ITU Telecom World 2013

02/12/2013

(rfd.gov.vn)- Từ ngày 19-22/11/2013, tại thủ đô Băngkốc, Thái Lan đã diễn ra “Triển lãm và diễn đàn Viễn thông thế giới do ITU tổ chức (ITU Telecom World 2013)”.

ITU Telecom World là một sự kiện viễn thông quốc tế rất quan trọng, là nơi diễn ra triển lãm công nghệ, các thảo luận cấp cao, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi cũng như giải quyết các thách thức kinh tế, xã hội cấp bách ở phạm vi toàn cầu. Dó đó ITU Telecom World là sự kiện rất được quan tâm từ các nhà công nghiệp, nhà quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức đến cá nhân (ITU Telecom World 2013 có khoảng 7.000 người tham gia).  

 

 

ITU Telecom World 2013 có chủ đề “nắm lấy cơ hội trong một thế giới số”. Thông qua các cuộc hội thảo, workshop, và các phiên trình diễn công nghệ, ITU Telecom World 2013 tập trung vào 05 mũi nhọn:

 

- Thay đổi hành vi người sử dụng: gia tăng thông tin tương tác thông qua các ứng dụng dữ liệu và đa phương tiện.
- Phát triển nền công nghiệp năng động: phát triển các công ty dựa trên nền tảng web.
- Phát triển nội dung/sử dụng hiệu quả Internet: giúp tăng cường kết nối mọi người trên thế giới.
- Công nghệ mới.
- Các tiêu chuẩn mới, các tiếp cận các qui định cho phép các công ty mới có thể tham gia thị trường và phát triển công nghệ. 

Với nội dung phong phú như vậy, để thuận lợi cho người tham gia, ITU Telecom World 2013 được tổ chức thành các nhóm: hội thảo, hội nghị, tọa đàm (forum); trình diễn công nghệ; và các sự kiện xã hội để tạo ra cơ hội kết nối giữa các nhà công nghiệp, quản lý, công ty hàng đầu thế giới. Các cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức dưới hình thức trao đổi tương tác, hội nghị bàn tròn mà diễn giả là hàng trăm chuyên gia, học giả từ khắp nơi trên thế giới.

Một trong các buổi hội thảo, tọa đàm quan trọng nhất của Hội nghị ITU Telecom World 2013 là phiên tọa đàm cấp bộ trưởng (Ministerial Roundtables). Đây là phiên tọa đàm với các diễn giả là đại diện cấp cao của cơ quan quản lý các nước nhằm chia sẻ chính sách, triển vọng và các trải nghiệm trong các vấn đề thiết yếu của ICT.

Phiên tọa đàm cấp bộ trưởng có chủ đề về số hóa truyền hình (digital dividend) do ông François Rancy, Cục trưởng Cục thông tin vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU chủ trì, các diễn giả gồm:

- Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Việt Nam.
- Ông Cheikh Mamadou Abiboulaye Dieye, Bộ trưởng Bộ giao thông và Truyền thông, Senegal.
- Bà Tahani Abdalla Attia Gasmalla, Bộ trưởng Bộ khoa học và Truyền thông, Sudan.
- Ông Jean-Pierre Biyiti Bi Essam, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Cameroon.
- Ông Yunus Carrim, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Nam Phi.
- Ông Fred Matiang'I, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Truyền thông và Công nghệ, Kenya. 

Việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình kỹ thuật số, với hiệu suất phổ tần cao hơn, cho phép giảm đáng kể phổ tần cần thiết để phát truyền hình. Phần băng tần tiết kiệm được sau số hóa sẽ được cấp phép để triển khai các dịch vụ băng rộng. Liên quan đến sự chuyển đổi quan trọng này, nhiều vấn đề được đặt ra cho các cơ quan quản lý, các chính phủ:
- Làm thế nào để thực hiện tốt nhất việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình kỹ thuật số?
- Làm thế nào để đảm bảo phân bổ kịp thời phổ tần tiết kiệm được sau số hóa truyền hình để cấp cho di động, thúc đẩy truy cập băng thông rộng?
- Làm thế nào để hưởng lợi từ các nền kinh tế với quy mô khác nhau thông qua việc hài hòa phổ tần quốc tế ?
- Làm thế nào để giải quyết vấn đề TV White Spaces trong và sau quá trình chuyển đổi sang truyền hình kỹ thuật số? Cách tốt nhất để sử dụng chúng trong việc thúc đẩy băng thông rộng?

 

 

Là diễn giả đầu tiên phát biểu tại buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Tần số Đoàn Quang Hoan đã chia sẻ quan điểm, nhận thức và tầm nhìn của Việt Nam đối với lợi ích từ việc số hóa truyền hình: số hóa truyền hình không chỉ đem lại lợi ích cho ngành viễn thông, truyền hình mà cho toàn xã hội. Đối với truyền hình, số hóa truyền hình sẽ cho phép các nhà đài cung cấp các chương trình truyền hình có hình ảnh, âm thanh chất lượng tốt hơn, cho phép thiết lập dịch vụ truyền hình trên di động. Đối với viễn thông, số hóa truyền hình sẽ giúp giải phóng một phần phổ tần để triển khai các dịch vụ vô tuyến băng rộng, di động băng rộng. Với việc triển khai các dịch vụ vô tuyến băng rộng, di động băng rộng trong đoạn băng tần được giải phóng này lại đem lại lợi ích cho truyền hình qua việc các nhà đài có thể cung cấp các dịch vụ truyền hình qua di động băng rộng. Quan điểm của Việt Nam là đối với một nước đang phát triển việc triển khai cung cấp các dịch vụ băng rộng mọi lúc, mọi nơi cho mọi người dân là rất quan trọng nhưng phải có giá thành rẻ để mọi người dân đều hưởng lợi. Việc này chỉ có thể thực hiện được khi triển khai dịch vụ băng rộng ở dải tần số thấp (vùng phủ rộng, chi phí rẻ, giá thành rẻ). Để có thể triển khai mạng dịch vụ băng rộng có vùng phủ rộng, giá thành rẻ là một bài toán không dễ dàng. Số hóa truyền hình là chìa khóa để Việt Nam giải quyết bài toán này. Đây là lý do quan trọng để chính phủ Việt Nam đẩy mạnh quá trình số hóa truyền hình.

Trước câu hỏi và đề nghị chia sẻ thông tin đối với các khó khăn, thách thức mà các nhà quản lý, các chính phủ gặp phải trong quá trình số hóa truyền hình của ông François Rancy, Cục trưởng Cục thông tin vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, Cục trưởng Cục Tần số Đoàn Quang Hoan đã chia sẻ:
Mặc dù Việt Nam nhận thức rõ lợi ích của việc số hóa truyền hình, nhưng để đẩy nhanh quá trình số hóa là điều không dễ do quá trình chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền số không hề đơn giản. Hai vấn đề phức tạp, khó khăn trong quá trình số hóa là: thứ nhất là ở Việt Nam có rất nhiều đài địa phương, kênh truyền hình địa phương (trên 70 kênh truyền hình địa phương phát tương tự); thứ hai là làm sao có thể cung cấp setop box cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo.

Do vậy, chính sách và quyết định của chính phủ đối với vấn đề này là hết sức quan trọng. Hai năm trước, chính phủ Việt Nam đã ra quyết định phê duyệt đề án số hóa truyền hình. Đây là một quyết định rất quan trọng đối với quá trình chuyển giao từ truyền hình tương tự sang truyền hình số. Quyết định này đề cập nhiều vấn đề của quá trình số hóa:
- Thứ nhất: đó là việc lựa chọn công nghệ. Việt Nam lựa chọn công nghệ DVB-T2 tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh, âm thanh MPEG-4.
- Thứ hai: đó là quá trình số hóa được thực hiện theo lộ trình (roadmap) phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.

Một trong những giải pháp quan trọng để mọi người dân đều có setop box thu tín hiệu truyền hình số, Thủ tướng đã quyết định mọi tivi được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 04/2014 phải tích hợp DVB-T2/MPEG-4. Hơn nữa dù giá thành setop box (DVB-T2/MPEG-4) ở Việt Nam là khá rẻ khoảng 30 USD nhưng người nghèo cũng không dễ dàng có đủ khả năng để mua chúng. Vì vậy cần các công ty viễn thông giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo mua setop box.

 Một giải pháp tài chính khác là sử dụng nguồn tiền thu được qua việc đấu giá băng tần được giải phóng sau số hóa truyền hình để thúc đẩy nhanh hơn quá trình số hóa truyền hình.            
             

Nguyễn Huy Cương

 

Các bài viết khác