Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình VN họp lần thứ 4

17/06/2014

(rfd.gov.vn)- (Mic.gov.vn) - Sáng ngày 17/6/2014, tại Hà Nội, Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã tổ chức phiên họp lần thứ 4 để báo cáo tình hình triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất và một số nội dung trong công tác kiểm tra, kiểm soát thiết bị thu truyền hình số mặt đất. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Tiểu ban giúp việc Lê Nam Thắng đã chủ trì phiên họp.

           
 
Toàn cảnh phiên họp
 
Theo báo cáo của đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện, việc thành lập 01 doanh nghiệp để thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực Nam Bộ đang gặp khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ. Để đảm bảo tiến độ phủ sóng truyền hình số khu vực Nam Bộ theo kế hoạch, cần tiếp tục vận động để Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long hợp tác thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng chung hoặc tiến hành cấp giấy phép cho một doanh nghiệp thông qua hình thức thi tuyển.
 
Đối với vấn đề truyền tải không khóa mã các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu trên các mạng truyền hình số mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương cần phải phát sóng truyền hình số trước ngày 31/12/2015. Đối với vấn đề sản xuất đầu thu truyền hình số mặt đất, Cục Tần số đề xuất sửa đổi Thông tư 05/2014/TT-BTTTT theo hướng quy định " thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình số mặt đất" thuộc danh mục sản phẩm hàng hóa chuyên ngành TT&TT bắt buộc phải công bố hợp quy.
 
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về quy định gắn nhãn hàng hóa, gắn dấu hợp quy và biểu trưng số hóa truyền hình DVB-T2 để nhân dân và doanh nghiệp hiểu rõ, không kinh doanh hay mua bán STB chuẩn DVB-T. Cục Tần số cũng đề nghị Tiểu ban giúp việc kiến nghị Ban chỉ đạo xem xét việc sử dụng Quỹ viễn thông công ích để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kênh tần số cho các địa phương.
 
Theo kết quả kiểm tra, khảo sát thiết bị thu truyền hình số DVB-T2 sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường Việt Nam của Cục Viễn thông, hiện tại các doanh nghiệp đã nắm được chính sách về số hóa truyền hình của nhà nước và các quy chuẩn QCVN 63:2012/BTTTT. Về việc thực hiện tích hợp truyền hình số DVB-T2 trên các máy thu hình, đa số các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị thu truyền hình đã chủ động thực hiện tích hợp truyền hình số DVB-T2 để cung cấp ra thị trường Việt Nam.
 
Đại diện Tổng công VTC đề xuất Ban chỉ đạo Đề án xem xét phương án xây dựng hàng rào kỹ thuật dựa trên giải pháp kỹ thuật chống tràn sóng để bảo hộ sản xuất trong nước và đảm bảo an ninh kinh tế. Giải pháp chống tràn có thể được thực hiện thông qua việc áp dụng hệ thống mã khóa tín hiệu truyền hình tại phía phát và yêu cầu các thiết bị thu tích hợp tính năng khóa mã để có thể thu được tín hiệu tương ứng. Giải pháp này phải do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.
 
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Nam Thắng chỉ đạo các đơn vị cần đẩy mạnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho Đề án trong giai đoạn tới, đồng thời kết hợp với việc tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn ở địa phương. Cục Viễn thông tiếp tục triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất đầu thu phải có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn để có thể phổ biến rộng rãi tới người dân. Để đảm bảo tiến độ phủ sóng truyền hình số khu vực Nam Bộ, Thứ trưởng yêu cầu Cục Tần số sớm xem xét các phương án chọn lựa để Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long hợp tác thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng chung hoặc là thực hiện thi tuyển cấp phép.
 
 
Thu Hương