Hội thảo do Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Đến dự Hội thảo có đại diện Uỷ ban Khoa học công nghệ & Môi trường của Quốc hội, Lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông, các Đài Phát thanh Truyền hình tại một số tỉnh miền trung, Lãnh đạo các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng viễn thông: Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam - VNPT, Tổng công ty Viễn thông quân đội - Viettel,Công ty thông tin viễn thông điện lực - EVN Telecom, Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính, viễn thông Sài gòn - SPT, Gtel, Hanoi Telecom, VMS, Vinaphone,...
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện giới thiệu về các nội dung chính của Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện, nhấn mạnh các vấn đề mới về đền bù khi giải phóng băng tần; tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực tấn số VTĐ; việc gia hạn sau khi giấy phép đã được cấp với thời hạn tối đa; việc đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tấn số; việc phối hợp tần số quốc tế, quỹ đạo vệ tinh trực tiếp ở cấp độ các nhà khai thác phù hợp với các quy định của Liên minh Viễn thông quốc tế, quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức được cấp phép.
Các đại biểu tích cực tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào các điều, khoản cụ thể trong Dự thảo. Các vấn đề được thảo luận sôi nổi ở dự án Luật Tần số VTĐ, đó là: việc phối hợp giữa Cơ quan quản lý chuyên ngành về tần sồ vô tuyến điện với các Sở Thông tin và Truyền thông ở địa phương; việc đào tạo và cấp chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện; đền bù giải phóng băng tần,..
Kết thúc buổi hội thảo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã tổng kết lại các vấn đề cần tiếp thu, đồng thời nhấn mạnh vấn đề tiếp tục phải nghiên cứu làm rõ về mối quan hệ giữa các giấy phép có liên quan trong Luật Viễn thông và Luật Tần số.
Dự án Luật Tần số vô tuyến điện sau khi chỉnh sửa và tiếp thu ý kiến từ Hội thảo sẽ được tiếp tục gửi đi lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, Ngành và nhân dân.