Tại hội nghị, Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết: hiện nay, tại Việt Nam đã có 3 đài truyền hình phát sóng toàn quốc, có 63 đài truyền hình địa phương với 70 kênh được phát sóng ; Số hộ gia đình có ti vi chiếm 90%, với hơn 18 triệu hộ; số hộ gia đình chưa có TV chiếm hơn 9% với gần 2 triệu hộ. Bên cạnh đó, dịch vụ truyền hình mặt đất chiếm gần 70%, truyền hình cáp chiếm 14%, truyền hình DDH chiếm 18%...Đây được xem là thị trường rộng lớn cho các nhà sản xuất thiết bị truyền hình. Theo kế hoạch số hóa thuộc Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, từ ngày 01/01/2013 tất cả máy thu hình sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình hình số mặt đất tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh, âm thanh MPEG-4. Đồng thời, Đề án còn đề ra áp dụng quy chuẩn kỹ thuật truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo của các máy phát, máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số.
Vấn đề chính được trao đổi và thảo luận giữa cơ quan quản lý và các nhà sản xuất thiết bị tại hội nghị là câu hỏi nên lựa chọn tiêu chuẩn phát sóng nào vào thời điểm hiện tại.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc triển khai truyền hình số, Đại diện Tổng công ty truyền thông đa phương tiện (VTC) cho rằng: Việt Nam nên lựa chọn thiết bị có tiêu chuẩn DVB-T2. Bởi lẽ, DVB-T2 là thiết bị tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất lý tưởng cho truyền hình có độ phân giải cao HDTV. Ngoài ra, thiết bị theo tiêu chuẩn này còn có khả năng truyền tải dung lượng bít lớn hơn DVB-T gần 50% đối với mạng đa tần số MFN. Đồng thời, DVB-T2 cho phép sử dụng khoảng bảo vệ lớn hơn 20% so với DVB-T, điều này cũng đồng nghĩa với việc mở rộng vùng phủ sóng của các máy phát trong mạng đơn tần SFN.
Còn theo đại diện hãng Rohde&Schwarz của Đức chuyên cung cấp thiết bị máy phát hình tại Việt Nam, việc nâng câp thiết bị máy phát hình từ DVB-T lên DVB-T2 là hợp lý vì chi phí chỉ mất khoảng 10% so với giá ban đầu. Còn với việc đầu tư ban đầu theo tiêu chuẩn DVB-T hay DVB-T2 thì mức giá tương tự nhau.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng: việc phát sóng truyền hình chuyển đổi từ Analog sang truyền hình số đã trở thành xu hướng tất yếu khi các nước trên thế giới như: Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản đã chuyển đổi hoàn toàn. Lộ trình này sẽ giúp cho Việt Nam tránh lãng phí tài nguyên tần số, người dùng được xem chất lượng truyền hình tốt, giá cả phù hợp…Tuy nhiên, chuyển đổi phải có lộ trình, các quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ phải thống nhất, tránh lãng phí; Đầu phát truyền hình số đạt tiêu chuẩn công nghệ DVB-T2 là tốt nhất. Thứ trưởng cũng cho biết: trong thời gian tới sẽ chỉ đạo Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ TT&TT sớm thống nhất quy chuẩn công nghệ về truyền hình số để có thể áp dụng vào thực tiễn sớm; đảm bảo thị trường cung cấp truyền hình số cạnh tranh lành mạnh.
Được biết, đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã ký thành lập Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đến năm 2020 để các cơ quan đơn vị liên quan có thể thống nhất, tập trung triển khai đề án trên cả nước. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son được bổ nhiệm làm Trưởng ban chỉ đạo Đề án.
Thu Hương
(Theo Mic.gov.vn)