Tại sao bây giờ mới có công nghệ chính thức đạt chuẩn 4G?
Đầu tháng 01/2012, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU - International Telecommunications Union) đã chấp nhận LTE-Advanced và WirelessMAN-Advanced (thường được gọi là WiMAX 2) là hai công nghệ đạt tiêu chuẩn mạng 4G. LTE Advanced và WiMAX 2 là phiên bản tiếp theo của LTE và WiMAX. Theo dự đoán, WiMAX 2 sẽ không được ứng dụng rộng rãi, trong khi LTE Andvanced được đa số các nhà mạng lựa chọn khi nâng cấp lên 4G.
Thuật ngữ “4G” đã xuất hiện từ lâu, đặc biệt trong thông điệp quảng cáo của các nhà mạng cũng như các hãng sản xuất thiết bị. Tại sao đến bây giờ mới có hai công nghệ đầu tiên được ITU chính thức công bố đạt chuẩn 4G?
Tháng 10/2010, Liên minh Viễn thông Quốc (ITU), cơ quan đưa ra định nghĩa nhiều tiêu chuẩn công nghệ không dây, đã khiến toàn ngành công nghiệp di động ngỡ ngàng khi tuyên bố mọi công nghệ được gọi là "4G" ở thời điểm đó chưa phải là 4G thực sự.
Tình trạng rối loạn này xuất phát chủ yếu từ sự thiếu thống nhất trong định nghĩa về chuẩn 4G. Các nhà mạng và hầu hết khách hàng chấp nhận dùng khái niệm "4G" để chỉ những hệ thống có tốc độ nhanh hơn các hệ thống 3G. Tuy nhiên, ITU lại đưa ra định nghĩa cụ thể hơn về 4G thông qua bảng tiêu chuẩn có tên gọi IMT-Advanced. Ví dụ, theo tiêu chuẩn IMT-Advanced, một hệ thống chỉ thực sự là 4G khi đạt tốc độ dữ liệu tối đa 1 Gbit/giây với người dùng không di chuyển. Trước đây, WiMAX và LTE vẫn thường được gọi là 4G, nhưng thực tế hai phiên bản này chưa đạt tiêu chuẩn. LTE chỉ có thể được coi là 3,9G.
LTE Advanced có tăng tốc độ đáng kể so với LTE?
LTE Advanced được miêu tả là có thể đem về tốc độ lên tới 100 Mbps/ giây. Tuy nhiên, khách hàng không nên quá kỳ vọng về tốc độ này khi các nhà mạng bắt đầu triển khai LTE Advanced vào cuối năm nay. Trong hầu hết các trường hợp, việc chuyển đổi từ LTE sang LTE Advancded sẽ không tăng tốc độ nhiều như khi chuyển từ 3G sang LTE, mặc dù về sau này, các nhà khai thác sẽ có khả năng cung cấp dịch vụ 100Mbps nhưng phải thông qua các dịch vụ di động mới được thiết kế và xây dựng lại.
Theo miêu tả của nhà phân tích Monica Paolini thuộc hãng tư vấn Senza Fili Consulting, việc nâng cấp LTE lên LTE Advanced giống như mở thêm làn đường vào một tuyến đường cao tốc đã có sẵn. Việc có nhiều làn đường không nhất thiết phải giúp bạn lái xe nhanh hơn, nhưng chắc chắn sẽ tránh tắc nghẽn khi có thêm quá nhiều xe lưu thông. Quay trở lại thực tế, đối với mạng LTE, trong mỗi ô mạng 5 MHz, 200 người dùng có thể cùng lúc truyền tải dữ liệu và vẫn đạt tốc độ tối ưu. Mạng LTE Advanced có gấp 4 lần khả năng này, tức là trong mỗi ô mạng 5 MHz, 800 người dùng có thể cùng lúc truyền tải dữ liệu mà vẫn đạt tốc độ tối ưu, không bị giảm chất lượng đường truyền hay nghẽn mạng.
Tương lai nằm ở LTE Advanced
Nhu cầu sử dụng dữ liệu di động đang tăng lên với tốc độ nhanh chưa từng có. Những tiện ích phong phú như xem ti vi trực tuyến, chơi game, xem phim, gọi điện thoại đi kèm hình ảnh và thậm chí là mua sắm đã có thể thực hiện trên thiết bị di động. Hơn nữa, giá điện thoại thông minh ngày càng rẻ, cộng thêm cước dữ liệu ngày càng giảm nên số lượng người dùng dịch vụ di động tăng cao là điều không thể tránh khỏi. Theo dự đoán của Cisco Systems, lưu lượng trao đổi dữ liệu trên mạng di động từ năm 2008 đến năm 2013 sẽ tăng 66 lần, gấp đôi sau mỗi năm.
Chính vì thế, nếu công nghệ viễn thông không phát triển cũng như hạ tầng mạng không được cải thiện, chúng ta sẽ không thể đáp ứng số lượng vô cùng lớn các thuê bao đi kèm nhu cầu sử dụng khổng lồ. Việc nâng cấp lên 4G và những công nghệ như LTE Advanced là tối cần thiết cho sự phát triển của tương lai.
Phạm Duyên.
(Theo ictnews.vn)
|