Tham dự cuộc họp về phía Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á-TBD (CASBAA) có ông John Medeiros - Tổng giám đốc phụ trách chính sách của CASBAA, ông Vũ Tú Thành-Phó giám đốc khu vực ASEAN, trưởng đại diện Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Hòa Kỳ-ASEAN.
Phía doanh nghiệp Việt Nam có ông Kiều Nguyễn-Phó giám đốc Trung tâm Vinasat và các cán bộ thuộc Trung tâm Vinasat, công ty Viễn thông quốc tế VNPT-I.
Hiệp hội CASBAA được thành lập tại HongKong ngày 28/5/1991 bao gồm các nhà sản xuất chương trình (content provider): HBO Asia, ESPN, Star TV, CNN và Discovery Networks.
Tới nay hiệp hội CASBAA có 130 thành viên gồm các nhà khai thác, công ty hàng đầu về mạng cáp, vệ tinh, băng rộng và dịch vụ DTH cũng như các mạng viễn thông như Eutelsat, Intelsat, SES, Asiasat, Measat,…; các nhà sản xuất truyền hình đa quốc gia trong khu vực Châu Á và toàn cầu.
Nội dung của buổi làm việc là việc phối hợp hành động giữa CASBAA và Việt nam trong các diễn đàn, hội nghị của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Hội nghị chuẩn bị cho Hội nghị vô tuyến thế giới (WRC-15) của khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APG15-3). CASBAA ủng hộ quan điểm của Việt Nam bảo vệ băng tần C mở rộng (VINASAT-1 đang hoạt động).
Trong chương trình nghị sự ( Agenda Item 1.1) của Hội nghị vô tuyến thế giới (WRC-15) sẽ xem xét, quyết định lựa chọn (tìm kiếm) băng tần mới cho hệ thống thông tin di động IMT. Trong các đoạn băng tần được xem xét để phân bổ cho IMT có băng tần C (3.4-4.2GHz) mà vệ tinh VINASAT đang hoạt động (3.4-3.7GHz). Nếu băng tần C mở rộng được phân bổ cho IMT thì sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động và khả năng cung cấp dịch vụ vệ tinh của vệ tinh VINASAT nói riêng và của các nhà khai thác vệ tinh nói chung.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan đã thông báo cho CASBAA: Việt Nam có quan điểm mạnh mẽ và là một trong những nước dẫn đầu trong mặt trận bảo vệ băng tần C tiêu chuẩn (3.7-4.2GHz) và băng tần C mở rộng (3.4-3.7GHz) cho vệ tinh trước thách thức lấy các đoạn băng tần này cho IMT. Việt Nam đã thiết lập một đội ngũ cán bộ, chuyên gia bảo vệ quan điểm này tại các Hội nghị khu vực chuẩn bị cho Hội nghị vô tuyến thế giới và tại Hội nghị vô tuyến thế giới WRC-15 được tổ chức vào tháng 11 năm 2015 tại Geneva, Thụy Sỹ. Việt Nam cũng đã có sự hợp tác với các quốc gia khác về vấn đề này.
Cục trưởng cũng cho biết thêm băng tần C hết sức quan trọng, các nhà khai thác mạng vệ tinh lớn đều có vệ tinh hoạt động ở băng tần C tiêu chuẩn và một phần nhỏ có vệ tinh hoạt động ở cả hai băng tần (C tiêu chuẩn và C mở rộng). Việt Nam là một trường hợp đặc biệt vì vệ tinh của VINASAT chỉ hoạt động ở băng tần C mở rộng do đó Việt Nam không có lựa chọn khác (băng tần C tiêu chuẩn) nếu băng tần C mở rộng được phân bổ cho IMT. Hơn nữa, Việt Nam đã đầu tư rất lớn vào hệ thống vệ tinh, được đưa và khai thác chưa lâu cần nhiều thời gian để thu hồi vốn. Bởi vậy Việt Nam sẽ phải nỗ lực hết sức, tham gia tích cực tại các diễn đàn, hội nghị khu vực và tại WRC-15 để bảo vệ băng tần C mở rộng cho VINASAT.
Chia sẻ quan điểm của Cục trưởng Đoàn Quang Hoan, Tổng giám đốc phụ trách chính sách John Medeiros cho biết băng tần C tiêu chuẩn và C mở rộng rất quan trọng đối với các nhà khai thác mạng vệ tinh, rất nhiều các đài truyền hình, công ty cung cấp nội dung đang sử dụng truyền dẫn tín hiệu qua vệ tinh ở băng tần này, hàng ngàn người sử dụng truyền hình ở khu vực đang phụ thuộc vào tín hiệu truyền dẫn đó. Bởi vậy Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á-TBD hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Việt Nam và sẽ phối hợp cùng hành động với cơ quan quản lý của Việt Nam tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế và khu vực, tại hội nghị WRC-15 để bảo vệ băng tần C cho vệ tinh.
Bên cạnh đó ông John Medeiros cũng cho biết hiệp hội CASBAA đang dự thảo một báo cáo về vấn đề người dân khu vực Châu Á phụ thuộc như thế nào vào tín hiệu truyền hình qua vệ tinh ở băng tần C, đồng thời ông John Medeiros cũng cung cấp tài liệu chứng minh mô hình dự báo của nhu cầu phổ tần của IMT hiện tại là không thực tế (cao hơn rất nhiều so với thực tế). Đây sẽ là một trong những sở cứ để bảo vệ băng tần C.
Nguyễn Huy Cương