Mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ viễn thông do IDG Vietnam thực hiện. Năm 2021, chương trình khảo sát diễn ra từ ngày 01/1 đến 06/3 tại 11 tỉnh, thành tại Việt Nam, thu được hơn 8.400 mẫu khảo sát cá nhân và 300 mẫu khảo sát doanh nghiệp. Đối tượng tham gia khảo sát được chia thành 11 nhóm tuổi, thuộc 6 lĩnh vực/ngành nghề khác nhau. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, IDG Vietnam tiến hành chương trình khảo sát này và qua đây chúng ta thấy rõ sự thay đổi, dịch chuyển của các dịch vụ viễn thông trong đó đáng chú ý nhất là sự thay đổi về thị phần, về mức độ hài lòng và về thói quen người sử dụng. Bản báo cáo đã cung cấp những thông tin quan trọng giúp các nhà mạng có sự nhìn nhận và thay đổi dịch vụ nhằm hướng tới sự phát triển mạnh mẽ hơn./.