Hội nghị đã thu hút trên 250 đại biểu đến từ 50 nước thành viên của ITU, các tổ chức và doanh nghiệp. Hội nghị vinh dự đón chào ông Lê Nam Thắng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh đã đến tham dự và phát biểu chào mừng Hội nghị. Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các chuyên gia của Cục Tần số vô tuyến điện.
Phiên khai mạc Hội nghị
Đây là lần thứ 2 Hội nghị WP 5D được tổ chức tại Việt Nam. Cùng với rất nhiều các hoạt động quốc tế khác trong lĩnh vực quản lý tần số và thông tin vô tuyến, Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động tham gia các nghiên cứu định hướng quốc tế và tích cực đóng góp vào các hoạt động chung của thế giới về thông tin vô tuyến.
Trước khi khai mạc Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố và Lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện đã có phiên làm việc với giám đốc ITU khu vực và các chủ tịch nhóm nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến thông tin vô tuyến.
Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Cục làm việc với giám đốc ITU khu vực và các chủ tịch nhóm nghiên cứu
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ Trưởng Lê Nam Thắng bày tỏ sự vui mừng khi Hội nghị WP 5D được tổ chức tại Việt Nam. Thứ Trưởng đánh giá cao vai trò của Hội nghị WP 5D là một trong các Hội nghị kỹ thuật chuyên sâu nhất về IMT giúp giải quyết các thách thức liên quan đến yêu cầu phổ tần, công nghệ và định hướng phát triển các hệ thống IMT thế hệ tiếp theo cũng như thúc đẩy hài hòa tần số trong khu vực và quốc tế để mang lại các lợi ích về kinh tế và xã hội.
Thứ Trưởng Lê Nam Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị
Trước đó, Hội thảo Khu Vực Châu Á Thái Bình Dương về vô tuyến băng rộng sau 4G diễn ra vào ngày 11/2/2014 đã cho thấy tầm quan trọng và sự phát triển mạnh mẽ của IMT. Các nghiên cứu cho thấy mức độ phổ cập của thông tin vô tuyến đã đạt mức 89% tại các nước đang phát triển trong đó có khoảng 20% sử dụng vô tuyến băng rộng. Thông tin băng rộng ngày càng cho thấy sự ảnh hưởng đến đời sống xã hội, theo đó với 10% tăng trưởng của băng rộng sẽ tạo ra 1.38% GDP cho nền kinh tế. Các bài trình bày đã cho thấy xu hướng chuyển dịch hoạt động của các hệ thống thông tin như an toàn cứu nạn, giao thông, các ứng dụng giải trí và đời sống sang nền tảng IMT. Cùng với đó là sự ra đời và phát triển của các ứng dụng và thiết bị di động mới như các thiết bị giao tiếp M2M, các ứng dụng OTT khiến số lượng kết nối băng rộng tăng cả về lưu lượng và số lượng kết nối đặt ra những thách thức không nhỏ.
Dự báo đến năm 2016 trên 80% lưu lượng băng rộng sẽ được sử dụng bởi các thiết bị di động và IMT sẽ đóng vai trò chủ đạo cho sự phát triển của băng rộng tại các nước đang phát triển. Yêu cầu phát triển của các hệ thống thông tin vô tuyến thế hệ tiếp theo đặt ra đòi hỏi ngày càng cao về nguồn tài nguyên tần số. Trong bối cảnh nguồn tài nguyên tần số ngày càng khan hiếm đã khiến việc nghiên cứu về quy hoạch tần số và nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần đang là mối quan tâm hàng đầu ở hầu hết các tổ chức tiêu chuẩn hóa (SDO) cũng như các quốc gia. Các nội dung nghiên cứu thảo luận tại Hội nghị WP 5D sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng quy hoạch, lựa chọn công nghệ và phổ tần cho các hệ thống IMT thế hệ tiếp theo cũng như sử dụng phổ tần hài hòa trong khu vực và quốc tế.
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị là diễn đàn thường kỳ để các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp thảo luận và cập nhật tình hình nghiên cứu đang diễn ra trên toàn thế giới, trong đó bao gồm các vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm tại Hội nghị như dự báo nhu cầu phổ tần, xu hướng lựa chọn băng tần và công nghệ, phương án nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần di động. Cùng với Hội thảo khu vực Châu Á Thái Bình Dương về công nghệ vô tuyến băng rộng sau 4G, Hội nghị WP 5D được tổ chức tại Việt Nam đã giúp tăng cường uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế về thông tin vô tuyến. Hội nghị nhóm nghiên cứu quốc tế WP 5D sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 19/02/2014.
Nguyễn Ngọc Cảnh, Phòng HT&PHQT