Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới 2007 (WRC-07) đã được tổ chức tại Geneva, Thuỵ sỹ từ ngày 20/10-18/11/2007. Tham dự Hội nghị có trên 2800 đại biểu đại diện cho 164 nước thành viên ITU, các tổ chức viễn thông khu vực, các thành viên liên kết, các tổ chức quốc tế và các quan sát viên.
Nội dung chính của một Hội nghị thông tin vô tuyến nói chung và WRC-07 nói riêng là nhằm sửa đổi một phần hay toàn bộ Thể lệ Vô tuyến điện (Radio Regulations). Thể lệ Vô tuyến điện được xem là một hiệp ước quốc tế, là cơ sở cho các nước hoạch định việc sử dụng phổ tần số của mình, cũng như thực hiện việc phối hợp tần số quốc tế. Chương trình nghị sự của WRC-07 có 28 nội dung khác nhau, trong đó có các nội dung quan trọng, thu hút được sự quan tâm của nhiều nước là:
- Vấn đề bổ sung băng tần cho hệ thống thông tin di động IMT;
- Vấn đề sửa đổi thủ tục liên quan đến đăng ký, phối hợp tần số/quỹ đạo vệ tinh;
- Xem xét, xác lập lại điều kiện dùng chung giữa các hệ thống vô tuyến mặt đất và vệ tinh trong băng tần 2500-2690MHz;
Tại Hội nghị WRC-07, đoàn Việt nam đã có 03 đề xuất riêng và tham gia một số đề xuất chung của Khu vực và đã đạt được các kết quả tích cực.
Tóm tắt một số kết quả chính của Hội nghị.
1. Vấn đề bổ sung băng tần cho hệ thống di động IMT
Vấn đề bổ sung băng tần cho IMT là vấn đề “nóng” và gây tranh cãi nhiều nhất tại WRC-07.
Thuật ngữ IMT là một tên gọi chung cho các hệ thống thông tin di động mới được Hội đồng Thông tin vô tuyến 2007 (RA-07) thông qua. IMT bao gồm IMT-2000 và IMT-Advanced. Trong đó, công nghệ IMT-2000 bao gồm các công nghệ của hệ thống thông tin di động thế hệ 3 (3G) như WCDMA và các công nghệ nâng cao của 3G như HSDPA, HSPA,... WiMAX di động cũng được RA-07 kết nạp vào họ IMT-2000.
Trong khi đó, IMT-Advanced được xem là hệ thống thông tin di động thế hệ 4 (4G), với đặc điểm có khả năng cung cấp tốc độ truyền tới 100 Mbit/s cho các ứng dụng di động tốc độ cao và 1 Gbit/s cho các ứng dụng cố định hoặc di động tốc độ thấp.
Trước đây, các Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới năm 1992 và năm 2000 đã quyết định cho phép các nước có thể dành toàn bộ hoặc một phần các băng tần 806-960MHz, 1710-2025 MHz, 2110-2200 MHz và 2500-2690 MHz cho hệ thống IMT-2000.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của ITU cho thấy để đáp ứng nhu cầu của thị trường về băng thông rộng, đặc biệt là ở các nước phát triển, và vùng phủ sóng (khu vực nông thôn) ITU cần tiếp tục bổ sung thêm băng tần cho các hệ thống IMT. Vì vậy, WRC-07 đã xem xét khả năng bổ sung thêm băng tần cho IMT. Các băng tần được xem xét là 410-430 MHz, 450-470 MHz, 470-806 MHz, 2300-2400 MHz, 2700-2900MHz, 3400-4200 MHz, 4400-4990 MHz.
Kết quả cuối cùng, WRC-07 đã quyết định:
- Các băng tần 806-960MHz, 1710-2025 MHz, 2110-2200 MHz và 2500-2690 MHz đã được các WRC trước xác định cho IMT-2000 cũng có thể được dùng cho cả IMT-Advanced. Điều này có nghĩa, các hệ thống 4G trong tương lai có thể phát triển và sử dụng ngay tại chính các băng tần này.
- Bổ sung các băng tần 450-470 MHz, một phần băng 470-806 MHz (790-806 MHz ở Châu á, 790-862 MHz ở Châu âu, Châu phi, 698-806 MHz ở Châu Mỹ), băng 2300-2400 MHz có thể sử dụng cho IMT. Riêng băng tần 3400-4200 MHz và 4400-4990 MHz không được chấp nhận dành cho IMT trên toàn cầu, nhưng một số nước đăng ký sử dụng đoạn băng tần 3400-3600MHz cho IMT và việc sử dụng phải tuân thủ theo một số yêu cầu kỹ thuật cụ thể để bảo vệ các hệ thống vệ tinh.
- Không phân bổ thêm các băng 410-430 MHz, 2700-2900 MHz, 4400-4900 MHz cho IMT.
Ảnh hưởng Quyết định của WRC-07:
Việc WRC-07 bổ sung băng tần 450-470 MHz cho IMT đem lại hy vọng về sự phát triển mạnh hơn, tạo ra thị trường rộng hơn cho các hệ thống CDMA 450, qua đó tạo thuận lợi hơn cho các nhà khai thác hiện nay CDMA 450 như công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom).
Băng tần 698-806 MHz là băng tần hiện nay đang được sử dụng nhiều cho truyền hình tương tự mặt đất. Việc WRC-07 bổ sung băng tần này cho IMT sẽ thúc đẩy mạnh hơn việc chuyển đổi các hệ thống truyền hình tương tự. Vì vậy, các đài truyền hình của Việt nam, hiện chủ yếu dùng công nghệ tương tự, cũng cần sớm xây dựng lộ trình chuyển đổi cho cho mình.
Với việc WRC-07 bổ sung băng tần 2300-2400 MHz cho IMT và việc WiMAX di động được kết nạp vào họ IMT-2000, nhiều khả năng các hệ thống WiMAX di động sẽ được sử dụng phổ biến hơn trong băng tần này.
Việc WRC-07 không thông qua việc phân bổ toàn cầu băng tần 3400-4200 MHz (băng C của vệ tinh) mà chỉ cho phép một số nước được sử dụng đoạn 3400-3600 MHz với hạn chế về công suất cụ thể là một kết quả khả quan đối với cộng đồng các nhà sản xuất, các khai thác vệ tinh. Vì nếu WRC-07 bổ sung băng 3400-3600 MHz trên toàn cầu cho IMT thì sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc sử dụng, cũng như bán băng thông ra ngoài biên giới. Tuy nhiên, việc có hàng chục nước muốn bổ sung đoạn 3400-3600MHz cho IMT cũng có tác động tiêu cực ít nhiều lên thị trường vệ tinh nói chung.
2. Các vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký tần số/quỹ đạo vệ tinh
Nội dung lớn nhất liên quan đến thủ tục đăng ký phối hợp tần số/quỹ đạo vệ tinh tại WRC-07 là vấn đề sửa đổi Phụ lục AP30B đối với băng tần quy hoạch của vệ tinh.
Hội nghị WRC-07 đã thông qua việc sửa đổi toàn bộ thủ tục thể lệ và tiêu chuẩn kỹ thuật của Phụ lục AP30B. Theo đó, thay vì yêu cầu Cục Thông tin vô tuyến (BR) của ITU xử lý tuần tự các bộ hồ sơ đăng ký tần số/quỹ đạo như trước đây, BR sẽ xử lý các bộ hồ sơ không tuần tự tương tự. Các nước đăng ký bộ hồ sơ mạng vệ tinh trong Phụ lục AP30B này sẽ có 8 năm để thực hiện công tác phối hợp tần số thay vì chỉ có 30 ngày như trước đây. Hội nghị cũng đã thông qua các tham số kỹ thuật mới cho các Phân bổ quốc gia và chỉ tiêu bảo vệ dựa trên cung quỹ đạo phối hợp trên cơ sở công nghệ vệ tinh và yêu cầu chất lượng dịch vụ ngày nay.
Ảnh hưởng của quyết định WRC-07:
Việc WRC-08 cho phép BR xử lý các bộ hồ sơ không tuần tự, các nước có 8 năm để phối hợp thay vì 30 ngày và việc băng C, Ku truyền thống đã được sử dụng quá chật trội sẽ thúc đẩy việc sử dụng phổ tần trong Phụ lục AP30B phổ biến hơn trong thời gian tới, qua đó nâng cao giá trị của băng tần quy hoạch này.
3. Dùng chung băng tần 2500-2690 MHz giữa vệ tinh và các hệ thống thông tin vô tuyến mặt đất
Băng tần 2500-2690 MHz được ITU phân bổ cho cả hệ thống di động IMT và các hệ thống vệ tinh di động (MSS), truyền hình qua vệ tinh (BSS), phát thanh qua vệ tinh (BSS-sound),.. Một số nước (Châu âu) dành băng tần này cho IMT, một số nước (Nhật, Hàn Quốc, Trung quốc, Indonesia, Ấn độ) dành một phần băng tần cho các hệ thống vệ tinh. Mục tiêu của WRC-07 là xem xét xác lập lại giới hạn mức công suất phát xạ của vệ tinh để bảo vệ hệ thống vô tuyến mặt đất, đặc biệt là IMT.
WRC-07 đã quyết định:
- Đối với các hệ thống vệ tinh MSS ( hiện chỉ có Nhật và Ấn Độ là có vệ tinh đang hoạt động): áp dụng phương án lai ghép, trong phạm vi 1000 km sẽ áp dụng nguyên tắc các nước phối hợp với nhau, bên ngoài phạm vi 1000 km sẽ áp dụng mức giới hạn công suất PFD cứng với MSS.
- Đối với BSS và FSS hiện có (các vệ tinh BSS của các nước Ấn Độ, Indonesia và Arab đang hoạt động và vệ tinh của Trung quốc sẽ phóng phục vụ Oplimpic 2008): áp dụng mức giới hạn công suất PFD cũ (-113/-128dBw/m2/MHz).
- Đối với các vệ tinh BSS và FSS khác: áp dụng mức giới hạn PFD mới, -136/-125 dBw/m2/MHz, mức giới hạn này cao hơn mức giới hạn PFD cũ.
Mức giới PFD mới được WRC-07 thông qua được xem là thành công của các nước sử dụng IMT trong bảo vệ hệ thống này.
4. Xem xét quy hoạch lại dải tần 4-10 MHz
Một số nước có đề xuất lấy băng tần của các nghiệp vụ khác để bổ sung băng tần cho phát thanh sóng ngắn trong dải 4-10 MHz. Tuy nhiên, tại nhiều nước, băng tần này được sử dụng nhiều cho các hệ thống cố định, lưu động. Trong khi, nhu cầu cần thêm băng tần cho phát thanh sóng ngắn chưa rõ. Vì vậy, nhiều nước đã phản đối việc lấy băng tần của các nghiệp vụ khác phân bổ cho phát thanh sóng ngắn.
WRC-07 đã thông qua quyết định tương tự, không lấy băng tần phân bổ thêm cho phát thanh sóng ngắn.