Các nhà khai thác di động Nhật Bản đang tiếp cận phổ tần mmWave cho 5G như thế nào?

29/09/2022

(rfd.gov.vn)- Đến nay, cả bốn nhà khai thác di động của Nhật Bản bao gồm NTT DoCoMo, KDDI, Softbank và Rakuten Mobile đều đã triển khai công nghệ 5G trong băng tần sóng milimet (hay còn gọi là băng tần mmWave), với khoảng 20.000 trạm gốc 5G trong băng tần này đã được lắp đặt.

Bài viết này cung cấp thông tin về tình hình triển khai 5G trên phổ tần số mmWave tại Nhật Bản như một mô hình tham khảo về việc sử dụng sóng mmWave. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số quốc gia lựa chọn sớm phổ tần số trong băng tần 28 GHz như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc cho 5G phải đối mặt với tình thế không hài hòa tần số với phần còn lại của thế giới, vốn chỉ đưa ra quyết định sau khi Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới 2019 (WRC-19) thống nhất quy hoạch phổ tần số trong băng tần 26 GHz cho 5G.

Điều này có thể dẫn đến 2 trở ngại chính là độ phổ biến của thiết bị 5G trong băng tần được lựa chọn (28 GHz) và nguy cơ cản trở sự phát triển của một số hệ thống mới nổi, hiện được quan tâm nhiều như các đài trái đất di động (Earth Stations In Motion - ESIM) liên lạc với vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh (Geostationary Satellite Orbit - GSO) và chùm vệ tinh băng rộng phi địa tĩnh (Non-Geostationary Satellite Orbits - non-GSO) cũng đang có nhu cầu sử dụng phổ tần số trong băng tần 28 GHz. Đây cũng là một kinh nghiệm đáng giá cho các nước khi xem xét lựa chọn sớm tần số cho hệ thống thông tin di động IMT-2020.

Nhật Bản từ lâu đã được xem là quốc gia dẫn đầu trong việc đổi mới mạng thông tin di động. Đất nước này đã đi tiên phong trong việc triển khai các mạng di động thế hệ thứ nhất (1G) và thứ hai (2G), và sau đó đã ra mắt mạng di động thế hệ thứ ba (3G) thương mại đầu trên toàn thế giới. Cách đây hơn một thập kỷ, Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai và đưa mạng di động thế hệ thứ tư (4G) ra thị trường. Đến nay, khi thế giới đang bước vào cuộc đua triển khai mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) thì Nhật Bản tiếp tục là quốc gia tiên phong trong triển khai công nghệ 5G nói chung và 5G trong băng tần mmWave nói riêng.

5G được xem là nền tảng cho việc đổi mới sáng tạo ở mọi thành phần kinh tế trong thập kỷ này. 5G được thiết kế để tạo ra những trải nghiệm mới, chuyển đổi các ngành công nghiệp và làm phong phú thêm cuộc sống. Chìa khóa để phát huy hết tiềm năng của 5G nằm ở dung lượng mạng cực lớn được tạo ra bởi sóng mmWave.

Việc các nhà khai thác di động Nhật Bản triển khai 5G trong băng tần mmWave nhằm mục đích bổ sung dung lượng mạng cho các khu vực “nóng”, thường xảy ra hiện tượng nghẽn mạng như sân vận động, tụ điểm âm nhạc, trung tâm mua sắm, đầu mối giao thông và các trung tâm thương mại đông đúc hoặc khu vực trung tâm của thành phố.

Ngoài khả năng giảm tải dung lượng mạng tại các khu vực “nóng”, 5G trong băng tần mmWave còn hứa hẹn mang lại các loại trải nghiệm mới cho người dùng và doanh nghiệp nhờ tận dụng các ưu điểm về tốc độ cao hơn, độ trễ thấp hơn và băng thông rộng hơn của phổ tần số trong băng tần cao này.

Cách mà các nhà khai thác đi dộng Nhật Bản tiếp cận phổ tần mmWave cho 5G

Phổ tần mmWave (sóng milimet) dùng để chỉ các tần số nằm trong khoảng từ 24 GHz đến 300 GHz, nằm giữa sóng vi ba và tia hồng ngoại. Khoảng băng tần này hiện đang được sử dụng trong nghiên cứu khoa học, hệ thống vũ khí và thậm chí cả súng bắn tốc độ của cảnh sát. Trong đó, đoạn băng tần từ 24 GHz đến 100 GHz mang lại cơ hội lớn nhất cho các mạng thông tin di động.

Nhật Bản đã quy hoạch băng tần 27-29,5 GHz cho di động IMT-2020 và phân bổ băng tần này thành 5 khối tần số; trong đó có 4 khối có độ rộng như nhau (400 MHz) để triển khai toàn quốc (Public use) và một khối có độ rộng 900 MHz để triển khai cho các mạng di động 5G dùng riêng (Private/local use).

 Quy hoạch băng tần 27-29,5 GHz của Nhật Bản

Nhà khai thác di động NTT DoCoMo

Là nhà khai thác di động lâu đời nhất của Nhật Bản, NTT DoCoMo bắt đầu nghiên cứu 5G vào năm 2010 và trở thành nhà khai thác di động đầu tiên của Nhật Bản triển khai 5G thương mại vào tháng 3 năm 2020.

Nhằm khám phá các ứng dụng nâng cao của băng tần mmWave, vào tháng 11 năm 2021, NTT DoCoMo đã sử dụng trạm gốc 5G hoạt động trong băng tần được cấp phép (băng 28 GHz: 27.4-27.8 GHz) kết hợp với công nghệ bề mặt thông minh có thể cấu hình lại (RIS: Reconfigurable Intelligent Surface) để chuyển hướng sóng vô tuyến theo các thiết bị di động khi chúng di chuyển trong môi trường trong nhà để cải thiện chất lượng liên lạc trong nhà.

Do đặc tính truyền sóng của các băng tần mmWave là khó có thể đi xuyên qua vật cản như các bức tường, cửa sổ,… Nghĩa là chúng khó có thể sử dụng được trong nhà nếu thiết bị đầu cuối người dùng không nằm trong tầm nhìn thẳng của các trạm gốc 5G.

Do đó, công nghệ RIS cho phép theo dõi người dùng để phân phối sóng vô tuyến ngay cả ở những nơi thiết bị di động không nhìn thấy trực tiếp ăng ten của trạm gốc 5G do có vật cản. Kết quả cuộc thử nghiệm cho thấy, bộ phản xạ RIS đã cải thiện cường độ của tín hiệu nhận được bởi một máy thu chuyển động. Sóng vô tuyến được phát đi từ một trạm gốc từ xa để truyền tín hiệu vào phòng thí nghiệm qua cửa sổ và sau đó RIS được sử dụng để điều khiển hướng phản xạ của sóng vô tuyến. Cường độ của tín hiệu băng tần 28 GHz nhận được đã được cải thiện lên đến 20 dB so với tín hiệu nhận được mà không sử dụng RIS.

Trong thời gian tới, NTT DOCOMO sẽ tiếp tục nghiên cứu và thương mại công nghệ mới này nhằm tăng cường vùng phủ sóng ổn định trong nhà cho thông tin di động tốc độ cực cao ở các băng tần cao hơn sử dụng cho mạng 5G và 6G.

Nhà khai thác di động KDDI

KDDI là nhà khai thác di động thứ hai tại Nhật Bản triển khai dịch vụ 5G thương mại vào tháng 3 năm 2020, chỉ sau nhà khai thác di động NTT DoCoMo. Trong quá trình triển khai mạng 5G của mình, KDDI đã hợp tác với nhà cung cấp thiết bị viễn thông Samsung của Hàn Quốc để triển khai 5G ở băng tần thấp, băng tần trung và băng tần mmWave. Mạng 5G của KDDI cũng đã sử dụng các giải pháp mạng truy cập vô tuyến ảo hóa (virtualized RAN) của Samsung.

Để triển khai mạng 5G thương mại trong băng tần mmWave, KDDI đã hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị viễn thông của mình để thử nghiệm khả năng của băng tần mmWave từ giữa những năm 2010, bao gồm cả việc xem xét việc cung cấp các loại trải nghiệm mới cho người hâm mộ tại các sân vận động.

Đến tháng 3 năm 2018, KDDI đã thử nghiệm thành công trên thực địa công nghệ 5G trong băng tần mmWave (băng 28 GHz: 27.8-28.2 GHz) tại Sân vận động Okinawa Cellular, một sân vận động bóng chày có sức chứa 30.000 người ở Nhật Bản.

Kết quả của cuộc thử nghiệm này là để đánh giá lại các trải nghiệm người dùng trong môi trường đông đúc và làm nổi bật một cách tiếp cận mới về ứng dụng của 5G trong băng tần mmWave, tạo tiền đề cho việc triển khai thương mại sau này.

Nhà khai thác di động Softbank

SoftBank là nhà khai thác di động thứ 3 của Nhật Bản triển khai thương mại 5G vào ngày 27 tháng 3 năm 2020, chỉ sau NTT DoCoMo và KDDI. Một năm sau khi triển khai thương mại 5G, tức là vào đầu năm 2021 nhà khai thác di động này đã ra mắt dịch vụ 5G trong băng tần mmWave (29.1-29.5 GHz) sử dụng công nghệ của Qualcomm.

Bên cạnh việc triển khai và cung cấp các dịch vụ 5G trong băng tần mmWave cho khách hàng, Softbank cũng đã hợp tác với Công ty Kyocera (Nhật Bản) để thử nghiệm và triển khai tuyến kết nối đường trục (backhaul) vô tuyến sử dụng phổ tần mmWave tuân theo các thông số kỹ thuật của Liên minh phát triển mạng truy cập vô tuyến mở (Open-RAN). Mục tiêu của cuộc thử nghiệm nhằm chứng minh kết nối backhaul vô tuyến dung lượng cao có thể triển khai nhanh hơn trong các môi trường mà việc chạy cáp quang gặp khó khăn và tốn thời gian.

Nhà khai thác di động Rakuten Mobile

Đây cũng là nhà khai thác di động triển khai 5G thương mại muộn nhất ở Nhật Bản, Rakuten Mobile đã chính thức ra mắt dịch vụ 5G tại các khu vực của 6 tỉnh ở Nhật Bản vào tháng 9 năm 2020, muộn hơn kế hoạch ban đầu 3 tháng do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Cùng lúc với việc ra mắt 5G, công ty cũng đã công bố một mẫu điện thoại thông minh Rakuten 5G mới hỗ trợ cả phổ tần dưới 6 GHz và phổ tần mmWave.

Rakuten Mobile đã xây dựng mạng 4G và 5G hoàn toàn mới tại Nhật Bản bằng cách sử dụng kiến trúc Open RAN ảo hóa. Đây được xem là mạng ảo hóa và tương tác trên nền tảng đám mây có quy mô lớn đầu tiên trên thế giới.

Đối với phổ tần mmWave (27.0 – 27.4 GHz), Rakuten Mobile đã triển khai khoảng 13.000 khối vô tuyến phân tán sử dụng phần mềm Altiostar của Công ty cung cấp công nghệ Open RAN Altiostar và phần cứng Airspan của Công ty viễn thông Airspan Networks. Trong thử nghiệm được thực hiện vào tháng 12 năm ngoái, Rakuten Mobile đạt tốc độ thông lượng lên tới 1,77 Gbps.

Trải nghiệm thực tế về tốc độ 5G trong băng tần mmWave tại Nhật Bản

Việc triển khai 5G băng tần mmWave của các nhà khai thác di động ở Nhật Bản đều nằm ngoài kế hoạch ban đầu của họ, điều đó cho thấy sự thành công khi triển khai thương mại 5G trong băng tần này. Mặc dù họ đã được cấp phép phổ tần số trong băng tần trung để triển khai công nghệ 5G. Số lượng trạm gốc sử dụng băng tần mmWave tại Nhật Bản đã tăng gần 10 lần trong vòng 2 năm qua, từ khoảng 2.300 trạm gốc được triển khai vào tháng 9 năm 2020 đã tăng lên 20.000 trạm tính đến đầu tháng 8 năm 2022.

Trong một chuyến trải nghiệm thực tế của mình ở đất nước Nhật Bản, ông Philippe Poggianti - Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của Qualcomm đã tiến hành thử nghiệm bằng điện thoại thông minh Samsung Galaxy S22 Ultra tại các khu vực đông đúc của thủ đô Tokyo, bao gồm Harajuku và Shijuku. Kết quả cho thấy, tốc độ tải xuống khi sử dụng băng tần mmWave đạt hơn 2 Gbps và tốc độ tải lên hơn 300 Mbps. Tốc độ này nhanh hơn 6 lần tốc độ tải xuống và 5 lần tốc độ tải lên so với một điện thoại thông minh cao cấp không sử dụng sóng mmWave tại cùng một vị trí trên cùng một mạng.

Kết quả đo thực tế tốc độ tải xuống và tải lên trên điện thoại thông minh Samsung Galaxy S22 Ultra hỗ trợ 5G băng tần mmWave (phía trên bên phải) và không hỗ trợ 5G băng tần mmWave (phía dưới bên phải). Ảnh: Qualcomm.

5G trong băng tần mmWave đã tạo ra tốc độ dữ liệu chưa từng có ở Nhật Bản, nhờ vào dung lượng khổng lồ được kích hoạt bởi khối phổ tần có độ rộng lên tới 400 MHz trong băng tần mmWave. Đối với các khu vực đô thị và ngoại ô đông đúc ở Nhật Bản, việc triển khai 5G băng tần mmWave đúng vị trí có thể giúp cải thiện trải nghiệm người dùng ở các khu vực thường bị nghẽn mạng như các ga tàu và các khu vực mua sắm, cả trong nhà và ngoài trời.

Với hơn 20.000 trạm gốc băng tần mmWave đã được triển khai, các nhà khai thác di động Nhật Bản đang có một khởi đầu đáng ấn tượng trong việc cung cấp dung lượng thuê bao cực lớn. Với việc áp dụng những công nghệ mới như công nghệ kết nối kép trong giao diện vô tuyến mới 5G (5G NR-DC: New Radio-Dual Connectivity) ở băng tần mmWave và băng tần dưới 6 GHz dự kiến ​​sẽ được triển khai trên toàn quốc trong thời gian tới, các nhà khai thác di động có thể sớm đạt được chất lượng trải nghiệm nhất quán trong cả các khu vực nông thôn và thành thị. Điều này có nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ di động sẽ có thể tận dụng các băng tần dưới 6 GHz để triển khai trạm gốc macro phủ sóng trên diện rộng và tăng cường dung lượng mạng với trạm gốc băng tần mmWave ở các khu vực thường xảy ra nghẽn mạng.

Triển vọng về phổ tần mmWave cho 5G

5G băng tần mmWave đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải phóng toàn bộ tiềm năng của công nghệ 5G và giải quyết sự gia tăng lớn về nhu cầu dữ liệu di động. Nó cho phép các nhà khai thác di động tận dụng lượng lớn tài nguyên phổ tần có sẵn ở các băng tần cao hơn đồng thời cung cấp tốc độ di động nhiều gigabit và kết nối có độ trễ thấp cho các ứng dụng di động nâng cao.

Việc triển khai 5G băng tần mmWave cũng là một giải pháp hiệu quả giúp cho các nhà khai thác di động giảm được chi phí đầu tư khi muốn tăng dung lượng mạng cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dữ liệu trong đô thị đông đúc, các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ sử dụng truy cập vô tuyến cố định và môi trường doanh nghiệp. So với việc sử dụng duy nhất các băng tần dưới 6 GHz thì việc triển khai thêm 5G trong băng tần mmWave có thể giúp các nhà khai thác tiết kiệm lên tới 35% trong tổng chi phí sở hữu.

Bên cạnh Nhật Bản thì 5G băng tần mmWave cũng đã và đang tạo ra sức hút đáng kể cho các quốc gia khác trên thế giới. Theo đó, tại Hoa Kỳ cả 3 nhà khai thác di động lớn của nước này bao gồm AT&T, T-Mobile và Verizon đều đã triển khai thương mại dịch vụ 5G băng tần mmWave. Trong khi một số nhà khai thác di động như LG Uplus, KT Telecom và SK Telecom của Hàn Quốc; APT và Chungwha của Đài Loan; China Mobile và HKT của Hồng Kông; Optus và Telstra của Úc; Singtel của Singapore đều đang trong giai đoạn đầu của quá trình thương mại hóa dịch vụ.

Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, các cơ quan quản lý phổ tần cũng đã phân bổ hoặc đang lên kế hoạch để phân bổ phổ tần số trong băng tần mmWave cho các dịch vụ 5G như: Argentina, Áo, Brazil, Bulgaria, Chile, Trung Quốc, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Malta, Montenegro, Hà Lan, Bắc Macedonia, Peru, Ba Lan, Nga, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Vương quốc Anh và Uruguay.

Tóm lại, 5G băng tần mmWave không chỉ là một phần thiết yếu của hệ thống 5G mà còn cung cấp cho các nhà khai thác di động một lợi thế cạnh tranh quan trọng để giải quyết sự gia tăng lớn về nhu cầu dữ liệu di động và mở rộng 5G sang các ứng dụng vô tuyến cố định, doanh nghiệp và công nghiệp.

Tài liệu tham khảo

[1].https://www.rcrwireless.com/20220810/5g/how-are-japanese-operators-approaching-mmwave-5g

[2].https://www.qualcomm.com/news/onq/2022/07/5g-mmwave-making-waves-in-japan

[3].https://www.qualcomm.com/news/onq/2021/05/successful-5g-mmwave-deployment-look-japan

[4].https://www.samsung.com/global/business/networks/insights/blog/kddi-and-samsung-successfully-complete-5g-multi-device-trial-at-a-professional-baseball-stadium-in-okinawa-japan/

[5].https://www.docomo.ne.jp/english/info/media_center/pr/2021/1112_00.html

[6].https://5gobservatory.eu/japan-assigns-5g-spectrum-to-four-operators/

 

Phan Văn Hòa